Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Khám phá bí mật nhà tù Sơn La- Thuyết minh chi tiết

Thứ sáu - 26/02/2021 10:30
Tỉnh Vạn Bú được thành lập năm 1895, tỉnh lỵ đặt tại Pá Giang bên bờ Đà Giang. Sơn La khi đó chỉ là địa phận thuộc tỉnh Vạn Bú. Năm 1904, thực dân Pháp chuyển tỉnh lỵ về Sơn La và vĩnh viễn xóa tên Vạn Bú. Chúng bắt đầu một kế hoạch thâm độc cai trị người Việt.
Khám phá bí mật nhà tù Sơn La- Thuyết minh chi tiết

NHÀ TÙ SƠN LA Ở ĐÂU?


Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn LaTừ 1930 - 1945, thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn  chính trị, với tổng số 1.013 lượt  nhân tại đây.

Nhà tù Sơn La la một khu đất cao nhất trung tâm TP Sơn La, án ngữ các ngả đường đi Hà Nội - Lai Châu - Tạ Bú. Từ đỉnh đồi có thể nhìn bao quát toàn cảnh, khống chế toàn địa bàn.

Ai là tác giả nhà tù Sơn La?

Các nhà sử học từng tranh cãi về tác giả nhà tù Sơn La vì nhiều ý kiến cho rằng, tài liệu Pháp để lại không đáng tin. Sau khi đối chiếu các tư liệu của mật thám Đông Dương lưu trữ tại Cục Lưu trữ tài liệu T.Ư Đảng và những nhân chứng địa phương, thì lịch sử kết luận tác giả ngục Sơn La là Công sứ Jeanmont Perat, người địa phương quen gọi với tên Gioăng Mông Pê Ra.

Chính ông này là người duyệt bản thiết kế của Sở Kiến trúc thuộc Nha công chính Bắc Kỳ vào tháng 10/1907. Sang đầu năm 1908, ông ta đốc thúc gấp rút xây dựng và hoàn thành vào cuối năm. Sau khi tham vấn các lãnh binh Sơn La, Gioăng Mông Pê Ra chọn địa điểm đồi Khau Cả để xây dựng nhà tù với yêu cầu có thể cách ly được những tù nhân với người bản địa. 

Nhà tù Sơn La lúc đầu có tên “Prison de Vạn Bú” với chức năng giam giữ tù nhân thường phạm. Tuy nhiên, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân đấu tranh, thì nhà tù Sơn La thay đổi tính chất, đổi tên là “penitencier de Son La”. 

nha tu son la
Bản vẽ thiết kế nhà tù Sơn La do Sở Kiến trúc thuộc Nha Công chính Bắc Kỳ vẽ.

Những người bị giam giữ là tù chính trị thuộc các đảng phái nhưng chủ yếu là tù cộng sản. Năm 1930, Công sứ mới của Sơn La là Xanh Pu Lốp cho mở rộng nhà tù thêm 1.500m2 gồm 5 nhà giam chính, 3 chòi canh góc và 1 chòi canh trung tâm giáp nhà giám binh. Năm 1933, Xanh Pu Lốp bị đầu độc. Công sứ Cousseau lên thay, năm 1940 tiếp tục cho mở rộng ngục Sơn La thêm 170m2, biến hệ thống nhà ngục Sơn La trở thành nơi giam cầm khủng khiếp nhất. 

Theo số liệu, năm 1930 chỉ có 24 người tù cộng sản từ nhà giam Hỏa Lò bị “phát vãng” lên Sơn La, thì đến tháng 12/1944 con số đó đã lên tới 1.007 tù nhân. Để giết dần thể xác lẫn tinh thần của người tù chính trị, báo cáo của Công sứ Sơn La gửi Thống sứ Bắc kỳ có đoạn như sau: “Chỉ cần một thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng một cách êm thấm”.

Xây dựng nhà tù Sơn La không đơn giản nên Pháp đã tính toán kỹ lưỡng từ địa điểm, thiết kế, chọn và vận chuyển vật liệu, nhân công… Trong đó, khâu vận chuyển sắt thép và xi măng từ Hà Nội lên Sơn La là khó khăn hơn cả. Tài liệu của Sở mật thám Đông Dương còn ghi rõ, sắt thép, xi măng theo đường 41 (đường 6 hiện nay) có ô tô chở đến Chợ Bờ (Hòa Bình). Từ Chợ Bờ, phải dùng xe ngựa kéo 220km tới Sơn La.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn tấn vật liệu được Pháp chuyển lên Sơn La. Chúng tận dụng nhân công là các tù thường phạm, nô dịch địa phương và tù chính trị tham gia xây dựng. 

Dựng cảnh các tù nhân cộng sản họp bàn đấu tranh chống ngục.

NHÀ TÙ SƠN LA CÓ GÌ?

Cây đào Tô Hiệu

Ðầu năm 1943, chi bộ đã giác ngộ và gây dựng được hai cơ sở cách mạng đầu tiên là tổ chức: "Hội người yêu bản mường". Chính người thanh niên dân tộc Thái có cảm tình với cách mạng là anh Lò Văn Giá đã dẫn đường cho các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lưu Ðức Hiểu, Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Văn Trân vượt ngục thành công.

Hồi đó Tô Hiệu bị giặc xếp vào phần tử nguy hiểm và biệt giam trong một gian chéo góc của nhà tù Sơn La. Ông phải làm việc khổ sai biệt lập, không được tiếp xúc với ai ngoài lính gác. Điều kiện hà khắc trong tù và bệnh lao hành hạ, Tô Hiệu vẫn hoạt động bí mật. Trong suốt 4 năm trong nhà ngục Sơn La - “Địa ngục trần gian”, ông đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây, nhiều người giác ngộ cảm tình với cách mạng, sau đó tham gia cách mạng. 
Ngày 7/3/1944, Tô Hiệu hy sinh tại nhà tù Sơn La lúc 33 tuổi. Cây đào ở nhà tù Sơn La được mang tên Tô Hiệu vào năm 1945 khi cách mạng đã thành công để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng của một chiến sỹ kiên cường. 

 

df3 lpvz
Cây Đào Tô Hiệu

 

Chị Cầm Thị May, cán bộ Bảo tàng Sơn La cho biết: "Cây đào Tô Hiệu thể hiện cho tinh thần bất khuất của các chiến sỹ cộng sản ở nơi này. Đồng chí Tô Hiệu cũng là người có công lao to lớn trong nhà tù Sơn La này, giúp các đồng chí ở đây viết tài liệu để các đồng chí học tập, đã biến nhà tù đế quốc này thành trường học cách mạng, nơi đào tạo các cán bộ cốt cán cho cách mạng sau này".


Chiếc quan tài mở nắp

Trong tài liệu của mật thám Đông Dương, Công sứ Xanh Pu Lốp dọa các tù nhân: “Nếu ở Hỏa Lò, các anh lo đối phó với Chính phủ thì lên tới Sơn La các anh phải lo đối phó với sốt rét”. Vì thế, ngục Sơn La được ví như chiếc quan tài mở nắp, chỉ chờ tù nhân tắt thở là đem chôn.

Mùa đông với bốn bề núi đá, rừng sâu khiến cho cả vùng đất Pá Giang tê cóng đóng băng. Còn mùa hè, đỉnh điểm cái nóng lại chính là đồi Khau Cả. Phòng chật, không cửa sổ, không lỗ thông hơi khiến nhà tù Sơn La trở thành hỏa ngục thực sự.

Khí hậu khắc nghiệt đã khiến không chỉ các tù nhân mà ngay cả những người dân thường cũng mắc phải các chứng bệnh phù thũng, kiết lỵ, thương hàn và đặc biệt là bệnh sốt rét. Thực dân Pháp đã lợi dụng khí hậu để tiêu diệt dần sinh lực và giết tù nhân. 

Có đến ngục Sơn La, tận mắt thấy những phòng giam chật chội đã bị phá hủy vài phần, đối chiếu với những bức hình xưa còn sót lại mới thấy nơi đây là một nhà tù quái gở và đầy rẫy nỗi kinh hoàng do bọn thực dân thiết kế.

Những bức hình mà bà Vũ Thị Linh, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La cho chúng tôi xem thì các phòng giam không khác gì những “lỗ chuột”. Chúng chật chội, ẩm thấp, tối tăm và bẩn thỉu. Tất cả các phòng giam, không phòng nào giống nhau. Mỗi cái một kiểu kỳ dị, phòng thì hình tam giác, phòng hình vuông, phòng hình chữ nhật, phòng khác lại hình bát giác… nằm thì không vừa thân mà đứng thì không vừa đầu. 

nha tu son la
Hố xí không nắp đậy trong phòng giam.

Toàn bộ nhà tù được xây bằng đá cùng một phần gạch, không có trần nhưng kẹp chân tù nhân vào hệ thống cùm sắt. Trong mỗi phòng giam đều có hệ thống hố xí nổi không nắp đậy, không có nước dội. Với lối thiết kế như vậy khiến môi trường ngột ngạt phát sinh dịch bệnh. 

Không chỉ đày đọa tù nhân chính trị về thể xác và tinh thần, thực dân Pháp còn thủ tiêu ý chí đấu tranh, ý định vượt ngục của họ. Chúng lợi dụng trình độ dân trí thấp của người địa phương để mị dân hòng chia rẽ, tạo hằn thù dân tộc. Chúng đến các bản làng rêu rao rằng, tù nhân cộng sản là những thảo khấu chuyên cướp của giết người. Vì dưới xuôi không có một nhà tù nào đủ sức giam giữ chúng nên phải đem lên đây quản lý.

Cụ Lò Thị Phính ở thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) cho biết: “Hồi đấy tôi còn nhỏ, vẫn nghe các thầy bên bảo hộ đến thông báo cộng sản là cướp, là phỉ nên ai cũng sợ. Thậm chí họ còn nói, nếu có ai lạ nói tiếng khác với người bản địa thì phải báo ngay cho các thầy. Sẽ có thưởng bằng muối và bạc trắng”.

Giá mỗi cái đầu của tù cộng sản được Pháp đưa ra cho người dân là 20 đồng bạc trắng và 5 tạ muối. Tự tin về chiến thuật mị dân của mình, tên Công sứ Pháp nói với các tù nhân: “Đừng bao giờ tìm cách trốn, thổ dân sẽ đem đầu các anh về đổi lấy muối”.

nha tu son la xay dung tu bao gio
Nhà tù Sơn La được xây dựng từ năm 1908.

Tù nhân chống ngục

Trước sự dã man của nhà tù Sơn La, không biết bao nhiêu tù thường phạm và cả những tù chính trị phải gửi xương ở nghĩa địa Gốc Ổi. Đây là một nghĩa địa lớn, chuyên chôn cất những tù nhân của nhà tù Sơn La, và đó cũng là nỗi ám ảnh của các tù nhân trong ngục tối đồi Khau Cả.

Từ những năm 1936, những người tù cộng sản trong ngục Sơn La đã ra khẩu hiệu đấu tranh vẻn vẹn 6 chữ “Đấu tranh không ra Gốc Ổi”, nghĩa là đấu tranh để sống và chiến đấu. Cuộc đấu tranh lúc này cũng là để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ và rèn luyện cán bộ cho phong trào cách mạng sau này. Các tù nhân đều rất yếu sức nên họ phải rèn luyện sức khỏe trong nhà tù, nhường từng miếng cơm, chia từng mảnh áo. 

Mỗi khi có tù nhân chính trị đưa đến ngục Sơn La, thường kèm theo một phiến trát của toàn quyền Đông Dương. Năm 1932, đoàn tù đông đảo nhất lên tới 210 người chân mang xích sắt, vai cổ cùm kẹp. Đoàn tù nhân chính là những chiến sĩ của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. 

Các bức tường cũ của nhà tù Sơn La.

Trong đoàn tù này, phiến trát lưu ý với các quan cai ngục nhà tù Sơn La về những “phần tử nguy hiểm” mà hiện giờ, sau những giải mã thư mật mới biết là các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Lan, Đỗ Ngọc Du, Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, Lê Duẩn.

Ngay khi những “phần tử nguy hiểm” mà phiến trát đã nêu có mặt tại ngục Sơn La thì bắt đầu trong tù có những biến động. Những người tù cộng sản không biết bằng cách nào đã thông báo cho nhau tổ chức cuộc đấu tranh chống toàn quyền Đông Dương là Pátskiê. 

Cuộc đấu tranh vừa khởi mở thì Pháp tiếp tục có các phiến trát đày đoàn tù mới lên Sơn La gồm Nguyễn Lương Bằng, Đặng Việt Châu, Phạm Quang Lịch, Bùi Vũ Trụ, Hoàng Đình Dong.

Bà Vũ Thị Linh, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, người đã tiếp xúc với nhiều nhân chứng của nhà tù và cũng là người tìm hiểu những bí mật của nhà tù Sơn La cho hay: “Khi Chiến tranh Thế giới lần II bùng nổ, các quan cai ngục tăng cường khổ sai nặng nhọc đối với tù nhân. Bắt tù nhân đi phá đá, đốn củi, đốn gỗ ở chốn rừng sâu, đào hầm, xây nhà tù, khẩu phần ăn gạo lẫn trấu, thịt ôi, cá ươn, mắm thối, nằm sàn xi măng, phát sinh nhiều bệnh tật hiểm nghèo… gây ra nhiều chết chóc đau thương”.

Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích 2.170m2. Tháng 7/1941, Thống sứ Bắc Kỳ lệnh cho Nha Công chính lập kế hoạch xây dựng 1 nhà giam lớn với diện tích 3.900m2 với mục đích giam cầm thêm 500 – 800 tù chính trị. Mùa mưa năm 1942, do thi công không bảo đảm, toàn bộ công trình sụp đổ.

KINH NGHIỆM ĐI NHÀ TÙ SƠN LA TỪ MỘC CHÂU

Đường đi nhà tù Sơn La


Học sinh thường hay được giao làm Bài thuyết minh về nhà tù Sơn La, nhiều bạn có điều kiện đã đến tận nơi để tìm hiểu về nhà tù Sơn La rồi mới viết. Và con đường để đến với di tích lịch sử ấy cũng không quá xa xôi.

Từ Mộc Châu, theo quốc lộ 6 chừng 120km sẽ tới thành phố Sơn La, đường rất dễ đi, chỉ mất chừng 2,5 tiếng di chuyển là tới, dọc đường sẽ đi qua những địa điểm thú vị như rừng ban Chiềng Hắc Mộc Châu, rừng xoài Yên Châu, tượng đài Thanh niên xung phong Ngã 3 Cò Nòi (Mai Sơn)....

Tới Thành Phố Sơn La, rẽ trái ở Cầu Trắng, sau đó đi thẳng lên đồi Khau Cả, Khu Bảo Tàng Sơn La và Di tích Lịch sử Nhà Tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi.

Làm gì ở nhà tù Sơn La

Việc đầu tiên nên làm là thắp hương ở đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ ngay cạnh bãi đỗ xe, đây là nhà tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ, những tù nhân chính trị đã mất tại nhà tù khét tiếng Tây Bắc này. 
Sau đó mua vé thăm quan bảo tàng và nhà tù. Vé thăm quan nhà tù Sơn La là 30.000 vnđ/ người. Qua một cổng nhỏ rêu phong với tên viết bằng tiếng PHáp, Nhà tù Sơn La cây đào to Hiệu sẽ hiện ra trước mắt. Để hiểu rõ về lịch sử cũng như có bài thuyết minh hay về nhà tù Sơn La, nên nhờ thuyết minh viên xinh xắn người Thái, cũng là cán bộ bảo tàng Sơn La đi cùng và giới thiệu.
Khi kết thúc hành trình, có thể vào Bảo tàng Sơn La tìm hiểu thêm về lịch sử tỉnh Sơn La và xuống chân đồi thắp hương tại nghĩa trang Gốc Ổi, nơi chôn cất các liệt sỹ, tù nhân ở nhà tù Sơn La. 

Các điểm thăm quan gần nhà tù Sơn La

Gần nhà tù Sơn La có nhiều điểm thăm quan du lịch, nhưng gần nhất và tiện đường nhất là Suối nước nóng Bản Mòng, Hua La để tắm suối nước nóng, ăn gà nướng và đặc sản Tây Bắc do đồng bào dân tộc Thái chế biến.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây