Mộc Châu luôn là địa điểm khiến những bước chân lữ hành rộn ràng và náo nức mỗi khi nhắc đến. Bên cạnh những cảnh đẹp hút hồn, những cánh đồng chè xanh mướt, những thung lũng hoa mênh mông mời gọi. Thì Mộc Châu còn ghi dấu ấn đậm nét trong lòng du khách với những lễ hội độc đáo, đậm chất truyền thống.
Lễ hội tại Mộc Châu không giống bất cứ lễ hội tại vùng miền nào khác. Những điệu múa xòe, những nghi lễ đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây luôn mang đến cho du khách sự háo hức, thích thú và ấn tượng sâu đậm. Vậy nên người ta vẫn thường nói nếu đến với Mộc Châu mà bỏ lỡ những lễ hội nổi tiếng nơi đây thì quả là đáng tiếc
Những lễ hội độc đáo, nổi tiếng tại Mộc Châu.
1. Lễ hội hoa ban.
Khi những bông hoa ban bắt đầu bung cánh nở trắng những cánh đồi tại cao nguyên Mộc Châu rộng lớn thì cũng là lúc mùa lễ hội bắt đầu. Lễ hội hoa Ban được tổ chức thường niên vào khoảng tháng 2 âm lịch. Cùng thời điểm với mùa hoa ban trắng Mộc Châu nở rộ. Đây được xem là một trong những lễ hội nổi tiếng và thu hút nhất trong số những lễ hội độc đáo tại Mộc Châu.
Lễ hội hoa Ban Mộc Châu còn được gọi là lễ hội Sên bản, Sên mường. Cũng chính là lễ hội cầu mưa. Bởi theo quan niệm của những người dân tộc Thái, lễ hội hoa Ban không chỉ thể hiện tình yêu vĩnh cửu, trường tồn. Mà còn là những nghi thức cầu an, cầu phúc cho cả bản làng. Mong một năm ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, gia đình hòa thuận.
Du khách đến với lễ hội hoa Ban sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc những ngày đầu xuân, hoa ban nở trắng rừng. Cùng những âm thanh rộn ràng, náo nhiệt khắp nơi. Các nhà sàn đều đỏ lửa, tiếng nói cười vang vọng khắp núi rừng. Mọi người đều ăn mặc đẹp, những chàng trai, cô gái sẽ mặc những trang phục truyền thống, tặng nhau những bông hoa Ban trắng muốt. Và kính nhớ tổ tiên, kính biếu cha mẹ bằng tấm lòng chân thành.
Trong lễ hội có nhiều những tiết mục văn nghệ, trò chơi, các cuộc thi hát giao duyên, tiếng khèn, tiếng sáo, điệu hát, câu hò... luôn rộn ràng từ sáng đến khuya.
2. Lễ hội tết độc lập.
Ở Mộc Châu có một lễ hội rất độc đáo, nổi tiếng và thu hút rất nhiều sự yêu mến, tham gia của du khách khắp mọi nơi đó chính là tết độc lập. Thường được tổ chức vào ngày 31/8 – 2/9 nên đây được coi là điểm đến lý tưởng cho một kỳ nghỉ lễ thú vị, đầy trải nghiệm của rất nhiều du khách.
Tết độc lập Mộc Châu hay còn gọi với cái tên rất quen thuộc đó là chợ tình cao nguyên Mộc Châu. Đây là một lễ hội truyền thống đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác, và trở thành nét đẹp văn hóa vùng miền nổi tiếng. Thời điểm diễn ra lễ hội chính là cơ hội để các chàng trai, cô gái tìm được ý trung nhân vừa ý của mình. Chính vì vậy mà trước thời điểm lễ hội khoảng vài tháng, người ta đã thấy những cô gái đến tuổi trăng tròn đang chuẩn bị váy áo cho những buổi tối đẹp nhất và có thể là hạnh phúc nhất của đời mình.
Thời tiết Mộc Châu vào thời điểm diễn ra lễ hội khá thơ mộng, một chút se lạnh, một chút sương mỏng càng làm cho không khí lễ hội trở nên thơ mộng, cuốn hút hơn. Lễ hội chính thức được tổ chức vào đêm 31/8 nhưng trong đêm 30/8 các thanh thiếu niên vùng cao, cùng các cô gái thôn bản đã trở về trung tâm thị trấn để cùng chờ đón thời khắc tuyệt vời nhất của phiên chợ.
Vào đêm 31/8 và đêm 1/9 chính là thời điểm các tiết mục văn nghệ, giao lưu, thổi khèn, múa hát diễn ra rộn ràng cả núi rừng Tây Bắc. Các chàng trai, cô gái gặp nhau, trao nhau những điệu múa, lời ca cùng những câu ước hẹn, thề nguyền kết tóc se tơ, trọn đời yêu thương. Đến rạng sáng ngày 2/9 chính là tiết mục bắn pháo hoa chào đón Tết Độc Lập, và các chương trình lễ hội vẫn diễn ra cho đến hết đêm.
3. Lễ hội Tết Sớm của người Mông.
Cũng giống như người Kinh người dân tộc Mông cũng chuẩn bị cho tết cổ truyền rất chu đáo, cẩn thận. Nhưng người Mông còn có một lễ hội vô cùng độc đáo và khác biệt đó chính là lễ hội Tết sớm. Đây là lễ hội truyền thống được coi là lễ hội cổ truyền của người Mông diễn ra vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tức là sớm hơn tết cổ truyền của người Kinh gần 1 tháng.
Vào những ngày gần với thời điểm diễn ra lễ hội tết sớm thì những người phụ nữ trong gia đình người Mông luôn tất bật với những công việc may vá, thêu thùa, mua sắm. Nhằm chuẩn bị trang phục gọn gàng, đẹp mắt cho cả gia đình mặc trong dịp năm mới. Còn những người đàn ông thì chuẩn bị các công việc mua sắm, giết lợn, giết gà, để chuẩn bị mâm cơm cúng thịnh soạn để kính nhớ, tổ tiên, ông bà.
Để chuẩn bị một mâm cỗ cúng lễ tết Sớm thì người Mông chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Nếu như người Kinh có bánh chưng, dưa hành. Thì người Mông lại là bánh giầy, rượu ngô. Nên nếu đến với Mộc Châu những ngày đầu tháng Chạp âm, du khách sẽ nghe thấy văng vẳng tiếng chày giã bánh, quyện trong tiếng cười nói vui vẻ giòn tan, vang vọng cả núi rừng.
Lễ hội Tết sớm được diễn ra trong nhiều ngày, trong 3 ngày đầu của tết các gia đình sẽ tổ chức ăn uống và chào hỏi, chúc tết nhau. Đến ngày thứ 4 thì người Mông bắt đầu đi chơi, các chương trình ca hát, múa khèn được diễn ra náo nhiệt cùng các trò chơi cổ truyền thú vị.
Nếu có dịp đến với Mộc Châu vào những ngày lễ hội Tết sớm thì du khách có thể đến với các bản Pa Khen, Tà Phình, Phiêng Càng, thị trấn nông trường Mộc Châu, Tân Lập...Để cảm nhận không khí lễ hội truyền thống, đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền của cao nguyên Mộc Châu.