Du lịch Mộc Châu

https://dulichmocchau.net


Se lanh dệt vải – nét đẹp của người phụ nữ dân tộc Mông.

Se lanh dệt vải – nét đẹp của người phụ nữ dân tộc Mông.
Ở vùng cao những người đàn ông dân tộc Mông được biết tới với sự kiên trì,bền bỉ khi khoan nòng súng, thì người phụ nữ dân tộc Mông có sự sự tỉ mỉ kiên nhẫn và khéo léo đến lạ thường trong các công đoạn để dệt nên tấm vải lanh. Dùng sợi lanh dệt vải được coi là một nghề có những nét đẹp riêng của phụ nữ dân tộc Mông.

 

Ở vùng cao những người đàn ông vùng cao dân tộc Mông với hình ảnh của sự kiên trì đến bền bỉ đến khó tả với việc khoan nòng súng trước đây, thì người phụ nữ dân tộc Mông có sự sự tỉ mỉ kiên nhẫn và khéo léo đến lạ thường trong các công đoạn để dệt nên tấm vải lanh. Dùng sợi lanh dệt vải được coi là một nghề có những nét đẹp riêng của phụ nữ dân tộc Mông.

Từ chuyện trồng cây lanh đến se lanh và dệt vải được gắn với hình ảnh người phụ nữ vùng cao. Cây lanh được trồng quanh vườn đến độ vừa “nếp” được cắt thành từng bó rồi đem phơi. Vỏ cây lanh được tước ra thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo. Để không tạo thành mấu ở chỗ nối hai sợi lanh được kết lại khéo léo dưới dạng bện dây. Sợi lanh phải được nối dài và tuốt đều vì nó liên quan đến công đoạn dệt sau này. Để có đủ lanh, người phụ nữ Mông đều phải tranh thủ tước và nối các sợi lanh, họ làm kể cả lúc trên đường từ nhà lên nương và từ nương về nhà hay đi xuống chợ huyện... Bước tiếp theo, người ta mắc các sợi lanh vào khung quay cho chúng xoắn lại thành từng cuộn. Để làm cho sợi lanh trắng, cuộn sợi lanh được luộc trong nước tro. Khi sợi đã chuẩn bị sợi xong, việc dệt vải sẽ được bắt đầu. Khung cửu dệt vải lanh khá đơn giản, gần giống với bộ khung cửu dệt vải bông của đồng bào vùng thấp. Nhưng con thoi dệt khá to. Người dệt ngồi trên thanh gỗ nhỏ gác ngang trên bộ khung cửu, khi dệt có sự kết hợp khéo léo của cả bàn chân và đôi tay.

Nghề dệt vải lanh đã hình thành từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết xe lanh thành sợi để dệt vải phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Việc se lanh dệt vải còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất và cách làm ăn của chị em phụ nữ.  Ngoài ra, vải lanh còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Họ quan niệm rằng, sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên.

Vải Lanh bền nên thường được dùng để vẽ hoa văn của váy. Để tạo được những hoa văn in trên tấm vải, người Mông đã nghĩ ra cách dùng sáp ong để vẽ. Sáp ong vẽ lên vải trắng tạo những đường hoa văn theo một mô típ của khối những hình thoi, hình vuông đói xứng. Khi hoàn thiện các hình vẽ, tấm vải sẽ được đem nhuộm chàm. Những đường nét có sáp ong, chàm không ngấm vào được sẽ tạo ra những nét hoa văn chìm trông khá đẹp mắt. Cùng với các đường nét hoa văn vẽ bằng sáp ong, chiếc váy của đồng bào dân tộc Mông được tô điểm bằng những đường thêu với các màu pha trộn khá tinh tế, màu trội  hơn thường thiên về màu đỏ và vàng, tạo lên màu rự rỡ của chiếc váy.

Ở tỉnh ta, ở khắp các bản vùng cao dù là ngành Mông si, Mông đơ, hay Mông hoa, nghề se lanh dệt vải đều gắn với người phụ nữ. Ngày nay nghề dệt vải lanh có giảm bớt, bởi sự có mặt của các loại vải sợi được sản xuất có giá rẻ hơn và phong phú về mẫu mã. Nhưng đa phần phụ nữ Mông vẫn dùng vải lanh để làm váy chuẩn bị cho những ngày chơi tết. Những ngày xuân, ngày hội ở vùng cao, khi chúng ta đến đều cảm nhận thấy cảnh sắc của con người, thiên nhiên như hoà quyện bởi sắc màu rự rỡ của những bộ váy áo của phụ nữ vùng cao. Trong sắc phục đó có sự ẩn chứa của một nghề truyền thống se lanh dệt vải vẫn được gìn giữ cho đến tận hôm nay.

Bài, ảnh: Huy Ngoan

Tác giả: admin

Nguồn tin: sưu tầm

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây