Tạm gác lại câu chuyện nhặt sỏi, chúng tôi tới gần làm quen để trải nghiệm hoạt động này. Chị em khá e dè vì không quen, lại bị quay, chụp lên tivi. Phải mất một lúc lội xuống suối, lân la trò chuyện mới bắt nhịp cùng nhau được.
Những cô gái này, ở bản Nà Lùn, xã Mường Sang, nơi có dòng Suối Sập chảy ngang qua. Cứ đến mùa thu, khi nước về nhiều, trong nhất, sạch nhất, bà con lại xuống suối. Đàn ông quăng chài, phụ nữ nhặt rêu.
Rêu suối có nhiều, và như một món quà của tự nhiên, không cần gieo trồng, cũng không bao giờ cạn kiệt. Nhưng chỉ có ở những vùng nước sạch, bà con người Thái mới lấy về ăn. Và không phải loại nào cũng ăn. Loại rêu mà chúng tôi lấy hôm nay gọi là cay, tức là rêu chỉ dài cỡ bàn tay, mềm, xanh biếc. Cũng không phải mùa nào cũng ăn, chỉ mùa thu đông bà con mới thu hái về, ăn ngay, hoặc phơi để ăn dần.
Theo chân Phúc, cô gái duyên dáng, hay cười bẽn lẽn, chúng tôi đi ngược dòng nước, tìm những chỗ ngọn rêu xanh rỉ rả, lả lướt đổ nghiêng theo dòng nước mà nhẹ tay hớt lấy những ngọn rêu non, mềm mại. Phúc bảo, không phải nhổ cả cây lên đâu, phải đưa tay ngược dòng nước, đón lấy ngọn rêu rồi ngắt lấy một phần bên trên thôi, lấy ở dưới sẽ có nhiều đá, sạn, rác, ăn không ngon.
Cứ thế, chúng tôi thong thả lội ngược dòng nước mát rượi dưới nắng thu vàng óng ả. Lấy được từng chút rêu, Phúc lại tỉ mẩn chọn phần lẫn sạn hoặc già bỏ đi, rồi nắm lại thành một nắm như quả trứng, lúc này lại đến công đoạn đập sơ bằng tay, để nắm rêu ở giữ, rồi dùng hai tay đập vào nhau, sau đó vắt sạch nước, rồi vò vò, rồi lại đập, và lại vắt. Làm thế vài lần cho đến khi rêu chuyển từ màu xanh già sang màu xanh nõn và sạch sẽ thì bỏ vào giỏ.
Tôi hỏi: như này về ướp gia vị rồi nấu thôi nhỉ. Phúc cười, thế thì dễ ăn quá anh ơi! Mang về rồi, còn phải đập, rửa thêm nữa cho thật sạch, thật mềm thì mới đem chế biến được. Khi chế biến cũng không quá cầu kỳ, có thể nướng hoặc đồ lên. Nếu vùi gio thì ướp gia vị mắc khén, xả, ớt… muối rồi gói vào lá dong vùi vào tro nóng (người Thái phân biệt rõ vùi gio và nướng là 2 cách làm món ăn khác nhau). Nếu đồ thì trộn với gạo giã, thêm thịt và các gia vị khác, gói lại, cho lên chõ đồ.
Mới chỉ nghe tả thế thôi, lòng đã bổi hồi bồi hồi thèm thuồng tưởng tượng mùi thơm quyến rũ và vị ngon của món rêu suối - đặc sản Tây Bắc này rồi. Và cũng mới thấy rằng tỉ mỉ thế, tinh tế thế, bảo sao ẩm thực dân tộc Thái lại là linh hồn của các món ăn đặc sản Tây Bắc.
Sau khi được hướng dẫn tận tình, chúng tôi tự mình đi lấy rêu suối. Cả nhóm ai cũng háo hức, phấn khởi lấy thật nhiều rêu để tối làm thử vài món xem sao. Khuôn mặt ai cũng hào hứng, giãn nở, phấn khởi, quên cả những chật vật, khó khăn do dịch bệnh đem lại suốt thời gian qua. Em trai Phúc còn xởi lởi trèo cây sung cổ thụ hái tặng chúng tôi ít sung non về ăn chơi.
Chia tay suối Sập và những người con gái Thái chất phác, dễ mến chúng tôi ra về với nào rêu, nào sung, nào đá, sỏi, cây cối. Thành quả ấy không ấn tượng bằng những trải nghiệm mà không phải lúc nào cũng có cơ hội, có thời gian để được thử.
Dịch bệnh do COVID 19 cũng đem đến những điều tích cực như vậy!