Bắt đầu từ tháng 3 tới tháng 6-7 Mộc Châu bắt đầu rộ vào mùa măng, có rất nhiều loại măng như: măng đắng, măng bương, măng ngọt hay măng lay… tất cả đều mang những hương vị và đặc trưng riêng, nhiều món ăn chế biến từ măng rừng của bà con tại Mộc Châu đã để lại ấn tượng khó quên đối với du khách khi đến với vùng đất này.
Điều thú vị khi du khách đến thăm Mộc Châu đó là sự đa dạng về văn hóa ẩm thực, đối với mỗi dân tộc thì họ lại có cách chế biến món ăn khách nhau.
Người Mông thì có món măng xào ớt đỏ, vị cay xé lưỡi, ăn lúc nóng hổi. Hơi nóng, vị cay xè của món ăn giúp xua tan cái lạnh trong những ngày mưa phùn lất phất của miền núi cao quanh năm gió lộng.
Người Dao ở vùng Tây Bắc ưa măng đắng, măng bương và có cách làm măng chua để dành cho cả năm. Măng thái mỏng, cho vào chum hoặc vại, đổ nước ngập, đậy kín. Măng chua dần sau quá trình lên men, để dùng cho cả năm.
"Sành" ăn măng nhất có lẽ phải kể đến đồng bào dân tộc Thá, măng rừng được người Thái tận dụng và sáng tạo thành nhiều món ăn, hương vị phong phú. Với các loại măng ngọt, măng lay… thì được luộc chín, chấm cùng bát chẳm chéo chế biến công phu. Miếng măng giòn, ngọt quyện với chẳm chéo đủ vị cay, mặn, ngọt, nồng khiến người thưởng thức có cảm giác tê tê nơi đầu lưỡi, hương vị đặc biệt, cuốn hút cứ giữ mãi trong cuống họng.
Măng đắng thì được chế biến cầu kỳ hơn: măng thái mỏng xào với thịt ba chỉ, cho thêm chút mùi tàu, húng quế, mắc khén tạo lên hương thơm ngào ngạt. Măng đắng luộc ăn ghém với lá chát, hấp dẫn, kích thích vị giác của những người mới ăn lần đầu.
Ngoài ra còn có măng ngâm ớt, ban đầu chỉ là thứ gia vị của người Thái, về sau đã phổ biến đến nhiều nơi, các nhà hàng, quán ăn đều có. Sau này lại có thêm nhiều món chế biến từ măng rừng như: măng nhồi thịt, măng khô hầm xương, canh vịt nấu măng, măng nấu thịt chân giò.
Hãy cùng đến với Mộc Châu trải nghiệm đi rừng bẻ măng và thưởng thức các món ăn ngon khám phá những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của bà con nơi đây.