Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Con cá trong đời sống người Thái

Thứ tư - 28/10/2009 21:18

Con cá trong đời sống người Thái

Trong đời sống tinh thần của người Thái, các loài cá chính là thần nước, mà nước có vai trò quan trọng trong cả sản xuất và cuộc sống. Cá cũng là lễ vật bắt buộc nhà trai phải đưa sang nhà gái.

Người Thái sinh sống chủ yếu trên các cánh đồng lớn ở Tây Bắc, như Ðiện Biên, Than Uyên, Nghĩa Lộ và Phù Yên của bốn tỉnh khu vực này. Kinh tế chủ đạo là trồng lúa nước.

 

Mọi cánh đồng đều được các nguồn nước tự nhiên do các con suối lớn nhỏ - từ nguồn sinh thủy của các cánh rừng gần xa. Từ các nguồn nước tưới ruộng một cách tự nhiên như thế, cho nên phần lớn đồng ruộng đều có các loại cá theo dòng nước vào.

Các con suối thơ mộng nơi đây vừa tưới ruộng, phục vụ sinh hoạt hằng ngày, vừa là các "Noong Pa" (ao cá) tự nhiên của các bản Thái kề bên. Cá - là nguồn thức ăn chính của người Tháinhờ sự ưu đãi của thiên nhiên, trở thành khẩu phần ăn hằng ngày và quen thuộc của bà con, được khái quát thành câu tục ngữ khá vần điệu: "Pay kin pa, vua kin lẩu, tẩu nòn sứa hốm pha" (đi ăn cá, về uống rượu, đến ngủ đêm đắp chăn (bông), hoặc "khẩu nông na, pa đúc pỉnh" (xôi nếp ruộng, cá trê nướng) hoặc "khẩu Mường Và, pa Sốp Cộp" (lúa ở xã Mường Và, cá ở xã Sốp Cộp - huyện Sốp Cộp, Sơn La bây giờ).

Bà con người Mường cộng cư cùng người Thái cũng có câu thành ngữ ca ngợi con cá quê hương "Cơm Mường Và, cá đák Jớc" (cơm Mường Hoa, tức Phù Hoa, tên gọi xưa của huyện Phù Yên, Sơn La, cá suối Tấc con suối lớn chạy qua cánh đồng Phù Yên, lớn thứ tư vùng Tây Bắc).

Cá - khẩu phần ăn truyền thống đó cũng là đặc sản phổ biến của người Thái lan, Lào Lum (nước bạn Lào).

Cá - không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn được dùng làm lễ vật cúng tế dịp "Xên bản" (cúng thần bản), lễ "kim khẩu hạch" (ăn cơm mới) nón cá đồ (pa nửng) là lễ vật cúng vía (hệt khoăn).

Khi có người ốm cũng không thể thiếu. Trong đời sống tinh thần của người Thái, các loài cá chính là thần nước, mà nước có vai trò quan trọng trong cả sản xuất và cuộc sống bởi "Mí nậm chắng pen na, mi na chăng pen bản" - nghĩa là có nước mới thành ruộng, có ruộng mới thành bản, mà bản (thôn, làng) là đơn vị xã hội cơ sở, nơi hội tụ của mọi hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.

Trong hôn nhân người Thái, "pơ xổm, pa giảng" (cá chua, cá sấy khô) là loại lễ vật bắt buộc nhà trai phải đưa sang nhà gái.

Số cá làm lễ vật dẫn cưới tùy thuộc vào số anh em, cô dì, họ hàng, chú bác bên nhà gái mà chuẩn bị, để nhà trai tặng mỗi gia đình nhà gái một cặp cá sấy khô và một ống cá ướp chua.

Cặp cá sấy khô được đựng trong một "hắp" (giỏ), đan bằng tre hoặc giang kiểu mắt cáo, kiểu "ta leo", luổng hai đầu man thừa thành tua đẹp mắt, không cần cá to mà chỉ là loại cá chép, diếc to bằng hai ngón tay, mổ dọc sống lưng, bỏ ruột, đem phơi nắng, xếp trên gác bếp cho khô, làm quà biếu thân nhân nhà gái, giá trị thì nhỏ, ý nghĩa thì rất lớn.

Còn cá chua làm đồ sính lễlà loại cá nhỏ, mổ xong ướp muối, thính gạo cho chua, rồi đem nhồi vào ống tre tươi, gọi là "boọng" - (boọng và hắp) là biểu tượng độc đáo trong hôn lễ người Thái Tây Bắc.

Nhà gái được nhà trai tặng cặp "boọng hắp" đáp lễ, tặng lại cô dâu, chú rể một số quà ý nghĩa, như gối bông, vải, thổ cẩm, bát đĩa, chiếc địu trẻ em.
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Tác giả: admin

Nguồn tin: sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây