Mượn tạm một bài viết trên báo sơn la để giới thiệu đặc sản này. Những ai quan tâm đến món cá này và muốn ngồi trên nhà sàn vừa ngắm trời đất MC, vừa muốn thưởng thức nó có thể tìm đến tiểu khu Vườn Đào hỏi anh Thanh, anh Tú
TIỀM NĂNG NHÌN THẤY
Loài cá chúng tôi vừa nhắc đến là cá Hồi vân (Oncorhynchus mykiss), chỉ có ở vùng nước lạnh các nước Bắc Âu như Phần Lan, Na Uy, Thuỵ Ðiển. Tiến sỹ Nguyễn Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản cho tôi ghi chép một loạt dữ liệu: loài cá này sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ nước từ 10-200C; hàm lượng ô xy hoà tan trong nước 7 mg/l; pH dao động trong khoảng 6,7-8,6. Tuy vậy, chúng cũng có khả năng chịu nhiệt độ cao hơn, tới 240C trong một thời gian ngắn và oxy hòa tan ở mức 6 mg/l. Tất cả các loại bể dùng để ươm nuôi cá Hồi đều phải có dòng nước chảy. Vì thế, cá Hồi vân thích hợp để nuôi ở những vùng núi có nhiều suối và khí hậu mát mẻ, tốt nhất là nước đầu nguồn từ các suối hoặc mó nước có độ lạnh gần giống với các nước ôn đới. Rồi ông kết luận rành rẽ, Mộc Châu có thể nuôi được cá Hồi, bởi các yếu tố: nước, nhiệt độ, khí hậu... hoàn toàn phù hợp với loài cá này.
Anh Đoàn Văn Tú (tiểu khu Nhà Nghỉ- thị trấn nông trường Mộc Châu), người mạnh dạn mò mẫm, tự đầu tư nuôi cá hồi cho biết: qua nghiên cứu, tìm hiểu tôi thấy Mộc Châu phù hợp để nuôi cá Hồi nên đã cùng anh Nguyễn Đình Thanh hợp tác đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá hồi tại tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Mộc Châu. Năm 2007, các anh quyết định đào bể nuôi thử 200 con, kết quả khá khả quan: sau 6 tháng, con to có trọng lượng 1,2-1,4 kg, con nhỏ từ 0,6-0,7 kg. Năm 2009, Trên diện tích đất gần 1.000 m2, các anh xây hệ thống kênh dẫn nước bằng bê tông dẫn nước sạch từ mó nước trên núi về 2 bể cá hình tròn có đường kính 8m, sâu hơn 1m, dung tích 50m3, lượng nước chảy vào bể luôn đảm bảo sạch, giàu oxy và tuần hoàn liên tục. Tháng 5-2009, anh lặn lội lên Lai Châu gặp vua cá hồi “Trần Yên” mua 1.500 con cá giống và học hỏi thêm kĩ thuật chăm sóc. Đến tháng 2-2010 anh bắt đầu xuất bán cho người tiêu dùng tại địa phương. Con cá Hồi lớn lên tới 1,3kg, giá bán từ 170.000-180.000 đồng/kg.
Cùng ngắm đàn cá trong bể bơi lội tung tăng dưới làn nước trong veo, mát lạnh, thỉnh thoảng lại có con cá nghịch ngợm lao vùn vụt giữa hai thành bể. Anh Tú tâm sự: lần đầu đưa vào đại trà, lãi chưa nhiều nhưng xem nhiều mô hình, nếu có được giống tốt, nuôi đúng quy trình, có thể lãi 30-40% trừ vốn. Hiện nay, các nhà hàng tại thành phố Sơn La, Hòa Bình đã đồng ý tiêu thụ sản phẩm cho tôi, nhưng sản lượng cá chưa đủ cho người Mộc Châu tiêu dùng. Năm nay, tôi sẽ tăng quy mô hơn.
Tại phòng ăn Công ty TNHH du lịch, dịch vụ Công đoàn Mộc Châu, đĩa cá Hồi xông khói đã được tách lớp da mỏng, thịt cá màu hồng, xen lẫn vân trắng, mùi thơm ngào ngạt. Chị Trần Thị Loan (tiểu khu 2 thị trấn Mộc Châu) chia sẻ: mình ăn cá hồi tại Sa Pa và vài nơi khác, nhưng ăn ở Mộc Châu thấy ngon hơn, thịt ngọt, thơm và không hề tanh. Hôm trước ăn thử thấy hấp dẫn, hôm nay liên hoan cơ quan mình đặt thêm món cá hồi xông khói. Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH du lịch, dịch vụ Công đoàn Mộc Châu bổ sung thêm: Trước đây, chúng tôi thường phải nhập từ xuôi lên với giá 200.000/kg, cá lại không tươi, quan trọng nhất là không chủ động được nguồn hàng. Hiện nay, chúng tôi đang có kế hoạch đặt mua cá hồi tại trang trại của anh Tú để phục vụ thực khách.
KHÓ KHĂN CÒN ĐÓ
Khi được hỏi về giá trị thương phẩm của cá hồi, Tiến sỹ Nam cho biết: Ở thị trường mỹ, giá 1 pound (0,45 kg) cá nguyên con là 3,49 đô la, bỏ đầu và đuôi là 3,79 đô la, 1 pound phi lê (thịt cá) giá 4,3 đô la. Hàng năm nước ta phải nhập cá hồi để cung cấp cho nhiều nhà hàng, khách sạn. Cho nên đầu ra của cá hồi tại Mộc Châu là khá rộng, giá trị kinh tế cao. Anh Tú và anh Thành đang dự định mở rộng trang trại, nuôi thêm cá tầm vì giống cá này dễ nuôi, phù hợp với điều kiện nước, khí hậu ở Mộc Châu hơn cá hồi, mà giá trị cũng cao. Lượng nước thải ra từ các bể cá này sẽ được đưa vào hồ nuôi cá rô, cá trắm... để tận dụng nguồn thức ăn thừa. Tuy nhiên, anh Tú, anh Thành mong muốn có thêm vốn để mua giống, thức ăn, vì tất cả đều phải nhập khẩu với giá thành khá lớn. Hai nữa là kĩ thuật nuôi cá đều do anh em học hỏi từ những người đi trước tại Đà Lạt,
Con cá Hồi vân bước đầu đã thích ứng môi trường sống ở Mộc Châu, những người nông dân như anh Tú, anh Thanh cũng cho thấy sự thích ứng của mình với mô hình làm nông nghiệp mới. Những người nông dân đi đầu như các anh đang cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn của huyện, tỉnh để một ngày không xa ở Mộc Châu không chỉ có thương hiệu chè, sữa mà còn có cá Hồi vân.
Nguồn tin: ww.dulichmocchau.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn