Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

TÌM LẠI NHỮNG KIỆN TƯỚNG NĂM XƯA Ở NÔNG TRƯỜNG MỘC CHÂU

Thứ sáu - 30/09/2011 07:41
52 năm xây dựng và phát triển. Nhớ lại những ngày gian khó khai khẩn “Đào gốc bốc trà” với những phong trào thi đua yêu nước hừng hực, Nông trường Mộc Châu đã xuất hiện những chiến sĩ thi đua mà đỉnh cao là những kiện tướng huyền thoại.
TÌM LẠI NHỮNG KIỆN TƯỚNG NĂM XƯA Ở NÔNG TRƯỜNG MỘC CHÂU

           Bà Hoàng Thị Nghĩa, nguyên Thư kí Công đoàn Nông trường Mộc Châu đã rất nhiệt tình cung cấp thông tin về những kiện tướng năm xưa cho chúng tôi. Bà giảng giải: trong dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn như 2-9, 8-3, 1-5, Nông trường thường tổ chức những Hội thi, thao diễn và từ các Hội thi đó đã xuất hiện những kiện tướng. Ví như: kiện tướng hái chè, kiện tướng đào đất, kiện tướng phát hoang, kiện tướng đập lúa....

Kiện tướng cắt cỏ Nông trường Mộc Châu

Theo hướng dẫn của bà Nghĩa, chúng tôi đến tiểu khu 77, thị trấn Nông trường Mộc Châu gặp bà Nguyễn Thị Phin, kiện tướng cắt rác (năm 1967). Đã 77 tuổi nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn. Năm 1959, từ Đô Lương (Nghệ An) bà theo chồng lên xây dựng Nông trường Quân Đội 280 (tiền thân nông trường Mộc Châu).

Năm 1961, khi con trai đầu mới được 2 tháng tuổi, bà gửi con ở nhà trẻ đi đập lúa, đến trưa cũng không về cho con bú, vì nếu về thì muộn, không đảm bảo năng suất, ngày công. Được phân công việc gì bà cũng luôn vượt định mức,m làm việc năng suất hơn mọi người. Năm 1967, Nông trường tổ chức 2 cuộc thao diễn thi cắt cỏ để ủ phân, cả 2 lần bà đều giật được danh hiệu kiện tướng. Trong khi mọi người chỉ đạt 16 khối cỏ/ 2 ngày, thì một mình bà đạt mức kỉ lục 72 khối cỏ/ 2 ngày, năng suất gấp hơn 4 lần mọi người. Từ đó, mọi người đều học cắt cỏ theo kiểu úp nơm của bà. Nghĩa là cứ sạng chân ra, xoay người cắt theo một vòng tròn, hết vòng là được một ôm cỏ lớn .

Tôi băn khoăn, tại sao bà lao động năng suất thế mà không được danh hiệu chiến sĩ thi đua. Bà cười nhân hậu, tại tôi không đăng kí, từ lúc lên làm công nhân, rồi sau làm đội trưởng đội 77, làm Phó Giám đốc Nông trường Việt Nam- Cu Ba lúc nào tôi cũng khích lệ mọi người tham gia để động viên họ hăng hái hơn. Mình thì thôi!

          Kiện tướng hái chè

          Chúng tôi đến tiểu khu Tiền Tiến gặp Bà Nguyễn Thị Dung, kiện tướng hái chè (năm 1968). Ông Phạm Văn Bính, chồng bà là một trong những nông trường viên đầu tiên của Nông trường Mộc Châu kể: Ngày bà ấy trở thành kiện tướng hái chè, tôi đang tái ngũ chiến đấu tại Xiêng Khoảng nước bạn Lào. Đọc báo và không tin vào mắt mình. Mãi đến khi bà ấy viết thư sang, kể chuyện ở nhà hái chè đạt kỉ lục tôi mới tin là thật.

Bà Dung bồi hồi nhớ lại: Phong trào thi đua ngày ấy hăng lắm. Ai cũng nghĩ quyết tâm hái chè làm sao để vượt Tạ Thừa Trân bên Trung Quốc ( hái 750kg chè/ ngày). Hái nhanh, nhưng phải bảo đảm một tôm hai lá, một cá hai chừa. Chúng tôi cứ thế vặt, vặt bằng cả 8 kẽ của 2 bàn tay, khi bàn tay đã đầy chặt thì thả chè vào giành. Hôm đó trời nắng gắt, lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, nhưng chẳng ai thấy mệt. Đến cuối ngày, người hái được nhiều nhất là bà Nguyễn Thị Chi, bà Dung ít hơn một chút, được 1.040kg.

Nhà văn Chu Lai, trong cuốn sách “Thảo Nguyên 25 mùa xuân” đã ghi lại: “Thật khó có thể ngờ rằng, trong những ngày căng thẳng, cái chết rình rập bất cứ lúc nào này, các kiện tướng hái chè lại xuất hiện như một hiện tượng trước nay chưa từng có và mãi mãi sau này chắc cũng không thể có được nữa”. Con số kỉ lục khiến cả những người trực tiếp tổ chức thao diễn như bà Nghĩa, những người tham gia hái chè như bà Chi, bà Dung ngỡ ngàng. Ông Bính trầm ngâm: tôi thực sự khâm phục bà ấy, một nách 3 con nhỏ, chồng đi bộ đội mà bà ấy vẫn hăng say lao động, mỗi ngày hái trung bình hơn 1 tạ chè. Những ngày mang thai, trong buổi sáng bà ấy vẫn hái và gánh 98kg chè đi cân.


Chút vĩ thanh

Tôi còn muốn đến thăm nhiều kiện tướng nữa, để ghi lại những câu chuyện về các kiện tướng vẫn còn lưu giữ trong danh sách của nông trường như: Trần Cảnh, Võ Ân, Bùi Thị Đáp, Hồ Đức Phi ... Nhưng bởi nhiều lí do: khoảng cách địa lý, người mất, người còn, những câu chuyện về họ chỉ còn đọng lại trong ký ức của không nhiều những nông trường viên năm xưa. Mỗi câu chuyện của họ là một phần nông trường Mộc Châu, là một khúc trong dòng chảy lịch sử vẻ vang của huyện Mộc Châu. Mong sao những tên tuổi, những câu chuyện ấy được truyền lại cho con cháu, để chúng luôn nhớ về Thảo nguyên ngày đầu gian khó, hào hùng, được dựng xây bởi những kiện tướng đời thường như thế.

Bài, ảnh: Thành Đạo (bài viết thực hiện năm 2010)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây