“Tua” du lịch sinh thái
Trong vai khách du lịch, từ thị trấn Mộc Châu chúng tôi xuôi Quốc lộ 6 hơn 60 km đến bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, từ Quốc lộ 6 cũ rẽ vào con đường mòn rậm rạp, quanh co. Người dẫn đường có nước da đen cháy, dáng to cao, nụ cười dễ mến, anh là Hà Văn Khoa, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Thoăn thoắt leo dốc, anh Khoa quay lại nhắc chúng tôi: “Phải đi thật nhanh, luôn để mắt xuống chân, không là con vắt đói thấy hơi người bò lên hút máu đấy”. Điểm đầu tiên chúng tôi tới là một thác nước cao hơn 100 m, được phân thành 3 tầng, xung quanh cây cối xanh tốt, mát mẻ, tiếng thác chảy ầm ì hòa với tiếng chim hót tạo âm thanh của núi rừng. Tuy năm nay ít mưa, nhưng nước vẫn nhiều chia làm hai nhánh từ trên cao đổ xuống, chân thác nước trong vắt nhìn thấy cả cát sỏi dưới đáy. Chị Vì Thị Khiên, cán bộ văn hóa xã Chiềng Yên, đi cùng đoàn kể cho chúng tôi chuyện cổ tích của thác: “Ngày xưa, có cô gái, mẹ chết sớm, vì thương con người bố ở vậy. Cô càng lớn càng xinh đẹp, ăn trầu nuốt từ cổ xuống nhìn thấy nước trầu mầu đỏ đi qua cổ. Nhiều chàng trai mang lòng yêu thương, đến hỏi làm vợ. Không rõ uốt ức điều gì, cô gái mang đồ dệt thổ cẩm của mình để ở đỉnh “tát nặm” rồi gieo mình xuống dòng thác. Từ đó thác có tên gọi Tát Nang, dịch theo tiếng dân tộc Thái “tát” là “thác”, “nang” là “nàng tiên, người đẹp”. Ngày nay ai đến chân thác vẫn nhìn thấy xa quay sợi, khung cửu của cô gái thấp thoáng phía sau dòng nước, nhưng lội xuống lấy ra không được. Rời thác Tát Nang cũng là lúc chúng tôi xúyt xoa, điều cảnh báo của anh Khoa đã thành sự thật, sơ xẩy một chút những con vắt rừng bò lên tận bắp chân, con nào cũng mọng máu. Anh Khoa cười nói: “Còn con vắt là môi trường còn tốt, cứ ở đâu phun thuốc trừ sâu nhiều là vắt chết sạch”. Trên đường quay ra, chúng tôi gặp anh Hà Mạnh Hùng, nhà gần thác, anh Hùng cho biết: “Vẫn gặp khách du lịch lên thác, hôm trước có hai khách nam giới người nước ngoài còn tắm ở chân thác”
Tiếp tục hành trình vượt hơn 1 km chúng tôi tới Mó nước nóng, nằm dưới chân núi Bò Ui. Đầu nguồn từ trong núi chảy ra, nước trong vắt, ấm nóng, được kè đá thành hai bể chứa diện tích hơn 50 m2; chị Khiên cho biết thêm: “Tiếng địa phương gọi là Mó nước ấm, ngày trước, mùa đông ở đây khách tắm từ sáng sớm đến nửa đêm”. Rời Mỏ nước nóng chúng tôi tới nhà anh Khoa, trong ngôi nhà sàn rộng rãi thoáng mát ngay sát con đường khách du lịch hay đi qua, câu chuyện chuyển sang sự tích tên bản: Trước ở đây nhiều tổ mối nên người xưa gọi theo tiếng Thái tên bản là “Hang tô Mau”, sau đọc lái thành “Phụ Mẫu”. Còn có người cho rằng trước đây bản nhỏ, mở rộng dần rồi tách thành 2 bản là bản bố và bản mẹ tác hợp gọi chung là bản Phụ Mẫu. Hai câu chuyện về sự tích tên bản, không biết câu chuyện nào là đúng, nhưng cái tên “Phụ Mẫu” thấy nhiều ý nghĩa.
Anh Khoa hồ hởi: “Tôi thường đón khách du lịch vào nhà nghỉ, đa số là người nước ngoài, từ đầu năm đến nay gia đình đón 9 đoàn, đoàn ít 1 đến 2 người, đoàn nhiều 8 người. Những năm trước có đoàn đến 18 người. Khách du lịch là người Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh; gia đình lo chỗ ngủ, nấu món ăn dân tộc đãi khách”. Nói rồi anh Khoa thắt dây lưng đeo bao dao cầm theo lọ nước. Anh bảo nước này làm từ lá rừng, bôi vào chân là vắt không cắn được; rồi mời chúng tôi lên Núi Khít gần nhà, qua đoạn đường mòn đến một cửa hang đá, tôi nhìn xuống chân một đàn vắt bò lên ngóc đầu tìm ăn, anh Khoa nhanh tay lấy nước thuốc bôi vào chân tôi, những con vắt cuộn người lại rơi xuống đất. Bài thuốc quả là hiệu nghiệm, từ đấy không còn con vắt nào bén bảng đến gần tôi nữa. Cái hang chúng tôi đến có tên “Hang Nặm Khít”, cửa hình vòm tròn, vào trong mát lạnh. Qua cửa, hang chia làm 2 ngách, vào sâu phía trong mở rộng ra có chỗ rộng 4 đến 5 m cao cỡ 15 m, nhiều con rơi bay qua lại, trần hang những tia sáng lọt vào như đường lên trời, không khí lưu thông nên vào sâu trong hang vẫn thấy thoải mái. Càng vào sâu nhũ đá càng nhiều và tuyệt đẹp, tạo ra nhiều hình dáng giống con cá, ông phật, tiểu đồng… đi về phía cuối khoảng 100 m cửa hang thông sang bên kia núi Khít, chỉ cách Mỏ nước nóng chưa đầy 500 m. Đây quả là “Tua” du lịch sinh thái thú vị: Thác nước - hang động - tắm suối nước nóng - nghỉ nhà sàn thưởng thức món ăn dân tộc.
Dần mai một điểm du lịch
Rời bản Phụ Mẫu, tôi tới bản Nà Bai. Ở đây cảnh quan thật thanh bình, xen giữa mầu xanh của núi rừng trùng điệp, đồi chè, là những mái nhà sàn; cạnh nhà văn hóa, trường học, là bãi cỏ rộng, đàn trâu đủng đỉnh nhai cỏ. Anh Mùi Văn Nguyện, Phó Chủ tịch xã, kiêm Trưởng ban quản lý du lịch cộng đồng xã, cho biết: Trước đây khách du lịch đi từ tỉnh Hòa Bình bằng thuyền dọc sông Đà lên Bãi San, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Đến các bản Phụ Mẫu, Nà Bai, rồi có đoàn đi huyện Mộc Châu, có đoàn đi bộ lên chợ Sà Lĩnh, xã Pa Có, Mai Châu (Hòa Bình), là chợ có nhiều người Mông, họp phiên vào chủ nhật hàng tuần. Rồi khách du lịch ra bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Tua này trước nhiều khách, bây giờ chủ yếu đi từ Mộc Châu xuống đến khu vực rừng già Quốc lộ 6, rẽ vào bản Nà Bai, dạo quanh bản chụp vài kiểu ảnh rồi quay ra, bản có nhiều nhà sàn làm nhà nghỉ, nhưng không thấy khách ở lại như trước đây.
Anh Nguyện cho biết thêm: Các cán bộ và nhân dân trong xã cũng đã được Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tập huấn về: Tổ chức, hướng dẫn viên, nấu ăn, chào đón khách, cách sắp xếp phòng ngủ, cách giới thiệu về du lịch lưu trú tại gia, quảng cáo du lịch; các tiêu chuẩn và các bước đăng ký kinh doanh nhà nghỉ lưu trú tại gia, nhưng nay cũng ít sử dụng đến kiến thức này vì không có khách du lịch nghỉ lại bản. Ông Bùi Xuân Tươi, Bí thư Chi bộ bản Nà Bai, chỉ vào sàn nhà của gia đình rộng gần 100 m2, nuối tiếc nói: “Năm 2006, nền nhà của gia đình giải chiếu cho 20 người nước ngoài ngủ; nhưng từ đầu năm đến nay bản chỉ đón 3 đoàn khách Tây Ban Nha, mỗi đoàn 2 người”.
Xã Chiềng Yên cách trung tâm thị trấn Mộc Châu 60 km về phía Đông Nam, có độ cao trung bình 600 m, địa hình phức tạp, thuộc triền của cao nguyên Mộc Châu, đan xen với núi đất có núi đá dựng đứng, hiểm trở tạo cảnh quan hùng vĩ. Xã được coi là cửa ngõ của huyện Mộc Châu và của tỉnh Sơn La, nằm trên trục Quốc lộ 6 có nhiều điều kiện phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa Sơn La và Hòa Bình. Nhưng từ khi ngăn đập xây dựng thủy điện Hòa Bình, đoạn đường từ Chợ Bờ - Suối Rút đến km 22 bị ngập, tuyến Quốc lộ 6 phải đổi hướng tránh vùng ngập, không đi qua xã nữa, từ đó cũng không thấy khách du lịch từ Hòa Bình dọc sông Đà lên xã Chiềng Yên. Tôi ở xã một ngày không hề gặp một khách du lịch.
Với thác Tát Nang, hiện đồng bào ở đây ngăn dòng lấy nước làm thủy điện nhỏ, dòng nước không tập trung, nên phần chính của thác nước chảy nhỏ, giảm vẻ đẹp; thác có cảnh quan hùng vĩ và đẹp về mùa mưa, cần có biện pháp trữ nước khai thác quanh năm. Mó nước nóng còn đơn sơ không đảm bảo vệ sinh, nơi để du khách thay đồ, gửi đồ dựng bằng tre, gỗ siêu vẹo, mục nát; cần xây dựng phòng tắm, bồn tắm. Trong hang Nặm Khít có những nhũ đá bị đập phá, địa hình hang dốc về phía cuối từ Tây sang Đông, nước chảy vào mang theo cát, phù xa đang dần lấp hang. Lối vào hang Nặm Khít và thác Tát Nang ngoằn nghèo, lâu ngày không có người qua lại cây cối mọc lấp lối đi.
Đánh thức tiềm năng
Chiềng Yên có cảnh quan đẹp, rừng phủ xanh đồi núi, thấp thoáng dưới rừng cây là những ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái, Mường. Cánh đồng bậc thang mầu sắc biến đổi theo mùa vụ sản xuất, suối nước trong xanh chảy quanh năm, thỉnh thoảng vẫn còn có cối giã gạo bên dòng suối, cọn nước đưa nước lên đồng tạo nét đẹp mộc mạc, yên tĩnh. Ngoài hang Nặm Khít (đẹp không thua kém hang Dơi, Mộc Châu; hang Chi Đảy, Yên Châu), trong khu vực bản Phụ Mẫu còn có 2 hang động và 2 thác nước nữa có thể đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Có thể xây dựng chương trình du lịch gắn với các tuyến du lịch sinh thái và cộng đồng một số bản ở xã Chiềng Yên, như: Đồng Bảng (từ đường thủy theo hồ Hòa Bình, hoặc đường bộ từ Quốc lộ 6 đến Phụ Mẫu - bản Niên – Nà Bai – Quốc lộ 6. Hoặc là: Quốc lộ 6 – Nà Bai – Bản Niên – Phụ Mẫu – Lóng Luông…
Ông Phạm Xuân Đàm, Trưởng Phòng quản lý nghiệp vụ du lịch, cho biết: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh với sự tư vấn giúp đỡ của tổ chức SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan) đã tổ chức chuyến khảo sát loại hình du lịch nông nghiệp tại Mộc Châu. Khách du lịch sẽ được tham quan trang trại nuôi bò, xem tận mắt các cung đoạn sản xuất sữa; tìm hiểu quy trình sản xuất chè; được thăm và tìm hiểu cuộc sống của người Mường ở bản Nà Bai, người Thái ở bản Phụ Mẫu… Không chỉ tham quan khách du lịch còn được tìm hiểu, tham gia vào các lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các sự kiện đặc biệt của dân bản. Loại hình du lịch mới này đang được thử nghiệm. Bên cạnh đó, để thu hút khách du lịch, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch tại thủ đô Hà Nội.
Trước mắt, muốn phát triển du lịch Chiềng Yên cần phải hoàn chỉnh cơ chế quản lí và điều hành: phải thành lập các ban điều phối, chỉ đạo phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch, phải có một Trung tâm Thông tin du lịch làm cầu nối các doanh nghiệp, các nhà làm du lịch với du khách. Cùng với đó là sản xuất hàng loạt ấn phẩm quảng bá cho du lịch Chiềng Yên: bản đồ, tờ rơi, sách ảnh, video và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, cần xây dựng một cổng thông tin điện tử, website du lịch Chiềng Yên; kịch bản thuyết minh các tuyến, điểm du lịch, hệ thống biển bảng chỉ dẫn và giới thiệu thông tin du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố.
Với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, du khách đến Chiềng Yên sẽ tham gia loại hình du lịch sinh thái với chương trình đi bộ trong rừng, thăm hang động, thác nước, tắm nước nóng, thăm nghỉ lại tại bản văn hóa với khí hậu trong lành. Phát triển du lịch ở xã Chiềng Yên sẽ tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào địa phương.
admin (Theo Phóng sự của Mạnh Cường( Báo Sơn La) )
Tác giả: admin
Nguồn tin: http://dulichmocchau.net
Ý kiến bạn đọc