Nhà hàng xuân bắc 181

Kiệt tác của non ngàn

Thứ hai - 01/02/2016 23:12
Ai đã từng lên Tây Bắc đều không khỏi trầm trồ thán phục, rung động trước vẻ đẹp trẻ trung, thanh tân, duyên dáng của các cô gái Thái. Con gái Thái da trắng như hoa ban, uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Con gái Thái dịu dàng, đảm đang hiền thục, nổi bật trong bộ trang phục truyền thống. Chiếc váy đen lấp lánh vòng xà tích bạc, thắt lưng xanh, áo cỏm dịu dàng đôi hàng cúc bạc như cánh bướm và khăn piêu vời vợi trên đầu. Sự đồng nhất hài hòa kỳ diệu ấy tạo cho người ta một cảm giác thanh thản trước bộn bề dòng chảy của cuộc sống.
Kiệt tác của non ngàn

Trang phục của con gái Thái vừa đơn giản, vừa cầu kỳ, vừa kín đáo, vừa phô diễn đường nét, vừa rực rỡ trang nhã và không kém phần trang trọng. Váy Thái bao giờ cũng là mầu đen, thường bằng vải mộc tự dệt nhuộm chàm, lanh hoặc nhung the, mặt trong gấu váy bao giờ cũng táp bằng vải đỏ hoặc vải hoa sặc sỡ, mỗi bước đi chân váy uốn lượn thấp thoáng sắc mầu, kiểu làm dáng này kín đáo mà duyên. Điểm xuyết bên hông là bộ xà tích bằng bạc buông lơi tạo một điểm nhấn rất bắt mắt. Tiếp nối giữa váy và áo là chiếc thắt lưng xanh. Từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được các bà, các mẹ dạy cách thắt “Xài yêu” - thắt lưng bằng vải, để lớn lên có thân hình theo tiêu chí: “Eo kíu manh po” - thắt đáy lưng như con tò vò. Tiêu chí về vẻ đẹp của người con gái Thái cũng giống như các thiếu nữ Kinh là phải “thắt đáy lưng ong” thì mới có thể được như mong ước tự bao đời: “Khuôn ẹt tẹt dú lai non lai/ Khuôn liệng ngúa bấu tai, liệng quái bấu sẩu/ Khuôn cót nảu phua mình non song…” - có nghĩa là: “Vía đi vía không chờ/ Vía nuôi bò không chết, nuôi trâu không gầy còm/ Vía ôm chồng nằm kề/ Lứa đôi dây tình bện chặt...”, giống như câu ca của miền xuôi: “Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”.

Kín đáo mà duyên dáng

Thiếu nữ Thái trong trang phục truyền thống.

 

Áo của con gái Thái gọi là “xửa cỏm”, một kiểu áo dài tay may bó sát người, vừa tạo dáng, vừa vun đầy bộ ngực thanh xuân, thường có hai kiểu cổ: Cổ chữ V của người Thái trắng và cổ đứng của người Thái đen. Trước ngực là hai hàng cúc bạc hình ve sầu, nhưng thường là hình bướm, một bên là hàng bướm đực với đầu hình tam giác cùng đôi râu vểnh lên kiêu hãnh, một bên là hàng bướm cái đầu tròn, có lỗ hình thoi. Khi gài cúc (luồn đầu bướm đực vào lỗ trên đầu bướm cái) hai vạt áo khép lại kín đáo, hai hàng bướm chụm đầu vào nhau như trong vũ điệu giao duyên. Con gái chưa chồng, cổ áo cao kín đáo, hàng cúc mang số lẻ như còn chờ đợi cặp đôi. Con gái có chồng cổ áo thấp hơn, hàng cúc áo mang số chẵn như ước mong hạnh phúc vẹn tròn. Người Thái vẫn lưu truyền trong dân gian câu chuyện tình vô cùng cảm động: “Ngày xưa, có một chàng trai cha mất sớm, yêu một cô gái bản tha thiết, nhà nghèo quá không thể tổ chức đám cưới, anh trai bản quyết chí ra đi làm giàu để về xây dựng tổ ấm gia đình. Ở nhà, cô gái và người mẹ mỏi mòn chờ đợi. Đến hôm anh trai bản trở về thì đúng lúc mẹ và người yêu không may mất cùng một lúc. Chàng trai vô cùng đau xót lao đến nơi hai cỗ quan tài đang sập xuống và chỉ kịp nắm được vạt áo của mẹ và người yêu. Khi nắp quan tài đóng lại, trong tay chàng trai chỉ còn hai mảnh vải, hai mảnh vải bay lên trời hóa thành đôi bướm bay lượn bên nhau. Từ đấy cô gái Thái nào cũng đính hai hàng cúc hình bướm trên ngực áo của mình, nơi trái tim son trẻ, để cầu mong cho tình yêu sắt son chung thủy…”.

Gửi gắm tình yêu

Nổi bật trong bộ trang phục của người con gái Thái là chiếc khăn piêu, piêu là một trong những thước đo sự khéo tay của cô gái. Người con gái khi dệt vải, thêu piêu đã gửi cả tâm tình vào đường kim mũi chỉ:

Em làm chiếc khăn piêu

Trao anh cả tấm tình

(Tình ca Thái)

Khăn piêu dài độ một sải rưỡi bằng vải bông nhuộm chàm, hai đầu khăn được thêu cầu kỳ những hoa văn, họa tiết hình mặt trời, hoa lá, dây leo, búp cây guột…, với các màu chủ đạo là đỏ, hồng, vàng, xanh. Các góc và rìa khăn viền vải đỏ và trang trí những “cút piêu” - nút thắt bằng vải, hoặc hạt cườm bọc vải và “xài peng” - tua vải mầu. Truyện cổ dân tộc Thái kể rằng: “Xưa có một mường toàn đàn bà con gái, những người khác giới không được vào, nếu cố tình vào sẽ bị sát hại. Một hôm có chàng trai đi săn “vô tình” “lạc” vào mường mẹ, được một cô gái xinh đẹp che chở và đem lòng yêu. Hai người quyết chí cùng chung bếp lửa. Chàng trai trốn về thưa chuyện với mường bố. Mường bố cho đó là duyên trời định và đem người sang “thưa chuyện” với mường mẹ. Mường mẹ yếu thế lại đuối lý phải gả cô gái cho chàng trai và bỏ lệ cũ, trai gái từ đó được tự do yêu nhau. Mường bố yêu cầu mường mẹ làm chiếc khăn rồi điểm chỉ vào đó “cút piêu” và làm những tua vải hẹn ước “xài peng”.

Khi ngắm các cô gái Thái dịu dàng trong trang phục truyền thống: váy đen bó sát người, “xửa cỏm” – áo ngắn lung linh đôi hàng “mák pém” – cúc bạc hình bướm, khăn piêu bồng bềnh trên đầu như áng mây xuân sớm tôn sắc hồng má đào thiếu nữ, một dải khăn xanh là điểm nhấn nơi thắt lưng và dây xà tích bạc buông lơi bên hông, mỗi người đều như thấy ngân rung trong lòng một cảm giác thanh cao trước một vẻ đẹp hoàn mỹ đến mức thật khó đặt tên, cứ dư ba trong lòng người và chợt thổn thức dâng dâng trong ký ức mỗi khi xa nhớ về Tây Bắc.

Câu chuyện về tình yêu bất tử vượt lên những định kiến và hủ tục lạc hậu ấy sống mãi trong lòng các thế hệ người Thái Tây Bắc, để rồi hôm nay, mỗi khi chàng trai đón nhận chiếc khăn piêu hẹn ước là lồng ngực trẻ trung lại rộn ràng khúc nhạc về tình yêu, trân trọng nâng niu ước mơ cao đẹp về một cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Váy áo tôn khăn piêu, khăn piêu tôn váy áo. Khăn piêu không chỉ để đội đầu, mà còn gắn liền với nhiều sinh hoạt cộng đồng: Trong hội xòe piêu là đạo cụ không thể thiếu, piêu lóng lánh như núi rừng Tây Bắc đang độ xuân thì; piêu bay lên như áng cầu vồng trong điệu xòe tung khăn tuyệt đẹp; hội tung còn, piêu là phần thưởng quí giá cho bên trai khi thắng cuộc; trong tình yêu piêu là tín vật; khi đông về giá lạnh piêu giữ ấm cổ, ngực ai… Khi piêu phối hợp với chiếc áo cỏm trắng tinh, với chiếc thắt lưng xanh như lá rừng, với chiếc váy đen như màn đêm huyền hoặc đã tạo nên một vẻ đẹp thật khó mà đặt tên, cứ dư ba thổn thức trong lòng người mỗi khi nhớ về Tây Bắc. Đặc biệt ở đây còn có sự phối hợp tinh tế giữa văn hóa vải vóc: Bông, lanh, nhung, lụa mềm ấm như làn nước suối xuân với văn hóa kim loại quí: Bạc trắng tinh khôi ẩn chứa đầy bất ngờ như núi rừng mùa đông. Trang phục ấy đâu chỉ che thân, trang phục ấy còn là cốt cách, là văn hóa của người Thái Tây Bắc nói chung và của các cô gái Thái nói riêng. Vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện của các cô gái Thái đã trở thành nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cũng như làm nên sức sống cho bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa…

Bởi vậy, bộ trang phục sinh ra cho các “xao noọng”, em gái - thêm xinh đẹp và chính các em đã làm cho trang phục tuyệt vời kia sống động cái hơi cái hồn của dân tộc mình giữa Tây Bắc ngàn năm vẫn trẻ!

Tác giả: Trần Vân Hạc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây