Tây Bắc là tên gọi theo phương vị lấy thủ đô Hà Nội làm chuẩn, là địa bàn của các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình. Đây là vùng núi cao hiểm trở, có nhiều dãy núi theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn mà người Thái gọi là ''khâu phạ'' (sừng trời) dài 180 km, rộng 30 km, cao từ 1.500 m trở lên, trong đó có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.142m.
Tây Bắc còn được đồng bào gọi là ''đất ba con sông'', tạo nên 3 dải nước màu trắng, xanh, đỏ. Đó là sông Mã lắm thác, nhiều ghềnh nên nhiều sóng bạc đầu; sông Đà chảy giữa các núi đá granít sâu thẳm có màu xanh đen, còn sông Hồng mang nặng phù sa màu đỏ. Ba con sông trở thành biểu tượng riêng của vùng đất, hoà nhịp với ba màu của nắng, của cây và của đất, là tín hiệu văn hoá vùng mà người Tây Bắc lấy đó làm tự hào.
Các dân tộc sinh sống lâu đời ở Tây Bắc có : Thái, Mông, Dao, Mường, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mul, Tày, Xá, Máng, Kinh.v.v...
Người Việt Nam nói chung và đồng bào Tây Bắc nói riêng từ xa xưa đã rất ưa thích múa. Múa có chung cội nguồn với lịch sử dân tộc (bằng chứng: trên trống đồng Đông Sơn cách đây mấy ngàn năm đã khắc chạm rất nhiều hình người nhảy múa). Múa là một đòi hỏi của công chúng trong đời sống văn hoá tinh thần, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giao tiếp và còn là một công cụ giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ v.v
Những điệu múa vùng Tây Bắc vừa mang bản sắc văn hóa các vùng vừa mang phong cách dân tộc độc đáo của từng điệu múa. Chúng ta hãy làm quen với một số điệu múa nổi tiếng của các dân tộc ở Tây Bắc.
Múa xoè: là đặc trưng nghệ thuật của người Thái và trở thành biểu tượng văn hoá Tây Bắc. Những cuộc tụ họp đông vui có thể múa xoè quanh đống lửa, quanh hũ rượu cần với sự tham gia đông đảo của già trẻ, trai, gái trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng.
Múa xoè Tây Bắc
Theo các già làng cho biết có tới 32 điệu xoè, nay chỉ còn giữ được một số điệu. Xoè vòng sôi nổi bao nhiêu thì xoè điệu nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Xoè nón thì thật duyên dáng và hấp dẫn... Các cô gái Thái trong điệu xoè nón: chiếc nón trong tay lúc chạm vào lúc mở ra từ từ từng cánh như bông hoa trắng muốt. Có lúc nón lao nhanh trên đầu, lúc lại nhẹ nhàng quay trên vai, nghiêng nghiêng bên má, khi e thẹn xoay tròn trước ngực rồi lại dập dờn như cánh bướm mùa xuân.
Múa sạp: là điệu múa dân gian đặc sắc của dân tộc Mường trong những dịp vui, trong lễ hội xuân, ngày nay phát triển rộng ra nhiều dân tộc khác. Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính 3 đến 4cm, dài 3 đến 4m). Khi múa, người ta đặt hai sạp cái để cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng hai gang tay tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều, đội hình càng phong phú sinh động.
Tốp đập sạp: mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp 4/4, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát.
Tốp múa: lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp, mỗi người cầm một chiếc khăn màu dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp; đội hình uốn lượn quấn quýt, biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn, tất cả đều diễn ra trên dàn sạp và phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp chân vào. Cứ hễ hai tốp gõ sạp và nhảy múa thay nhau trong tiếng cồng, tiếng trống nhịp nhàng, sôi động. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút mọi người rất hào hứng, say sưa.
Múa sạp
Múa sạp được nhân dân các nước yêu thích và bạn bè quốc tế cũng rất ái mộ. Một cô gái Italia, sau khi xem múa sạp đã ghi cảm tưởng: ''... Tôi phấn khởi theo dõi động tác múa dịu dàng, uyển chuyển tuyệt vời, âm nhạc vui tươi, nhưng lại lo lắng cho bước chân của các diễn viên, sợ bị sạp kẹp. Phải chăng điệu múa muốn nói: Nhân dân Việt Nam đang bước trên con đường đầy chông gai, gian khổ, với một tinh thần lạc quan phơi phới, một lòng tin tuyệt đối và một sự thông minh, khéo léo tuyệt vờí'.
Múa khèn: là múa dân gian dân tộc Mông trong các cuộc vui, trong hội hè và phiên chợ xuân, là điệu múa của nam giới, rất độc đáo, có tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh nhẹn, khéo léo, tài hoa với nhiều yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật cao, phải vừa thổi khèn vừa múa mà không được để khèn ngắt quãng.
Cây khèn vừa là nhạc cụ độc đáo, gồm nhiều ống trúc nhỏ ghép lại, có thể thổi hơi ra, có thể hít hơi vào; khèn vừa là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy... Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều bè, vang xa trầm hùng như tiếng của gió ngàn, của suối reo, chim kêu, vượn hót, tiết tấu theo nhịp 4/4 hoặc 2/4 thích hợp với các động tác múa khèn:
Vang vọng núi rừng tíếng khèn gọi bạn
Điệu múa khèn nghiêng ngả tán ô đen
Có thể nhiều chàng trai Mông cùng nhau múa khèn trên bãi cỏ, đất bằng phẳng với những vũ đạo đẹp mắt, những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất. Ngoài ra có nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn nhiều mô típ siêu việt, độc đáo: múa khèn trên một gốc cây lớn cưa bằng, trên 4 cọc trồng hình vuông hay trên cây gỗ tròn bắc qua suối...
Động tác múa khèn phong phú, đa dạng. Người ta thống kê được 33 động tác, tổ hợp múa khèn như: nhảy đưa chân, nhảy lướt, quay đổi chỗ, nhún chuyển trọng lượng, nhảy ngang đập chân, bước trườn, bước lượn, ngoáy chân, đánh chân tại chỗ, đánh chân di động, vờn khèn, quay tại chỗ, quay di động, quay nhích gót, quay cầu, quay lót, chọi gà, đá hất chân.v.v� Trong đó mô típ chủ đạo là quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoáy ốc.
Múa khèn Mông với các vũ điệu đẹp, tài hoa, dũng mãnh và trữ tình, có sức sống mãnh liệt, lâu bền của văn hoá Mông, được nhân dân trong, ngoài nước yêu thích ngưỡng mộ.
Các dân tộc ở Tây Bắc, dân tộc nào cũng yêu thích múa và có các điệu múa đặc trưng của dân tộc mình, trong phạm vi một bài báo không thể miêu tả hết được. Ngoài các điệu múa đã giới thiệu trên đây, ai đã một vài lần đến Tây Bắc, tiếp xúc với bất kỳ dân tộc nào, họ đều có những điệu múa để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách như: điệu tăng bu (dỗ ống) của người La Ha với những cô gái nhún nhảy mềm mại uyển chuyển trong tiếng đệm rộn ràng của một dàn ống tre đục rỗng mắt; những vũ điệu lắc mông, lượn eo là ''đặc quyền'' của người Khơ Mú và người Xinh Mul thật sinh động và quyến rũ, điệu múa chuông của người Dao rất nhịp nhàng, khoẻ khoắn theo nhịp lắc của tiếng chuông v.v...
Quả thật, múa dân gian Tây Bắc hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng của con người được phát tiết ra và bầu nhiệt huyết từ trái tim chuyển thành nhịp điệu. Múa như ngọn lửa diệu kỳ cháy mãi lên ca ngợi những gì là tốt đẹp nhất của tình yêu và cuộc sống.
Giờ đây bước sang thiên niên kỷ mới, cần phải có chiến lược phát triển múa dân gian với những yêu cầu mới. Chúng ta không chỉ giữ gìn mà còn phải phát triển để tạo ra cho múa dân gian một sinh lực mới, một sự lan toả mới, có chỗ đứng vững bền, có đất sinh sôi nảy nở trong đời sống văn hóa của đồng bào Tây Bắc nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn