Ý tưởng đưa khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc trở thành thành phố khoa học thông minh, hỗ trợ những giải pháp, công nghệ cho ngành du lịch thông minh đã được trình bày tại Hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và thách thức đối với du lịch Việt Nam” vào ngày 6-10 tại Hà Nội.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh số du lịch trực tuyến trên thế giới năm 2016 tăng 13,8% và đạt giá trị khoảng 565 tỷ USD, trong đó thị trường châu Á - Thái Bình Dương vươn lên dẫn đầu thế giới về du lịch trực tuyến từ năm 2017. Tại khu vực Đông-Nam Á, Google dự đoán giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường du lịch Việt Nam cũng đang thay đổi do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng nhanh của du lịch trực tuyến. Hiện nay, 100% các doanh nghiệp du lịch đều quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh.
Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong đại đa số các doanh nghiệp du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Thực tế này buộc tất cả các thành phần trong ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cấp sản phẩm - dịch vụ du lịch, đều đứng trước yêu cầu phải thực hiện quá trình chuyển đổi số càng sớm càng tốt, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Việt Nam. Hệ thống dữ liệu thông minh này sẽ thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ đang tản mát hiện nay, được tất cả các thành phần trong ngành du lịch cùng xây dựng và khai thác, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa được xu hướng và nhu cầu của các du khách.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch việt Nam, để bắt kịp xu thế, doanh nghiệp cần dành ưu tiên đầu tư cho CNTT bao gồm cả phần cứng và phần mềm, tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả mạng xã hội. Đầu tư xây dựng website thân thiện với điện thoại thông minh, tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động và số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn. Còn với cơ quan quản lý Nhà nước cần thiết lập hành lang kỹ thuật hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhằm tạo sức cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài; Có chính sách hỗ trợ về thuế đối với các doanh thu từ hoạt động du lịch trực tuyến của danh nghiệp trong nước; Tăng cường hoạt động quảng bá tích hợp toàn ngành, đẩy mạnh Marketing Online...
Chỉ thị 16/CT-TTg đặt ra yêu cầu: Các ngành, các cấp phải nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN lần thứ 4 ở Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT, thành viên Tổ viết báo cáo Công nghệ 4.0 (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, để làm được điều này, ngành Du lịch phải chủ động đổi mới mô hình quản lý, phục vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đưa ra các kế hoạch chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin vào các kế hoạch đó nhằm thiết lập hệ sinh thái "du lịch thông minh".
Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Bros, việc nâng cao sự hiện diện của du lịch Việt Nam nhờ kết hợp các kênh truyền thông quảng bá tích hợp toàn ngành là chiến lược quan trọng trong thời kỳ mới. Về điểm này, Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên để thiết lập mô hình thành phố du lịch thông minh bằng cách thực hiện quảng bá vẻ đẹp Thủ đô ra thế giới qua chương trình “My Hanoi” trên kênh truyền hình CNN (Mỹ) với hai bộ phim “Hà Nội - Trái tim Việt Nam” và “Hà Nội - Cái nôi di sản”. Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với một số hãng thông tấn, truyền hình, mạng tin tức ở khu vực Đông Bắc Á để hợp tác đầu tư quảng bá theo dòng khách ở từng thị trường; cùng Tập đoàn Viễn thông Việt Nam nghiên cứu phần mềm xây dựng hệ thống "du lịch thông minh".
Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam khá chủ động tiếp cận CMCN lần thứ 4, coi đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Vietravel, Vietrantour, Five Stars Travel… bắt đầu từ việc cơ bản - số hóa dữ liệu, bao gồm cập nhật thông tin tour tuyến, chương trình ưu đãi, hoạt động của doanh nghiệp lên website; ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng; nâng cấp phần mềm điều hành tour; triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách... “Thông qua việc tích hợp và minh bạch thông tin, bám sát phản hồi của khách hàng, chúng tôi sẽ dần hình thành những sản phẩm du lịch mới theo kịp xu hướng chung”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet chia sẻ.
Việc chủ động nắm bắt cơ hội để CMCN lần thứ 4 trở thành đòn bẩy phát triển, đó là hướng đi đúng của ngành Du lịch Việt Nam.