Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Chuyện chưa kể về thảo nguyên Mộc Châu

Thứ hai - 30/09/2019 04:43
Mộc Châu – một huyện miền núi của tỉnh Sơn La khiến ai có cơ hội đặt chân đến đều không khỏi ngỡ ngàng. Bởi, ngoài những đồi chè ngút ngàn, những con đường quanh co chạy xuyên qua rừng mận, đào đang bung nở hoa vào mỗi dịp xuân sang… thì nơi thảo nguyên này còn có những đàn bò sữa say sưa ăn cỏ đẹp như tranh giữa đồng cỏ xanh mướt.
Chuyện chưa kể về thảo nguyên Mộc Châu
   


Đặt chân đến thảo nguyên xanh này, bạn sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành với bốn mùa thu gọn chỉ trong một ngày, cảm nhận sự yên bình, mộc mạc, được sống cùng những người nông dân chăn bò thật thà, chất phác. Và mỗi sớm mai thức giấc, một ly sữa tươi thơm ngon nóng hổi đang chờ bạn giữa tiết trời se lạnh… Đừng tiếc, hãy dành chút ít thời gian để khám phá vùng đất thú vị sản sinh ra dòng sữa mát lành!

Nhiều người lên Mộc Châu chắc hẳn đều biết, ở đây có một thị trấn Nông trường Mộc Châu nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò sữa. Thế nhưng, không phải ai cũng hay rằng, Nông trường Mộc Châu chính là vùng đất tổ của nghề chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam.

Đó là năm 1958, khi Nông trường Mộc Châu, tiền thân của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, được thành lập. Những người lính Cụ Hồ khi đó bắt tay vào khai hoang vùng Tây Bắc và nhận nhiệm vụ chăn nuôi bò sữa lẫn bò lai Shind. Một năm sau, ngày 9/5/1959, Nông trường vinh dự đón Bác Hồ tới thăm. Những người lính thời đó, bây giờ đã là những người “lên lão” tại Nông trường nhớ lại lời Bác căn dặn:: “Các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa 1 ngày, nhưng khi xây dựng CNXH khá thì nhất định không phải là 7 lít mà phải 27 lít hoặc hơn nữa”. Trước khi chia tay, Bác đã lưu lại trong sổ truyền thống của nông trường 16 chữ vàng:
 


16 chữ ấy của Bác Hồ như một động lực lớn lao để những người ở lại Nông trường khi đó quyết tâm thay đổi vùng đất này. Thời điểm bắt đầu bừng sáng của thị trấn Nông trường Mộc Châu là vào những năm 1974-1975, khi người dân nơi đây được nhận 884 con bò sữa HF, được chính cố lãnh tụ nổi tiếng Cu Ba Fidel Castro tặng nông trường trong lần đầu sang thăm Việt Nam.

Không chỉ thế, cố lãnh tụ Fidel còn xây tặng 10 trại bò hoàn chỉnh, 1 trại bê và những trại vắt sữa. Phía Cu Ba cũng trang bị cho chúng ta những thiết bị hiện đại nhất thế giới để phục vụ quá trình chăn nuôi. Ví như, trại 9 có máy vắt sữa bò được mua từ Thụy Điển - loại máy tốt nhất thế giới; hay những trại khác cũng được lắp máy vắt sữa của Ý,...

“Có đàn bò sữa, điện, nước và đường bê tông cũng theo về Mộc Châu. Bây giờ, chúng tôi có thể tự hào rằng những người chăn nuôi Mộc Châu đã kế thừa và phát huy tinh thần mà Bác Hồ đã để lại trong 16 chữ vàng ấy, đã tiến lên rất hăng để đàn bò sữa đã có thể đạt được năng suất 27 lít sữa một ngày. Có những con bò cao sản, năng suất còn lên tới 45- 50 lít/ngày. Người nông dân Mộc Châu bây giờ không chỉ ấm no mà đã làm giàu bằng chính nghề chăn nuôi của mình” – Ông Trần Công Chiến – Tổng Giám đốc của Mộc Châu Milk nói, đầy vẻ tự hào
 



Nhưng để có được thành quả đáng tự hào như hôm nay, ngoài tinh thần “tiến lên rất hăng” ấy, những người chăn nuôi ở Mộc Châu đã phải “nuốt nước mắt” vào trong để vật lộn và vượt lên trong những thời điểm khó khăn.

Ông Trần Công Chiến, người mà cả vùng Mộc Châu gọi là “Chiến bò” đến bây giờ vẫn luôn nói nếu không có những quyết định đúng lúc thì không biết Nông trường Bò sữa sẽ đi về đâu?

Sau khi được tặng bò và phát triển đàn bò sữa đến hơn 2.800 con vào những năm 1987- 1988 thì Nông trường Mộc Châu rơi vào cảnh người không có ăn, bò cũng đói, ngân hàng thì không cho vay vốn, trong khi sữa vẫn tắc đầu ra vì không có nhà máy chế biến. Đỉnh điểm là sữa vắt ra không có đơn vị thu mua, người chăn nuôi phải đem ra đổ trắng đồng. Cán bộ công nhân viên đành phải lấy sữa trừ vào lương.
 


Bao giờ cũng vậy, trong cái khó ló cái khôn, Ông Chiến “bò” trong lúc cơ cực thì nghĩ đến “Khoán”. Chỉ có Khoán hộ chăn nuôi gắn lợi ích của người nông dân với công sức của họ mới thoát được cảnh nghèo này. “Bây giờ nghĩ lại có lúc mình vẫn toát mồ hôi. Lúc bấy giờ là khoán chui, khổ quá thì quyết phải tìm ra cách làm mới cho đỡ khổ chứ không thể ngồi im chờ chết được. Có nhiều ý kiến trái chiều, người nói vào, người nói ra…những tôi và anh em lãnh đạo khi đó vẫn quyết và làm”.

117 con bò được khoán cho 17 hộ nuôi thí điểm. Những còn bò còn lại thì tập trung thành một trại giống. Thức ăn tinh, thuốc thú y,... cũng được chia đều. Nguyên tắc khoán khá đơn giản: giao sản lượng và thanh toán theo định mức. Công ty đóng vai trò làm “bà đỡ”, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và công tác thú y.

Ngờ đâu, chỉ sau 6 tháng, chính những người nông dân chủ động đề nghị khoán hộ rộng. Năm 1990, lãnh đạo nông trường Mộc Châu đã ra một quyết định lịch sử, đó là xây dựng phương án khoán hộ rồi bắt tay thực hiện ngay.
 


"Thực sự, tôi cũng đi khá nhiều nước trên thế giới, những nước mạnh về chăn nuôi bò sữa thì đều áp dụng mô hình hộ. Dù to dù nhỏ, thì vẫn là mô hình hộ. Tôi nói với những công nhân của tôi là: Các ông vẫn là những người nông dân thôi, nếu không gắn với lợi ích thì các ông làm không ra gì. Nhưng nếu là sở hữu của ông, ông phải làm cho được, cho ra thì thôi. Và đến bây giờ, tôi vẫn cho mô hình hộ vẫn là đúng. Nông dân giàu, tôi mừng”.

5 năm sau khoán hộ, ban lãnh quyết định “vay tiền” xây nhà máy chế biến sữa tươi tiệt trùng. Thương hiệu Mộc Châu Milk ra đời, giải được bài toán “sữa nguyên liệu” giá rẻ. Những sản phẩm sữa tươi mang thương hiệu Mộc Châu Milk thực sự đánh dấu bước “lột xác” ngoạn mục, khép kín chuỗi sản xuất – kinh doanh kín:” chăn nuôi – chế biến sâu – kết nối thị trường” mà người Mộc Châu vẫn mong đợi bấy lâu nay.

2 Cuộc vật lộn – 2 quyết định thay đổi Nông trường Mộc Châu giờ đây thực sự là những quả ngọt. Mộc Châu bây giờ tự hào là vùng nguyên liệu sữa tươi lớn nhất miền Bắc, nơi không chỉ có thương hiệu sữa Mộc Châu – Thảo nguyên xanh, sữa mát lành như câu slogan của họ. Đằng sau đó là những người nông dân hạnh phúc với công việc của họ, là cuộc sống đầy đủ và đời sống an sinh xã hội được đảm bảo. “ Chúng tôi đã có gần 600 trang trại, trung bình 40 con/trại. Trại nào cũng được trang bị máy móc hiện đại phục vụ công việc như là máy vắt sữa, máy cắt cỏ… Nông dân cưỡi xe ô tô giao hàng, đời sống sung túc. Đó mới chính là hạnh phúc của chúng tôi, những người chăn bò trên thảo nguyên Mộc Châu”- Ông Chiến nói, vui sướng.

Lên Mộc Châu những năm gần đây, hẳn nhiều người sẽ thấy tự hào về một vùng thảo nguyên xanh tươi và trù phú, những trang trại bò sữa bề thế nằm xen lẫn bên những sườn đổi. Khung cảnh “đẹp như Tây”!

Anh Dương Văn Nội là người quê ở Nam Định. Gia đình khó khăn, nên ngay khi lập gia đình, năm 1995, 2 vợ chồng Nội bàn nhau ‘thoát ly”, đi làm thuê cho người bà con ở một trang trại bò sữa Mộc Châu. Vài năm sau, nhận thấy bò sữa có thể giúp mình thoát nghèo, hai vợ chồng Nội xin ra làm riêng, mở trang trại nhận nuôi khoán bò sữa.

“ Lúc đó nghèo quá, hai vợ chồng chỉ có đúng hai bàn tay và sức khỏe. Không có tiền mua máy móc thì dùng sức khỏe mà làm. Cắt cỏ,vắt sữa, tắm rửa cho bò… đều phải tự tay làm tất. Thế rồi đàn bò cứ đông dần lên. Cuộc sống cũng khá lên nhiều rồi”

Nói “ khá” là Nội còn khiêm tốn. Với đàn bò sữa có hơn 80 con như hiện nay là Nội đang nắm trong tay cơ ngơi vài chục tỷ.Trang trại khang trang, đầy đủ các thiết bị hiện đại, Dương Văn Nội là một trong rất nhiều tỷ phú trẻ của vùng đất Mộc Châu này.

Tại Mộc Châu Milk, giờ đây những trang trại “ triệu đô” không còn là hiếm. Đã có những trang trại quy mô 150 – 200 con bò sữa mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng cho người chăn nuôi. Người Mộc Châu giờ đây đang dần chuyển sang tư duy làm ăn lớn, đầu tư bài bản, có hệ thống quản lý rõ ràng.

Anh Phạm Hải Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách chăn nuôi của Mộc Châu Milk cho hay: “Mộc Châu ngày càng có nhiều người trẻ chọn khởi nghiệp bằng bò sữa. Có những người là con em của công nhân nông trường Mộc Châu nối nghiệp cha mẹ, có những người mới toanh. Mộc Châu thay đổi cũng chính nhờ những những tư duy tươi mới như thế”


Mộc Châu giờ đây đang thay đổi mỗi ngày. Từ vùng thảo nguyên bát ngát đã trở thành một vùng du lịch thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm. Các trang trại bò cũng phải chuyển mình cho hợp “thời đại mới”.

Có lẽ cái câu slogan “Thảo nguyên xanh – Sữa mát lành” bỗng lại trở thành “sứ mệnh” của người sản xuất sữa Mộc Châu. Từ gần 600 trang trại ấy, mỗi buổi sáng sớm và chiều muộn, ngay sau 2 ca vắt sữa bò, tất cả số sữa thu mua trong từ các hộ chăn nuôi sẽ được vận chuyển về nhà máy bằng xe chuyên dụng. Dây chuyền sản xuất hiện đại với công nghệ sản xuất sữa theo tiêu chuẩn châu Âu hoạt động tất các ngày trong tuần, thậm chí cả ngày nghỉ và lễ tết để đảm bảo không có sản phẩm sữa tươi luôn được tươi ngon nhất. Thương hiệu Mộc Châu đã đa dạng hơn với hàng chục sản phẩm được đưa ra thị trường và được thị trường chấp nhận.

  • Bài: Mộc Châu Milk | Thực hiện: Multimedia VietNamNet

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây