Nhà hàng xuân bắc 181

Lễ cúng Đá cùa người Mông Mộc Châu

Thứ tư - 13/01/2016 21:51

Lễ cúng Đá cùa người Mông Mộc Châu

Lễ cúng Đá của người Mông Mộc Châu là một nét đặc sắc tồn tại và được duy trì ở hầu hết các thế hệ, từ đời này qua đời khác.
Cuộc sống nông nghiệp canh tác chăn nuôi gia súc, gia cầm trên núi luôn găn liền với bà con dân tộc Mông. Cũng như bao dân tộc khác dân tộc Mông tại Mộc Châu có rất nhiều các loại lễ như lễ cũng thần lúa, cúng cơm mới… Nổi bật trong số đó là lễ cũng Đá. Lễ cúng đá còn có tên gọi khác là lễ cúng thần chăn nuôi hoặc lễ cúng Thứ Tỷ. Lễ cúng thường được tổ chức vào thời điểm sau tết Mông tức là giáp tết cổ truyền của người Kinh.

          Thật may mắn cho tôi khi có dịp được ăn tết của người Mông và dự lễ cúng thần Đá (Thứ Tỷ) tại bản Tà Số, một bản vùng xa của huyện Mộc Châu.
Theo như lời kể của các cụ trong bản cái tên “Tà Số” khi dịch sang tiếng của người Kinh là “Bản Ấm”, ngày xưa khi lập bản bà con muốn lấy cái tên đó để mong sao có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.



Không khí ngày tết tại vùng núi nơi đây có nét gì đó yên bình, khác lạ so với tết nguyên đán của người Kinh. Từ trẻ nhỏ cho đến người lớn tuổi, mọi người trong bản đều đổ ra sân bóng của bản, tham gia các trò chơi dân gian. như: rồng ấp trứng, ném bóng, đánh cù… Mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Mông.
Rời xa không khí náo nức tại sân bóng, tôi đi theo chỉ dẫn của bà con dân bản leo lên quả đồi và bắt gặp một gia đình đang chuẩn bị làm lễ cúng thần Đá. Cảm giác sẽ rất thú vị khi bạn được tham dự buổi lễ ngày hôm đó, mâm cúng lễ được đặt ở giữa rừng trước một tảng đá rất to được gọi là Thứ Tỷ. Anh chủ nhà không ngần ngại giải thích cho chúng tôi, Thứ Tỷ được hiểu như là thần thổ địa mỗi khu đất, mỗi vùng đất đều có một vị thần cai quản, trông coi nương rẫy và các vật nuôi do vậy trước khi vào mùa vụ canh tác, chăn nuôi mới người ta phải cúng Thứ Tỷ, gia đình nào trong bản có nương rẫy đều phải làm lễ cúng này. Tùy vào từng bản, từng đặc thù địa hình canh tác chăn nuôi để tổ chức lễ cúng, đối với người Mông ở Mộc Châu họ thường tổ chức trên núi, nơi họ nuôi con gà con lợn, địa điểm đó phải có tảng đá to để làm bàn thờ chính, trên tảng đá có dán tiền vàng được dính bằng tiết gà, những thứ dung để cúng gồm thịt gà, thịt lợn, xôi… những thứ mà đã được Thứ Tỷ trông coi trong cả năm.



Khi diễn ra buổi lễ người đàn ông trưởng của gia đình sẽ thắp hương và khấn bài khấn để mời thần Đá (Thứ Tỷ) về nhận những lễn vật cảm ơn của họ. Anh em họ hàng của gia đình đêu có mặt để dự buổi lễ hôm đó, sau khi hương đã tàn chủ nhà mời chúng tôi cùng dùng bữa với gia đình. Ngay tại giữa rừng, mọi người uống rượu chúc mừng gia chủ quả thật là rất thú vị, cái cảm giác nhâm nhi chén rượu ngô giữa rừng, trong tiết trời se lạnh của mùa đông Mộc Châu thật khó quên. Mọi người cùng chung vui nói cười vui vẻ tới khi  tàn buổi.




Lễ cúng Đá (thần Thứ Tỷ) của dân tộc Mông là một nét đặc trưng mang bản sắc văn hoá dân tộc và ý nghĩa rất sâu sắc trong đời sống tâm linh của họ, người Mông luôn tin rằng, sau khi làm lễ cầu thần chăn nuôi thì cuộc sống của họ sẽ gặp nhiều may mắn, chăn nuôi được thuận lợi hơn và như vậy cuộc sống của mỗi gia đình sẽ ngày một khá giả lên. Điều đặc biệt sau khi lễ, họ thường chăm chỉ làm ăn, chăm sóc tốt những con vật nuôi trong gia đình với hi vọng chúng hay ăn, chóng lớn để phục vụ đời sống gia đình và tiếp tục cúng thần vào những năm sau được đàng hoàng hơn

Có dịp tới thăm Mộc Châu vào mùa giáp tết bạn đừng quên trải nghiệm  và tham gia những lễ hội, những trò chơi dân gian, khám phá những phong tục tập quán của bà con đồng bào người Mông. Mộc Châu luôn chào đón các bạn!

Tác giả: Hoàng Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây