Cách đây 7 năm, trong một giờ học, tình cờ tôi có nghe về thuyết “Quả bầu mẹ”, lý giải về nguồn gốc các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam này. Thấy cây chuyện ly kỳ tôi thử tìm hiểu và biết rằng rất nhiều dân tộc có truyền thuyết về quả bầu mẹ, như: người Tà-ôi, người Khơ-mú, người Lào… Các truyền thuyết có thể có nhân vật, nội dung, diễn biến khác nhau nhưng về cơ bản có cùng cốt truyện. Đại ý rằng: Có một quả bầu khô chứa các dân tộc anh em trôi theo dòng nước. Vì một lý do nào đó quả bầu được mở ra (do con người chọc thủng, do phơi nắng, ngâm nước quả bầu bở ra). Từ chỗ thủng, vỡ ấy lần lượt các dân tộc anh em chui ra. Và bao giờ trong các thuyết về quả bầu cũng thấy người Kinh chui ra sau cho nên da trắng, người Xá, Tà-ôi… chui ra trước nên đen nhẻm cho đến bây giờ…Nghĩa là rất nhiều dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này đều có chung cội nguồn từ… một quả bàu (có hình cái nậm rượu).
Nếu chỉ dừng lại thế thì chẳng còn gì để nói, truyền thuyết về quả bầu mẹ cũng giống như ngàn vạn truyền thuyết khác về gốc tích con người như: đẻ đất, đẻ nước (người Mường), Con rồng cháu tiên (người Kinh)… Chuyện về quả bầu anh em còn được tiếp diễn mãi về sau, gắn với tính tẩu và đàn bầu.
Người Thái kể rằng: sau khi từng giống người chui ra khỏi quả bầu và trở thành các dân tộc, còn lại vỏ quả bầu ấy nằm một mình trên tận nơi thượng nguồn chẳng còn ai nhớ gì đến nữa. Nơi thượng nguồn có nguồn nước trong và mát nên các tiên nữ thường xuống lấy nước về trời.
Trong bản Thái nọ có một chàng trai tình cờ đi câu cá và phát hiện nơi đầu nguồn các tiên nữ đi lấy nước đang nô đùa xung quanh vỏ quả bầu. Chàng thấy các tiên nữ làm sợi dây mảnh nối từ quả bàu ngang qua miễng lỗ dùi (nơi các dân tộc anh em đã chui ra), khi gió thổi làm cho sợi dây rung lên những âm thanh êm ái không dứt ra được. Trời tối các tiên nữ rủ nhau bay về trời, chàng trai muốn nghe âm thanh từ quả bầu kia mãi, muốn dân bản mình cùng được thưởng thức nữa. Thế là chàng cầm quả bầu đi theo, nhưng thấy vướng quá chàng đã dùng dao cắt bỏ phần ngọn của quả bầu quăng xuống suối. Còn lại phần phình to chàng giữ lại và chặt theo một cành cây mang về làm cần đàn. Chàng lại lấy vỏ cây làm sợi dây buộc qua miệng quả bầu, vừa đi vừa gảy, vừa hát. Vì cây đàn làm từ quả bầu (Mắc tẩu) cho nên gọi tên tính tẩu. Từ đó, cây đàn tính tẩu của người Thái Tây Bắc bắt đầu được dùng để tỏ tình, giao duyên, để đệm cho hát then, múa xòe. Đặc biệt trong những lễ hội, người hát là thầy mo, thầy cúng, tiếng đàn trở thành linh thiêng phục vụ lễ cúng, nó là "vật thiêng" trời ban, trời cho.
Lại nói về phần ngọn quả bầu, khi bị vứt trôi mãi về miền xuôi. Người kinh nhặt được nó đem chế tạo thành chiếc đàn bầu, nhưng gẩy không hay bằng tính tẩu của người Thái. Cho đến một lần, người kinh đến xin một dây trên đàn của người Thái về lắp vào thì tiếng đàn bầu mới trở nên thánh thót, ngân vang. Và cũng từ đó tính tẩu của người Thái chỉ còn 2 dây trên cần đàn.
Có ai hay rằng, hai dân tộc khác nhau về vị trí địa lý, văn hóa, lối sống lại có cùng nguồn cội và 2 cây đàn bầu nổi tiếng khiến bao thế hệ người Kinh, người Thái say mê lại từ một quả bầu mà ra. Cho nên, những truyền thuyết trên không chỉ để cắt nghĩa sự ra đời của các dân tộc anh em, của cây đàn bầu (độc huyền), và cây đàn tính tẩu nữa, nó còn là minh chứng về tình nghĩa keo sơn, sự gắn bó thủy chung, đùm bọc, sẻ chia, yêu thương lẫn nhau của người Kinh, người thái và của 54 dân tộc anh em đang sinh sống trên đất nước Việt Nam ta.
Bài, ảnh: Thành Đạo
ảnh 23: Đàn tính, một trong những nhạc cụ được đàn ông Thái yêu thích.
Tác giả: admin
Nguồn tin: ww.dulichmocchau.net
Ý kiến bạn đọc