Từ đầu tháng Chạp, khi những bông lúa trên nương đã được chuyển về nhà, gác lên sàn, người Thái bắt đầu sửa sang lại mái nhà, tổ chức việc cưới gả vợ, gả chồng cho con đồng thời cũng chuẩn bị mọi thứ cho ngày tết như: kiếm cá, lấy lá dong, chất thêm củi dưới sàn, mua sắm thêm bát đĩa, quần áo mới cho trẻ nhỏ…
Ngày 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng trong năm có đủ dân mường trên, bản dưới người Thái, người Mông, người Kinh… tụ về náo nhiệt kẻ mua người bán. Các cô gái Thái thường mặc những bộ áo váy, khăn mới nhất với đủ màu sắc đến chợ.
Theo tập quán, ngày 28 tháng Chạp, các bản người Thái thường tổ chức tổng vệ sinh, sửa sang đường đi, lối lại trong bản. Tối 29, cả gia đình ngồi quây quần bên bếp lửa gói bánh chưng. Người Thái gói bánh chưng theo nhiều kiểu: kiểu hình vuông tượng trưng cho chiếc gùi; kiểu bánh dài, hình tròn (bánh tày) tượng trưng cho cái gậy; kiểu bánh có hai nửa, hình đuôi con ốc kẹp đôi.
Cũng khác với nhiều dân tộc khác, bánh chưng của người Thái thường gói rất nhỏ và ít khi bỏ nhân. Đặc biệt, số lượng bánh bao giờ cũng là số chẵn. Trong số chẵn đó một nửa được gói bằng gạo nếp trắng, một nửa trước khi gói người ta trộn gạo nếp đem giã rồi trộn với than củi rơm sàng sảy kỹ rồi mới gói, khi luộc chín có màu xanh đen. Vốn là cư dân quen ăn nếp, nên bánh chưng được coi là lễ vật đầu tiên đặt lên bàn thờ ma nhà.
Sáng 30 Tết, công việc đầu tiên là nhóm bếp đặt nồi bánh chưng dưới gầm sàn nhà hoặc bên cạnh nhà. Bánh được luộc từ sáng sớm cho đến chiều tối mới vớt. Cũng vào sáng 30, mỗi nhà thường thịt con lợn to nhất để cúng tổ tiên.
Bến nước là nơi người Thái tẩy rửa sạch những điều không may, không tốt trong năm cũ để đón nhận niềm vui mới khi xuân về. Tất cả phụ nữ trong bản, khi công việc trong nhà đã xong, chiều tối ra bến gội đầu với mong muốn gội sạch những điều rủi ro của năm cũ để chuẩn bị đón năm mới. Trẻ em thì mang các đồ gia dụng ra bến rửa. Còn trụ cột trong gia đình (người đàn ông) dỡ chiếc chiếu trên bàn thờ ma nhà đem ra bến nước giặt và thay vào đó một chiếc chiếu mới và đặt lên bàn thờ ba chiếc bánh chưng.
Đêm 30, những thời khắc cuối cùng của năm cũ, người Thái thường mổ hai con gà làm vía gọi hồn cho tất cả các thành viên trong gia đình. Mâm cúng tổ tiên cũng phải có đủ các nội tạng của con lợn. Chủ nhà ăn mặc chỉnh tề, ngồi cúng dâng lễ vật trước bàn thờ.
Trước bữa cơm tất niên, mỗi người trong gia đình có tục uống nước luộc bánh chưng để phòng ngừa đau bụng. Và trong bữa cơm nhà nào có nhiều khách lưu lại ăn cơm thì coi như sang năm mới gặp được nhiều may mắn, làm ăn phát đạt.
Người Thái có tục đón giao thừa “Pông Chay”. Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bánh rán, đồ cá, mọoc, nạp… thỉnh thoàng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.
Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm… hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng cổ, vòng tay, bạc nén… Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng “chào đón tổ tiên xuống tề tựu”. Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên.
Sáng mồng một Tết, vợ chủ nhà và con dâu dậy sớm, ăn mặc theo đúng y phục truyền thống dân tộc, đeo đồ trang sức, trực tiếp bày mâm cỗ tại gian ma nhà. Lễ vật thường được đặt thành hai mâm cao gọi là “pàn luông” (mâm lớn) - trên mâm lớn ngoài những xôi, cá, thịt, bánh… được đặt một ấm chè với 8 cái bát, hai trai rượu cùng 8 cái chén con. Và mâm cúng bên nhà ngoại (nhà vợ) bày mâm thấp hơn gọi là “pàn nọi” (mâm nhỏ) – thì chỉ gồm xôi, cá đồ, cá nướng, hai đĩa thịt, hai đĩa lòng, cá moọc, cá nạp, bánh chưng, bánh ít… . Dọn xong người ta lấy lá dong đậy kín. Tất cả các thành viên trong gia đình tập trung lại để bê mâm lớn đặt ở vị trí trang trọng nhất, sát cạnh bàn thờ ma nhà. Từ chỗ dọn đến vị trí đặt, người ta thường nghỉ hai lần, lần thứ ba mới đặt cố định. Trong khi bê mâm, mọi người trong gia đình đồng thanh hò reo với ý nghĩ báo với tổ tiên về cuộc sống sung túc của con cháu, lễ vật nhiều tới mức con cháu cùng khiêng mới xuể.
Bày mâm xong, chủ nhà chính thức ngồi cúng dâng lễ vật mời tổ tiên. Bài cúng thường kéo dài hàng tiếng đồng hồ với nội dung kể về lai lịch của dòng họ, cuộc sống làm ăn của con cháu, việc giữ gìn gia phong, tập quán dân tộc… sau đó mời tổ tiên hưởng lễ vật, chứng giám ngày tết cổ truyền dân tộc và phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, mùa màng bội thu, gà lợn đầy chuồng. Cúng xong, tất cả con trai đều lạy năm lạy với tổ tiên. Lạy xong cả nhà tập hợp đông đủ xung quanh mâm cổ chính để tham gia nghi thức nếm lễ vật- “tom pàn”- rồi mới ngồi cùng ăn – riêng chủ nhà không được ngồi mâm này mà phải ngồi mâm riêng ăn ở trong bếp. Và rượu cần là thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình, cạnh cửa chính cũng đặt vò rượu cần, trên đó được cắm hai cái cần hút.
Người Thái cũng có tục xông đất của người Thái- “thú moók”- vào sang mùng một. Chủ nhà dậy từ sớm tinh mơ, vác ống ra suối múc lấy một ống nước lã đem về cho cả nhà rửa mặt rồi mỗi người uống một ngụm để cầu may mắn, khoẻ mạnh. Trong ngày mồng 1 tết, là các trò chơi của thanh niên trai gái trong bản. Các trò chơi thường tổ chức ở một bãi đất rộng nhất ở cạnh bản để ném còn, kéo co…
Từ mồng 2 đến mồng 6 Tết là thời gian các đôi vợ chồng trẻ viếng thăm ông bà nội, ngoại, họ hàn, ông bà mối để biếu quà, lễ vật, hoặc tham dư các đám cưới gần xa.
Chiều tối mồng 6 các gia đình tổ chức bữa cơm mời khách tới dự. Nửa đêm chủ nhà dọn lễ vật cúng và đưa tiễn tổ tiên về trời- “xống đẳm chao”.
Sáng mồng 7 Tết , bà con tiến hành khai hạ, cả bản đổ ra đồng cày cấy, mở đầu công việc năm mới, một mùa bội thu!
Sơn Ngân
Ý kiến bạn đọc