Du lịch Mộc Châu

https://dulichmocchau.net


Món ngon của đồng bào Thái Tây Bắc - Canh bon

Đồng bào Thái từ bao đời nay gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy. Rất nhiều sản vật nông sản, cỏ cây, hoa lá từ vườn đồi đã được bà con mang về chế biến thành những món ăn đậm đà hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Đặc sản người Thái - Canh bon

Đặc sản người Thái - Canh bon

   Trước đây khi khách đến thăm nhà, bà con trong các bản làng người Thái không mời ăn canh bon vì cây này nấu không khéo sẽ bị ngứa, quan niệm sợ lời qua tiếng lại sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa khách và chủ. Có lẽ cũng vì vậy, theo phong tục của đồng bào Thái ngày cúng cơm tổ tiên thì gia chủ không nấu canh bon. Nhưng bây giờ, canh bón trở thành một món ngon, đã có mặt trong mâm cơm hằng ngày, mâm cơm đón khách của bà con. Từ món ăn dân dã trong các gia đình, canh bon giờ đã được các  nhà hàng dân tộc ở Sơn La chọn làm một trong những món canh chủ đạo để giới thiệu tới du khách gần xa. Chị Nguyễn Thị Hồng, một du khách đến từ Hà Nội đã từng thưởng thức món canh bon của đồng bào Thái Sơn La cho biết: “Khi thưởng thức canh bon này tôi thấy rất ngon. Nó có vị của các loại rau thơm pha lẫn, tạo ra một gia vị rất đặc biệt, đặc trưng của món canh bon của dân tộc Thái”.
   
canh bon2

   Mặc dù món canh bon được làm từ những nguyên vật liệu trong vườn, nhưng người nấu phải kỳ công nhặt hái, cây bon là nguyên liệu chính để nấu canh. Bon ngọt, loại bon có chấm tím ở lá được bà con chọn cây non mang về rửa sạch, tước bỏ vỏ rồi ngâm nước cho hết nhựa (có thể dùng cả rễ non của bon để nấu). Ngoài cây bon, bà con chuẩn bị các loại gia vị như mắm, muối, mì chính, rau thơm trồng trong vườn, đặc biệt là không thể thiếu mắc khén (một loại tiêu rừng có hương thơm đặc trưng), ớt, tỏi, mùi tàu, lá lốt, rau ngót . Nồi canh bon cũng không được thiếu da trâu hoặc da bò. Bà con miền núi thường tích luỹ thực phẩm để khô trên gác bếp. Thường thì khi thịt trâu hoặc thịt bò, da trâu, bò được bà con treo gác bếp cho khô, khi cần dùng đến thì đem đốt cho chín phồng, cạo gọt sạch phần cháy cho vàng óng, mang ngâm nước sau đó đem nấu. Khi da trâu, da bò đã nấu nhừ, bà con cho bon vào nồi nấu khoảng 15 phút, sau đó thả các loại rau thập cẩm, rau thơm, cà (còn gọi là quả mắk quạnh, cà dại), mắc khén...vào nồi.  Khi rau chín, thả một chút gạo nếp đã giã thành tấm cho vào để nồi canh sánh hơn. Thành phẩm nấu xong có mùi thơm ngậy của da trâu, bò, rau thơm và có mùi thơm đặc trưng của mắc khén.
 

   Đến với các bản làng người Thái Sơn La, bên mâm cơm dân tộc, thật là tuyệt khi nhấp xong ly rượu nếp thơm, laị được nhắm kèm bát canh bon do bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị nấu. Món ăn dân dã nhưng chứa đựng tấm lòng hồn hậu mến khách của đồng bào sẽ là lời mời du khách gần xa đến đây không chỉ một lần./.


 

Tác giả: Lường Hạnh – TTTB

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây