Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

DẤU ẤN ĐẬM NÉT TÌNH HỮU NGHỊ CUBA - VIỆT NAM Ở MỘC CHÂU

Thứ bảy - 27/04/2024 03:36
Trích hồi kí bác Bùi Quang Nho, một trong những kĩ sư chăn nuôi được đi học ở Cu Ba, sau đó về Nông trường Mộc Châu công tác và làm việc ở mảng chăn nuôi bò sữa
DẤU ẤN ĐẬM NÉT TÌNH HỮU NGHỊ CUBA - VIỆT NAM Ở MỘC CHÂU
Nông trường Mộc châu được thành lập từ 08/4/1958 với nhiệm vụ và mục tiêu ban đầu là trồng các cây lương thực kết hợp với nuôi bò đàn và một số gia súc gia cầm để phục vụ cho nhu cầu tự cấp tự túc của cán bộ công nhân nông trường ngày ấy . Những năm đầu mới thành lập , nông trường đã nuôi đủ thứ các con vật nuôi như trâu , bò , ngựa , dê , cừu , thỏ , lợn , gà , cả nuôi ong lấy mật ... và trồng nhiều loại cây lương thực , cây công nghiệp ... ngắn ngày , dài ngày ... như lúa , ngô , khoai , sắn , đậu , lạc , vừng , cây chè , cây hoa bia , táo , lê ... và nhiều loại cây ăn quả khác nữa . Thành công nhiều nhưng thất bại cũng lắm từ thực tế sản xuất và những lần rút kinh nghiệm của nông trường .
 
bac ho


Năm 1960 Nông trường Mộc châu nhập về 2095 con cừu , gồm ba giống Tân cương , Mông cổ và Bắc kinh . Cừu được nuôi và lai tạo với cừu đực giống Merino của Liên xô để tạo con lai , nuôi cả cho lấy lông làm len Mộc châu và lấy thịt . Cừu sinh đẻ nhiều và phát triển tăng đàn khá nhanh . Cuối năm 1961 đã là 4394 con . Năm 1967 đã lên hơn 6000 con . Cả năm cho 12 tấn lông cừu và khá nhiều thịt cừu . Rất nhiều người đã mơ ước Mộc châu sẽ trở thành một tiểu vương quốc nuôi rất rất nhiều cừu để sản xuất , chế biến và cung cấp len , thịt cừu Mộc châu , cho cả nước và có thể cho cả xuất khẩu nữa !

Nhưng con cừu là vật nuôi thích hợp và phát triển tốt cho những vùng có khí hậu với độ ẩm thấp và rất thấp . Cừu không thể sống , phát triển được ở những vùng có khí hậu với độ ẩm cao , mưa nhiều và ẩm ướt . Đàn cừu ở Nông trường Mộc châu , sau nhiều năm được nuôi dưỡng , chăm sóc rất cẩn thận ... đã bị nhiều loại bệnh như ghẻ lở , giun , sán , lở mồm long móng ... cừu non sinh ra rất đẹp , nhanh lớn , nhưng sau cai sữa thì lại phát triển chậm lại và mắc quá nhiều bệnh ... cho nên đàn cừu Mộc châu đã được dần dần thải loại . Cừu được đưa về xuôi để làm các “món nhắm” ưa thích cho rất nhiều những bữa tiệc sang trọng ngày ấy . Những con cừu cuối cùng của Mộc châu được thải loại vào những năm cuối của thập niên tám mươi thế kỷ trước , đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ đẹp về con cừu Trung quốc ở Mộc châu .

Từ một đàn bò có năng xuất sữa rất thấp , năm 1959 với 10 con bò sữa nội địa mua từ Đông anh Hà nội , năng xuất bình quân là 4 lit / con/ ngày , con cao nhất là 7 lít/ ngày cho sữa cả năm được 12 tấn. Năm 1960 Nông trường đã nhập 8 con bò sữa Trung quốc và 6 con từ nông trường Ba vì lên thành tổng đàn 24 con , cho sữa nhiều hơn . Tổ chế biến sữa ra đời . Thành phẩm là sữa tươi đun sôi để uống và sữa bánh.

Đàn bò sữa phát triển rất nhanh . Năm 1965 đàn bò sữa đã 250 con , năm 1966 đã là 400 con . Cho sữa cả năm 400 tấn . Xưởng chế biến sữa ra đời . Sản phẩm chế biến ra là sữa hộp , bánh sữa , caramel và bơ mặn , mang thương hiệu Mộc châu , được mang đi bán khắp miền bắc nước ta ngày ấy .

Tháng 10 năm 1970 , Cuba giúp ta 129 con bò sữa , nhập về Sao đỏ , nâng tổng đàn bò sữa Mộc châu lên hơn 1000 con . Năng xuất sữa bình quân đã là 10,5 lit/con/ngày . Cho sữa cả năm gần 1000 tấn .
lich su bo sua moc chau (5)

Năm1974-1975 Cuba giúp ta xây dựng 15 trại bò sữa , 1 trại bê , 1 bệnh viện bò sữa và gần 1000 ha đồng cỏ , giúp ta thêm 887 con bò sữa nữa , nâng tổng đàn bò sữa Cu Ba giúp ta là 1016 con . 12 kỹ sư chăn nuôi và 2 bác sỹ thú y học tập và tốt nghiệp ở Cuba về Nông trường Mộc châu . Gồm các kỹ sư chăn nuôi Lê Văn Hoà , Vũ Văn Trung , Bùi Quang Nho , Hà Văn Chiêu , Lê Mẫn , Nguyễn Văn Hảo , Phạm Mỹ Trang , Trần Nghĩa Hiệp , Nguyễn Thanh Bắc , Huỳnh Thị Thi , Nguyễn Duy Phong , Nguyễn Thị Quý , Khổng Trọng Thành , Hà Văn Muồn . Hai bác sỹ thú y là Lưu Công Khánh và Nguyễn Duy Hùng .

Các kỹ sư chăn nuôi và bác sỹ thú y học tập và tốt nghiệp ở Cuba đã mang về những kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất về chăn nuôi bò sữa , áp dụng ngay vào việc chăm sóc , nuôi dưỡng , quản lý , khai thác và phát triển đàn bò sữa ở nông trường Mộc châu . Những kỹ thuật chăn nuôi bò sữa tiên tiến này đã và đang được áp dụng ở nông trường Mộc châu và ở Việt nam ta cho đến tận ngày nay . Đúng là nhờ có khoa học kỹ thuật tiên tiến mà đàn bò sữa và ngành sản xuất sữa ở nông trường Mộc châu phát triển nhanh và mạnh như vậy . Năm1981 đàn bò sữa đã là hơn 3000 con cho sữa cả năm hơn 3000 tấn sữa .
lich su bo sua moc chau (2)


Trước đây , do chưa hiểu biết nhiều về con bò sữa , khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò sữa ở Việt nam còn rất hạn chế . Nuôi bò sữa ở ta , chủ yếu là do yêu quý nó , nuôi nó để lấy sữa , thế thôi !
Tôi còn nhớ : Năm 1973 , mới về , tôi thấy nông trường Mộc châu có thuê một hoạ sỹ , có cái biệt danh là “Trạng Luyện” vẽ và làm các pa nô , áp phích cho nông trường , vẽ những con bò sữa trông giống như những con cừu , có con bò sữa trông giống như những con voi . Có một con bò sữa được vẽ rất to , màu rất đẹp , nổi bật , nhưng lại có cái bầu vú ba lô khổng lồ ... quét đất ... thật là bệnh hoạn ! Tôi đã đưa cho anh ấy xem hình ảnh những con bò sữa chuẩn , đẹp , có cái dáng hình cái nêm , để anh vẽ lại hết ... bỏ đi các hình ảnh những con bò sữa trước đây mà anh đã dày công sưu tầm và vẽ nên .

Khi xuống thăm và chỉ đạo sản xuất ở các đội chăn nuôi , tôi thấy chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa ở ta , không theo một kỹ thuật nào , tất cả chỉ làm theo cảm tính , theo kinh nghiệm , thói quen ... Nuôi bê thì cho bê ăn sữa bằng bình bú ... rất vất vả . Cho cả đàn bê gần chục con ăn sữa xong... thì người nuôi bê và bò đẻ ... đã mệt nhoài ! Áp dụng kỹ thuật Cuba , cho bê ăn sữa , uống trực tiếp bằng xô ... thật là đơn giản và nhẹ nhàng ! Sau này , một công nhân nuôi bê ở trại bê có thể nuôi được cả một đàn bê mấy chục con bê ăn sữa , mà vẫn rất thảnh thơi !

Từ trước tới bấy giờ , bò sữa ở ta được nuôi theo cảm tính . Ai cũng rất yêu quý và thương mến con bò sữa ... nên người ta cho con bò ăn rất nhiều tinh bột và đủ các loại củ quả trồng cấy được . Vì vậy , con bò sữa đã mắc rất nhiều loại bệnh . Khi áp dụng kỹ thuật Cuba : bò được ăn no , chủ yếu bằng thức ăn thô xanh , ủ chua , các loại cỏ bổ xung ... mùa đông được ăn thêm cỏ khô nữa . Thức ăn tinh chỉ là bổ xung , ăn theo khẩu phần , cho từng loại bò , theo lượng sữa sản xuất của từng con bò . Vì vậy đàn bò luôn khoẻ mạnh , cho sữa cao , sinh sản nhiều , và phát triển đàn nhanh .

Nói về chuyện thức ăn cho bò sữa : Ngày trước ở ta chưa biết cho bò sữa thức ăn ủ chua . Nhiều người cho rằng ngô ủ chua có mùi thum thủm , mùi thối ... không thể cho con bò sữa quý giá ăn cái thức ăn này được ! Đã có một ông phó tiến sỹ học và tốt nghiệp ở Liên xô về , ông đã thuyết phục mọi người là bò sữa ở nước ngoài ăn rất nhiều thức ăn ủ chua ... bò khoẻ mạnh và cho sữa rất tốt ! Chính ông phó tiến sỹ đã ăn thức ăn ủ chua này và khẳng định “Tôi ăn được thì con bò sữa cũng ăn được !” Từ đó dần dần ít đi và không còn có người phản đối cho bò ăn ngô ủ chua nữa !

Lại nói đến chuyện làm ủ chua ! Rất nhiều người nói là làm ủ chua phải cho thêm muối vào để tránh ủ chua bị hỏng , bị thối ... một số người còn khẳng định là phải cho đạm u rê vào ủ chua để ủ chua có giá trị tốt hơn .v.v và v.v ... Theo chúng tôi : kỹ thuật Cuba ủ chua dùng ngô cây đạt tiêu chuẩn , độ chín ... thì không cần cho thêm một thứ gì nữa ! Chỉ cần làm ủ chua trong thời gian nhanh nhất có thể và phải đầm , nén cho thật chặt , thật kỹ ... để đuổi hết có thể không khí trong hố ủ , đảm bảo quá trình lên men yếm khí tốt cho hố ủ ! Kỹ thuật này được áp dụng cho việc làm ủ chua cho đàn bò ở Mộc châu và khắp Việt nam cho đến tận hôm nay !

Nói về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa ở Mộc châu nói riêng , ở Việt nam nói chung là một đề tài rộng và phong phú , có thể nói trong nhiều thời gian , không thể hết được !

Thế rồi ngày 01/6/1982 thành lập Xí nghiệp liên hợp Mộc châu thay cho Nông trường Mộc châu trước đây . Hình thức sản xuất vẫn là tập trung quan liêu bao cấp , kế hoạch hoá . Bộ máy quản lý quá cồng kềnh , kém hiệu quả . Sản xuất đi xuống , mọi mặt đi xuống , đời sống giảm sút , đi xuống . Chè từ thu hoạch hơn 5000 tấn , xuống chỉ còn dưới 3000 tấn . Sữa từ hơn 3000 con bò , cho hơn 3200 tấn sữa , xuống còn 1294 con bò cho 1285 tấn sữa cả năm . Cả chè và sữa sản phẩm chế biến ra , sản xuất ra không bán được , vì chất lượng sản phẩm rất kém .

Năm 1991 Liên xô sụp đổ , hệ thống các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ , viện trợ không còn ... cả nước vô cùng khó khăn ... Đất nước đổi mới . Cả nước ta thực hiện khoán . Khoán 100 rồi khoán 10 ra đời . Khoán đến tận hộ gia đình . Sức mạnh của sức sản xuất từ kinh tế hộ gia đình được phát huy . Sản xuất dần đi lên , phục hồi và phát triển . Cả chè và sữa dần phục hồi và phát triển trở lại .
Cả đàn bò sữa được chọn lựa thật kỹ càng . Chỉ để lại những con bò có hình thể đẹp , cho sữa cao , đại đa số là những con bò là các con , cháu của những con bò sữa Cuba đã giúp Việt nam trước đây .
Những năm 2000 - 2005 đàn bò phát triển rất nhanh . Năm 2005 đã lên đến 4000 con , cho sữa 10 ngàn tấn sữa một năm . Hiện nay NXBQ đã là 27 lit sữa một con ngày . Với tổng đàn hơn 27 ngàn con , cho sữa hơn 100 ngàn tấn sữa một năm . Sản phẩm chế biến từ sữa đã rất đa dạng , nhiều chủng loại , gồm sữa thanh trùng , sữa tiệt trùng , sữa chua các loại , bánh sữa các loại , kẹo sữa , bơ , pho mai ... được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng . Những sản phẩm từ sữa này được bán rộng rãi trên khắp cả nước và cả xuất khẩu nữa . Sản phẩm sản xuất ra đến đâu được bán hết ngay đến đấy . Nhiều khi còn sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng .

Sắp tới đây , “Thiên đường sữa Mộc châu” sẽ là một trong những nơi cung cấp nhiều trăm ngàn tấn sữa và các sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên chất của Mộc châu cho cả nước . Chúng ta sẽ rất tự hào về Thảo nguyên Mộc châu Sơn la , về sự đóng góp xây dựng quê hương Mộc châu Sơn la của các thế hệ đã từng khai phá , xây dựng , bảo vệ , thúc đẩy sự phát triển, trưởng thành của mảnh đất thảo nguyên Mộc châu Sơn la này .

Vợ chồng chúng tôi cũng như nhiều người nữa rất vinh dự , tự hào là đã được cống hiến hết khả năng , sức lực và tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Mộc châu . Bản thân tôi là một trong số các cán bộ khoa học kỹ thuật đã từng học tập , tốt nghiệp ở Cuba . Về nước , tôi được trực tiếp góp sức mình mang kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất về chăn nuôi bò sữa áp dụng ngay vào việc chăm sóc , nuôi dưỡng , quản lý , khai thác và phát triển đàn bò sữa giống quý của nước bạn Cuba trao tặng , để ta có được đàn bò sữa Mộc châu ngày hôm nay .

Nhờ có sự giúp dỡ nhiệt tình , vô tư của Cuba , trên cơ sở nền tảng của đàn bò sữa giống quý Cuba đã giúp Việt nam , ta đã chọn lọc , lai tạo , khai thác , nuôi dưỡng và phát triển , để có đàn bò sữa Mộc châu ngày hôm nay . Đây là những dấu ấn rất đậm nét của tình hữu nghị thắm thiết mà Đảng , Nhà nước và nhân dân Cuba đã dành cho Việt nam . Chúng ta càng trân trọng , càng cần giữ gìn và làm cho nó phát triển hơn nữa tình hữu nghị thắm thiết anh em Việt nam - Cuba , Cuba - Việt nam từ trước tới nay và mãi mãi sau này .

Ảnh được dự án Phục chế màu bằng AI
lich su bo sua moc chau (3)
 
lich su bo sua moc chau (4)

Tác giả: roots

Nguồn tin: Bác Bùi Quang Nho

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây