Nhà hàng xuân bắc 181

Giới thiệu về Văn hóa và du lịch Mộc Châu

Chúng tôi - những người Mộc Châu yêu quê hương, muốn xây dựng trang thông tin du lịch Mộc Châu này để cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho khách du lịch

MANG MỘC CHÂU RA THẾ GIỚI - ĐƯA THẾ GIỚI VỀ MỘC CHÂU

Chúng tôi - những người Mộc Châu yêu quê hương, muốn xây dựng trang thông tin du lịch Mộc Châu này để cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho khách du lịch. Bởi vậy, tuyên ngôn của chúng tôi là Mang Mộc Châu ra thế giới - Đem thế giới về Mộc Châu.

Năm 2007, Du lịch Mộc Châu ra đời với Slogan Mang Mộc Châu ra thế giới và Đem cả thế giới về Mộc Châu. Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần nâng cấp và phát triển, sứ mệnh đó vẫn không thay đổi, chúng tôi tự nhận thấy trách nhiệm của mình và thực hiện nó bằng tất cả sức lực và trí tuệ một cách cần cù, kiên nhẫn nhất. 

Năm 2021 này trở đi, chúng tôi không chỉ viết bài thông thường nữa, chúng tôi sẽ thực hiện sứ mệnh đã chọn một cách mạnh mẽ hơn. Chúng tôi sẽ:
- Mời các KOLs về quảng bá quê hương. 
- Chúng tôi sẽ xây dựng những hành trìnnh quảng bá và tự mình trải nghiệm những vùng đất khác, trong hành trình ấy, sẽ giới thiệu Mộc Châu với bạn bè trong nước và quốc tế. 

Mong rằng, quý bạn đọc luôn ủng hộ chúng tôi. Trân trọng cảm ơn!

 


GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HUYỆN MỘC CHÂU


 I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐỊA HÌNH VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN (MỘC CHÂU THUỘC TỈNH NÀO? MỘC CHÂU Ở ĐÂU)

1. Vị trí địa lý, ranh giới và đơn vị hành chính


Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, cách Hà Nội 180 km về hướng Tây Bắc, diện tích tự nhiên là 1.081,66 km2, chiếm 7,49% diện tích của tỉnh Sơn La, đứng thứ 8 trong số 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La. Huyện Mộc Châu có Quốc lộ 6, 43 đi qua, có chung đường biên giới với Việt Nam - Lào dài 40,6 km.

Toàn huyện có 15 xã, thị trấn gồm 2 thị trấn (thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông Trường Mộc Châu) và 13 xã.

 

2. Đặc điểm địa hình, phân vùng


Mộc Châu có đặc điểm đặc trưng địa hình vùng miền núi Tây Bắc, chia cắt phức tạp, nằm trên hệ thống núi đá vôi, có cao nguyên Mộc Châu với địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, độ cao trung bình khoảng 1.050 m so với mặt nước biển.

3. Khí hậu, thuỷ văn

Mộc Châu có cả bốn mùa rõ rệt, với đặc điểm nổi bật là vùng khí hậu cao nguyên ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Nhiệt độ trung bình/năm khoảng 18-200C, lượng mưa trung bình/năm khoảng 1.500 - 1.600 mm và độ ẩm không khí trung bình 85%.

4. Tài nguyên du lịch

Cao nguyên Mộc Châu diện tích rộng lớn với điều kiện khí hậu mát mẻ, có vị trí thuận lợi cách Hà Nội 180 km, cách Sơn La 120 km, đủ gần để khách đến, đủ xa để khách ở lại; Hệ sinh thái đa dạng, trong đó đặt biệt là vùng thảo nguyên cảnh quan đẹp (đồng cỏ, vườn hoa), khí hậu ôn hòa, với các điểm danh thắng Ngũ Động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa...

Phong tục tập quán với lễ hội của người Mông, nét văn hóa người Mường và nếp sống của đồng bào Thái rất hấp dẫn du khách, nhất là ngày Hội văn hóa các dân tộc được tổ chức từ ngày 30/8 đến ngày 02/9 hàng năm, lễ hội Hết Chá, Cầu Mưa được tổ chức vào tháng 3 hàng năm; Ngày hội hái quả tổ chức vào tháng 5 hàng năm...

Có các di tích lịch sử văn hoá: Chùa Vặt Hồng; Văn bia trung đoàn Tây Tiến; Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu; di tích lịch sử văn hóa nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ công nhân Nông Trường Mộc Châu; di tích lịch sử Văn bia Trung đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam - Lào; Di tích lịch sử bia căm thù Khu 64; Di tích lịch sử bia căm thù Km 70; Di tích lịch sử đồn Mộc Lỵ...
 

II. ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Tình hình thực hiện các chỉ tiêu chính

Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng bình quân 19,3%, năm 2014 ước đạt 6.437 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người ước đạt 1.300 USD, cơ cấu kinh tế: nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 29,8%, công nghiệp - xây dựng chiếm 47,8% và dịch vụ chiếm 22,4%.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2014 ước đạt 820 tỷ đồng, tăng bình quân 2,6%. Thu ngân sách địa phương đạt 613 tỷ đồng trong đó thu trên địa bàn đạt 73 tỷ đồng.

2. Tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực

- Chương trình phát triển chè: Được triển khai từ năm 1958, đến nay có 14 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè (1 DN trung ương, 2 DN 100% vốn nước ngoài, 11 DN tư nhân), tổng diện tích chè hiện có 1.748 ha, sản lượng đạt khoảng 20 ngàn tấn chè búp tươi/năm, thị trường tiêu chủ yếu là Nhật bản, Đài Loan, pakistan.v.v.

- Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa: Triển khai từ năm 1958, đến nay tổng đàn bò có trên 15 ngàn con, diện tích đồng cỏ gần 1000 ha, năm 2014 sản lượng sữa tươi ước đạt 50 ngàn tấn/năm, sản xuất chế biến 13 sản phẩm từ sữa, bán ở 52 tỉnh thành trong cả nước với 76 nhà phân phối.

- Chương trình phát triển rau, hoa, quả chất lượng cao: Quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng diện tích 2000 ha, hiện nay có 3 nhà đầu tư triển khai dự án trồng hoa tập trung với tổng diện tích 50ha, giá trị kinh tế đạt khoảng 1,2 tỷ/ha/năm. Hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất rau sạch, an toàn trái vụ, tổng diện tích tập trung khoảng 100 ha, tập trung ở 3 khu vực Ta Niết, Tự Nhiên, An Thái, giá trị kinh tế đạt khoảng 25 triệu/ha/năm.

- Chương trình phát triển quả ôn đới: Tổng diện tích cây ăn quả hiện có toàn huyện là 2.228 ha, trong đó có 1.300 ha mận tập trung, khoảng 100 ha Bơ và hồng giòn là những loại quả đặc trưng có giá trị kinh tế cao.

3. Ngành công nghiệp - xây dựng: Trên địa bàn huyện có 1 cụm công nghiệp, tổng diện tích 59ha; 14 nhà nghiệp sản xuất chè, 1 doanh nghiệp sữa, 2 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, 3 doanh nghiệp thuỷ điện...

4. Ngành dịch vụ - du lịch


Hoạt động du lịch đang phát triển nhanh, năm 2014 lượng khách đến Mộc Châu ước đạt trên 750.000 lượt người (trong đó có khoảng 717.500 lượt khách trong nước, 32.500 lượt khách quốc tế), khách du lịch đến Mộc Châu thường lưu lại 2 ngày, 1 đêm vào các dịp nghỉ cuối tuần; đối với khách nước ngoài thường lưu lại từ 3 ngày trở lên, chủ yếu tại các bản du lịch cộng đồng; lượng khách nghỉ lại chiếm trên 70%; chi tiêu bình quân 1 khách du lịch khoảng 900.000 đồng; doanh thu đạt trên 626 tỷ đồng. Khách du lịch thường mua sắm các sản phẩm của địa phương như: Chè, sữa;  Cải mèo, Đào, Mận, Măng khô, Khoai sọ mán, Mứt mận, Mật ong; Rượu mận, Rượu ngô, Rượu Mộc Sa; Thịt trâu, bò, lợn gác bếp; đồ thổ cẩm: váy Mông, váy Thái, khăn Piêu, ếp sôi...

Về hạ tầng du lịch đến nay có 104 cơ sở lưu trú, trong đó có 2 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 2 sao và nhiều nhà khách với 100 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 884 phòng, 1.775 giường và 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

5. Lĩnh vực xã hội

5.1. Ngành giáo dục- đào tạo

Trên địa bàn huyện có 72 đơn vị trường học với tổng số 1227 lớp với trên 27.756 học sinh, có 11 trường đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn có 1 Trung tâm dạy nghề, 1 Trạm khuyến nông và 15 Trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn.

5.2. Ngành y tế

Đến hết năm 2014 có 5/15 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, có 3,5 bác sỹ/1 vạn dân, 13 gường bệnh /1 vạn dân, có 1 Bệnh viện đa khoa 150 gường.

5.3. Văn hóa, thể dục, thể thao

Hoạt động văn hoá đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc, nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng được tổ chức thường xuyên như: Lễ hội Cầu mưa, Hết trá, Ngày hội hái quả, Ngày hội văn hoá các dân tộc, Hội thi hoa hậu Bò sữa...

6. Tình hình phát triển không gian và xây dựng kết cấu hạ tầng
6.1. Phát triển không gian đô thị

Huyện Mộc Châu có 02 thị trấn là thị trấn Nông trường Mộc Châu và thị trấn Mộc Châu. Trong đó: Thị trấn nông trường Mộc Châu có diện tích 97,93 km2, dân số 25.849 người, mật độ dân cư 264 người/km2, gồm 37 bản, tiểu khu; Thị trấn Mộc Châu: Có diện tích 11,13 km2, dân số 10.682 người, mật độ dân cư 960 người/km2, gồm 15 bản, tiểu khu.

6.2. Xây dựng kết cấu hạ tầng

- Hệ thống đường bộ: Với tổng chiều dài đường bộ là 733,6 km, trong đó đường Quốc lộ là 113,7 km, đường tỉnh dài 37,3 km, đường huyện là 79,6 km và còn lại là đường giao thông nông thôn (đường xã, đường bản, tiểu khu) với 503 km. Các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện cơ bản được đầu tư nhựa hoám, tuy nhiên còn 3 xã chưa có đường đi được 4 mùa; các tuyến đường xã, bản chủ yếu là đường đất.

- Đường thủy: Tổng chiều dài khoảng 28 km, đảm bảo cho các phương tiện thuỷ có trọng tải từ 40 tấn đến trên 500 tấn qua lại được.

- Cấp, thoát nước đô thị: Việc cấp, thoát nước 2 thị trấn đang được triển khai bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc, dự án đang được triển khai với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.

- Hạ tầng điện: Đến nay tất cả các xã và thị trấn trên địa bàn huyện đều có điện, tuy nhiên, đến nay còn 16 bản chưa có điện lưới quốc gia.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây