Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Say Tà Phình

Thứ năm - 17/01/2013 21:07
Đôi lúc, khi nhìn những bức ảnh về một Mộc Châu thân quen, tôi lại thấy một Tả Phình khác biệt. Đó là Tà Phình xanh. Khách đến Tà Phình không uống rượu ngô thì không phải là khách quý. Men rượu ngô Tà Phình là chất kết dính tình thân giữa chủ và khách…
Say Tà Phình
Kỳ 1: Tà Phình Xanh
Xanh trong cái lạnh se sắt
Xanh, trong mơ hồ, trong ảo giác. Dường như xanh, của một miền nào đó không có thực. Xanh trong cái lạnh se sắt, xanh trong nơi nào có độ nắng mong manh, hiu hắt và, nắng cũng xanh. Tôi không thích đi Tà Phình mùa nắng, tôi đặc biệt ghét cái nắng chang chang vô duyên, tôi chỉ thích đi Tà Phình lúc cái lạnh ào đến, dữ dội, khắc nghiệt nhất, hoặc lúc chiều tà bảng lảng, mà nếu tinh ý, sẽ bắt được những khoảnh khắc đẹp với một không gian mơ hồ. Ở đó, những rặng cây mận, cây đào già tuổi, thân cằn cỗi nhưng ở những đầu cành, đầu nhánh tất thảy đều nảy các nụ mầm xuân mới, tràn đầy sức sống.
Ở đất Tà Phình, khi chiếc xe lướt trên con đường nhỏ, con đường cũng xanh trong sương mờ, hai bên là những thung lũng đào, thung lũng mận. Càng giá lạnh, hoa càng đắt giá. Bởi chúng không phải thứ hoa bung ra dưới nắng, toe toét buộc phải nở vì nắng. Bởi trong khắc nghiệt của thời tiết, hoa không đua nhau nở tưng bừng, mà chỉ e ấp, chúm chím, hé từng chiếc cánh trắng hồng. Đi là tìm cảm giác. Và cảm giác được ngắm những nụ hoa từ trong buốt giá nở bung ra, càng có nhiều cản trở của mưa gió và giá lạnh, hoa càng đẹp, càng kiêu kỳ mặn mà, càng căng tròn viên mãn…
 
Con đường xanh ấy, dẫn tới những ngôi nhà nhỏ của người Mông trong bản Tà Phình. Hình như cả làng, đang chờ những người khách đến cùng ăn tết, cùng chạm nhau bát rượu đầu xuân.
 
Đứa trẻ ngây thơ đôi mắt biếc
Nhưng chưa xong, dọc đường đi, qua những thung hoa mận, những cao nguyên chè xanh mênh mông, và nhất thiết là phải trong cái ánh xanh mơ hồ, sẽ có một vài đứa trẻ. Chúng xuất hiện, như trong một bức tranh phong cảnh cần sự xuất hiện của con người. Dường như chúng mang lại hơi ấm, bởi, trẻ con là sức sống non tơ khởi nguồn cho một hành trình dài. Bọn trẻ mặc quần áo của dân tộc chúng, có thể là phong phanh, có thể cũ rách, có thể là chính đôi mắt của bạn đang nhìn lũ trẻ và thấy như vậy. Có thể chúng cũng đang nhìn bạn, và nghĩ bạn như một nhân vật hành tinh khác lạ lẫm, ăn mặc như thế, là thành thị đấy, là hiện đại thì phải như thế đấy. Hoặc cũng có thể là chúng chẳng thèm quan tâm tới bạn làm gì, các bạn đến mảnh đất nơi chúng sống, thế thôi.
 
Tết Tà Phình cũng chính thức trong ba ngày nhưng có thể kéo dài cả một tháng với những trò chơi lễ hội. Trong ba ngày tết ấy, lũ trẻ thường chỉ có ngần này trò chơi: Ném còn, chơi quay, đá bóng. Trò chơi đơn giản nhưng sao gợi nhớ đến tuổi thơ một cách da diết nhất, đó là tuổi thơ nghèo khó trong một đời sống giản dị, người với người còn gần gũi, yêu thương nhau.
 
Những tiếng cười rộn rã, ngây thơ hồn nhiên trên đôi má ửng đỏ của bọn trẻ. Đây là ngày Tết- những ngày chúng được mặc đẹp, được ăn ngon, được đi chơi. Chứ rồi lớn tí nữa, chúng lại đi chơi với các cô gái yêu, đi… bắt vợ. Sau rồi lại loanh quanh ruộng nương con trâu, bát rượu, con cái… Vòng quay cứ thế là vừa hết một đời người…   
 
Kỳ 2: Rượu ngô say nồng
Khách đến Tà Phình không uống rượu ngô thì không phải là khách quý. Men rượu ngô Tà Phình là chất kết dính tình thân giữa chủ và khách…
 
Chiều 30, vợ ông trưởng bản đã cẩn thận sắp mâm cơm cúng. Ban thờ thường được đặt ở góc chính diện trong ngôi nhà. Đồ vật xung quanh đã được dán giấy vàng, hỏi ra mới biết theo tập tục ở đây, khi con người nghỉ tết, thì cũng phải cho đồ vật nghỉ ngơi. Chiếc giấy vàng được dán lên từng cái cuốc, xẻng, cối xay gạo, máy xay lúa, bao phân đạm, cái chổi góc nhà… Chỉ có bếp lửa là vẫn bập bùng, bập bùng. Vài đứa trẻ đang ngồi quây quanh bếp. Lủng lẳng trên giàn bếp là những súc thịt trâu đã qua mấy mùa hun khói chắc nịch chờ Tết và chờ khách mới được hạ xuống. Một chú gà mới luộc được treo bằng một sợi dây ròng từ trên nóc nhà xuống e chừng là treo lên thế này, không hiểu là tránh chuột bọ hay trẻ con tí toáy, hay lại định hun khói con gà vừa luộc. Không có lý nào có thể giải thích, nhưng chỉ có thể tự nhủ, chắc đây là một kiểu của người dân tộc. Bạn cứ tưởng tượng mà xem, có phải lúc nào trong bếp một người Mông cũng có một con gà mới luộc treo lủng lẳng như chờ đợi đâu. Tết. Chỉ có Tết, Tết mới có thể có những điều thú vị như vậy. Và Giàng ơi, đã đến một nhà trong bản, thì phải đến lần lượt cho đến hết từng ấy nhà trong bản. Có bản 4 nhà, nhưng cũng có bản 10 đến 12 nóc nhà. Khách quý là khách phải đi đến hết từng ấy ngôi nhà. Nếu bạn mải ngồi một nhà quá, thì người nhà kia đã “chực” sẵn ở ngoài để dắt bạn về nhà. Và bước vào nhà, là một mâm có hai hàng bát đã rải sẵn chờ khách quý. Men rượu ngô say nồng rót đến là khéo từ tay cô con gái Mông. Hai má cô cứ đỏ hồng làm cho khách khó kìm lòng mà không buông lời tán tỉnh hỏi thăm. Nhưng người Mông chân thật và đáng yêu lắm, chẳng thể nào lỡ đem cái gian dối hay giăng hoa ở miền xuôi mà lên đây làm gì, tội lắm. Chính vì thế mà khách, mới là khách quý; khách quý, nhưng kiểu gì cũng gục khi òa lên, biết đây mới chỉ là nhà thứ 6- còn những 5 nhà nữa phải uống rượu để báo đáp ân tình của người Mông Tà Phình. Thế là diễn ra cảnh khách bước vào nhà người Mông, vội vã đi tìm cái giường, nằm gục xuống. Còn chủ thì nhẫn nại, ra kéo tay kéo chân, mong cho người khách tỉnh lại, đặng còn cụng nhau chén rượu ngô, ăn với nhau chút thịt trâu hun khói. Tết nhất, ai lại để khách quý nằm gục thế kia, phải cùng nhau tâm tình, thế nó mới ấm lòng lại. Tà Phình ơi, tôi có còn muốn tỉnh giấc không khi tình xuân cứ rạo rực quanh đây, khi bóng dáng của người con gái Mông trong bộ váy xòe thật đẹp thấp thoáng đâu đây!

Bài: Tuệ Thư Ảnh: Đoàn Thắng

Nguồn tin: sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây