Ngay từ sáng sớm ngày 11/3, rất nhiều du khách và người dân từ khắp nơi tấp nập đổ về Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La tham dự Lễ hội mùa hoa ban” năm 2023, tạo nên không khí vui tươi, rộn ràng giữa lòng phố phường. Lễ hội “Mùa hoa ban” năm nay được tổ chức đúng vào thời điểm hoa ban đang nở rộ, một màu trắng muốt tinh khôi trải khắp các triền đồi, ngọn núi, con đường đôi (Quốc lộ 6) dẫn vào địa bàn thành phố, tạo nên vẻ đẹp kiêu sa
Nhiều người dân mặc áo cóm đến đồi hoa ban chụp ảnh lưu giữ làm kỷ niệm. |
Việc tổ chức Lễ hội mùa hoa ban là dịp để bà con các dân tộc trong và ngoài tỉnh đến gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết, gắn bó với nhau. Không khí sôi động không chỉ cuốn hút bước chân du khách gần xa, mà còn thu hút đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn đến tham dự.
Bà Quàng Thị Lả, (70 tuổi) đến từ huyện Yên Châu cho biết: “Khi nghe tin thành phố Sơn La tổ chức Lễ hội hoa ban, tôi đã ghi chép lại giờ và lịch diễn ra để hôm nay đến xem. Đến đây, tôi thấy rất vui khi thấy nhiều gian hàng trưng bày nhiều vải thổ cẩm, tái hiện lại văn hoá dân tộc”.
Việc tổ chức Lễ hội là dịp để bà con các dân tộc đến gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết, gắn bó với nhau. |
Lễ hội mùa hoa ban năm 2023 được tổ chức từ ngày 11 đến 12/3, với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao như: Thi người đẹp hoa ban, trình diễn trang phục dân tộc Thái; thi vòng xòe sáng tạo; ẩm thực dân tộc; thi thêu khăn piêu; trang trí trại văn hoá; các môn thể thao, trò chơi dân gian tung còn, tó má lẹ, đi cà kheo, kéo co và đốt lửa múa xòe... Nhằm tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm nét truyền thống đặc trưng của các dân tộc tỉnh Sơn La.
Cùng với đó, việc tổ chức Lễ hội Mùa hoa ban còn nhằm quảng bá tiềm năng văn hóa và du lịch của thành phố Sơn La đến với du khách thập phương. Bên cạnh đó, còn nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức đến tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển, hội nhập.
Hoa ban nở trắng muốt trên con đường Quốc lộ 6 dẫn vào thành phố Sơn La. |
Chị Hà Thị Dung, đến từ huyện Mộc Châu chia sẻ: “Tôi thấy không khí ở Lễ hội rất nhộn nhịp và vui tươi. Người người, nhà nhà đều cho con em đến Quảng trường vui chơi. Việc tổ chức Lễ hội vào dịp cuối tuần như thế này, tôi thấy rất hợp lý, giúp trẻ nhỏ và những người lao động như chúng tôi được đến tham quan, trải nghiệm, sau ngày làm việc vất vả’.
Còn chị Lò Phương Hoa, đến từ huyện Sông Mã cho hay: "Tôi cùng gia đình lên lịch đến với Lễ hội hoa ban cách đây 3 ngày rồi. Đây là dịp gia đình tôi vừa đi trải nghiệm, vừa thăm người thân ở thành phố luôn. Tôi sẽ ở lại xem chương trình lễ hội đến khi kết thúc mới về nhà. Cá nhân tôi mong đợi nhất là được xem tiết mục văn nghệ tối nay tại Quảng trường".
Ngay từ sáng sớm đã có rất đông du khách đến Quảng trường Tây Bắc vui chơi và chụp ảnh. |
Hoa ban vốn là biểu tượng của núi rừng Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Loài hoa ban gắn liền với câu chuyện xưa kia ở vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai Mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng câu chuyện tình yêu của 2 người không có cái kết có hậu… Sau câu chuyện đó, dân Mường gọi hoa ban là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ.
Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái Sơn La lại rủ nhau đi hội chơi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như đôi Ban – Khum. Tại Sơn La, cứ xuân sang, hoa ban nở trắng trên các sườn núi, thì nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi chơi núi và chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc đẹp.
Tác giả: admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn