Đã nhiều lần đến với Mộc Châu nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến cả thị trấn rợp một màu cờ Tổ quốc. Thị trấn thường ngày vốn yên bình, có phần trầm mặc, hôm nay rực rỡ sắc màu. Hỏi ra mới biết, đến hẹn lại lên, đúng dịp mồng 2 tháng 9 hàng năm, tất cả người Mông, không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo từ các bản làng gần xa nô nức rủ nhau xuống thị trấn để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ. Đây cũng là dịp người Mông trên núi xuống thị trấn chơi, thổi khèn, múa hát, giao lưu văn nghệ, thể thao, nhận nhau là anh em, rồi rủ nhau đi tâm tình thâu đêm.
Đến sáng, họ chia tay nhau, lại quay trở về với công việc hàng ngày, hẹn nhau ngày này năm sau sẽ gặp lại. Bên chai rượu ngô, dù bản làng xa cách bao nhiêu, họ vẫn kết nghĩa anh em, nên duyên trai gái. Chính vì vậy, theo thời gian, Tết mỗi năm một đông hơn. Dần dần, Tết Độc lập ở Mộc Châu trở thành Tết chung của đồng bào các dân tộc vùng cao, các dân tộc anh em như Thái, Mường, Dao... ở các bản lân cận cũng kéo về, thậm chí, cả người Kinh dưới xuôi cũng mặc trang phục người Mông hòa mình vào lễ hội văn hóa này.
Được chờ đợi nhiều nhất trong dịp Tết "Cờ đỏ sao vàng" chính là phiên chợ tình Mộc Châu nổi tiếng mỗi năm họp một lần. Đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2, sắc váy trắng của người Mông Đơ, sắc váy đen của người Mông Đu, sắc váy đỏ của người Mông Si, sắc váy xanh của người Mông Súa cùng sắc váy hoa của người Mông Lềnh... hòa vào nhau kéo về phiên chợ. Tất cả cùng nhau vui vẻ giao lưu, ăn uống, nhảy múa, hát ca sau những ngày lao động vất vả.
Nhiều thế hệ thanh niên gặp nhau ở phiên chợ tình đã nên vợ nên chồng, cũng có những mối tình không dẫn đến hôn nhân nhưng họ vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, mỗi lần gặp lại nhau trong đêm Tết, họ đều dừng lại thăm hỏi, động viên nhau. Vì vậy, đêm về khuya, các thành viên trong gia đình ai đi lối riêng người ấy, họ hẹn nhau sáng hôm sau sẽ cùng về bản, không ai hỏi đêm qua người kia đi đâu, gặp ai, làm gì...
Lại nhớ đến lời kể của anh Vì Văn Chương, một sĩ quan ở Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La: "Ngày xưa, người Mông nghèo hơn bây giờ rất nhiều. Họ đi bộ mấy ngày mấy đêm, băng rừng, vượt núi để đến chợ. Ai xuống chợ bằng ngựa đều được coi là xa xỉ, giàu có. Hình ảnh một gia đình người Mông cả chồng, vợ và đứa con nhỏ ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa đi trên con đường trung tâm thị trấn là ký ức khó quên trong những phiên chợ tình. Những con đường phố huyện dịp đó ngập tràn sắc màu người Mông. Nó là một phần của chợ tình người Mông ngày trước".
Ngày nay, đến thăm chợ tình Mộc Châu, ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy hình ảnh những chàng trai Mông "cưỡi" trên những chiếc xe máy đi trong thị trấn, hay cô gái Mông ở một góc chợ nhắn tin qua điện thoại di động... Điều đó thực tế làm giảm đi phần nào thú vị, sức hấp dẫn của chợ tình. Nhưng đó là điều tất yếu của cuộc sống. Nhưng, người Mông ở thế hệ nào cũng vậy, đối với họ, được đến chợ là một niềm hạnh phúc, vì có rất nhiều bản Mông trên những rẻo cao Tây Bắc, có những người chưa từng một lần đến chợ.
Với họ, những cuộc vui nơi phố huyện quả là xa xỉ. Chính điều đó, suy cho cùng mới làm nên những bàn tay nắm chặt, những ánh mắt trìu mến, những khuôn mặt rạng rỡ, đôi má đỏ hây hây vì hơi men trong cái khí lạnh của Tây Bắc, khiến lữ khách phương xa phải ngẩn ngơ... Để rồi đến sáng mồng 2 tháng 9, không ai bảo ai, tất cả lễ hội như dừng lại nhường chỗ cho cuộc sống đời thường.
Những năm trước, khi người ta mới chỉ biết đến chợ tình Sa Pa, chợ tình Khau Vai nổi tiếng, Mộc Châu giờ đây đã trở thành điểm hẹn văn hóa không thể thiếu đối với người Mông ở Sơn La. Không ai biết chợ tình Mộc Châu có từ bao giờ, cũng chẳng ai biết vì sao người Mông ở khắp các vùng núi phía Bắc lại tìm về Mộc Châu vào đúng đêm mồng 1 tháng 9, chỉ biết rằng lễ hội vẫn giữ được màu sắc huyền thoại và thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.
Bình Minh- Báo biên phòng
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc