Du lịch Mộc Châu

https://dulichmocchau.net


Độc đáo điệu tha kềnh của người Mông

Độc đáo điệu tha kềnh của người Mông
Trong văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Mông, tha kềnh là nét văn hóa đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc. Một điệu nhảy nhưng ở mỗi hoàn cảnh lại mang ý nghĩa khác nhau, nhưng luôn hòa điệu từ động tác nhảy, đến âm nhạc, tinh thần.
Cái tên tha kềnh được gọi theo đúng nghĩa của điệu nhảy. “Tha” là nhảy, “kềnh” là khèn, “tha kềnh” nghĩa là nhảy khèn. Điệu nhảy thường bao gồm có 1 hoặc 4 người thổi khèn cho nhiều người nhảy xung quanh. Người thổi khèn có thể thổi các giai điệu có âm hưởng khác nhau tùy thuộc hoàn cảnh tổ chức nhảy, có thể là giai điệu buồn hoặc tươi vui theo các làn điệu khác nhau. Cũng tùy từng hoàn cảnh mà điệu nhảy quy định số lượng người, đối tượng tham gia, nhưng động tác, cách thể hiện điệu nhảy không thay đổi.
 

Tha kềnh bắt nguồn từ việc làm đám ma tiễn đưa người đã khuất về cõi âm. Trong đám tang, trước khi đưa người chết đến nơi an nghỉ, thường có từ 1 - 4 người (tùy thuộc vào diện tích của ngôi nhà) vừa thổi khèn vừa nhảy giữa nhà gia chủ, không có người nhảy múa xung quanh. Nội dung những bài nhạc dùng trong hoàn cảnh này thường là lời dặn dò của những người đang sống hay gọi hồn người mất về dự bữa cơm… giai điệu bài nhạc buồn, da diết, thể hiện tình cảm thay cho lời nói, tiếng khóc của những người thân, họ hàng, tiễn đưa người đã khuất về nơi chín suối. Trong các đám giỗ, chỉ có duy nhất một người nhảy khèn giữa nhà, bài nhạc khèn là lời mời người họ về dự bữa cơm cuối cùng với người thân, họ hàng, dặn dò đã mất yên nghỉ và phù hộ cho gia đình, con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.
 

Nét đặc biệt của tha kềnh là ngoài ý nghĩa dùng để tiễn đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng thì điệu nhảy còn được sử dụng phổ biến như một phần không thể thiếu trong những ngày tết, lễ hội, hay những đêm trăng sáng, ngày rằm, một dịp vui nào đó của bản. Trong những ngày này, điệu nhảy không quy định số lượng người hay đối tượng tham gia mà tất cả già, trẻ, gái, trai, hay người ngoài bản đều có thể hòa chung trong điệu nhảy vui nhộn. Người thổi khèn sẽ thổi những bài nhạc có giai điệu tươi vui, kể  về đời sống lao động, sản xuất, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình bạn bè thắm thiết. Những người tham gia cùng hòa chung thành vòng tròn, nhảy quanh những người thổi khèn, từng bước nhún nhảy, xoay vòng theo nhịp khèn. Các cô gái thường điệu đà cầm chiếc khăn voan mỏng hay chiếc ô nhỏ màu sắc hòa vào điệu nhảy, váy hoa bồng bềnh theo nhịp bước. Đồng bào Mông đón tết dương lịch khi tiết trời vùng cao còn chìm trong sương mù, lạnh giá, nên những bước tha kềnh sôi động như một cách để làm ấm bầu không khí, để mọi người xích lại gần nhau hơn và cùng nhau đón tết.
 

Chiếc khèn được coi như biểu tượng cho văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, được các nghệ nhân tài hoa chế tác một cách khéo léo, sắp xếp, có sự tính toán để âm thanh phát ra đủ cung bậc trầm bổng. Chiếc khèn gắn với tha kềnh như hai yếu tố không thể tách rời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào, là nét văn hóa đặc trưng của người Mông trên miền núi cao.

 
Thảo Nguyên - Báo Sơn La
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây