|
Ở cái đất cao nguyên Mộc Châu này, trời cao xanh đến lạ. Nắng lanh lảnh, vàng như mật ong. Gió cao nguyên rào rạt, phóng khoáng, thổi bay giọt mồ hôi của khách bộ hành vừa mới rịn ra, thổi bay váy áo của những mẹ, những chị, những em gái Thái giặt phơi ngoài bậu đá. Người Thái sắp vào hội. Ngày hội mừng Tết độc lập 2-9. Mà đã hội thì phải có xòe.
Anh Nguyễn Thế Nam, chiến sĩ biên phòng Sơn La, đón tôi từ đầu thị trấn Mộc Châu. Mất gần 4 tiếng trồi lên, hụp xuống trên những con dốc cao dựng đứng, đặc trưng của rẻo dải dốc Tây Bắc, vượt qua bao núi cao, thung sâu, hai anh em cũng đến được bản Chiềng Ve. Bản nằm chơ lơ trên đỉnh núi, nơi gần sát mặt trời. Những căn nhà người Thái nằm lêu vêu, len lẩn trên sườn núi, nơi mù trời sương muối và lép nhép mưa rừng, cánh cửa chẳng bao giờ khóa. Nhà nào cũng sửa sang đẹp đẽ, treo cờ Tổ quốc. Cả bản rủ nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Lợn cũng được mang ra suối tắm, chờ giết thịt, váy áo được mang phơi giặt cho mới, cho thơm để dành đi hội. Suối Chiềng Ve trong vắt, vài cô gái Thái bì bõm tắm, nô đùa như bầy tiên. Tiếng cười trong leo lẻo, ngực non chẳng thèm che.
Tập văn nghệ ở nhà Trưởng bản Lài |
Xem thêm: Lễ hội Hết chá của người Thái ở Mộc Châu
Nhà Trưởng bản Lài nằm trên đỉnh một con dốc, có lẽ là cao nhất ở vùng cao nguyên du lịch Mộc Châu này. Trong nhà đương đông khách. Trẻ con, người già, nam thanh, nữ tú, thôi thì đủ cả. Mọi người tập trung ở đây để xem đội văn nghệ Chiềng Ve tập xòe. Những cang, những ché rượu cần được bưng ra để giữa sàn, mùi thơm loang bay xa. Khách say. Say từ khi mới thắp bước chân đến cầu thang.
Màn đêm buông xuống. Trong các con đường nhỏ len lỏi xuyên rừng lập lòe những đốm sáng phát ra từ đuốc. Nhà Trưởng bản đông dần, ván sàn rên kèn kẹt. Củi được chất thêm vào đống lửa giữa nhà, ánh hồng lên rừng rực. Bàn tay cô gái Thái như những búp măng, vít cần rượu mời khách, ánh mắt đong đưa, nụ cười trắng lóa. Khách say. Say từ khi chưa tợp ngụm rượu nào.
Buổi tập xòe bắt đầu trong tiếng khèn, tiếng đàn môi, đàn tính dặt dìu cất lên. Này điệu xòe Thái, kia điệu xòe Hoa. Này bản “Đêm trăng”, kia “Mùa hoa nở”. Này “xòe vòng”, kia “tung khăn mời rượu” (khắm khăn mơi lảu). Hông Dịu lắc, ngực Lựu vẫy, tay Mai đan… Những cô gái Thái hóa mình trong từng điệu múa, víu vít, dập dìu như đàn bướm dập dờn bên ánh lửa hồng. Chẳng còn đâu cái lấm lem bùn đất, cái ngượng ngùng khi chạm ánh mắt khách đường xa. Tiếng khèn quấn bước chân, tiếng đàn môi nâng cánh tay xòe vẫy. Bản nhạc đẹp như điệu múa, điệu múa đẹp như thiếu nữ. Thiếu nữ tựa ánh trăng. Khách mê ngắm, mê nhìn. Khách say. Say ánh trăng lả lơi, vàng rực.
Những bà, những mẹ người Thái khuôn mặt nhăn nheo, tay vít cần rượu, dậm chân khành khạch lên sàn gỗ. Đám thanh niên lượn lờ quanh đống lửa, dán chặt đôi mắt vào những vòng eo, cánh áo chật căng nhưng nhức. Lũ trẻ mình mẩy đen nhẻm, theo mẹ, theo chị xem xòe, chạy đuổi nhau tít tận cầu thang. Giữa bốn bề sống áo giản đơn, bình dị của người Thái, khách tự nhiên cảm thấy lạc lõng, ngượng nghịu trong trang phục của mình. Quần phẳng phiu, áo phẳng phiu, kéo lại đôi giày tây, khách vùi vào cần rượu để vừa uống vừa ngắm xòe.
|
Xem thêm: Kiệt tác của non ngàn
Người Thái xòe thành bản năng, như thể họ sinh ra chỉ để xòe. Xòe từ ấu thơ, xòe đến khi đầu bạc. Xòe hiển hiện trong đời sống người Thái từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Dường như có một dòng văn hóa xòe tuôn chảy len lỏi qua những nếp nhà sàn thô mộc trên vùng đất cao nguyên này, để đời đời con cháu người Thái duy trì cho đến tận bây giờ. Như lời của Trưởng bản Lài, nghèo quá, đói quá, phải xòe thôi. Người Thái xòe để quên đi cái đói, cái nghèo. Xòe để quên đi nỗi buồn giữa bịt bùng bóng đêm bủa vây nơi miền sơn cước.
Chiềng Ve nghèo, nghèo lắm. Nghèo từ những đứa trẻ đầu loe ngoe vài sợi dâu ngô, bụng tròn, mắt đục, đến những bà già Thái da nhăn nheo, răng rụng, mắt mờ. Một năm 12 tháng, thì có lẽ người Chiềng Ve phải chịu cảnh thiếu đói đến 7, 8 tháng. Người khẳng khiu, cây lúa cọc cằn. Hạt gạo mang dáng hình giọt mồ hôi, hạt ngô đỏ sậm màu máu, cứ vắng dần trong những bữa ăn. Cái ấm đặt trên bếp lửa tràn trụa khói, sôi rồi lại cạn. Người ta vẫn đun mãi, đun mãi, cho nó có không khí. Chiềng Ve nghèo ăn, nghèo chữ, nghèo luôn cả xòe. Những cánh áo sờn vai chưa kịp mua mới, những đôi giày mòn vẹt đến gan bàn chân, những son phấn rẻ tiền…, tất cả vẫn không ngăn người Chiềng Ve đến với xòe. Bởi, xòe vừa là nhu cầu, vừa là nơi để tìm quên, giống như tìm đến rượu để say, để trốn chạy cái đói, cái nghèo.
Có một thời, xòe suýt biến mất trong đời sống văn hóa người Thái ở đây. Đó là khi vua Đèo Văn Long cho lính đi lùng bắt tất cả các cô xòe xinh đẹp mang về dinh thự. Ngày ngày, các cô đội nước hàng trăm bậc đá trên đầu nguồn sông Đà, tối về, xòe trên sạp nứa và xòe trên cả đệm bao gai. Máu đồng trinh chảy đỏ ối sàn gỗ mun. Những cô gái đã bị bắt vào đội xòe của vua Đèo, coi như không có ngày trở về. Tiếng thở dài trong đêm tối của các cô, được Nguyễn Tuân miêu tả trong “Xòe”, là buồn như tiếng cối nước giã gạo đầu bản. Và, cái từ “xòe con đòi” cũng bắt đầu từ đó.
Bẵng đi một thời gian, người Thái không còn xòe nữa. Những váy áo xếp góc hòm mủn mục, sạp nứa cây khèn treo trái bếp mạng nhện chăng đầy. Mắt người già đăm chiêu sầm tối, mắt con trẻ ngác ngơ. Cả bản người Thái chìm trong trễ nải, như thiêu thiếu một cái gì đó. Tối thứ Bảy, bếp than nhà Trưởng bản không còn đỏ rực, cần rượu thiếu tay người vít, nằm chơ lơ trên nắp bình. Thế rồi, “không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ, không xòe trai gái không thành đôi” (dân ca Thái), người Thái dần quay lại với xòe.
Ban đầu, chỉ những bà, những mẹ người Thái vì nhớ xòe, đem bộ váy áo ra giặt, lau bụi cây khèn, căng lại sợi dây đàn tính. Và, cũng chỉ dám xòe ở nhà, xòe trong bếp, trốn chồng, trốn con để xòe. Rồi trên huyện, trên tỉnh người ta cho “cán bộ” xuống vận động bà con tiếp tục xòe. Cán bộ bảo, để giữ gìn, phát huy cái gì gì đó, lại còn cho tiền sắm sanh quần áo, phấn son nữa chứ. Thế thì phải xòe thôi. Cả vùng đất cao nguyên như hồi sinh, đêm đêm, tiếng khèn, tiếng đàn môi lại vang vọng khắp núi rừng.
Mảnh trăng cuối tháng mờ dần chui vào đỉnh Pa Hang, bếp lửa nhà Trưởng bản Lài cũng gần tàn, tro bay lên cả mắt. Trẻ con gà gật, có đứa nằm lăn quay ra ngủ ngay dưới chân mẹ. Trong giấc ngủ chập chờn, có thể chúng vẫn in đậm hình ảnh của xòe. Đêm xòe tan, sự luyến lưu của cả chủ lẫn khách chất chứa trong từng ánh mắt bịn rịn, từng bước chân như bị níu ngoài cầu thang. Đàn bướm dập dờn theo ánh đuốc xa dần. “Khách đến chơi bản em, rượu bản em thơm nồng, mời khách uống cho say. Người bản em hiếu khách, chăn mới em vừa thêu. Gặp nhau chỉ một lần, lòng em không thay đổi, dù hoa ban thôi trắng…” (điệu bổ bốn, trong tiếng Thái gọi là phá xí).
Ra về, bàn tay Trưởng bản Lài nắm chặt, Tết độc lập khách nhớ về Chiềng Ve dự hội, xem xòe! Trước tấm chân tình của người Thái, khách ngập ngừng không dám hứa. Bởi, người Thái cần nhiều hơn những lời hứa, trong khi khách vẫn rối bời chuyện cơm áo gạo tiền. Dù nhớ lắm Chiềng Ve, nhớ xòe, và nhớ cả những mái đầu loe ngoe dâu ngô, nhưng khách đành phải hẹn. Nhất định một ngày nào đó, khách sẽ về thăm lại cái bản làng ở nơi đại ngàn mây phủ, để được nghe “Ing lả ơi, sao noọng ời, khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời. Mùa xuân đến ngàn hoa đua cười”…
Nguyễn Trung Thành
Ý kiến bạn đọc