Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Mùa hoa - mùa phượt

Chủ nhật - 24/02/2013 02:20

Mùa hoa - mùa phượt

Khái niệm “phượt” gắn với đam mê xê dịch, trải nghiệm trên đường đi và khám phá, hiểu thêm cuộc sống ở những vùng đất khác nhau. Thả mình trong những không gian bát ngát hoa

Những chuyến “xách ba lô lên và đi” của người trẻ từ lâu gắn với mốc là những mùa hoa. Những ngày cuối năm khi tiết trời rét mướt, khắp diễn đàn các nhóm phượt rộn ràng rủ nhau đến với hoa dã quỳ Ba Vì, hoa tam giác mạch Hà Giang, hoa cải trắng Mộc Châu…

Đầu xuân năm mới lại đến với hoa mận, hoa mơ Mộc Châu, đào rừng Hà Giang, lui một chút về cuối xuân, đầu hạ có hoa ban Tây Bắc, hoa trấu Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang... Như dân phượt Dương Triều (báo Sinh viên Việt Nam) chia sẻ: “Đi vào những mùa hoa khiến những cung đường hiểm trở bỗng trở nên thơ mộng hơn”.

Những ngày sau Tết, trên các diễn đàn xã hội như Facebook, Du lịch - Phượt…, tràn ngập hình ảnh những bông mận trắng tinh khôi, hay những sườn đồi, núi nhuốm màu trắng, màu hồng thắm của đào… Có nhiều lời phát động trên các diễn đàn như “Lại một mùa hoa mận nữa đang tới, có ai đi Mộc Châu, Bắc Hà không?”, hay những lời mời tư vấn kinh nghiệm, hành trang, các điểm đẹp để xê dịch…

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chuẩn bị cho hành trình quay trở lại vùng đất vừa mới đi qua. Như Phạm Thịnh, An Conan (phóng viên một trang thông tin điện tử tại Hà Nội) vừa tận hưởng mùa cải trắng Sơn La trước tết, nhưng đầu năm Rắn này lại hồ hởi chuẩn bị đến với Mộc Châu tận hưởng sắc trắng hoa mơ, hoa mận.

Nguyễn Hùng sau lần “phục trượt” hoa mận Mộc Châu năm trước, năm nay để chắc ăn đã đăng đàn lamchame.com hỏi ý kiến: “Em muốn xin ý kiến của các bác chút là sau tết không biết trên Mộc Châu còn hoa mận không nhỉ? Năm ngoái em đi đầu tháng 3 dương mà mận ra lá hết rồi. Năm nay định đi tầm 14-15 ngay sau tết để canh đúng đợt hoa mận nở rộ”.

Không chỉ vì hoa mà những người trẻ thích xê dịch sẵn sàng phi xe máy, ô tô vượt hàng trăm kilomet đường đèo núi để quay lại một vùng đất mà họ từng qua. Họ muốn hiểu hơn thiên nhiên, cuộc sống con người ở nơi đó vào những thời điểm khác nhau.

Phượt còn là chuyến đi của kết giao. Trong hành trang của những “phượt thủ” còn có cả những túi kẹo, bánh để chia cho những em nhỏ, nụ cười thân thiện… dành cho người bản địa.

Điều này hoàn toàn khác với cách đi của một bộ phận người trẻ thời gian gần đây. Phượt để lấy thành tích đi và mang về là hình ảnh chụp ở nơi đến; phượt một cách liều mạng như ngủ bên khúc cua đường đèo dốc, mạnh ai nấy phi; phượt gây xáo trộn cuộc sống, làm tan tác mùa màng, hay chà đạp lên những giá trị văn hóa… những nơi đi qua như từng xuất hiện trên internet, báo đài.

Diễn đàn phuot.vn từng nhắc nhở và nhận được sự đồng tình của cộng đồng: “Hãy bảo vệ thiên nhiên và văn hóa bản địa nơi bạn đến. Đừng ào ào tới để thỏa mãn bản thân rồi ra đi bỏ lại rác rưởi, dấu tích tàn phá hoa màu và sự tức giận, khó chịu của người dân. Đừng để những chuyến đi sau sẽ phải gánh hậu quả của sự xua đuổi hay những phản ứng tiêu cực của người dân”.
Bài- ảnh: Mai Xuân Tùng (Tiền Phong)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây