Nhà hàng xuân bắc 181

NGÔI TRƯỜNG THẢO NGUYÊN: trường cấp 3 vừa học vừa làm nông trường

Thứ hai - 08/04/2024 02:09
Đó là những ngày đã lâu lắm rồi; mùa thu năm 1976, 38 năm đã trôi qua! 38 năm đối với cuộc đời mỗi con người là biết bao nhiêu sự cuộc nỗi niềm biến đổi trải qua, bao nhiêu thứ đã qua đi, quên đi, những gì còn lại là in vào tâm khảm một đời. Trích tản văn của thầy Trần Văn Huấn về trường
Khanh Le
Khanh Le
 

I. Hội đồng choai.

​Nhận được lời mời lên dự họp mặt 35 năm lớp 8C ra trường, mấy ngày này lòng tôi xốn xang nỗi nhớ về một “thuở ban đầu” làm nghề dạy học của mình. Tôi muốn ghi lại theo trí nhớ của mình về những năm tháng ấy… Ngôi trường Thảo Nguyên và lớp 8C ngày ấy – bây giờ!

​Gọi là ngày ấy, đó là những ngày đã lâu lắm rồi; mùa thu năm 1976, 38 năm đã trôi qua! 38 năm đối với cuộc đời mỗi con người là biết bao nhiêu sự cuộc nỗi niềm biến đổi trải qua, bao nhiêu thứ đã qua đi, quên đi, những gì còn lại là in vào tâm khảm một đời.

​Ngày ấy tôi là một sinh viên tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội mới ra trường. Sau 3 ngày tàu xe ( nếu tính cả thời gian chờ đợi là năm ngày), tôi lên đến Ty Giáo dục Sơn La và được phân công về dạy ở trường cấp 3 Thảo Nguyên bây giờ. Ông Vĩnh người Vĩnh Phú, cán bộ phòng tổ chức Ty Giáo dục bảo: “ Đ/c về công tác ở trường PTTH vừa học vừa lao động sản xuất Mộc Châu” ! Cái tên trường rất dài, tôi nhớ theo cách gọi ngắn gọn thông thường của nhiều người là trường cấp 3 vừa học vừa làm nông trường!
 
Khanh Le
Cổng trường THPT Vừa học,Vừa lao đông, sản xuất - Ty Giáo dục Sơn La
ẢNh: Cô KHanh Lê
 
 
truong pho thong vua hoc vua lam moc chau
 
truong pho thong vua hoc vua lam moc chau2
Ảnh: Cô KHanh Lê

Từ Ty về tới trường lại phải đi ô tô mất gần 100km, gần một ngày đường. xuống bến xe Mộc lỵ thì đi bộ 5km nữa. Ngày ấy không có xe ôm, xe taxi, đi bộ là chuyện thường. Không biết tại sao dưới trường biết trước, bếp tập thể đã nấu cơm để đón tôi. Tôi được gặp những đồng nghiệp đầu tiên: anh Côn, anh Bách, anh Thư, anh Sơ; cấp dưỡng là cô Toan, cô Dịu. Một đĩa thịt bò luộc nhưng để cả cục, mướp sào thịt. Tôi ăn thấy ngon cho đến bây giờ! Nhưng nhớ nhất là cách đón tiếp lính mới có một không hai. Tôi vừa bỏ bát đũa xuống là đã bị vây quanh bởi một dàn âm thanh của 2 đàn ghui ta, còn lại là vung xoong, xô tôn, chảo gang, các bài hát thời ấy: Ca chiu sa, Qua miền Tây Bắc, Bài ca sư phạm… Hát và gõ, đàn cho tới mệt thì dừng!. Anh Côn cười thân mật bảo: Thế là Huấn đã ra nhập “Hội đồng choai” rồi đấy!

​Hội đồng choai. Không chỉ anh Côn hiệu phó mà cả các ông trên Ty Giáo dục cũng gọi như thế. Tôi nghĩ đúng như thế thật. Lãnh đạo Hội đồng là anh “ Phú Hiệu trưởng” , hiệu phó là anh Côn, ở tuổi 40, cô Kiểm, cô Thái tuổi ngoài 30, còn lại là toàn bộ đám choai choai mới ra trường một hai năm, toàn ĐHSP Hà Nội lên. Lên được một giáo viên ngày ấy quý lắm. Toàn miền Bắc chỉ có trường SP Hà Nội và trường SP Vinh. Lên Tây Bắc cũng không có thời hạn nào cả, cứ thế là dạy. Nhiều năm sau có người chuyển vùng, có người sinh cơ lập nghiệp ở lại Tây Bắc cho đến bây giờ như: anh Bội - Liêm, anh Hỗ - Dần, anh Tân - Bích, anh Đức - Thu anh Thu – Trâm. Là hội đồng choai nên chưa ai có vợ, dạy không biết mệt, hăng hái, vô tư, văn nghệ và thể thao rất mạnh.

Đường quốc lộ số 6 ngày ấy còn dải đá, rất sóc và rất bụi. Trường lớp ngày ấy có ba khối 8, 9, 10, có 4 lớp 8 nhưng chỉ có 2 lớp 9, 2 lớp 10 chuyển từ trường cấp 3 Mộc lỵ xuống. Ngày ấy nghèo nàn lắm!. Nhà làm việc của các cơ quan, trường học phần lớn lợp cỏ tranh hoặc giấy dầu. Trường tiếp quản cơ sở cũ của đội máy kéo. Nhờ ở giữa nông trường quốc doanh nên có điện thắp sáng và có nước máy. Hai thứ ấy nhiều nơi ở đồng bằng dưới xuôi cũng chưa có. Một tuần được xem 1 tối phim ở bãi chiếu công cộng ( tối thứ 7). Tôi về nghỉ hè dưới xuôi, bạn bè đồng nghiệp thương hại hỏi han, tôi bảo có nước máy và 1 tuần một tối được xem chiếu phim ở bãi ngoài trời. Họ chẳng nói gì, lại còn hỏi thêm: thế học trò cấp 3 trên ấy mặc váy hay quần? Tôi bực mình bảo: chúng nó chẳng mặc gì! Họ có biết đâu, học sinh ngày ấy toàn con em bộ đội nông trường, quê gốc Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Hà, Hưng Yên….

Ngày ấy người Thái, người Mèo chỉ học đến cấp 1 cấp 2 là thôi, sau này cũng có nhưng rất ít. Những phụ huynh học sinh là bộ đội giả phóng Tây Bắc của trung đoàn 280 thuộc sư đoàn 312 (335 mới đúng thì phải) đóng trên cao nguyên Mộc Châu. Trung đoàn 280 là tiền thân của nông trường Mộc Châu, năm 1958 làm lễ hạ sao thành nông trường quốc doanh, là điển hình tiên tiến toàn quốc ngành nông trường. Ngày ấy, hình ảnh nông trường Mộc Châu thực sự là hình ảnh đẹp của chủ nghĩa xã hội. Những ngày lễ lớn 1/5, 2/9, 22/12, mọi người ra đường đều mặc quân phục đeo huân huy chương. Những buổi sáng, nhạc hiệu chào buổi sáng trên hệ thống loa vang lên trong sương sớm “Khi sương sớm vừa tan, trời Mộc Châu như càng cao, khi nắng sớm tỏa ánh hồng, như ửng hồng đôi má…, tình đồng chí, đồng đội nồng thắm, không có tư tưởng cá nhân và lối sống tự tư tự lợi. Tuổi trẻ được giáo dục lý tưởng, niềm tin.

Ngày ấy, nếu chỉ có một trường cấp 3 Mộc lỵ, không sớm ra đời ngôi trường cấp 3 giữa nông trường Mộc Châu rộng lớn thì rất nhiều em không thể có cơ hội đi học. Tôi thầm cảm ơn những thế hệ lãnh đạo của nông trường như bác Tài Anh, bác Nguyễn Viết Sen, bác Mão, bác Lê Trân… đã có tầm nhìn xa, đã có quyết tâm để có một ngôi trường cấp 3 trên thảo nguyên. Các thế hệ học sinh của trường cấp 3 Thảo Nguyên sẽ còn nhớ mãi hình ảnh những “công thần khai quốc” của trường: Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Phú, thầy hiệu phó Phạm Hữu Côn, cô Nguyễn Thị Kiểm, cô Phạm Thị Thái… là những thầy cô đã đặt những viên gạch hồng đầu tiên, những tấm gương mẫu mực về năng lực dạy học và tấm lòng yêu thương học trò.

​Hội đồng sư phạm năm học đầu có hai tổ chuyên môn là tổ tự nhiên và tổ xã hội, và một tổ hành chính phục vụ. Tổ tự nhiên, môn toán gồm các anh chị: Kiểm (tổ trưởng), Thuyết, Tuân, Đoàn; môn lý: Hỗ, Đức, Bảo; môn hóa: Sơ, Bội, Hùng; môn sinh: Thái; môn KTCN: Phương; môn KTNN : Bình. Tổ xã hội: môn văn: Bách (tổ trưởng), Huấn (thư ký hội đồng), Liên, E; môn sử: Thư, Đại; môn địa: Quang, Đoan; Nga văn: Kỉnh, Tân. Tổ hành chính phục vụ có các bác, anh chị: bác Khước phụ trách lao động, bác Hữu Yến chủ tịch công đoàn, bác Đãi bếp trưởng học sinh nội chú, cô Khan kế toán, cô Xoa lao công, văn thư, bác Hào bảo vệ. Phòng y tá: cô Hạnh, cô Liêm. Cấp dưỡng có các cô: Toan, Dịu, Hồng, Thu, Phàn, Bốn. Tổ lao động: các bác Đỗ Yến, Hoàn, Gọn, Phụng, Hải. Năm 1979 bổ xung thêm các anh chị: Đô, Đềm, Tách, Bọt, Gợi, Phổi, Hưu, Vành, và bác Nghĩa lái máy công nông. Chi đoàn giáo viên phục vụ 32 người, đồng chí Huấn – bí thư, đồng chí Bội – phó bí thư.

​Đám cưới giáo viên ngày ấy chỉ có chè thuốc bánh kẹo thôi mà vui. Giáo viên vào vai ông chú, ông bác họ nhà trai hoặc họ nhà gái. Đám cưới Thịnh – Ngọc rất đông, được quay lên phim. Đám cưới Quang – Liên thì họ nhà trai có bác Phong, họ nhà gái có bố cô dâu, còn là giáo viên cả. Đám cưới Đoàn – Nga, anh Kỉnh xin được ngoài cửa hàng công tiêu nông trường được 3 tút thuốc lá, một cân chè Hoa Ban, 10 cân giá đỗ, 5 cân kẹo, cùng với mấy con gà phụ huynh cho thế là làm đám cưới.

​Anh Phú hiệu trưởng là người Hà Nội từng học trường thiếu sinh quân tại Trung Quốc cùng với anh Tất Ân trưởng Ty, phong độ hào hoa mã thượng, râu quai nón, tóc quăn tự nhiên, giọng rất vang. Anh không mặc Comle bao giờ, quanh năm áo đại cán, chân đi ủng. Anh hát giọng khỏe và kéo Vi ô lông rất hay và không bao giờ uống rượu. Ngày ấy chủ nhật hay tổ chức lao động cộng sản chủ nghĩa, nghĩa là thầy và trò toàn trường dàn quân ra mấy quả đồi phát cây, quốc đất khai khẩn làm đất trồng chè. Anh Phú đứng trên đồi bác 2 tay làm loa thông báo mệnh lệnh giải lao, không có loa tăng âm như bây giờ. Những ngày học sinh nhà trường tập đội hình đội ngũ, anh Phú cũng hăng hái ra sân trường hô một hai một hai với cái chất giọng sư đoàn trưởng của mình. Trời tối, sương mù dày đặc không nhìn thấy người vẫn tập, cuối đoàn quân học trò có đứa hô láo. Hôm sau hỏi anh có biết không? Anh cười hiền bảo: tớ cũng hơi hăng, chúng nó đói mệt muốn về, nhất quỷ nhì ma, chấp gì! Dịp ấy tôi có làm một bài báo tường: Bí thư đoàn thày giáo tuổi 30/ Vui vẻ quá những chiều hô đồng diễn/ Thày hiệu trưởng 50 vẫn trẻ/ Tóc hoa râm rồi vẫn hát đồng ca.

​Chị Cúc vợ anh Phú là Giáo viên cấp 1, người xứ Nghệ có giọng Nghệ An rất nặng. Chiều hôm ấy chị mang cuốc ra chỗ đất đầu nhà văn phòng cuốc cỏ tăng gia trồng khoai sọ. Đám giáo viên “hội đồng choai” nghĩ ra trò đùa thay nhau ra hỏi: chị ơi trồng gì? “- Chị trồng khoai sọ!” giọng Nghệ An nặng nghe rất ngộ, lặp lại bằng ấy lần. Chị vẫn vô tư cười cho rằng các chú ấy tốt, ai cũng hỏi han mình. Anh chị đi đâu cũng đi cùng nhau. Anh địu con đi trước, chị xách làn theo sau như đôi chim uyên ương. Anh chị dự định sẽ sinh 4 con, là Kim,Chi,Ngọc, Diệp. Diệp nay là giáo viên toán cấp 3, còn Chi và Kim không rõ làm gì. Cả hai anh chị Phú Cúc giờ đã là người thiên cổ cả rồi.

Anh Phú có cánh mời trà đãi khách và giữ khách rất khéo. Hội đồng choai tối đến kéo ra nhà anh chơi, uống trà, hút thuốc lào, có hôm có cả bánh cuốn tự tráng, kẹo lạc tự nấu. Anh đưa trà trung bình trước, sau đến chè ngon, mọi người sắp về anh mới bảo còn loại trà đặc biệt, ở lại tao pha, thế là ở lại đến khuya. Có một năm, hội đồng choai đi coi thi tốt nghiệp về, nhà anh đi vắng cả, cả bọn thấy trong chuồng có con lợn vừa vừa, cảm hứng lên, thế là giết thịt, sau kiếm con khác thế vào. Dẫy nhà anh ở bây giờ không còn nhà lợp tranh nữa, toàn nhà xây thuộc tiểu khu cấp 3 thị trấn nông trường.
​Nhà anh Côn chị Kiểm ở gần trường hơn, chếch bên trái cổng trường, thành ra cứ như cái văn phòng riêng cho cánh hội đồng choai, trưa xuống, tối xuống, giải lao giữa giờ cũng xuống. Bà thân sinh ra chị Kiểm lên ở với anh chị và các cháu. Bà đẹp lão, nhân hậu, nhẹ nhàng và tế nhị. Trà vừa pha, có khách mới vào là lại bỏ ấm cũ đi pha ấm mới. Bếp trên Tây Bắc thường làm rộng, vừa đun nấu, vừa làm nhà ăn, vừa cất giữ đồ đạc. Ngày ấy không có tủ lạnh, cái gì cũng treo gác bếp. Bà có bọc kẹo của cháu Chi Mai, cũng lấy xuống đưa cho các chú. Có hôm không có bà, các chú cũng lấy bọc kẹo xuống “hỏi thăm”, không khí ấm cúng tự nhiên như ở nhà. Chi Mai nay là bác sỹ công tác ở Hà Nội, Hải Nam nay là cán bộ cơ quan nông trường.

​Anh Phạm Hữu Côn dạy lý rất hay, người nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, cởi mở, ham vẽ và ham đi rừng săn. Giờ dạy vật lý của anh rất thu hút, hiểu ngay tại lớp. Anh làm hiệu phó chuyên môn ngay từ ngày đầu thành lập trường. Anh thật lòng yêu quý hội đồng choai chúng tôi. Về Hà Nội học ở trường quản lý giáo dục trung ương có mấy tháng cũng viết thư về trường “ Tớ nhớ hội đồng choai ra phết”.
​Anh Côn sau đó được ty điều về làm giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên Mộc Châu. Anh đã làm rất thành công, những điều mà các trung tâm khác không làm được, đó là chất lượng. Anh kiên quyết chuyển trường cháu Chi Mai đang học ở trường THPT về học ở trung tâm của anh và tuyên bố Chi Mai sẽ đỗ đại học. Mang cả tương lai con gái của mình ra đánh cược thì thật là kính phục. Chi Mai năm ấy đỗ đại học y Hà Nội. Anh Côn đã làm được như lời dạy của Khổng Tử: “Dĩ thân tác tắc” (nghĩa là người thày phải biết tự mình làm gương thì đạt được mục đích).

​Cụ An Sơn Phạm Hữu Tòng, là thân sinh anh Côn, năm ấy ngoài 80 tuổi, lên thăm con cháu. Cụ là lão thành cách mạng bị Pháp bắt đi tù Côn Đảo. Hằng năm nhà nước lại đón các cụ về Hà Nội nghỉ dưỡng một lần. Tên của anh Côn là từ kỷ niệm ấy. Cụ giỏi chữ Hán, và thuộc nhiều điển tích, điển cố văn học lịch sử.

​Anh Ngô Việt Bách, quê Hưng Yên dạy văn rất hay, có gương mặt đẹp. Giờ hội giảng anh dạy bài “Thăm lúa” của nhà thơ miền trung Trần Hữu Thung. Anh chuẩn bị trước cho một học sinh nữ đọc bài bằng chất giọng Nghệ An 100% : Mặt trời càng lên tỏ/ Bông lúa chín thêm vàng/ Sương treo đầu ngọn cỏ/ Sương lại càng long lanh… Giờ giảng đã thành công ngay từ lúc ấy. Hôm ấy có cả lãnh đạo nông trường dự giờ. Bác Sen bí thư dự xong, đi qua lá cờ đỏ cắm ở cửa lớp nói với mọi người: dạy thế mới là dạy!

​Học sinh ngày ấy thích học thầy Thuyết (toán), cô Đại (sử), nhưng rất sợ thầy Thuyết coi kiểm tra. Thầy Thuyết nhìn thằng đầu bàn thì chết thằng ngoài cửa sổ… Năm thứ ba về them anh Ngô Inh (văn), anh Đoàn Quang (KTCN) rất có năng lực. Ngô Inh sau về công tác ở UBND tỉnh Sơn La; Đoàn Quang về công tác ở đài truyền hình Trung ương.

​Hội đồng choai ngày ấy rất hăng. Mô hình trường vừa học, vừa làm được coi là nguyên lý giáo dục. Ngọn cờ đầu đã cắm ở Hòa Bình. Chúng tôi hăng hái xây dựng mô hình nữa ở nơi đây, nông trường Mộc Châu. Mô hình được hiểu là học sinh cấp 3 vừa học văn hóa, vừa phải ứng dụng kiến thức vào lao động sản xuất, làm ra sản phẩm cho xã hội.

​Bác Ngô Khước dẫn đoàn học sinh đi đắp đập ngăn suối làm hồ cá, học sinh hàng ngày cắt cỏ nuôi cá. Anh Đức, anh Hỗ làm xưởng sản xuất đồ chơi với voi đánh trống, thỏ thổi kèn từ sắt lon phế loại. Anh Kỉnh xây dựng một xưởng máy may mũ nan nhãn hiệu Madein Cấp 3. Anh Phương cho học sinh khiêng máy móc hỏng từ xưởng cơ khí nông trường về làm máy mài bột dong riềng chế miến ăn. Anh Sơ lập lò nấu rượu từ ngô, anh Bảo được giao mở xưởng sửa chữa đài. Anh Bình phụ trách vườn đậu Hà Lan. Anh Tuân làm xưởng mộc…

​Anh Bách sử dụng máy chiếu phim 16mm của Liên Xô, giọng thuyết minh rất đạt, chiếu phim cho giáo viên, học sinh của trường xem. Anh Huấn được giao viết bài diễn ca lục bát về trường vừa học, vừa làm. Ngày ấy hung hăng thật, với sức bẻ gẫy sừng bò, bẻ gò sừng trâu của hội đồng choai. Mũ nan và đồ chơi bằng sắt lon được giới thiệu sản phẩm ở cửa hàng bách hóa tổng hợp thị trấn Nông trường.
​Anh Đinh Quốc Thịnh là giáo viên thể dục, người Ninh Bình, ngôi sao thủ môn bóng đá ngày ấy, cao lớn đẹp trai mà cưa cô Na giáo viên cấp 2 không đổ. Anh có công huấn luyện đội bóng đá nam và phong trào thể dục thể thao nhà trường. Anh Thịnh được phong là đại ca sau vụ hội đồng choai mâu thuẫn với công ty xây dựng. Vụ ấy thế này: sân cty xây dựng thường hay chiếu phim. Một tối đang xem, đám thanh niên công ty phá quấy mấy cô phụ vụ ở trường. Cánh giáo viên nam nghe thấy chả lẽ không can thiệp, xô sát lời lẽ xảy ra. Hôm sau, nội gián học sinh báo tin có 2 chiếc ô tô Zin 130 tiến vào “làm cỏ” nhà trường. Anh Thịnh hô quân vác hết củi của nhà bếp và mấy xe cải tiến chất thành chiến lũy hai đầu đường vào cổng trường. Hội đồng choai mang hết số súng quân dụng được phát hồi tháng 2 năm 1979 ra “nghênh tiếp”. Cánh công ty xây dựng thấy khí thế lớn vậy, đã rút lui, mấy ngày sau gửi thư vào trường giải hòa, mời ra trà thuốc kết tình thân thiên…!

​Ngày 17 tháng 2 năm 1979, sáng sớm tinh mơ, không khí vô cùng khác thường. Loa phát thanh dồn dập đưa tin Trung Quốc đánh ta. 60 vạn quân Trung Quốc tràn xuống khắp dải biên giới Lai Châu – Cao Bằng – Hà Giang – Lạng Sơn rất tàn bạo, dã man. Giờ học đầu tiên, văn phòng nhà trường nhận được nhiều đơn học sinh nam tình nguyện lên đường bảo vệ tổ quốc, có những đơn những hàng chữ đầu viết bằng màu máu đỏ. Giáo viên nam dưới 40 tuổi được phát đầy đủ súng đạn, nếu chiến sự đến gần sẽ theo phương án tập trung tại sân trường chờ lệnh tiếp. Phụ nữ trẻ em và người trên 40 tuổi lên sân trường đoàn tập chung để được dẫn đi sơ tán an toàn trong núi. Lớp học sáng sáng vang lên những bài ca hào hùng “Chiến đấu vì độc lập tự do” , “Chiều dài biên giới” … sư đoàn 316 cử hai tiểu đội bộ đội vào huấn luyện chiến đấu cho giáo viên và học sinh nam của trường. Sau 2 tuần, học sinh đã biết những động tác vận động trong chiến đấu, lợi dụng địa hình, địa vật, sử dụng các súng K44, AK47, AK63, trung liên RPD, súng B40… Con đường quốc lộ số 6 ban ngày có hàng đoàn người dân chuyển về xuôi tránh loạn, ban đêm ầm ầm tăng, pháo, bộ đội hành quân ngược lên biên giới. Thầy trò chúng tôi vừa dạy vừa học, vừa chuẩn bị sẵn sàng lên đường. Hè năm 1979, thầy trò không nghỉ hè, được tổ chức sang biên giới Lào theo đường Chiềng Ve, Pa Háng, sang tỉnh Sầm Nưa đắp phòng tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược. Mật hiệu gặp nhau ban đêm là: độc lập – hỏi, tự do - đáp, nhưng thay đổi từng ngày. Chắc chắn Mộc Châu sẽ trở thành một chiến lũy kiên cường nếu chiến sự lan rộng.
 

II. Trường vừa học vừa mần và lớp 8C.


​Năm học 1976 – 1977 là năm học đầu tiên, chính thức Trường có quyết định thành lập với cái tên “ Trường phổ thông trung học vừa học vừa lao động sản xuất Mộc Châu”. Vì dài quá nên nó chỉ hiện diện trên cổng trường và con dấu, còn thông thường thì gọi là trưởng cấp 3 Nông trường, trường vừa học vừa làm Mộc Châu. Tếu táo thân mật thì gọi là trường vừa học vừa mần. Năm học trước chỉ có 2 lớp 9 và 2 lớp 10 hình thức một phân hiệu của trường cấp 3 Mộc Lỵ. Cổng trường do “hội đồng choai” bảo nhau tự dựng lên bằng hai cây cột điện hạ thế, khung bằng sắt hàn, lát sắt tấm lon, sơn nền đỏ, chữ vàng. Anh Quang giáo viên địa lý viết những hàng chữ này bằng chất liệu sơn. Anh Quang có tài viết chữ bằng sơn rất đẹp, sau chuyển vùng về quê Hải Dương và đã nghỉ hưu. Cơ ngơi của Trường là khu nhà của xưởng máy kéo cũ, gồm khu học, khu ở nội trú cho học sinh, khu nhà tập thể giáo viên và một cái nhà kho cải tạo thành văn phòng, tất cả là nhà lợp bằng giấy dầu hoặc cỏ tranh, vách tat xi.

Năm học 1976 – 1977, trường tuyển sinh 4 lớp 8. Khí thế lắm, trường lớp mới, giáo viên mới, học sinh mới tuyển vào, phụ huynh gần hết từng là bộ đội giải phóng Tây Bắc, quê xa tận Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Hà…, suốt đời gắn bó với sự nghiệp kháng chiến và xây dựng nông trường, nay con cái tới độ tuổi vào học cấp 3, còn gì mơ ước hơn. Tôi cứ nghĩ nếu không sớm có trường, nhiều em sẽ không thể học tiếp cấp 3. Trường “vừa học vừa mần” là trường của tỉnh đóng trên đất nông trường Mộc Châu nên có cả những học sinh từ Mai Sơn, Yên Châu, Phù Yên, Thị xã Sơn La về học.

​Ngày ấy khó khăn, gian khổ lắm. Nếu kể lại cho học sinh ngày nay chưa hẳn đã hình dung ra. Thiếu lớp, thiếu bàn ghế, thiếu nhà và giường cho học sinh nội trú. Học sinh nội trú thời bao cấp phải chuyển sổ gạo, chuyển tiêu chuẩn lương thực về phòng hành chính nhà trường. Bộ phận cán bộ quản lý hành chính, quản lý tài chính và lao động khá đông người. Trường vừa có cái khó khăn của “vạn sự khởi đầu nan” cộng thêm với những khó khăn chồng chất, toàn diện của cảnh đất nước vừa mới trải qua một cuộc chiến tranh ác liệt lâu dài. Phụ huynh học sinh góp tranh ( cỏ tranh phơi khô, đan thành tấm danh để lợp nhà). Các giáo viên chủ nhiệm dẫn học trò vào rừng chặt tre rừng mang về. Chiều muộn, tôi dẫn học sinh vác tre về đến cổng trường đã thấy thầy hiệu trưởng Phú kê bàn đứng ghi nghiệm thu trực tiếp từng cây một. Giáo viên ngày ấy bám lớp, bám trường, lao động cùng đi với học trò. Ngày ấy, vừa học, vừa làm đang là mô hình giáo dục cả nước. Lá cờ đầu là trường Lao động XHXN Hòa Bình vẻ vang một thời. Vừa học vừa làm Mộc Châu là một mô hình theo lá cờ đầu Hòa Bình, chúng tôi say sưa chứng minh cho cái nguyên giáo dục ấy.

​Tôi về trường nhận nhiệm vụ dạy văn và phó chủ nhiệm lớp 8C. Ngày ấy, một lớp có 1 chủ nhiệm và 1 phó chủ nhiệm. Phó chủ nhiệm phụ trách công tác giáo dục lao động và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Mấy bạn giáo viên trẻ bảo mày làm chủ nhiệm với chị Kiểm dễ bị lu mờ. Chị Kiểm ngày ấy đã là một cây đa cây đề rồi. Người khác chỉ ước có được một trong những lợi thế của chị là đã mừng rồi. Chị dạy toán giỏi, lại xinh đẹp dịu dàng, hát rất tuyệt. Chị Kiểm dự hội giảng tỉnh chỉ 1 lần là đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh. Chị hát trong đêm hội diễn văn nghệ toàn nông trường hàng nghìn người im lặng với hai bài Lên ngàn của Hoàng Việt và Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý. Chị là lớp thanh niên tri thức Hà Nội, những năm 60 của thế kỷ 20, khoác ba lô, đi dép cao su lên khai hóa giáo dục Tây Bắc, khí thế phơi phới như trong bài thơ “ Tiếng hát con tàu” của Chế Lam Viên. Trong tình cảm học trò, chị vừa là người cô, vừa là người mẹ. Trước nghỉ hưu chị là phó hiệu trưởng. Anh chị Côn – Kiểm sau khi nghỉ hưu vẫn ở cùng các con, cháu tại ngôi nhà xưa gần trường. Tôi coi anh chị là những công thần khai quốc của trường, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Tây Bắc.

​Ngày ấy sáng học, chiều lao động. Học trò sáng mang sách vào cổng trường, chiều đeo sọt hái chè lên đồi. Đồng phục học trò ngày ấy là quần áo xanh công nhân nông trường. Đến thăm phụ huynh, thấy bố mẹ, anh chị, học trò cũng 1 đồng phục ấy. Tôi chia học sinh theo công việc: tổ hái chè, tổ khai hoang, tổ chăm sóc chè. Ngoài ra còn cử học sinh đi lấy củi trong rừng, xuống bếp tập thể hỗ trợ nấu ăn. Lớp trưởng 8C là Nguyễn Hồng Vi, lớp phó học tập là Thu, lớp phó đời sống là Mai, Lớp phó lao động là Hải. Lớp trưởng Nguyễn Hồng Vi sau đỗ ĐHSP, trở về làm giáo viên toán của trường, là đại biểu Quốc hội, nay đang là tổ trưởng chuyên môn trường cao đẳng sư phạm Sơn La. Thu là người thị xã, hiện đang ở TP Sơn La, đã lên chức bà ngoại. Mai là bác sĩ bệnh viện Sơn La ( đã mất). Hải là Trung tá cán bộ công an tỉnh Sơn La. Vi thông minh, nhiệt tình, công đầu trong việc liên lạc lại các bạn 8C, tổ chức họp mặt lớp 30 năm tại Cửa Lò Ngệ An 2009, họp mặt lớp 35 năm tại Mộc Châu 2014. Các em 8C ngày ấy, bây giờ tung bay khắp nơi. “Sơn gà”, Bắc Nam ở Lâm Đồng; Liên, Hương, Hồng, Lý ở Biên Hòa; Lê Sơn ở Hòa Bình; Hưởng ở Hải Phòng; Duẩn ở Hà Nam; Quãng ở Hà Nội; Dung, Thịnh, Sáu ở Mai Sơn; Vi, Hải, Bình, Thu ở TP Sơn La, còn lại phần lớn ở Mộc Châu. Nhưng dù ở đâu, các bạn ấy vẫn về họp lớp đông đủ, vẫn tín nhiệm Vi là lớp trưởng suốt đời không cần bầu lại.
​Ngày nay, học trò lớp 10 vẫn còn bóng dáng “cậu ấm cô chiêu” chứ ngày ấy, học trò lớp 8C của tôi đã phải làm những việc như người lớn. Cảm giác rõ nhất và nhớ nhất là đói và rét. Lúc nào cũng rét vì không đủ áo, lúc nào cũng đói vì ăn không đủ no. vừa đói vừa rét mà vẫn phải học như ai, vẫn phải lao động, vẫn phải làm giúp gia đình. Cũng vì vậy mà có những kỷ niệm đến bây giờ không quên. Đi lên đồi cắt cỏ phủ sương muối cho chè, khoán theo dịnh mức, xếp đống đo khối.

Họp lớp 30 năm chúng mới khai ra ở dưới có độn cái thùng phi. Lớp phó lao động Hải ngày ấy đã thạo đo diện tích phát hoang, cuốc đồi, phân công công việc. Hải còn là thủ môn không để thủng lưới của đội bóng 8C. Trường ngày ấy có cả một sân bóng đá, máy ủi làm 3 ngày san xong một quả đồi thành sân. Đá vòng loại giữa các lớp thì hết học kỳ một. Học kỳ hai vào bán kết, chung kết. Lớp nào đá, học sinh nữ các lớp ấy cổ vũ ầm ầm. Sữa tươi, cam, mía hả hê. Đội tuyển trường cấp 3 vừa học vừa làm Mộc Châu chiến thắng đội tuyển cấp 3 Tô Hiệu trên sân thị xã, giành vô địch các trường cấp 3 toàn tỉnh, nhưng bị các cổ động viên Tô Hiệu bao vây ném đá suýt nữa không về được!

​Đói đến mức ai mời ăn lúc nào cũng ăn được, gạo 13kg một tháng lại độn thêm mì hạt. Học trò ngày ấy có nhóm bị trường kỉ luật vì tối bí mật đi lấy sắn, lấy ngô của dân. Bây giờ chúng nó mới khai ra có những “cao thủ võ lâm” không thèm đi đêm đào sắn, bẻ ngô, không thèm đun nấu. Bọn này nằm trong chăn trên giường tầng, nhòm qua khe xuống khu bếp tập thể, nhằm đúng lúc “bọn kia” nấu xong, đi ra bể rửa tay thì xuống nẫng! Có hôm mất xoong khoai, có hôm mất cả xoong cơm nếp mới về chủ nhật mẹ cho mang lên … Rét thì rét lắm. Đêm trời sao trong vắt, sáng sớm sương mù dày đặc, sân trường bốc khói. Ngồi quanh bếp lửa hơ chân, cháy qua dày, qua tất mới biết. Ngày ấy, mùa mưa rét là mưa rét liền cả tháng. Có được đôi ủng cao su rất quý. Đi dày vải không ý nghĩa gì. 35 năm qua rồi, chắc chẳng em nào quên được cái cảm giác đói vầ rét triền miên một thời học trò. Đặc sản khí hậu Mộc Châu hồi ấy là sương muối và gió Lào. Câu thơ “đêm nay rừng hoang sương muối” chắc là ra đời ở đây. Tôi cũng viết một bài nói về cái đói, cái rét và cái buồn ở Tây Bắc, không dám đưa lên báo của trường vì sợ mất lập trường, có đoạn: Ngày qua đi sau hai bữa cơm ngô/ Rau lót dạ mọc từ hoang dại/ Xuân chỉ là thời gian thêm vào tuổi tác/ Điếu thuốc đốt lên dụi hết tàn buồn…

​Ngày ấy, lập trường quan trọng lắm. Có giáo viên nấu cơm riêng không ăn tập thể, bị kiểm điểm phê bình. Anh Bội có cái đài chạy pin SANYO đang nghe bài “Anh ở đầu sông em cuối sông” do ca sỹ Thu Hiền hát. Bác Khước đi qua cửa nhắc: Hai chú mày đừng nghe nhạc vàng! Nghe nhạc vàng ngày ấy là cấm. Bác Khước là cán bộ được điều về trường phụ trách mảng lao động và làm bí thư chi bộ, rất gương mẫu, rất “Bôn sê víc”. Tôi và anh Bội không sao giải thích được. Nói chung ngày ấy cứ bài hát nào có anh anh – em em là tiểu tư sản, là mất lập trường. Anh Bách vẽ ảnh Pano Bác Hồ quàng khăn đỏ cho thiếu nhi có ống quần hơi loe: bị nhắc nhở. Tôi có cuốn sổ chép thơ Huy Cận, Xuân Diệu trước năm 1945: bị nhắc nhở. “Tình ca Tây Bắc”, “Câu hò bên bến Hiền Lương” cũng không được lưu hành cơ mà. Khi tôi trở lại Tây Bắc, bác Khước đã mất rồi.

​Một tối anh Phú hiệu trưởng vào trường. Hội đồng choai đang say sưa văn nghệ hát hò đập phá. Hai ghuita của Kỉnh và Tân, Huấn – măng đô lin, Phương lập lắc, bộ gõ vung xoong, xô chậu có Phương, Đoan, Sơ, Tân, Đức, hát thì cả hội cùng hát. Ai không hát thì là khán giả. Anh Phú được mời vào dự, nghe biểu diễn bài “Người chiến sỹ tâm hồn Tây Bắc”. Nghe đến cuối bài có câu “ôi những ngày buồn đau”, anh đứng lên mặt đỏ phừng phừng ra lệnh “thôi, chúng mày!” rồi ra về. Câu này là câu phạm vào lập trường, còn cả bài là thế này : “ Mười năm qua sống trên miền núi/ Anh giáo viên quê xuôi trở về / lòng lưu luyến không bao giờ nguôi/ Lòng yêu mến không bao giờ nguôi/ Anh về xuôi mừng vui lắm/ Có nhớ bà mẹ Mèo, cùng Mường Thái, rừng núi xa xôi, trong những ngày buồn đau./ ​Rồi một hôm cấp trên đồng ý / Anh giáo viên quê xuôi trở về/ lòng lưu luyến không bao giờ nguôi/ Đàn em bé hở rốn nhin theo/​Suy nghĩ gì, người chiến sỹ tâm hồn Tây Bắc 10 năm! …”. Cứ thế lại hát vòng lại \. Người làm bài hát này là một cựu giáo viên Tây Bắc, không nhớ rõ tên, và bây giờ không biết ở đâu, có còn sống không.

Ngày ấy giáo viên rất nghèo. Cả tỉnh Sơn La có một hội đồng chấm thi tốt nghiệp đặt tại cấp 3 Tô Hiệu, trưa đến nằm cả ra ghế, chả ai có áo sơ mi, lưng trần cả. Ngày ấy có bài “Bốn yêu” thế này: Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ bốn yêu anh có 2 quần để thay!” Cả hội đồng choai có một cái áo len, 1 cái áo đại cán, một áo com lê, đi đâu thì mượn của nhau. Cái áo Comle đen duy nhất của anh Thịnh, tối hôm rủ nhau vào Vườn Đào chơi nhà phụ huynh, ra về em Hà chạy theo bỏ cho thày vốc lạc rang vào túi áo, về treo ở tường, hôm sau nhìn thấy 1 lỗ chuột vào ăn lạc chui ra bằng quả ổi ở túi bên trái. Tốp ca nam giáo viên hát ở sân khấu nông trường thì mượn ủng, phủ ống quần ra ngoài. Giầy ra hồi ấy là thứ hiếm. Nông trường Mộc Châu có 4 người được tôn là giàu: nhất Đảng, nhì Khan, tam Bàn, tứ Hội. Còn giáo viên lên lớp mặc quần pic kê hai đầu gối là chuyện bình thường.

​Bác Đãi phụ trách bếp ăn tập thể học sinh, rất có uy tín, quản lý giỏi được nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua. Hai vợ chồng bác Gọn – Xuân, bác Gọn phụ trách lao động, bác Xuân làm cấp dưỡng bếp học sinh. Họp cơ quan, bác Xuân phát biểu: “dù khó khăn đến đâu cũng nhất định phải cho các cháu ăn đẫy tễ”! làm cả hội đồng cười vang.

​Con suối cạn sau trường giờ vẫn còn. Mùa mưa thì nhiều nước, nhưng mùa khô thì cạn khô, có một cây gỗ dài bắc ngang. Đấy là cái toales chung của học sinh toàn trường. Rét thế mà sáng nào giáo viên cũng xuống thúc học sinh chạy ra sân trường tập thể dục từ 5 giờ. Học trò hồi ấy không hiểu sao ngại tập thể dục, có đứa chốn xuống cả lòng dòng suối cạn ngồi! có đứa chùm chăn kêu ốm nhưng sờ trán thì 37 độ.

​“Vừa học vừa mần” – một thời để nhớ. Hôm ấy trường phân công 8C đi lao động vào rừng lấy củi về cho bếp tập thể. Lẽ ra phải chặt cành cây bó mang về. Tôi thấy các em học sinh kiếm được những bó củi son sẻ, cứ hai đứa khiêng 1 bó to khá nặng. Về đến dốc Lò vôi, bây giờ là cổng vào khách sạn Công Đoàn thì có một ông Mèo đeo dao cưỡi ngựa đuổi theo, ra diệu và nói tiền mèo bắt mang trả vào rừng. Thì ra đám học trò đã lấy củi làm hàng rào nương trong rừng của họ mang về. Lý của ông Mèo là bắt khiêng củi vào rừng để vào chỗ cũ, không lấy đền, nhất định như vậy. Một hồi lâu rồi cũng xuôi.Võ Trọng Hồng, Bùi Hồng Sơn, Võ Bá Duẩn, Phong, Ban, Chánh, Khánh, Nghị, Hiền… lao động lấy củi ngày ấy, gương mặt bây giờ trông vẫn vậy. Tôi khiêng thay các em từng đoạn một, thầy trò mồ hôi ướt đầm. Hiền ra trường làm viện trưởng viện kiểm soát tỉnh, được điều về trung ương 1 năm thì mất vì bệnh. Chánh nay là tổng giám đốc nông trường chè Mộc Châu, Bùi Hồng Sơn là cán bộ huyện ủy Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Duẩn là cán bộ nhà máy xi măng Kiện Khê – Hà Nam. Khánh và Nghị làm ở công ty điện Mộc Châu, Phong và Ban làm công an viên, làm bí thư chi bộ tiểu khu nông trường. Hồng công tác ở Biên Hòa. Lại nhớ có 2 mẹ con bà Mèo địu 2 sọt dưa dừng ở cổng trường đúng lúc ra chơi. Đám đông “nhất quỷ nhì ma” vây quanh rồi tuồn hết dưa. Bà mẹ vào văn phòng nói lý lo toàn tiếng Mèo. Tôi đoán cử chỉ, điệu bộ hiểu là: Các con của mày nó lấy hết dưa thì phải đền. Tôi nghĩ ra cách, bảo: Chúng nó thích con gái của bà đấy, chúng nó muốn làm con bà đấy. Nói rồi tôi đưa cái micro đang dùng hô thể dục toàn trường lên loa, bảo hát. Hai mẹ con bà Mèo thích lắm, thay nhau hát tiếng Mèo, hát mãi vẫn còn thích. Cô con gái chỉ khoảng 15 tuổi xinh vô cùng, da trắng, má hồng như quả táo. Trên núi cao sao lại có người đẹp như vậy.

​Lớp 8C là một lớp của trường “vừa học vừa mần” nên thầy và trò đều rất vất vả. Thày thì sáng lên lớp, chiều đi lao động ngoài đồi với học sinh, tối quản học sinh nội trú. Có một tối, trường lên lịch giảng cho lớp về đạo đức văn minh ứng xử. Thế mà học trò đến rất đầy đủ. Điện sáng tôi lên lớp một tiếng đồng hồ vẫn trật tự. Hết giờ học tôi dặn dò học sinh về nhà phải ứng dụng thực tế, phải chào hỏi bố mẹ bố mẹ đang làm gì đấy ạ. Học sinh cười ầm… tôi tự cười học trò mình cứ tưởng chúng nó còn bé không biết gì.

​Lớp 8C đến năm lớp 10 thì trường biên chế thành 10B, học giỏi toàn diện là lớp trưởng Vi. Chánh, Duẩn, Thu học tốt những môn tự nhiên. Dung và Lê Hương học giỏi văn. Gặp mặt hồi kỉ niệm 30 năm ở Cửa Lò, Hương và Dung bảo: do thầy mà em đi sư phạm văn. Tôi nghĩ dạy văn là một công việc thật nhọc nhằn, nghề sư phạm thì nghèo. Cả hai em đều yêu nghề, khó khăn mấy cũng quyết bám nghề. Dung hiện giờ là giáo viên dạy chuyên văn của huyện Mai Sơn. Lê Hương cũng là giáo viên văn cấp 2, đến bây giờ vẫn hát và ngâm thơ hay như hồi làm quản ca của lớp. Lê Hương vừa nửa ngày dạy học, nửa ngày chạy chợ để nuôi con đi học, sau em tình nguyện đi trường vùng sâu vùng xa ở biên giới Việt – Lào để thêm phụ cấp nuôi con đi học đại học. Mỗi lần họp mặt lớp Hương và Khánh vẫn hát rất hay, cần là nổ luôn. Đặng Sơn ở Chiềng Ve được bạn bè yêu quý vì là tấm gương nghị lực phi thường.

​Lớp 8C của tôi như một xã hội thu nhỏ lại, có một cuộc đời riêng, một số phận riêng. Em Bùi Mai Hoa nhà ở khu phố Quyết Thắng thị xã Sơn La xuống Mộc Châu học cấp 3, lớp 8C, rất ham học, yêu bạn, yêu trường, nhiệt tình với bạn bè. Em đã một mình biểu diễn tiết mục độc tấu “ Lớp 8C của tôi” giữa sân vận động Nông trường rất thành công, bài tấu này thầy Huấn viết lời. Hoa phải bỏ học giữa chừng vào đầu năm lớp 9 với bao buồn tủi tiếc nuối, chỉ vì bố mẹ em nghe theo một phụ huynh khác ở thị xã Sơn La xuống trường thăm con về, cường điệu sự khổ cực của học sinh, nhất định bắt con nghỉ học về đi học nghề, sợ con khổ. Hoa viết thư về trường : “Em làm sao quên được những ngày sống ở Thảo Nguyên mà em đã sống hơn một năm qua, tuy xa nhà, xong em và các bạn Sơn La được sống trong tình thương bao la của các thầy cô giáo và các bạn nam nữ trong trường mà mỗi người đều để lại cho em một ấn tượng khác nhau, cho nên chúng em được an ủi trong lúc xa nhà. Em vẫn ước mong một ngày không xa, em sẽ trở lại trường thăm lại thầy cô giáo và các bạn…!” Nhưng em đã không bao giờ thực hiện được ước mong này vì một năm sau em mất trong một tai nạn giao thông.
​Nhờ có sự nhiệt tình và khéo tổ chức của lớp trưởng Vi, của Chánh, Hường, ngày họp lớp 30 năm tại Cửa Lò năm 2009 thật cảm động. Những giọt nước mắt xúc động trên gương mặt cả cô cả trò vừa từ khắp các tỉnh thành, miền Nam, miền Bắc, đi bằng ô tô, tàu hỏa, máy bay về đây để gặp lại nhau.

​Thật hiếm có một lớp học trò sau 30 năm, sau 35 năm vẫn lại về bên nhau hồn nhiên trở lại cái thuở tuổi học đường thần tiên, đầy ắp những kỷ niệm. Sau dịp gặp mặt 30 năm, tôi có nhiều dịp lên dự đám cưới con trai, con gái của “các em 8C”, ở Mộc Châu, ở Mai Sơn, ở TP Sơn La, ở Hà Nội, ở Hà Nam… Đám cưới con gái của Phong 2013 tôi ghi lại bằng những vần sau: Đám cưới đi thấp thoáng giữa xanh chè/ Dâu rể con mình như nàng tiên hoàng tử/ Hạnh phúc cuộc đời như mơ như thực/ Tiếng chúc phúc râm ran, xe hoa đến cổng rồi…”

III. Phần kết.


​Ba ngày nữa thôi, tôi sẽ lại lên Mộc Châu – Tây Bắc gặp lại các em, dự họp mặt 35 năm. Lòng tôi rộn ràng vui. Năm xưa lên Tây Bắc, tâm trí tôi ngân vang lời thủ tướng Phạm Văn Đồng “Tây Bắc – Hòn ngọc ngày mai của Tổ quốc”. Tây Bắc –Mộc Châu hôm nay bừng sáng, giàu đẹp. khách du lịch lên đây mê say ngắm hoa, ngắm chè và đồng cỏ thảo nguyên, đi chợ Tình Mộc Châu trải dài hàng cây số rực rỡ sắc màu văn hóa. Mộc Châu – Tây Bắc đã thực sự là hòn ngọc ngày nay của Tổ quốc. Điều kỳ diệu ấy có công góp phần của các em 8C – 10B thân thiết của tôi…

​Đã gần trưa, tôi nán đứng lại giữa sân trường xưa. Hôm nay ngày lễ 2/9 nên trường nghỉ học, chỉ có nhóm thợ xây đang sơn quét, hoàn thiện sân khấu, bồn hoa, chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2014 – 2105. Trường Thảo Nguyên ngày nay đã khang trang với những dãy nhà học cao tầng, thì bỗng ào vào một tốp học sinh nam nữ đồng phục mới, đi xe đạp điện kéo vào sân trường ríu ran nói cười chụp ảnh kỉ niệm với nhau, rồi lại ào ra cổng trường. Chúng không biết một người mái tóc hoa râm đứng hoài niệm về thời tuổi trẻ của mình, về những con người xưa, về một mái trường xưa khác bây giờ, đã 38 năm

Tặng nhà trường nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/2021

Tác giả: roots

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây