Nhà hàng xuân bắc 181

HIỂU ĐÚNG VỀ VIỆC "CHỌC SÀN" CỦA CÁC CHÀNG TRAI DÂN TỘC THÁI

Thứ hai - 21/02/2022 09:22
Lên Tây Bắc chúng ta thường nghe kể và tếu táo với nhau tục chọc sàn của các chàng trai người Thái khi đi tìm bạn. Nhưng kỳ thực, nó xuất phát từ tục Púc Xao...
HIỂU ĐÚNG VỀ VIỆC "CHỌC SÀN" CỦA CÁC CHÀNG TRAI  DÂN TỘC THÁI
Là người con của dân tộc Thái Tây Bắc, tôi tự thấy mình may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong không gian văn hoá Thái. Được mẹ, được bà nuôi dạy, rèn cặp theo đúng kiểu truyền thống: biết kéo sợi dệt vải, biết may vá thêu thùa, biết “khắp” và biết múa “then” và cũng khá thành thục các phong tục tập quán của cha ông truyền lại... Cũng giống các dân tộc anh em, dân tộc Thái chúng tôi có rất nhiều phong tục tập quán tốt đẹp. Một trong những phong tục đó là tục “Púc Xao”

“Púc Xao” được hiểu như sau: “Púc” nghĩa là gọi, là đánh thức; “Xao” là con gái chưa chồng. “Púc Xao” là đánh thức con gái bằng lời “khắp vay” (một hình thức hát thơ) hoặc bằng nhạc cụ truyền thống (Tính, Khèn, Nhị...) với một âm điệu nhẹ nhàng, ấm áp, đủ nghe, để người con gái thức dậy mở cửa và mời lên nhà trò chuyện. Hiện nay có rất nhiều người nhầm tục “Púc Xao” là “chọc sàn”?

Chúng tôi xin khẳng định: dân tộc Thái không có tục “chọc sàn”. Việc nhầm lẫn “Púc Xao” thành “chọc sàn” phải chăng do “ám hiệu” gọi thức để cô gái đang ngủ tỉnh dậy ra mở cửa tiếp chuyện, nên một vài người gọi đó là “chọc sàn”? Người này gọi, người khác gọi theo mà thành tên gọi “chọc sàn” từ lúc nào không rõ? Chính sự từ hiểu nhầm này mà đã gây bao trí tò mò nguy hại cho những người miền xuôi. Đã không ít kẻ hiếu kì tìm lên Tây Bắc với mong muốn được “chọc sàn” sơn nữ.

Vậy từ đâu có tục “Púc Xao” - “Chọc sàn” mà nhiều người nhắc tới?


Để hiểu tục “Púc Xao” trước hết chúng ta cùng sơ lược về đặc điểm đời sống của cộng đồng dân tộc Thái trước khi bị lối sống đô thị hiện đại “tấn công” và lấn át. Khoảng những năm 80 của thế kỉ XX trở về trước, cuộc sống của đồng đồng bào dân tộc Thái chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên nên vô cùng vất vả. Ban ngày việc ruộng nương, tối đêm dệt vải (phụ nữ), đan lát, chả lạt (đàn ông), sớm dậy giã gạo, múc nước, đồ xôi...gần như chiếm hết quỹ thời gian trong ngày. Vậy nên việc yêu đương, tìm hiểu của gái trai chỉ diễn ra khi đêm muộn. Người con trai tới nhà con gái phải đánh thức, nghĩa là “púc xao”.

PÚC XAO, CHỌC SÀN LÀ NHƯ THẾ NÀO? 

Cách “Púc Xao” như sau: Người con trai đứng dưới sàn nhà, chỗ cô gái ngủ để “Púc”. Chỗ ngủ của cô gái bao giờ cũng được bố trí ở gian ngoài cùng phía “chan” (cuối nhà). Nếu cô gái bằng lòng dậy mở cửa thì họ sẽ ra ngoài sàn trò chuyện. Còn nếu không đồng ý thì cô gái sẽ từ chối hoặc nhờ bố mẹ (người lớn) lên tiếng bảo chàng trai đi về.

Có một điều đặc biệt là trai gái Thái ngày xưa mặc dù họ được tự do yêu đương, tìm hiểu, người con gái được quyền chủ động tiếp chuyện ai, từ chối ai, nhưng không bao giờ họ bước chân xuống cầu thang. Trai gái Thái chỉ tâm tình trò chuyện ở trên nhà, vị trí là “cốc chan”⁽1⁾ hoặc “càng chan”⁽2⁾

Về các trường hợp “Púc”, có thể tạm liệt kê như sau:
  • khi người con trai có cảm tình và bắt đầu tiếp cận cô gái;
  • khi chàng trai theo đuổi và chinh phục cô gái;
  • khi hai người đã yêu nhau; hoặc khi cô gái muốn chia tay, còn chàng trai thì cố níu,...

Phương tiện dùng để “Púc xao” cũng khá phong phú: một là dùng lời “khắp vay(3)”, hai là dùng nhạc cụ truyền thống, ba là kết hợp cả lời “khắp vay” và nhạc cụ, bốn là chỉ dùng lời nói thông thường, năm là dùng ám hiệu (trường hợp hai người đã yêu nhau và hiểu nhau).

Trong từng trường hợp, căn cứ vào thái độ của cô gái và mức độ tình cảm giữa hai người mà các chàng trai sẽ vận dụng nội dung lời “Púc” (giai điệu nhạc “Púc”) khác nhau:
  • Trường hợp thứ nhất: Khi mức độ tình cảm mới có ở phía chàng trai thì khi “Púc xao” chàng trai có thể bày tỏ như sau:
"Tứn ĩ lả tứn ĩ...
Lõn nửng chi pền phắc báu mi cơ đàư
Lõn mặc chi pền cu cánh đồi báu mi na
Ai báu chư tồ hụng chi díp nọng mưa kìn cơ chòm Phà
Ai báu chư tồ cà chi díp nọng pẽng mưa kìn cơ chòm Lạn
Tứn ma tản quam pá vay xường ĩ...
Tứn ma tản quam xường vay bốn ĩ na..."
(Dậy đi em ơi !
Rau đồ, củi không đủ chắc gì đã chín
Anh mến em nhưng nên đôi chẳng dễ
Anh đâu phải diều hâu sẽ chộp em lên vách núi
Anh cũng chẳng là quạ quắp đưa em lên đỉnh núi đá thịt ăn
Em dậy đi để anh tỏ lời thương
Dậy đi em cùng chuyện vui để nhớ...)

Nội dung lời “Púc” thể hiện sự tinh tế, khéo léo khi chàng trai khi mới tiếp cận làm quen. Nếu cô gái vẫn chưa chịu dậy, thậm chí lớn tiếng bảo chàng trai đi về thì chàng trai vẫn kiên nhẫn thuyết phục bằng những lời dịu dàng, nhũn nhặn như trên. Cô gái vì nể tình, vì giữ phép lịch sự nên sẽ dậy mở cửa cho chàng trai. Nếu nói chuyện thấy hợp thì họ sẽ có những buổi trò chuyện vào những đêm tiếp theo.
  • Trường hợp thứ hai: khi mức độ tình cảm giữa hai người đã thân mật hơn, nhưng cô gái vì mệt hoặc ngủ dở giấc không muốn dậy thì chàng trai sẽ “Púc” cô bằng những giai điệu mủi lòng, ví dụ:
"Tứn ĩ lả tứn ĩ
Hịn kìn ai mết to bùng lẹo lò
Nhung kìn ai mết to pựn
Tồ mắt khửn hựn hựn
Chi hảư ai dú xư pền lê
Tứn khày tù hảư ai ĩ..."
(Dậy đi, dậy đi em
Dĩn bâu đốt người anh
Muỗi đậu chích mặt anh
Bọ chó leo người anh
Nỡ nào em để vậy
Dậy mở cửa đi em)
Hoặc thức gọi cô gái bởi những lời đường mật:
"Tứn ĩ lả, tứn ĩ...
Len cốc xí ma bớng đào bản ĩ
Len cốc quản ma bớng đào Vi
Đào Vi tốc xí chè hươn lả na
Piếng phả nọi tốc hươn nhinh
Tứn ĩ lả tứn ĩ...”
(Dậy đi em hỡi, em dậy đi !
Mau ra ngoài sàn trông sao hôm
Mau ra ngoài sàn trông sao mai
Sao hôm sà xuống góc sàn em đó
Áng mây hồng vờn trên nóc nhà em
Em dậy đi, dậy đi mau...)
(Sưu tầm và dịch: Lò Văn Biến)
  • Trường hợp thứ 3: Là anh chàng người bản bản khác (mường khác) họ thường dùng những lời “Púc” như sau:
"Khuăn chai tảu tang quảng tang nháư dàm uồn
Phái tang luồng tang dao dàm nọng
Củ tìn khảm pá mạy dàm nhói eng sài
Ma họt pẽng chơ tiêng đùa đủ
Tảu họt chụ chơ tiêng đùa non
Nghin to meng khá khòn niêu chương cằn họng
Tục xính cỏng lụm phạ khằn dỏn khánh cằn
Chai cọ, mư diều khửn hà pẽng non đồn hảư tứn
Tứn ĩ...lả...tứn ĩ...!...
Báu pền chếp nha non đảy xằng ĩ...
Báu pền xảy nha non lài
Sài Pẽng chụ bùn păn bẩu ló hã ơi!..."
(Anh theo đường dài đường rộng đến thăm em
Vượt đường xa, đường lớn đến thăm em
Nhấc chân cao, vượt đường rừng anh bước
Nhưng đến nơi, em đã say giấc nồng
Người mến thương đã chìm trong giấc ngủ
Chỉ còn tiếng côn trùng rả rích gọi nhau
Côn trùng chốn trần gian cùng đua tiếng
Anh giơ tay gõ nhẹ sàn “em ơi thức giấc”
Dậy đi, dậy đi em!...
Không đau đừng ngủ lắm
Không ốm đừng ngủ nhiều
Người tình trời ban của anh ơi!)

Qua lời “Púc” ta hiểu rằng hai người đã yêu nhau, nhưng vì chàng trai không thường xuyên tới thăm cô gái, nên cô đã giận dỗi không dậy mở cửa. Anh phải năn nỉ, dỗ dành cô bằng cách: gợi nhắc về quãng đường xa vất vả, bày tỏ nỗi lòng thương nhớ của mình dành cho cô. Trước những lời lẽ chân tình, đầy thương yêu của chàng trai cô không thể tiếp tục làm mình làm mẩy và sẽ dậy mở cửa cho anh.
  • Trường hợp thứ 4: Khi “Xao táng bản, táng mưỡng” (gái bản khác, mường khác) đến bản mình: Trường hợp này các anh trai bản sẽ cử người giỏi nhất đến “Púc”. Họ sẽ kết hợp cả lời và nhạc, xin được trích dẫn một đoạn như sau:
"Nọng dú cẳm nặm Ma đàư mã đê?
Nọng dú phạ nặm Te đàư mã đê?
Nọng dú que nặm Muổi đàư mã đê?
Nọng dú huổi nặm nọi ó bók lày lơng đàư ma đê?
Mã họt chạu va mã họt xài đê?
Mã họt chạu pi báu đảy mã nài
Mã họt xài pi báu hê đảy ma tặc te luông tỏn
...............................................
Nọng xào đài hư va mia côn ứn?
Báu hê mi chụ pi sò nài
Xào đài pi sò tản
Tứn ĩ lả, tứn ĩ..."
(Sưu tầm: Lò Văn Sơi)
(Có phải em từ sông Mã đến?
Có phải em từ sông Đà qua?
Hay em đến từ Mường Muổi?
Hoặc từ suối nhỏ mó nước đầu nguồn?
Em đến sớm hay đã quá trưa?
Em đến sớm anh chưa tới chào
Em đến trưa anh chưa tới hỏi
..............................................
Em là con gái hay vợ ai?
Nếu độc thân, anh xin được trò chuyện
Chưa yêu ai, anh xin được tâm tình
Dậy đi em, dậy nhé!)
  • Trường hợp thứ 5: Cô gái thay lòng đổi dạ, mà chàng trai thì không nỡ, trường hợp này chúng tôi có thể dẫn một ví dụ như sau:
"Báu ngương cánh báu ngơ đê
Ai báu tản xàm căm pền pết cợn đê
Báu tản chết căm pền quàng cợn đê, nọng lả ai ơi!...
Báu ngương nọng sài pẽng chi khoàng tà pày lướt le côn ứn xìa lả
Báu ngương nọng lả chi khoàng nả pày côn ứn xìa ai
Quam ổ ai nhăng vạy lứp mòn lo na
Quam xòn ai nhăng vạy lứp xon nạp xửa lo na
Nọng nhăng pày ướng ửa côn ứn xìa ai xịn đê?
Chụ lả chụ lường phương ai ơi
Xường ai xường pé cón ĩ na..."
(Không ngỡ cũng chẳng ngờ
Ba tối không gặp, em đã hoá thành vịt
Bảy tối không chuyện trò, em đã biến thành nai
Anh đâu ngờ em yêu đã liếc mắt nhìn trai bản lạ
Đâu ngờ em thương đã nghoảnh mặt đến với người dưng
Lời thương, anh vẫn để dưới gối
Lời yêu, anh cất trong vạt áo
Sao em nỡ bỏ anh theo người khác
Người tình bé nhỏ của anh ơi
Hãy thương anh như thuở ban đầu...)
Đó là những lời hờn trách của chàng trai: rất đau đớn nhưng lời lẽ vẫn chan chứa yêu thương...
  • Trường hợp cuối cùng là “Púc” hộ: Trường hợp này thường là chàng trai mới bắt đầu tìm cách tiếp cận cô gái. Họ sẽ nhờ những người giỏi đàn, giỏi Nhị, hoặc giỏi Khèn, giỏi “khắp” đến “Púc” hộ. Khi cô gái dậy mở cửa thì chàng trai lên nhà trò chuyện. Đồng nghĩa với việc, người “Púc” hộ đã “hoàn thành nhiệm vụ” của mình.
Trên đây là những trường hợp đi “Púc xao” và một vài đoạn trong các lời “Púc xao” của các chàng trai bản Thái. Các lời “Púc” được sử dụng một cách linh hoạt, có thể dùng bài “Púc xao” riêng, cũng có thể trích dẫn vài ba câu từ các tác phẩm dân ca khác. Nói chung, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ cách ứng xử và tuỳ thái độ của cô gái mà các anh sẽ có những màn đối đáp khéo léo, tài tình...miễn làm sao đánh thức được cô gái đang ngủ mà dậy mở cửa cho mình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh một lần nữa: “Púc xao” không phải lúc nào cũng gọi thức con gái dậy mở cửa bằng những lời ví von, hình ảnh, vần vè như thơ.

Theo ông Lò Văn Sơi, một nghệ nhân đàn Tính (Mường Cang - Than Uyên - Lai Châu) khẳng định: Thời ông, con trai giỏi đàn Tính, giỏi Nhị, lại hát hay là một lợi thế khi đi “Púc xao” tán gái. Tìm hiểu thêm tục này, chúng tôi cũng trao đổi với ông Lò Văn Biến, nghệ nhân ưu tú (Mường Lò - Nghĩa Lộ - Yên Bái) cũng nhấn mạnh: có rất nhiều hình thức “Púc xao”, người ta có thể kết hợp vừa Khèn vừa “khắp” hoặc chỉ “khắp” hoặc Khèn (Nhị) không, còn khi đã yêu nhau rồi thì chỉ cần gọi thức bình thường, cũng có khi chỉ cần ám hiệu riêng của hai người. Còn dùng loại nhạc cụ nào là tuỳ theo mỗi địa phương(4)

Có thể nói,“Púc xao” là cả một nghệ thuật, là bí quyết và năng khiếu của mỗi chàng trai. Chàng trai nào tinh ý biết lựa hoàn cảnh, biết nắm bắt tâm lý của cô gái rồi bộc lộ tình cảm chân thành thì chẳng mấy khi thất bại trước tình yêu. Tục ngữ Thái có câu “Báo bả thứ chàư xào” (“báo bả” chỉ những người con trai ngố ngược nhưng lém lỉnh, hoạt ngôn và láu cá... “thứ chàư xào” là con gái phải lòng). Nội dung của câu tục ngữ muốn nói: các cô gái thường phải lòng các anh thanh niên ngang tàng, láu lỉnh. Bởi vì thường những người như thế họ thông minh và khéo ăn khéo nói. Xét theo tâm lý khoa học thì con gái thường sống bằng cảm xúc nên rất dễ mủi lòng, rất dễ bị những lời ngọt ngào chinh phục. Tục ngữ người Kinh cũng khẳng định: “Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt” là thế.

Nói tóm lại, “Púc xao” là nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, nó đã tồn tại tự bao đời nay, là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Ngày nay kinh tế - xã hội phát triển, con người bị cuốn vào guồng quay của nền kinh tế thị trường, hơn nữa giới trẻ hiện nay sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại: laptop, điện thoại, ipad,... Nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã và đang bị mai một. Tục “Púc sao” cũng không còn nữa, nhưng vẫn được các thế hệ cha anh kể lại, nó trở thành kỉ niệm, và kí ức đẹp của mỗi người dân bản Thái.
(Hoàng Bắc- Than Uyên, ngày 19/9/2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây