Du lịch Mộc Châuhttps://dulichmocchau.net/uploads/logo-dlmc.png
Thứ ba - 06/09/2016 18:51
Đi du lịch Mộc Châu, bạn hãy thử quan sát và tìm hiểu về nhà sàn hay còn gọi là nhà gác-1 nét văn hóa độc đáo, thú vị, để thấy cái tinh tế, khéo léo và thông minh của người Thái
Tôi vốn thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc, và những ngày tháng lang thang du lịch Mộc Châu, tôi có ghé thăm bản Áng. Ngoài rừng thông ra, những ngôi nhà sàn và nét văn hóa thú vị trong ngôi nhà ấy thực sự cuốn hút tôi. Xin chia sẻ cùng mọi người:
Người Thái là dân tộc sống lâu đời nhất ở vùng núi Tây Bắc, họ đã cùng các dân tộc khác kiến tạo nên nền văn hóa vật chất cổ truyền độc đáo:
"Ăn cơm nếp
Uống rượu cần
Mặc Xửa Cỏm
Ở nhà sàn"
Nói đến nét đẹp văn hóa Thái ngoài chữ Thái, các loại lễ ca, sắc phục phụ nữ thì không thể không kể đến nhà sàn hay còn gọi là nhà gác-1 nét văn hóa độc đáo, thú vị vừa mang phong cách kiến trúc riêng vừa phản ánh bản sắc văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của tộc người Thái.
Có thể nói nhà sàn là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng với thiên nhiên, đất trời cùng vạn vật. Từ kiến trúc xây dựng đến nghệ thuật trang trí đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống khách quan được cách điệu hoá đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.
Là một tộc người đã tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm người Thái có nhiều nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, trong đó tiêu biểu là kiến trúc nhà sàn. Việc người Thái làm nhà sàn là do trước kia sinh sống ở núi cao, rừng sâu nên đồng bào phải làm nhà vừa cao vừa vững chắc để tránh thú dữ. Người Thái có truyền thống cư trú ở các thung lũng-nơi có những cánh đồng màu mỡ, ven các dòng sông con suối theo quan niệm "sơn chầu thủy tụ". Họ cư trú thành từng bản, mường với nhiều dòng họ khác nhau.
Khi đi du lịch Mộc Châu, tôi dã dành 3 ngày ở bản Áng, rừng thông tìm hiểu về người Thái, và được biết, Người Thái đến xã Đông Sang huyện Mộc Châu lập bản cách đây 600 năm. Áng có nghĩa là cái chậu khổng lồ (vùng thung lũng này được núi bao bọc tựa như cái chậu). Những ngôi nhà sàn san xát nhau khiến tôi muốn tìm hiểu.
Người Thái rất coi trọng nơi đặt nhà, hướng nhà phải trùng với hướng núi, rộng, thoáng và đặt làm sao để ngôi nhà được hài hòa với thiên nhiên và đặc biệt biệt phải gần nguồn nước. Do đó ngôi nhà sàn đặt ở địa thế tốt là ngôi nhà dựa vào núi, trước mặt là cánh đồng, cạnh nhà có mó nước. Người Thái thường có câu:
"nhà tốt dựng nơi cao ráo
nhà đẹp dựng giữa mường
gió to thổi không xiêu
bão lớn không lay động"
Phần quan trọng nhất của ngôi nhà chính là cột. Cột nhà thường được làm bằng gỗ, lõi tốt, đặc ruột, đường kính tối thiểu là 30cm. Trước đây người Thái thường chôn cột xuống đất sâu ít nhất 50cm nhưng do ngày nay gỗ tốt rất hiếm nên họ thường kê cột trên một phiến đá bằng phẳng để tăng tuổi thọ của cột.
Mái nhà thời xưa được lợp bằng lá cỏ Tranh, lá cọ nhưng ngày nay được thay thế bởi mái ngói vì độ bền cao của nó. Nhà sàn truyền thống có hai mái phẳng hình chữ nhật, hai mái nhỏ cong hình cánh quạt, úp che hai phái đầu hồi. Trông toàn bộ mái nhà từ bên ngoài có hình dáng như chiếc mai rùa hay một chiếc thuyền úp ngược. Hai bên đầu hồi có Khau Cút-một biểu tượng trang trí trên nóc nhà. Trước kia khau cút chỉ đóng vai trò chắn gió cho mái tranh hai đầu hồi nhưng qua năm tháng bằng trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, họ đã mô phỏng tự nhiên, tạo nên những hoa văn, họa tiết trang trí cho khau cút.
Phía dưới nhà sàn thường được để trống nhưng cũng có một số người lại tận dụng để dùng làm nơi dự trữ củi hay vây một góc lại để chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Nếu để ý kỹ ngôi nhà Thái ở bản Áng, ta sẽ thấy chiếc cầu thang bao giờ cũng mang số lẻ thường là 5 bậc,7 bậc hoặc 9 bậc. Giải thích cho điều này các cụ cao niên ở bản Thái cho biết người Thái quan niệm thang lên thang xuống/để túi để đồ/mắc vạ mất của, bởi vậy khi làm các bậc thang người ta không làm bậc số 6 vì đó là bậc mắc vạ mất của. Nhà sàn xưa thường làm hai cầu thang: một cầu thang ngoài dành cho đàn ông thường có 7 bậc mang ý nghĩa là ứng với 7 vía của người đàn ông. Còn thang thứ hai gọi là thang trong có 9 bậc ứng với 9 vía của người phụ nữ.
Bước lên cầu thang là một hành lang khá rộng, được thiết kế với những thanh gỗ rất chắc chắn làm rào chắn vừa đẹp mắt lại vừa đảm bảo an toàn cho mọi người đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ.
Theo chân chủ nhà vào tham quan nội thất bên trong, ta thấy một không gian mênh mông, thoáng mát và được tận hưởng cái hương vị rất riêng của mùi khói bếp. Tùy thuộc vào mảnh đất của gia chủ to hay nhỏ và cũng phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình mà họ có cách thiết kế không gian sống khác nhau nhưng tối thiểu phải có ít nhất 3 gian.
Gian đầu tiên từ cầu thang lên gọi là gian gốc. Đây là gian quy tụ mọi tính linh thiêng của ngôi nhà, nơi diễn ra các lễ nghi thể hiện ứng xử của con người với ngôi nhà. Tại đây có một cây cột gốc to hơn các cây cột khác trong nhà, để đặt bàn thờ thờ tổ tiên. Mọi thành viên, kể cả chủ hay khách đều không được phép bôi nhọ, dựa lưng, gác chân, buộc đồ vật hay treo quần áo vào cột này. Phần cột dưới sàn cũng không được buộc trâu bò hay dựng, treo công cụ lao động.
Nếu ai phạm phải những điều cấm trên, đều bị coi là xúc phạm đến gia đình, tổ tiên và thần linh. Vì vậy gian nhà gốc chỉ dành riêng cho nam giới, phụ nữ tuyệt đối không được ngồi nghỉ hoặc làm việc ở đây. Trong các ngày trọng đại như hôn lễ, ma chay, thì chỉ những nam giới có vai vế trong dòng họ mới được ngồi ăn uống tại gian này. Ở một số gia đình có không gian nhỏ thì gian này được dùng làm nơi ngủ của người con trai trong gia đình,con rể và là nơi mà gia chủ mời khách quý nghỉ ngơi.
Tiếp đến là gian thứ hai là không gian sinh hoạt và ngủ nghỉ của các thành viên trong gia đình. Phòng ngủ của bố mẹ được đặt chính giữa nhà ngay sát gian thờ tổ tiên, ngăn cách nhau bằng một bức tường gỗ.
Kế tiếp là phòng ngủ dành cho con gái. Điều đặc biệt là khi ngủ đầu lúc nào cũng phải hướng vào tường còn chân hướng ra cửa, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong nếp sống của người Thái. Không phải ngẫu nhiên mà phòng ngủ của người con gái lại được đặt cạnh gian bếp mà đó chính là một nét đẹp hết sức tinh tế trong nghệ thuật sống của họ.
Thường thì mỗi sáng người con gái phải dậy từ rất sớm để lo việc cơm nước cho gia đình nên với việc phòng kề bếp khiến họ dễ dàng xuống bếp hơn mà không để phát ra tiếng động nào làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bố mẹ cũng như cả nhà. Trên bếp người ta làm một cái giá to và vững chắc để sấy khô các lương thực, thực phẩm như: ngô giống, lúa giống và sấy khô thịt trâu, bò. Lò bếp là một cái khung hình vuông, cũng có thể là hình chữ nhật rộng chừng hơn 1m2, ghép bằng những tấm ván dày, bên trong có nện đất, đặt ngay trên mặt sàn.
Người Thái sợ nhất là ngôi nhà không có ai nhóm bếp, đó là ngôi nhà không hạnh phúc. Ngọn lửa ấm áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Thái đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay.. Bếp còn là nơi tâm tình của các chàng trai, cô gái khi mối quan hệ của họ đã trở nên thân thiết và được sự cho phép của gia đình.
Không thay quần áo tại nơi nằm ngủ (thay đồ ở phòng riêng). Không treo quần áo lên tường hoặc cột nếu được nghỉ ở gian trung tâm của ngôi nhà.
Khi nằm ngủ, chân hướng ra phía cửa, đầu hướng vào vách.
Khi được mời cơm, đợi gia chủ sắp chỗ (chỗ dựa vách là chỗ của người cao tuổi và khách quý).
Những ngôi nhà sàn bình dị ấm cúng, khói lam thơm thoảng gió đồng, lách cách tiếng thoi đưa, đâu đây da diết một điệu khèn câu khắp, lốc cốc tiếng mõ trâu đàn về bản. Tất cả làm nên một vẻ đẹp trong sáng đậm tình như một bức tranh sơn thuỷ, dân dã nguyên sơ của một nền văn hoá.
Những ngôi nhà sàn theo kiểu cổ này, chỉ còn sâu trong bản, phía ngoài, người dân cũng đã cải tạo sơ bộ để đón khách du lịch. Muốn tìm hiểu sâu, bạn nên vào trong bản, hỏi thêm người dân. Trong bài viết tới, mình sẽ chia sẻ với các bạn 5 nhà sàn cộng đồng đẹp nhất bản Áng cho khách ngủ nghỉ khi du lịch Mộc Châu