Du lịch Mộc Châuhttps://dulichmocchau.net/uploads/logo-dlmc.png
Thứ bảy - 23/03/2024 20:25
"Tôi sinh ra trên đất Mộc Châu, và dần lớn lên trong tình yêu thương của Mẹ, trong sự dạy dỗ, dìu dắt của Cha, của ông nội. Tôi là người Mộc Châu" Trích trong bài hồi ức của chú Vương Chương, con trai cụ Vương Đình Nguyên, người được mệnh danh là Nhạc sĩ của Nông trường
Vì Quê nội tôi ở làng Phượng Lâu, huyện Kim Đông, Hưng Yên; quê ngoại Thanh Bình, Cẩm Giàng, Hải Dương. Gọi là quê mà tôi về nơi đó có 1 lần khi còn bé.
Đất Mộc nơi tôi sinh ra từng là nơi rừng thiêng, nước độc,chỉ là vùng đồi mấp mô, là những mênh mông của đồng cỏ, đồi chè và người ta gọi là thảo nguyên với cái tên Mộc Châu. Bao quanh thảo nguyên là những dãy núi cao trùng trùng, điệp điệp, là nơi có bản Mèo xa vời lưng núi, chỉ thấy mây bay theo bước chân người, trâu với người đi chung một lối…“ như Cha tôi đã viết cho lời một bài hát năm nao. Nơi ấy không có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, không có lũy tre làng như quê của cha, của mẹ, không có dòng sông bên lở bên bồi, không có góc phố hàng cây như cách tả của các nhà văn trong những câu chuyện về làng quê, phố xá.
Nơi ấy chỉ là những con đường lát đá gồ ghề nhớp nháp bùn khi đông đến, bụi vàng hoe sau những trận gió Lào khi hè về, là những con đường chẳng thể đặt tên… nhưng đó là nơi tôi sinh ra, là nơi chôn rau cắt rốn. Mẹ tôi đã từng kể ngày Mẹ về làm dâu ở Trung đoàn 280 của lính tình nguyện Việt Nam bên Lào về, nhà tôi đã từng „được“ ở khu nhà xây lợp ngói của Trung đoàn, khu nhà ấy giờ là những ngôi nhà mới trong đó có nhà bạn Cảnh Lương (đối diện với Trường PTCS 14.6.). Khu ấy đã bị bom san phẳng hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ. Thời hòa bình lập lại những viên gạch của khu nhà đổ nát đó đã được tôi cùng các bạn khác thu gom vể để xây cái hội trường của Nông trường Bộ từ “Kế hoạch nhỏ’. Rời khu nhà đổ nát vì bom đó, được biết nhà tôi đã từng ở khu dốc 71 (sau gọi là đội Công Trình). Bố, Mẹ rồi Ông nội kể rằng nhà tôi ở gẩn nhà bác Tiềm (bố Liêm Thoa), rồi nhà bác Tịnh Sâm (bố mẹ của Thảo Hà). Dưới chân dốc 71 ngày ấy có một cái hồ, mùa khô nước cạn chỉ còn lại một vục nước như một cái ao nhỏ để mọi người lấy nước sinh hoạt hoặc giặt rũ, cạnh ao đó có một cây gọi là cây gạo.
Hồi còn học cấp I tôi học cùng với Thịnh Tới (anh là Dũng Tới đá bóng khá hay). tôi cũng hay qua bờ đê của hồ sang nhà Thịnh chơi, nhà Thinh gần nhà với bạn Hoà Đỗ (nghe nói bạn ấy đã mất). Nói đến Thinh, Nó lại nhớ đến những ngày nghỉ hè đi thu hoạch quả muồng (chẳng biết ngày ấy các cô chú dùng nó làm gì), cây muồng cao vút đầu, hoa vàng, quả như quả đậu cô ve ở những cánh đồng qua đội 70 (sau này là trại bò 😎, thằng Thịnh cũng ngày ấy rất nghịch có chút ngổ ngáo vì „cậy“ có anh Dũng, Nó cùng thằng Thịnh trong buổi thu hoạch muồng tách lớp ra đi lẻ rồi tìm thấy mảnh vỡ của bom ở dưới lòng con suối đã cạn, thấy có bi trong đó cũng đập ra để lấy bi, mà ngày ấy Nó đã từng biết có những vụ trẻ con táy máy đập ra để lấy bi bị bom nổ mà ra đi.
Thế rồi chẳng hiểu sao nhà Nó lại không ở khu 71 ấy mà lại chuyển đi ra đồi cây trẩu (cái đồi mọc nhiều trẩu lắm và cũng rất lắm bọ nẹt khu ấy một bên là bệnh viện cũ, một bên là đồi trẩu,từ cái đồi trẩu này là khu nhà của các gia đình làm ở bệnh viện có nhà anh Đông, bạn Ngân. bạn Văn… thêm một chặng nữa là đường vào Bó Bun nơi ấy có nhà bạn Đinh Đức, Quách Mơ… Những năm trong chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, đất Mộc tuy chẳng có gì quan trọng nhưng cũng bị cày xéo bởi bom rơi, đạn lạc, cũng bao gia đình bị mất mẹ, mất cha, mất chồng, con… Nói là chẳng có gì nhưng bài hát “Xưởng chè trong hang đá” với lời... Quay quay là quay quay. máy sao máy vò... ta yêu xưởng của ta, nhà máy này của ta, hang sâu luồn vách núi, liền miệng hố bom rơi...” cũng một phần nào chứng minh cho sự khốc liệt của đạn bom ngày ấy. Nó cũng như bao đứa bạn cùng trang lứa phải theo bố mẹ sơ tán cả nhà đến những khu rừng núi kín đáo an toàn, có hang động. Chắc hẳn các bạn cùng trang lứa với Nó sao có thể quên được những buổi học ở trường bụi tre (từ nghĩa trang „Vườn Hổng“ Tiểu khu 70 bây giờ - trước đó là khu nhà trẻ sơ tán dưới rừng thông đi khoảng hơn cây số gì đó. Rồi tiếp nữa Nó cũng đã từng phải leo lên cái hang ở lưng chừng núi (giờ dưới chân cái dãy núi đó và đối diện với cái hang đó giờ là 2 hay ba cái nhà sàn) nằm cạnh Quôc lộ 6 mới cách cửa ngõ vào Tiểu khu Bó Bun bây giờ khoảng cây số gì đó (cách Trang trại du lịch bò sữa bây giờ khoảng 500 m bên phải).
Nó nhớ cái hang này bởi vì ngày ấy đi học Nó cũng như bao đứa ngoài sách vở, bút viết cái lọ mực là không thể thiếu, leo cái dốc vừa cao vừa khó, có lần Nó bị ngã, tay cầm lọ mực bị vỡ thế là mực và máu ở tay của Nó hòa trộn vào nhau, cái vết sẹo do lọ mực vỡ khứa tưởng chừng sẽ mất theo thời gian vậy mà cứ hoài theo Nó đến giờ.
Chiến tranh và bom đạn Nó đã từng nghe, tiếng máy bay Mỹ bay qua, tiếng bom nổ, tiếng đạn pháo cao xạ từ đỉnh núi cao vót từ đội Công trình leo lên do các cô chú bắn chống trả chứ chưa từng chứng kiến những trận bom tàn phá để lại tang tóc đau thương cho bao nhà, nhưng sau này Nó cũng đã được nhìn thấy, được biết trên cái mảnh đất Môc Châu bé nhỏ ây cũng hứng bao trận bom rơi, vết tích là những hố bom sâu hoắm, chắc hẳn ai đó vẫn còn nhớ vì những quả bom chưa kịp nổ mà các cô chú đội cầu đường đã từng phải đào những hố sâu hoắm tìm bom rồi kích nổ. Nhà Nó thời chiến tranh cũng phải chuyển nơi sơ tán đến 4 lần, lần lâu nhất là ở hang „Công đoàn“ (giờ quốc lộ 6 mới đã xén cái hang ấy gần như hết chỉ còn lại một cái hố sâu hoắm đen ngòm.
Gọi là hang „Công đoàn“ bởi vì Cơ quan NT bộ cũng có đủ các ban ngành không chỉ về tài chính, kinh tế mà còn về đời sống tinh thần như Phụ Nữ, Thanh niên và Công đoàn, vì chiến tranh nên các ban ngành cũng phải sơ tán. Ở canh hang ngày đấy có nhà Thảo (bố là Su – sau chuyển làm cán bộ khung ở NT Chiềng Ve - hiện giờ đã về Ninh Thuận) nhà Xuyến (bố là Sen) rồi nhà Nó, những kỷ niệm của tuổi thơ ngày ấy chắc Thảo, Xuyến cũng không thể nào quên, xa hơn một chút nhưng đối diện với dãy núi của hang „công đoàn“ là nhà bác Tài Anh (bố Thủy và anh Tài Sơn), thời ở cạnh hang Nó nhớ nhất là ngày Bác mất, hôm đó do mấy ngày mưa tầm tã nước lũ tràn về nhà Nó cũng bị nước lũ vào thăm. Một thời gian sau thì các cô các chú rồi phòng Công đoàn chuyển ra NT Bộ - khu Cơ quan bây giờ, nhà Thảo cũng đi, nhà bác Sen cũng vậy, còn nhà Nó lẽ ra cũng ra khu cơ quan nhưng không hiểu sao lại chỉ chuyển ra cách hang chừng chưa đầy cây số (có lẽ do ông nội Nó thấy địa thế đẹp - giờ thuộc TK 70) và trụ ở đấy đến giờ.
Những năm đi học ở đội 70 Nó đã từng được học với thầy Quý, rồi ra trường cấp I (trên dốc đội Công trình) những năm học cấp 1 Nó cũng chứng kiến cảnh Mẹ nó ra trường để giúp Nó đào hầm trú ẩn, đến khi lên cấp 2 thì trường lại sơ tán vào khu rừng sau dãy núi – Nó đã từng hỏi các bạn trường sơ tán sau dãy núi này gọi là gì mà cho đến giờ chưa ai đặt cho một cái tên để gợi nhớ. Đường đến trường từ nhà Nó là đường từ Cơ quan vào đội Tân Cương (bây giờ là TK 26.7) cách TK 19.5. chừng cây số gì đó. Học ở khu rừng sơ tán này lớp 5 với Nó là các bạn „dân“ đội Tiền Tiến như Dung (con bố Bính), Tuyết, Sơn“ Mực“, Châu, Chung (An)… „dân“ đội Vườn Đào là Tân, Mạnh Hùng, Dũng „Bốn“, chơi với „hội Vườn Đào“ Nó cũng „bập bẹ“ học hút thuốc, rổi được Tân dạy cho vài „miếng võ“, thân với Nó nhất là Thành „Néc“ (bố mẹ là Trường Sáo). Cái biệt danh “Chín“ là do Thành đặt cho Nó ngày còn học lớp 5 khi trường từ nơi sơ tán ra, nhà trường lập đội bóng đá, Nó ra sân – cái sân bóng cũ nằm trên cái dốc mà xuống cái dốc đó là qua xưởng sữa rồi đến đội 77, dưới cái dốc đó cũng là đội Công Trình, hôm đó Nó đứng xếp hàng để điểm danh các „cẩu thủ“ tương lai, lượt Nó điểm là thứ chín - ngẫm tưởng được vào đội bóng nhà trường, nhưng Nó bị loại ngay tức thì, thằng Thành cứ thế trêu và „đột nhiên“ Nó có thêm cái biệt danh 9 đó (chứ đâu phải Nó thích ăn đổ chín).
Mang tiếng là trường sơ tán mà những ngày đi học chẳng nghe thấy bom rơi đạn rít… nên đường từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà Nó đã từng đùa nghịch, nhớ nhất là lần với „hội“ Vườn Đào trên đường đến trường từ đội 70 qua đội 40 rồi qua Cơ quan mới đến đượclớp, lần ấy đùa nghịch trên đoạn dốc cạnh nhà bác Cảnh (bố anh Đào Ái , bạn Đào Nga) bị con dao „tông“ rơi vào tay chảy máu đầm đìa cái sẹo vẫn hằn to trên cánh tay của Nó (dao tông mang đến trường để lao động hoặc để đẽo vỏ quế hoặc chặt cành cây mật ong để lấy quả mút). Học ở trường sơ tán này được một thời gian ngắn thì trường chuyền về khu gần trường cấp 1 trên dốc Công Trình, khu Ban Giám Hiệu trường cấp 2 và nơi các thầy cô ở dọc theo đường đến đội Công Trình, còn lớp học là một dãy nhà kê tảng, có 2 lớp là „được“ nhà xây (là 2 cái kho chứa thuốc trừ sâu DT 66 thì phải) 1 lớp sau khi máy húc „hớt“ để lấy mặt bằng dựng các lớp học khác lợp bằng mái trang thì „trơ“lại trên gò đất, lớp kế tiếp khoảng 3 hoặc 4 trăm mét gì đó ở cuối trường, từ lớp này cũng có một lối đi xuyên qua vườn lê, táo sang khu Cơ quan qua nhà bạn HÒA (mẹ là bác Giới), nhà bác Nho.
Thoạt đầu nghe nói được học trong lớp này hầu như đứa nào cũng thích, thấy oai oai vì vào mùa đông ấm hơn không bị gió lùa tứ phía. Có lần Nó cũng „được“ ngồi trong lớp này nhưng… Chao ôi! Sặc mùi thuốc trừ sâu phả ra. Sau này không biết có bạn nào „được“ học tiếp trong hai cái nhà xây ấy nữa không chứ nếu theo suốt 3 năm trong cái nhà đấy chắc giờ thần kinh cũng „biêng biêng“ rồi. Ba năm cấp 2 ở trường này Nó cũng có nhiều kỷ niệm, hồi ấy chữ viết của Nó nguyệch ngoặc đến tệ thế mà Nó từng „bị“ cô Lý chủ nhiệm gọi lên phòng cô cùng với cái Huệ (Huệ Phó) để viết sổ sách giúp cô, Nó nhớ những ngày nghỉ hè đi học thêm, nhớ những buổi học văn do thầy Hưng dạy toán nhưng lai dạy thêm cả môn văn, nhớ mãi những vần thơ qua giọng đọc của thầy qua bài thơ „Máu và hoa“ của Tố Hữu có đoạn “Khao khát trăm năm mãi đợi chờ, Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ, Một trời êm ả xanh không tưởng, Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ…“.
Nhớ những ngày cắm trại ở cái thung lũng trước trường cấp 2 (Nó gọi là thung lũng vì đó là lối đi tắt của Nó cùng các bạn khác sang trường - từ nơi trước là xưởng làm xi măng si li cat sau là trường 14. 6.), ngày ấy thung lũng là một phần của vườn cam, vườn bưởi, những ngày cắm trại tuy ngắn ngủi nhưng thật vui, thú vị và đầy ý nghĩa bởi kể từ ngày cắp sách đến trường lần đầu tiên và duy nhất Nó được biết và cũng để cho Nó nhớ nhất. Nhớ những buổi đồng diễn thể dục do bạn Thanh Đặng (nhà ở 70,xinh gái, học giỏi) liên đội trưởng hô đĩnh đạc từng động tác để cho các bạn gái xoay cái vòng quấn giấy pơ luya màu (ngày ấy nhà có sẵn mà Nó chẳng có bạn gái nào để cho). Nhớ những ngày học lớp 7, cạnh lớp Nó là lớp 7C do cô Tiện dạy toán chủ nhiệm, Nó thích học lớp của cô vì cô dạy toán rất hay nhưng chẳng được (hình như lớp của cô chỉ cho các trò các đội Tân Cương, Bản Hoa Đội 9, đội 12 thì phải- Nó đoán mò vì học lớp cô toàn những đứa giỏi toán như Vũ Toại, Khương), hồi đó Khương đội 9 học lớp của cô, giỏi toán nhất trường, Khương cũng nổi tiếng ở trường với những „mối tình bọ xít“ của tuổi học trò, còn lớp Nó là 7D (gồm các bạn Tiền Tiến,Vườn Đào, hình như có cả 40 thì phải vì có cả bạn Oanh (con bác Yến xưởng cưa) – Nó biết bạn Oanh bởi vì nhà Oanh cũng sơ tán cách nhà Nó không xa (trước là trại lợn giờ là Trang trại du lịch bò sữa) sát nhà Oanh còn có một cái „hục“ nước rất sâu có cái thang sắt đi xuống trèo lên để lấy nước sinh hoạt vào mùa khô, các „hục“ nước xung quanh đều có những cây „mắt cọp“ ăn chát xì và Nó nhớ bạn Oanh bởi cứ mỗi lần nghỉ giải lao là cả bọn lại ngồi hóng Oanh kể chuyện ma, Oanh kể nghe mà sợ, nhưng rất hấp dẫn đứa nào cũng vểnh tai để nghe, cũng trợn mắt há mồm mà ngạc nhiên, rổi sợ.
Nhớ những ngày khi mùa đông về trời rét căm căm hầu như đứa nào cũng có cái „lò sưởi di động“ bằng các ống bơ (có sẵn bởi NT có xưởng sữa???) có đứa thì đục lỗ bằng đinh, đứa thi khoét cửa để khi cái lò ấy không đủ ấm bàn tay thì thổi, thì quay tròn cho than hồng, cho có ngọn lửa bùng lên sưởi ấm đôi tay… Người ta thường nói „đất lành, chim đậu“, có lẽ ông Nó cũng vì thế nên đã chọn rồi chốt luôn ở 70 (TK 70) mà không ra khu cơ quan như nhà Xuyến. Những năm tháng nơi đây Nó cũng có biết bao nhiêu kỷ niệm của nhũng ngày cắp sách đến trường rồi từ trường về nhà,tất cả như cứ hằn sâu trong trí nhớ, đó là con đường mà mỗi mùa đông khi không có lũ Nó đi tắt qua ruộng lúa bậc thang của người Mường ở bản Bun trồng. khi mùa mưa lũ thì Nó lại lần theo con dốc được kè đá thành đường (cái dốc mà từ 70 ra một bên là Vườn thí nghiệm nơi Mẹ nó làm (gọi là vườn thí nghiệm bởi đây là nơi thí nghiệm và ươm giống cây cho các đơn vị trồng trọt của NT dưới sự „bảo trợ“ của bác Tài Anh do cô Quỳnh Anh phụ trách). Đường tới trường sau con dốc„Vườn thí nghiệm„rẽ phải là Xưởng Bột, Đội cơ khí, Đội máy kéo rồi mới đến trường THPT Thảo Nguyên (trước kia là trường VHVL) rẽ trái là đoạn qua Xưởng cưa, xưởng mộc (Nó đã từng xuống cái hầm để lấy mùn cưa rồi sang xưởng mộc lấy phoi bào về đun bếp- nghe đâu bạn Khánh Lê –Đà Lạt cũng đã từng như Nó) qua xưởng cưa, mộc chặng đường tiếp là một con đường kè đá dốc thoai thoải, bên phải dốc là một cái ao nhỏ (có lẽ do một quả bom rơi tạo nên nguồn nước là từ chân của hang Cơ quan chảy ra) cứ mỗi lần đi qua khi trời nắng nóng Nó lại xuống để hưởng cái mát từ dòng nước, mà từ cái ao này người dân 40 hay ra lấy nước để giặt giũ, trồng trọt… sau này bên đường cách cái ao này ở lối vào 40 có lắp thêm cái vòi nước chảy từ đường ống có nguổn từ một tẹc nước lấy từ khu xưỏng sữa ra, ngày ấy hình như là nguồn nước được chảy từ vòi duy nhất của cả khu, vòi đó được đặt gần nhà bác nào đó mà hầu như ai cũng biết mà giờ Nó không thể nào nhớ nổi (chắc các bạn Đào Nga, Phó Huệ, Nga, Mai (con bác Hà Cầu) còn nhớ, cùng bên với cái ao là vườn tăng gia, ngày ấy có trồng rau bắp cải, xu hào, lên hết dốc bên phía nhà bác Đào Cảnh, có một hiệu phở quốc doanh, rồi Mậu dịch quốc doanh, đối diện là bia căm thù và đồn công an, sâu trong nữa là Ủy ban rồi bãi chiếu phim.
Sau mỗi lần tan học đường đi về của Nó lúc là qua lò đậu (đậu phụ) để được các cô cho những miếng cháy được cạo từ nồi ra thơm giòn lấp đi cái đói mà mỗi buổi sáng đến trường chỉ được điểm tâm là một củ khoai lang, khoai sọ hoặc bắp ngô luộc, bát ngô bung, cạnh lò đậu xuống một đoạn dốc là cái lò mổ (mổ lợn, bò có lẽ để thi thoảng phân phối cho ai hoặc đội nào đó) và vườn tăng gia chuyên trồng xu hào, bắp cải thì phải… đường từ trường về nhà của Nó lúc là qua nhà Huệ (con bác Vinh Lựu),nhà anh Đông, Phương con bác Sót, rồi nhà bác Nghiên Lục (bố mẹ Nó rất thân với hai bác), rồi qua nhà Tâm (con bác Thành Nhiệm). Nhà Tâm ở dưới chân cái núi nho nhỏ mà trên đỉnh núi có một cây đa, người ta mắc mấy cái loa xoay đi tứ hướng để bà con được nghe bài thể dục buổi sáng, để nghe „Đây là đài phát thanh nông trường, rồi chương trình thời sự, dậy hát của Đài tiếng nói Việt Nam mỗi buổi trưa. Qua nhà Tâm là đến ruộng lúa của người Mường ở bản Bun trồng, ruộng lúa đẹp lắm, nó chẳng khác gì ruộng bậc thang, cũng ruộng cao ruộng thấp nước liên hồi được chảy từ lô nọ sang lô kia (giờ không còn nữa thay vào đó là vườn rau thì phải). Nhớ những buổi tối ra bãi chiếu phim ở sân cơ quan, cái sân đó nằm bên con suối chảy từ chân núi dước cái hang sơ tán, dòng nưới chảy từ hang đá ra lúc nào cũng trong veo, mát lạnh. Cách suối nước không xa là cái hội trường được dựng lên từ những cây gỗ nghiến tường toàn bằng gỗ, lợp ngói, nơi ấy đã có bao nhiêu buổi họp, hội nghị có cả phiên xử của tòa luôn, nhớ nhất là các buổi biểu diễn văn nghệ của các lớp học sinh, của các đoàn văn công về biểu diễn, của đội văn nghệ nông trường với các vở chèo có chú Khung (thợ rèn ở đội cơ khí) rồi vở kịch có cảnh bắt giặc lái Mỹ mà chú Lạc (có bộ râu xồm) bố bạn Hòa (đội 9) thủ vai. Còn cái bãi phim, nơi hội tụ của bọn trẻ cũng như người lớn với món ăn tinh thần mà có lẽ là gần gũi nhất nơi đã từng chiếu những bộ phim truyện của Việt Nam - Nổi Gió, Vĩ tuyền 17 ngày và đêm… rồi phim Trung Quốc và Liên Xô. Chắc hẳn cũng như Nó một ai đó giờ vẫn nhớ phim „Những kỵ binh áo đỏ“ của Liên Xô, còn Nó, Nó rất nhớ bởi ngày đó cha Nó là người hay thuyết minh cho những bộ phim nước ngoài (chỉ đọc và biểu cảm theo lời đã soạn sẵn).
Nhà Nó ở đội 70 nhưng hộ khẩu của cả bố mẹ Nó đều là ở cơ quan, nên cứ mỗi lần bố Nó đi công tác xa nhà là Nó lại „được“ đi xe đạp Thống Nhất ra bếp cơ quan thồ gạo về. Khu cơ quan cũng để cho Nó bao nhiêu kỷ niệm, khu đó là 2 dãy nhà kê tảng trát toóc xi với những phòng ban rồi nhà tập thể của các cô chú cán bộ, nhân viên NT bộ kéo dài từ chân hang nơi có nguồn con suối đến tận đường quốc lộ 6 (cũ). Nó nhớ có buổi các cô chú tập quân sự bắn đạn giả, tiếng đạn nổ khắp nơi của khu cơ quan còn Nó cùng với một thằng bạn (nếu nhớ không nhầm thì là bạn Công con bác Từ ở 77) ngồi ở trong phòng cùng một chú viết thông kê, sổ sách gì đó. Ngày ấy cơ quan NT coi như là „đầu não“ cho cả NT Mộc Châu, khu đó gồm các ban nghành cho sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi… rồi chăm lo đời sống tinh thần như phụ nữ, thanh niên, công đoàn. Chắc hẳn bao người không thể nào quên cái tiếng kẻng trong veo tưởng như tiếng chuông nhà thờ mà lại là từ vỏ một quả bom được vang lên đón chào một ngày mới, báo vào giờ nghỉ trưa hay gìờ tan tầm, nơi phát ra tiếng kẻng ấy cũng là từ cái phòng cuối dãy nhà cơ quan sát đường QL6 cũ. Từ đây dọc theo quốc lộ này ngày ấy một bên là hồ cá (mà nó chằng được thưởng thức bao giờ) có một cái cống để nước chảy qua đường sang bên vườn tăng gia cứ mỗi một mùa mưa là tắc nghẽn nước tràn lên hết mặt đường (vườn tăng gia này sau được cải tạo thành hồ nuôi cá nhưng có lẽ không hiệu quả nên giờ nó đã bị lấn chiếm và lấp dần thay vào đó là những dãy nhà và cửa hàng cửa hiệu), theo tiếp là khu nhà cô chú Nhuận Sở (sau cô Nhuận về làm đội trưởng cho đội 70), tiếp đến là nhà chú Triều Nữ… nhà thầy Quyền (bố bạn có tên là Khánh giờ ở đâu đó trong nam), rồi hiệu cắt tóc (sau thành khu chợ) sau hiệu cắt tóc đi sâu chút nữa là UB Thi Trấn NT, gần UB có nhà thầy Hợp (bố Cảnh) dậy Sử hồi cấp 2.
Nhà Nó ở đội 70, cái xóm nhỏ ấy một thời chỉ là những ngôi nhà lợp cỏ lá tranh được dựng lên nhờ những cây cột đốn từ rừng sau khi đẽo lớp vỏ được kê lên những phiến đá người ta gọi là nhà kê tảng, vách là những lát tre, sậy được chẻ ra đan lại rổi trát lớp đất sét trộn với rơm rạ xin của người dân bản Bun, nhà lợp cỏ lá tranh nên qua nắng mưa của từng năm tháng dần mục ruỗng khi mưa nhà bị dột, Nó nhớ những ngày theo Mẹ cùng với các cô bác (giờ Nó chẳng nhớ ai nhưng có lẽ đã từng là bà Nhật, bà Ất, bà Liệu, bà Minh …vào tận bản Chiềng Đi để cắt cỏ tranh về phơi khô rồi đan để lợp lại nhà – Một thời khi nhà ai lợp lại với tình làng nghĩa xóm chỉ ới nhau vài lời là cùng xúm lại lợp cho xong. Hàng xóm với nhà Nó là chú Đào Tiến em bác Đào Cảnh làm ở xưởng cưa mộc chú “chuyên” làm trọng tài cho các trận bóng của nông trường, rồi nhà anh Thân, bạn Thùy Vân, cô bé Nguyễn Vy, nhà Nó cũng gần nhà bạn Thanh Đặng, bạn Lài... Nó nhớ những năm đi học Nó chẳng có thằng bạn nào học cùng lớp, bạn gái thì lại càng không (Nó nói không vì tính Nó ngày ấy nhát lắm, hiền như cục đất - hiền nhưng cục vì có lần Nó bị „chế“ với cô bé hàng xóm, Nó khùng lên lấy bút vẩy mực vào áo mấy đứa liền, có lẽ vì thế nên đâu có cô nào dám kết bạn với Nó.
Rồi những ngày đi học đến trường Nó một mình „băng qua“ những nẻo đường mà Nó tự tạo ra rồi in đậm dấu chân Nó, nói vậy không có nghĩa là Nó không có bạn đề chơi, bạn Nó là thằng THOẠI, trèo cây thoăn thoắt như mèo để lấy những giò phong lan, hái những quả nhãn rừng trên cây cao vút, là anh em thằng Trữ (Tú) từ đội 9 chuyển ra, là anh em nhà thằng Ngoc, Phương, Đông với những buổi chơi búng bi với những viên bi từ đất nung mua từ Hà Nội, khi không có bi thì lấy vỏ đạn súng trường xoay đi xoay lại mẩu đất sét phơi khô thành viên bi rồi sơn màu lên như bi thật, vì mải chơi „ăn“ bi mà quên việc gánh nước, trông em bị bố Nó mang đòn gánh ra dọa đánh, nhớ những trò chơi bắn súng „phốc“ được làm từ cây trúc, đạn của súng lúc là những quả sơn tử (giờ có tìm đỏ mắt mới thấy một khóm trúc, còn cây sơn tử thì chắng thấy nơi đâu) lúc là từ giấy báo, vở học „nhai“ rồi vo tròn hoặc chơi súng phụt thổi nhánh tách từ bông hoa lau, súng lá chuối, súng diêm được đẽo gọt ra từ miếng gỗ dùi lỗ rồi nhét van xe đạp để rồi nhồi bột thuốc diêm bắn cho nổ, rồi những trận chọi cù, là những con cù được đẽo từ gỗ lý hoặc gỗ nghiến… Nhà Nó không xa với bản Pó Bun nên Nó cùng hội trẻ trâu ấy cũng học được cách đi đào củ mài, đào sâm… Nhớ những chiếc xe „thồ“ nước được „chế“ bằng một bánh xe sắt để đẩy thùng nước (mà không phải gánh trên vai) lấy từ vòi công cộng về (hồi đó 70 cũng được lắp những… hai vòi)…
Đất Mộc mảnh đất tuy nhỏ bé nhưng lại là nơi gắn kết những con người từ rất nhiều miền quê Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa,Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là nơi có cả các cô các chú trong nam do chiến tranh phải ra bắc tập kết đã từng đổ mồ hôi, nước mắt để xây dựng nông trường để rồi một ngày các cơ chú đó trở lại quê hương, hoặc là những người cán bộ khung đi xây dựng vùng kinh tế mới mà vẫn luôn đau đáu nhớ về đất Mộc, nhớ nông trường xưa, nhớ về một thời đầy gian khó, cảm động hơn cả là các cô chú rồi các bạn nơi đất trời phương nam ấy đôi khi vẫn hát lại bài hát của Cha nó khi ngày 8.4. đến. Có bạn còn chép tay bài hát của cha Nó khi rời đất Mộc về Lâm Đồng và lưu giữ mãi đến bây giờ. Vậy thì huống chi với Nó - Đất Mộc mảnh đất nơi Nó sinh ra, lớn lên từ bầu sữa của Mẹ, từ củ khoai, củ sắn, từ những lá tem, cuống phiếu… Nơi ấy Cha Nó đã từng gắn bó với người Mèo (H-mông) để có „Xe qua bản Mèo“, gắn bó với những đồi chè, vụ chè để có „Vào vụ chè xuân“ …nơi ấy Cha Nó đã để lại những bài ca tuy mộc mạc chân chất chân quê nhưng có lẽ với món ăn tinh thần ấy đã một phần „níu chân“ được bao người ở lại để có một Mộc Châu hôm nay, nơi mà giờ đây ở một nơi xa, xa lắm mỗi khi nghe được tiếng khèn của người H Mông, những làn điệu dân ca Thái, Mường, hay „son son la đô son“ của điệu múa sạp là Nó lại nghẹn ngào nấclên, nhớ đến nao lòng, nơi ông nội, rồi bố mẹ Nó đã gửi gắm mồ hôi nước mắt cho đến lúc ra đi vĩnh biệt cõi trần gian giờ đang yên với giấc ngủ ngàn thu cũng là nơi đó, nên giờ dù có đi đâu ở đâu Nó vẫn hướng về nơi đó, nhớ da diết về nơi đó, Nó có một miền quê, một quê thứ 2 của Nó. Ở phương trời xa thẳm với hơn nửa đời phiêu bạt, nơi mà Nó lại „phải“ coi là quê hương thứ … Ba này, khi ở cái tuổi xế chiều Nó chẳng có ai là người cùng trang lứa, cùng „tâm hồn“, cùng xứ sở với Nó để cùng ôn lại vậy là…cứ thế mỗi ngày Nó lại „gặm nhấm“ nhớ về những năm tháng tuổi thơ, nhớ về một thời đã qua, nhớ đến và cũng là tìm lại những người bạn thuở ấu thơ giờ mái đầu đã bạc. Dù đã „ngược xuôi theo dòng đời năm tháng, ơn quê người nhưng vẫn luôn chạnh lòng nhớ tới quê xưa“, Nó nghĩ chắc không chỉ riêng mình Nó, ở cái tuổi của Nó bây giờ ai đó dù đã là ông là bà, biết đâu có người đã lên vai cụ, nhưng khi đã là những người con sinh ra trên đất Mộc dù ở đâu, ở bất kỳ phương trời nào cũng không thể nào quên nơi đó. Một mai rồi ta cũng sẽ rời xa cõi tạm trần gian này, dù có thể hóa thân ở một nơi nào đó nhưng đất Mộc đã và mãi mãi in đậm trong tâm khảm mỗi con người sinh ra từ đất Mộc và mãi vẫn coi đó như là quê hương của mình.
Có lẽ nào: „Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn“- Chế Lan Viên và „Quê hương mỗi người chỉ một,như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người“ -Đỗ Trung Quân