Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Khát vọng và tình yêu của người phụ nữ miền núi trong "Địu con đi nhà trẻ"

Thứ tư - 20/10/2021 01:48
Là một người thích nghe dân ca, nhạc xưa, tôi đã từng nghe qua Địu con đi nhà trẻ nhưng không mấy ấn tượng, chỉ thấy giai điệu cũng dễ nghe. Cho đến tận bây giờ, khi có gia đình, có con, đã thấm thía những va chạm cuộc đời, một chiều mùa dịch, ngồi tĩnh lặng nghe kỹ mới thấy bài hát quá tuyệt vời.
02 IMG 6839 1
02 IMG 6839 1
Tổng thế, bài hát giống lời ru, lời tâm sự với đứa con nhỏ xíu của người mẹ dân tộc Thái. Trong ấy, khởi đầu là hình ảnh một nhà trẻ trên núi cao, nhìn ra dòng suối trong veo, những cánh rừng xanh mát và nương lúa vàng ươm đang vào vụ gặt. 
 
Nhưng nếu chỉ có thế, bài hát đã không tồn tại lâu như vậy (sáng tác năm 1968), ẩn sâu trong từng câu chữ là ước mơ, là hi vọng là khát khao của người mẹ Tây Bắc về một ngày mai tự do, tươi sáng. 
Vốn là nhạc sĩ của  Đoàn văn công Quân khu Tây Bắc, lại gắn bó với Tây Bắc lâu dài, nên Địu con đi nhà trẻ của nhạc sĩ Đào Ngọc Dung thấm đẫm hồn đất, hồn người và vẽ ra chân dung chân thực người phụ nữ Tây Bắc giản dị nhưng vẫn đầy khát vọng. 
 
Điều khiến tôi ấn tượng là cách thể hiện của tác giả Đào Ngọc Dung. Chỉ trong 3 lời của bài hát ru mà gói vào đó cả hiện tại, cả quá khứ, cả tương lai trong những lời ngọt ngào, âu yếm của người mẹ. Nó đan xen, nhưng có thể kể lại là: ngày xưa cha con khổ cực lắm:  người Cha ấy đã sống 1 đời cuông nhốc (người ở, người làm), bị phìa, tạo chèn ép, bóc lột đến mức cùng cực (“Cả rừng xanh, khúc suối xanh/Cả nương lúa cũng của nhà Phìa”, rồi đến những thứ ở ngoài rừng như con cá, con nai cũng của nhà Phìa hết)... Hiện tại, cha đi chống quân thù ở xa, mẹ ở nhà lo toan gánh vác, vừa trông con, vừa đi nương, cấy lúa nương/ Trồng khoai sắn ấm no bản mường để “Cho thêm lúa ra chiến trường/ Bố yên lòng chiến đấu đường dài”. Con cứ yên lòng ngủ ngon, chơi ngoan, đã có mẹ, có bố đang hàng ngày cố gắng để ngày mai tất cả là của con:
 
“Của con đấy con ơi, cả đồng lúa cả nương đồi
Cả bốn năm phương trời, cả ngày mai cả cuộc đời
Của con đấy con ơi, cả trời cao với tầng mây trắng
Cả núi non cả rừng, cả dòng suối hát reo mừng
Cả núi rừng dòng suối là của con đấy con ơi !”

 
Câu chuyện cứ thế phát triển, đan xen trong giai điệu ngọt ngào, khi là giọng kể chậm chậm, du dương, về hiện tại và quá khứ, khi là điệp khúc đầy hi vọng, mong mỏi về ngày mai. Có lẽ những ngày tháng làm “người Sơn La“ đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sỹ, thổi vào đó âm hưởng Tây Bắc, ngôn ngữ Tây Bắc, giọng điệu Tây Bắc, để rồi ngấm vào máu thịt, cho nên bài hát đầy chất Tây Bắc từ giọng điệu, đến lời ca này ông chỉ sáng tác trong 2 tiếng đồng hồ.
 
Bài hát được sáng tác tại HTX Đông Khùa, nay thuộc huyện Yên Châu. Ông Dung kể: cảm xúc về một nhà trẻ tiến bộ bậc nhất miền Bắc Bấy giờ cùng với nỗi nhớ con, với tình yêu thương hướng về người vợ ở nhà khiến ông chong đèn ngồi viết suốt mấy tiếng. Viết một mạch đến sáng thì xong. Ngay khi về đến nhà, ông hát cho vợ mình và đứa con xa nhớ nghe. Vợ ông thích lắm, ông gửi cho cơ quan dựng, và không nghĩ đến sau này, những năm 70-80 ai cũng thuộc nằm lòng.
 
Cái tôi thấy hay nhất trong bài hát, chính là hình ảnh người phụ nữ, người mẹ Tây Bắc trong kháng chiến. Viết về phụ nữ Tây Bắc, phụ nữ Việt Nam thì khen không biết bao nhiêu cho đủ. Nhưng trong bài hát này, tôi thấy hiện lên một người phụ nữ duyên dáng lắm, đẹp lắm! Từ giọng ru con, giọng kể chuyện tôi cứ hình dung ra nguyên mẫu một cô gái người Thái xinh đẹp, nhẹ nhàng, dịu dàng, nữ tính, hết mực yêu thương con cái, khéo chăm con, chiều chồng. Nhưng cái tuyệt nhất của bài hát này, là người phụ nữ ấy đã vượt tầm, không còn là người mẹ, người vợ của gia đình, bản, làng nữa mà trở thành người mẹ của Tây Bắc đến 2 cấp: cấp 1 là sự  tần tảo, đảm đang, sẵn sàng: Mẹ cuốc xới, mẹ vun trồng/ Gắng đêm ngày làm việc bằng hai vừa làm nông, vừa làm dân quân, vừa làm mẹ để chồng yên tâm đi chiến đấu. Cấp 2, cao hơn nữa, đó là người mẹ đầy khát vọng lớn lao. Khát vọng về một ngày bình yên, con được lớn lên trong tự do, con được sở hữu bầu trời, cái cây, dòng suối. Khát vọng về một ngày con khỏe mạnh, giỏi giang thỏa sức vẫy vùng, vươn thật xa, làm những điều lớn lao. 
 
Ngày mai lớn khôn lên cả dòng suối này vẫn đầy
Thả sức con quăng chài tận biển khơi hay sông dài
Ngày mai lớn khôn lên luyện bàn tay con cầm cây súng
Thả sức đi săn rừng diệt con thú giết quân thù
Biển cả hay rừng núi là của con đấy con ơi !

 
Cái khéo của tác giả trong sự đàn cài câu chữ quả thật khiến tôi mê mẩn. Chẳng hạn,  thả sức con quăng chài, nó chỉ đơn giản là một hành động quăng chài ở suối thì tầm thường quá, nhưng ở đây, tác giả trải rộng ra, quăng tận biển khơi, tận sông dài, hay Của con đấy con ơi, cả đồng lúa cả nương đồi thì cũng bình thường, nhưng ngay sau đó lại mở tiếp lên “Cả bốn năm phương trời, cả ngày mai cả cuộc đời”. Hình ảnh người mẹ thông thường cứ theo ngôn từ, nhạc điệu mà mở rộng lên thành người mẹ của bản làng, của Tây Bắc, của dân tộc Việt Nam ta đầy bản lĩnh, dịu dàng, nhẹ nhàng, đảm đang, tháo vát,  nhưng cũng không thiếu hoài bão, khát vọng. 
 
 Suốt 3 lời bài hát, người mẹ ấy không nói về mình, mà nói về con, về ngày mai của con, về quá khứ của cha con. Chỉ đến lời 3, mới xuất hiện một chút với lời dặn còn, lời động viên mình, lời khẳng định với con, với chồng rằng: cứ yên tâm! 
 
Đấy, người phụ nữ Tây Bắc là thế: khiêm nhường, nhẹ nhàng, đằm thắm, và đầy khát vọng, nhưng như hàng triệu bà mẹ khác trên đất nước Việt Nam này, họ luôn tâm niệm “gian khó nào nề chi vì đời con đấy con ơi!"
 
Tuổi xuân của họ, dành cả cho con rồi! Khát vọng đời họ, gửi cả vào con rồi! Và sau này lớn lên, những đứa con, hãy mang cả trời yêu thương về cho họ!
 
Thành Đạo 10-2021

XEM THÊM: Địu con đi nhà trẻ - bài hát về nhà trẻ tiến bộ nhất miền...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây