Ban thấp thoáng trên những triển đồi.
Đến Tây Bắc giờ, không còn thấy ban ngập trời dọc quốc lộ 6 như cách đây vài chục năm, nhưng nhiều đoạn đường vẫn thấy đẹp như tranh vẽ. Trên bức vẽ ấy, nhà họa sỹ đã phết những mảng mầu vàng óng của tre, trúc, cỏ khô, rồi lại điểm thêm những chấm trắng muốt nổi bật. Cả 2 mảng màu ấy nằm bao quanh bởi màu xanh, xanh biếc của dòng suối long lanh dưới chân đồi, xanh thẳm của bầu trời cao lồng lộng.
Dọc ngang trên đường đều là ban cả. Ban trên đỉnh núi, ban lưng chừng đồi, ban trên vách đá trìa xuống theo thế "huyền nhai"
Trên cao nhìn xuống, qua những khe ban là các thung lũng đang ăm ắp nước chờ cấy,
nhìn xa hơn lại thấy
những nếp nhà trệt của người Mông chon von đỉnh núi
Đến gần thêm 1 chút, thấy những chấm trắng thực ra là những chùm hoa ban đang đong đưa
trên nền xanh của những chiếc lá hình trái tim, của những nụ ban thon thon như búp tay
người con gái đẹp trong sự tích năm nào.
Những chấm trắng ta thấy lúc này vẫn trắng muốt nhưng lại phơn phớt hồng ở cuống,
cánh xòe ra như cánh bướm, và nhị hoa là những chiếc râu xinh xắn
Thi thoảng, xen giữa màu trắng là màu đỏ chói chang của những cây gạo đang vào mùa.
Hoa ban gắn với người Thái cũng từa tựa như hoa đào ăn đời ở kiếp với người Mông vậy, nhắc đến chủ thể là liên tưởng đến loài hoa đại diện. Bởi thế, đi rừng cứ thấy hoa ban là y rằng chỉ bước thêm một đoạn nữa sẽ thấy một thung lũng có những nếp nhà sàn xinh xinh, mùi khói bếp quyện mùi xôi thơm lừng.
Đi mang mang trong mùa ban, bên tai bỗng vọng về câu hát “Nàng Ban xinh đẹp/ Yêu chàng trai Khun/ Tình duyên không thành/
Chết hóa thành ban.... lại nhớ về tình yêu rất mực thủy chung của người thái tây bắc.