Khi ấy, tôi là một cô gái 23 tuổi, tạm biệt mẹ và anh chị, tôi viết đơn tình nguyện lên Nông trường Quốc doanh Mộc Châu. Người về tuyển quân khi ấy là ông Ngọn, đội Xưởng Sữa, ông Thỉnh đội Cầu Đường.
45 thanh niên cả nam lẫn nữ người Thái Bình, chúng tôi rời quê hương trên chuyến xe do ông Huy Lái điều khiển. Chiều hôm ấy, đến Hà Nội, chúng tôi tạm nghỉ tại 11b Cát Linh, sáng hôm sau xe xuất phát lên Mộc Châu, đi từ sáng sớm đến 6h chiều tới nơi....
Chúng tôi được xe bò đuôi (xe bò kéo) đón từ Nông trường bộ về đội Vườn Đào.
Giám đốc Nông trường lúc ấy là bác Tài Anh, chúng tôi được bố trí ở đội Vườn Đào (chúng tôi hỏi sao gọi tên thế, mọi người bảo ngày trước đây là một rừng đào, một vườn đào rộng rất nhiều cây to). Mọi người được tập huấn 2 ngày sau đó phân về các đội sản xuất. Tôi được điều về đội Vườn Đào- đội chuyên sản xuất hái chè và chăn nuôi bò sữa.
Trong 3 tháng, tôi nuôi bê con ăn sữa. Nhiệm vụ là 2h sáng cùng dạy dọn chuồng với công nhân nuôi bò, vệ sinh bê, đợi sữa bò vắt ra rồi đem cho vào bình 10l, xong cho lên nồi 40 đun cách thủy, rồi đổ vào bình cho bê con bú. Lúc này vì muốn gây đàn cho nên bê sữa quý như vàng, được chăm sóc kĩ và tỉ mỉ như thế. Tôi phụ trách nuôi 25-30 con bê. Một điều khiến tôi và nhiều người ở xuôi lên bất ngờ, là bò và bê thông minh quá. Gọi số là nó ra xếp hàng, xong ra ăn, không chen lấn nhau. Mọi người đều bảo: Sợ thật!
Ngày ấy, thiếu thốn bộn bề, ăn cơm độn ngô, ăn tập thể (có khi còn đói), ở nhà tốc xi, mái gianh. Nuôi bò thả rông ngoài đồng, bò đi đến đâu, người đi đến đó, đến giờ vắt sữa mới dồn về, chứ không nuôi nhốt trong chuồng trại như bây giờ. Nhiều anh chị em nuôi bò phải dạy từ 2h sáng, dọn chuồng, vắt sữa, xong có người chở sữa bằng xe bò đuôi từ Vườn Đào vào đội Xưởng Sữa. Ngày nắng còn đỡ, những ngày mù rét, giá buốt, có lúc 0 độ C thật gian khổ. Nhưng thanh niên, tuổi trẻ nên mọi người vui vẻ và phấn khởi lắm chứ không thấy khó khăn gì nhiều. Ai rồi cũng hăng say và giỏi lao động cả.
Có kỉ niệm lao động tập thể đáng nhớ là năm 1977, có một quả đồi đất cao nhiều đá, máy và bò không lên cày được. Nông tường phải tổ chức thao diễn, huy động khoảng 35 đoàn viên thanh niên dùng xẻng, mai đào đất lên để sau đó trồng cỏ cho bò. Trong nhóm chúng tôi, có một cô kỹ sư chăn nuôi là thanh niên Hà Nội lên, vốn chỉ quen học tập, cô không biết cầm xẻng, tay cầm đến tận lưỡi, hì hục làm khiến mọi người cười ồ. Thế rồi, cùng dạy nhau, cuối cùng ai cũng đều thành thạo lao động cả.
Sau đó, tôi chuyển sang làm kế toán của đội Vườn Đào,, phụ trách làm tiền lương cho công nhân hàng tháng. Đến năm 1978, tôi được điều về đội phân phối lương thực, thực phẩm của Hợp tác xã Tiêu Thụ với hàng trăm loại mặt hàng bao cấp, phân phối để trừ qua tiền lương của công nhân.
Năm 1981, Nông trường cử tôi đi học lớp kế toán tại trường Nghiệp vụ quản lý Xuân Mai, Hà Sơn Bình. Năm 1984, học xong tôi trở về nông trường. Lúc này, Nông trường đã đổi tên thành Liên hiệp các Xí nghiệp. với sự chia tách, lúc này nông trường quốc doanh Mộc Châu đã chia thành 5 nông trường nhỏ trực thuộc. Tôi về làm kế toán 1 năm sau đó chuyển về kế toán của Xí nghiệp Xây dựng, và làm việc cho đến lúc nghỉ hưu.
50 năm qua, Mộc Châu đang thay đổi và ngày càng giàu đẹp hơn. Hôm nay, tôi đi chơi thăm thú vài nơi và cũng là hồi tưởng lại một thời "tràn đầy mơ ước giữa nắng đẹp thảo nguyên xanh" năm xưa. Chúc mọi người sức khỏe, chúc các thế hệ trẻ xây dựng nông trường ngày càng phát triển hơn nữa.