Du lịch Mộc Châu

https://dulichmocchau.net


Những bí ẩn ở Hang Ma Suối Bàng (Mộc Châu)

Những bí ẩn ở Hang Ma Suối Bàng (Mộc Châu)
Hang ma hay Hang Lang Chánh (theo tiếng gọi của bà con người Mường) thuộc địa phận xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu là nơi người xưa chôn cất người chết. Những quan tài thường làm bằng thân cây khoét rỗng đặt lộ thiên trong những hang núi cao…

 

hang-ma-suoi-bang
hang-ma-suoi-bang (1)
hang-ma-suoi-bang (2)
hang-ma-suoi-bang (3)


Bài 1: Hành trình khám phá hang ma Suối Bàng

Bí ẩn sau những hang ma

Đi xe máy hơn 50km theo quốc lộ 43 xuống Bến Trai. Thuê một con thuyền nhỏ chúng tôi xuôi sông Đà về Bến Lồi xã Suối Bàng. Từ Bến Lồi đi bộ dăm km nữa mới đến trung tâm xã. Các cán bộ xã ân cần tiếp đón đoàn. Ông Mùi Văn Thu, Bí thư Đảng ủy xã  thông tin: tại địa phận xã quản lý hiện còn khoảng 80 hang ma, mỗi hang thường có từ 1 đến 35 quan tài. Chiều nay chúng tôi sẽ tìm người đưa các anh lên hang.

Chiều đó, chúng tôi được đích thân chủ tịch xã Mùi Văn Mếu dẫn đường lên hang Khoang Tuống II nơi có khoảng 18 mộ thuyền còn khá nguyên vẹn. Nhìn lên dãy núi dựng đứng ai cũng lắc đầu lè lưỡi nhưng vẫn hăm hở lao lên. Đi được nửa đường trời bỗng kéo mây đen kịt. Đoán ngay trời sẽ mưa, nếu đi tiếp buổi tối xuống sẽ rất vất vả, anh em trong đoàn thống nhất về nghỉ hôm sau sẽ đi tiếp.

Tối đó, bên chén rượu tại gia đình ông Mùi Văn Khương chúng tôi được nghe nhiều chuyện về những hang ma bí ẩn. Theo lời ông Khương, có nhiều truyền thuyết về hang ma. Các cụ kể rằng những ngôi mộ táng trên các động kia đều là những mộ chứa xương của một bộ tộc ăn thịt người. Như vậy những bộ xương trong động là xương những người đã bị ăn thịt. Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Cách đây hàng trăm năm, người Xá và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Do có sự tranh chấp về đất đai họ chọn cách bắn tên để giải quyết. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này. Họ đã đứng ở núi Cắm tên, xã Mường Sang bây giờ bắn tên về Suối Bàng. Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi. Giữ đúng lời giao đấu là không được sinh sống hay săn bắn, trồng trọt nơi đây nữa. Khi chết, người Xá không dám chôn cất người chết trên đất của người Thái đành đưa vào những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi dấu trên các vách đá cheo leo.

Cũng theo ông Khương, các quan tài đều được làm bằng gỗ đinh thối, ngày trước khi đi rừng ông đã từng thấy rất nhiều những gốc đinh thối to bị chặt, có lẽ là chúng được lấy để làm mộ thuyền trong các hang ma. Cách đây vài năm những gốc cây bị mục bà con đào dùng về nên giờ mới không thấy.

Sáng hôm sau, chúng tôi được tận mắt thấy những quan tài bằng gỗ, và tường tận tại sao chúng được gọi là mộ thuyền. Dẫn chúng tôi lên hang Khoang Tuống ở ngay phía sau bản là Trưởng bản Mùi Văn Khâm. Chui qua những đám rễ cây, dây leo chằng chịt. Phát đường mà đi trên những lớp lá cây mục bởi ít người đặt chân tới, khoảng nửa tiếng sau chúng tôi tới khu vực hang. Ngay từ dưới đã nhìn thấy mái hang đá vôi kiểu vòm ếch, miệng hang rộng gần 2m, trần hang thấp. Ngay ngoài cửa đã thấy các mộ thuyền nằm ngổn ngang. Cái đã phủ rêu xanh, cái bị nước thấm xuống mục ruỗng. Khom người chui sâu vào lòng hang mở rộng ra có thêm các quan tài khác. Các quan tài đều được làm bằng một thân cây được khoét rỗng trong lòng theo hình cái bát. Cái lớn dài chừng 2.5 mét, rộng 60 cm, trong lòng khoét rộng chừng 40cm. Hai mảnh nắp và thân quan tài có 2 cặp quai đối xứng nhau cong lên và cong xuống như hình đuôi én (cả 4 đầu quan tài là 4 cặp), cặp quai có đục lỗ hình vuông để nêm chốt khi úp 2 mảnh thân gỗ với nhau.  Cái nhỏ dài hơn 1 mét ước chừng là của trẻ con,  tất cả đều đã bị cạy nắp ra, riêng quan tài phía ngoài cùng còn một mẩu xương, chúng tôi dự đoán là xương tay. Tiến sâu hơn, trong lòng hang có một nhánh sâu hút, gần như thẳng đứng xuống lòng núi. Theo những người dẫn đường thì những quan tài hình thuyền này trước đây hầu hết được kê gác lên các mỏm đá nhô sát với trần hang, phía dưới có những đoạn cột chống, đầu đẽo chạc, hoặc giá đỡ như chiếc sừng trâu một cách chắc chắn. Do có nhiều người tò mò đến xem đã tháo xuống và bật nắp ra xem nên các mộ thuyền bị vứt xuống nằm ngổn ngang, nhiều mộ đã bị vỡ. Cách hang Khoang Tuống một quãng, chếch lên phía chỏm núi bên trái một chút có một cái hang nhỏ hơn, nhưng vách đá dựng đứng trong hang đặt 2 chiếc mộ thuyền. Đôi mộ thuyền này mặc dù đã bị hạ xuống nền hang, nhưng còn khá nguyên vẹn, được đóng nắp và có hộp sọ người phía trong khoang.

Trên hành trình ngược sông Đà trở về Mộc Châu, chúng tôi rẽ vào một hang ma có thể nhìn thấy rõ một chiếc quan tài mộ thuyền đặt chông chênh trên vách đá ven sông. Trong hang có 4 bộ quan tài lớn, 2 bộ quan tài nhỡ, 2 bộ khác nhỏ hơn. Bộ quan tài lớn mỗi đầu có 3 quai, bên ngoài đã mục ruỗng gần hết để lộ một hộp sọ. Theo người lái thuyền, trước đây, hang này cheo leo trên vách đá dựng đứng, cao hơn mặt nước sông Đà, không có đường lên. Nay do tích nước làm thủy điện Sông Đà mới dễ dàng lên được. Người lái thuyền cho biết, ở bản Pưa Ta nơi ông ở có một hang ma chứa khoảng 20 bộ mộ thuyền còn khá nguyên vẹn, nhưng vách đá khó trèo. Trong hang dựng một thân gỗ đinh thối khắc hình một cô gái đang múa.

Chuyến đi Suối Bàng đã để lại những ấn tượng sâu sắc về sự nông nhiệt của người dân bản địa cũng như những nuối tiếc, băn khoăn. Những hang ma này có từ bao giờ? Ai là chủ nhân của chúng? Tại sao và bằng cách nào những quan tài lớn như vậy có thể vận chuyển được lên những đỉnh núi, hang đá cao, độ dốc lớn? Làm sao để bảo vệ những cỗ quan tài cổ trước ánh mắt tò mò, dòm ngó của những kẻ chuyên săn tìm cổ vật, khỏi sự bào mòn của thời tiết, thời gian…

Những câu hỏi ấy xin được giành cho bài 2: Lời giải và những biện pháp bảo vệ hang ma

Nếu còn đủ kiên nhẫn mời xem tiếp bài 2


Bài 2: Lời giải và những biện pháp bảo vệ hang ma

Sau chuyến thăm những hang ma ở Suối Bàng trở về, tôi đem băn khoăn về nguồn gốc, lịch sử… những chiếc quan tài kỳ lạ đi hỏi nhiều người…

Vẫn chưa có lời giải trọn vẹn

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, Viện khảo cổ Việt Nam một người rất nổi danh về Cổ nhân học. Trò chuyện với ông được biết, ông đã từng dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về các táng thức của loài người. Đặc biệt trong quá trình viết cuốn “Bí ẩn phía sau nhục thân của các vị thiền sư” ông phát hiện rằng có 5 hình thức táng cổ: địa táng, thiên táng(cho chim rỉa thịt), thủy táng, hỏa táng, huyền táng. Huyền táng hay táng treo chính là hình thức táng được dùng trong các hang ma. Táng thức này sử dụng khá phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam hiện mới chỉ phát hiện ở Thanh Hóa và Mộc Châu.

PGS Cường cho biết: tôi mới lên được một phía của những hang ma tại Suối Bàng, thấy trong hang còn lại một sọ trẻ em, có thể do thời gian, do một yếu tố nào đó các loại xương khác không còn. Dựa theo những gì còn sót lại có thể dự đoán những quan tài này mới chỉ xuất hiện cách đây vài trăm năm bởi xương ở đây còn rất xốp, nếu để lâu nó đã cứng lại. Cái khó lí giải nhất là làm thế nào để những người xưa đưa xác lên trên các hang đá cao như vậy? Người xưa đã đưa người và gỗ lên rồi mới làm quan tài? Hay là làm sẵn quan tài, đặt người đã khuất vào rồi mới đưa lên hang núi?

Tiếp tục đi tìm lời giải cho những băn khoăn, tôi tìm tới anh Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu. Anh Nguyên cho biết cách đây không lâu có đoàn khảo cổ học của PGS Nguyễn Lân Cường lên khảo sát và có một số đánh giá, dự đoán như sau: thứ nhất, những quan tài cổ có thể của một tộc người nguồn gốc Môn- Khmer (Người Xá, người Khơ mú, Xinh mun) chứ không thể của người Thái hoặc người Mường, bởi nếu là tổ tiên, họ đã phải thờ cúng. Thứ hai, những quan tài có tuổi ước vào khoảng 400-500 năm trước, nhìn vào quá trình phong hóa trên quan tài có thể phán đoán có những cái mới chỉ khoảng 200 năm tuổi. Thứ ba, dựa vào phần xương còn lại trong các quan tài có thể khẳng định những người này có thể hình lớn, cao to hơn người ngày nay.

Như vậy, qua sự tìm hiểu có thể thấy đến nay vẫn chưa có công trình hay nhà khoa học nào có một sự khẳng định chắc chắn về nguồn gốc, lai lịch, cách đưa những quan tài cổ lên hang đá. Tất cả mới dừng lại ở sự phóng đoán mang tính chất tương đối.

Trò chuyện thêm với anh Nguyên được biết rằng tại Mộc Châu còn nhiều xã khác cũng có hình thức táng như ở Suối Bàng. Tại Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, Quy Hướng, Song Khủa, Liên Hòa cũng đều có những quan tài được đặt trong các hang đá. Đồ tùy táng trong các quan tài cũng không có gì nhiều, tuy cũng đã có dấu hiệu của hiện tượng chia của cho người chết nhưng cũng chỉ có bát đĩa, quần áo và vài đồ dùng, dụng cụ đơn giản. Tuyệt nhiên chưa từng thấy hay nghe nói có đồ đạc, báu vật quý.

Cần những biện pháp bảo vệ tích cực

Và trong khi những hang ma cũng như hình thức huyền táng vẫn còn là điều bí ẩn thì thời gian cũng như nhiều người thiếu hiểu biết, nhiều kẻ tham lam đang tìm cách xâm lấn, hủy hoại dần những cỗ quan tài trong các hang đá. Nhiều quan tài bị gỡ xuống, cạy nắp ra vứt ngổn ngang trong lòng hang. Có những cái bị vứt đúng chỗ nước giỏ xuống đã mục nát gần hết, lại có những chiếc khác bị chém mất một góc, vết chém vẫn còn mới.

Ông Mùi Văn Thu, Bí thư Đảng ủy xã Suối Bàng giải thích: gần đây, những kẻ tham lam mò đến hang động để tìm vật cổ trong các quan tài. Người dân cũng có kẻ thuê lấy quan tài loại lớn về làm vai giường, có người lấy mảnh nhỏ làm bao dao. Chúng tôi cũng đã có tổ chức những cuộc họp tại xã, với các bản có hang ma để quán triệt và đề xuất cách bảo vệ.

Anh Nguyên cho biết thêm: hiện huyện đang đề nghị Bảo tàng tỉnh công nhận các hang ma là di tích. Khi đó mới có thể khoanh vùng và bảo vệ được. Các năm qua, Phòng đều đi kiểm tra cũng như có công văn nhắc nhở các xã việc bảo vệ các hang. Đặc biệt, các hang đều ở núi cao cho nên việc giữ gìn chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của nhân dân các bản lân cận. Do vậy, chú trọng nhắc nhở các xã giao việc quản lý, bảo vệ cho các bản. 

Sau bài viết này, những băn khoăn của tôi đã dần được giải đáp, dẫu chưa phải là sự khẳng định song cũng rất đỗi tự hào rằng quê hương Sơn La mình là một trong hai địa điểm trong cả nước tồn tại hình thức huyền táng của người xưa. Cũng hi vọng, mong mỏi những hang ma ấy sẽ được bảo vệ, giữ gìn cho cả các thế hệ sau.



Nguồn tin: ww.dulichmocchau.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây