Cao nguyên Mộc Châu được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ quanh năm, lượng mưa và độ ẩm ổn định giúp hệ thực vật nơi đây phát triển. Nhờ đó các cánh đồng cỏ bao la trên thảo nguyên luôn xanh tươi, trở thành nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho phát triển chăn nuôi bò sữa.
Ngược dòng lịch sử, năm 1958, khi Nông trường Mộc Châu (tiền thân của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu) được thành lập. Những người lính Cụ Hồ khi đó bắt tay vào khai hoang vùng Tây Bắc và nhận nhiệm vụ chăn nuôi bò sữa lẫn bò lai Shind. Khi đó cả Nông trường mới đưa hơn 20 con bò sữa về nuôi. Một năm sau, ngày 9/5/1959, nông trường vinh dự đón Bác Hồ tới thăm và căn dặn: “Các cô, các chú chăn nuôi bò là rất tốt, đã có con bò vắt được 7 lít sữa 1 ngày, nhưng khi xây dựng CNXH khá thì nhất định không phải là 7 lít mà phải 27 lít hoặc hơn nữa”. Sau ngày Bác lên thăm, phong trào lao động sản xuất có những chuyển biến mạnh mẽ, cán bộ, chiến sỹ, công nhân nông trường ra sức cống hiến tâm trí và sức lực xây dựng Nông trường. Ước mơ về "Thiên đường sữa Mộc Châu" được ấp ủ, biến những bãi hoang hóa đã dần biến thành đồng cỏ, từng bước làm cho mảnh đất cao nguyên biến đổi không ngừng, trở thành vùng thảo nguyên trù phú.
Hơn 63 năm từ một nông trường với vài chục con bò sữa, đến nay, Mộc Châu Milk trở thành đơn vị thành viên của Vinamilk với chuỗi sản xuất khép kín theo phương thức liên kết “4 nhà”. Mộc Châu Milk đang sở hữu đàn bò có năng suất và sản lượng sữa cao nhất nhì trong ngành với 550 hộ chăn nuôi, đàn bò sữa có hơn 27.000 con; sản lượng sữa trung bình toàn đàn khoảng 27 lít sữa/con/ngày. Sữa được vắt bằng hệ thống tự động và được kiểm tra sơ bộ trên 10 tiêu chí chất lượng trước khi thu mua, sau đó chuyển về nhà máy. Sản phẩm sữa của Công ty được sản xuất trên dây chuyền hiện đại khép kín của Thụy Điển theo tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo giữ trọn dinh dưỡng tự nhiên và 100% tươi sạch với công suất lên tới 100.000 hộp sữa/giờ.
Nguồn tin: Báo Sơn La
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn