Nhà hàng xuân bắc 181

Du lịch “Qua miền Tây Bắc”: Chuyện “Cung nhà trời” và “Sự tích Hồ nước”

Thứ sáu - 26/08/2011 05:06

Du lịch “Qua miền Tây Bắc”: Chuyện “Cung nhà trời” và “Sự tích Hồ nước”

Ai đã từng tới Mộc Châu không thể không thăm Động Sơn Mộc Hương hay còn gọi là Hang Dơi, cái tên đã trở nên quen thuộc từ lâu với nhiều du khách. Động Sơn Mộc Hương được ví như một tác phẩm nghệ thuật, một thắng cảnh mà thiên nhiên ban tặng cho cao nguyên Mộc Châu.

 

Hang Dơi nằm trên địa bàn thị trấn Mộc Châu, từ chân núi tới cửa hang phải qua 240 bậc đá, từ đây nhìn xuống,  quốc lộ 6 thẳng tắp qua thị trấn Mộc Châu, nhà cao tầng san sát, ẩn hiện trong mây trắng. Cửa hang có hình thù như miệng một con rồng khổng lồ, men theo lối đi 2 bên tựa như hai mép rồng, ở giữa là một hòn đá nhô ra như lưỡi rồng, trần hang cao như hàm rồng, nền bằng phẳng, rộng và thoáng. Vào sâu trong hang, có những dải thạch nhũ lấp lánh nhiều màu sắc, nhiều nhũ đá mang hình dáng ông tiên, cô tiên; hình loài vật (voi, sư tử, hổ, báo, đại bàng); hình người con gái ngồi quay sợi, dệt vải; hình đụn thóc; cây đồng tiền; mâm ngũ quả; mẹ bồng con và những dãy măng đá cao vút.


Sự tích

Vào sâu hang mở rộng ra, ngước mắt nhìn lên trần hang thấy những con rơi treo người lơ lửng, người dân ở đây cho biết trước đây hang nhiều Dơi lắm, nên được gọi là hang Dơi, hang còn được người dân tộc Thái gọi là hang Sa Lai (hang Nước) vì trong lòng núi có mạch nước ngầm chảy quanh năm không bao giờ cạn. Động Sơn Mộc Hương là địa danh gắn liền với truyền thuyết “Cung nhà trời” và “Sự tích Hồ nước”. Theo truyền thuyết, có một con rồng ngao du khắp 4 phương trời, khi đi qua vùng đất này thấy phong cảnh đẹp, khí hậu ôn hoà nên chọn làm nơi nghỉ chân, sau đó rồng đã nhả 7 viên ngọc, tạo thành 7 quả núi trong đó có hang Dơi.

Giữa lòng hang có một hồ cạn rộng khoảng 200 m2, giữa hồ là con rùa đá, bên trái là hình một đôi trái gái bằng thạch nhũ. Theo truyền thuyết, ngày xưa có chàng hoàng tử con vua Thủy tề yêu say đắm công chúa trên đất liền, hoàng tử thường cưỡi rùa của vua cha lên trần gian gặp công chúa. Biết chuyện, vua Thuỷ tề ra lệnh rút hết nước, không còn đường về, hoàng tử đã ở lại trần gian bên người yêu và hai người đã biến thành đá để chứng minh cho tình yêu bất tử. Cảm động trước tình yêu của đôi trai gái, con rùa cũng biến thành đá nằm giữa hồ canh gác cho họ. Tình yêu son sắt của đôi trai gái đã làm cho vua Thủy tề cảm động, vua đã tạo ra những hồ nước nhỏ, ruộng bậc thang và các con vật để tạo dựng cuộc sống mới cho hoàng tử.


Dấu thời gian

Ông Phạm Việt Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, trao đổi: Hang Dơi có diện tích khoảng 6.915 m2, là hang động Catxtơ đá vôi điển hình nằm ở độ cao gần 100m so với Quốc lộ 6, hang có chiều dài 80 m, cao 20m, rộng 25m kết cấu thành 3 khoang lớn, được ngăn bằng các khối nhũ đá, măng đá, rèm đá, tường đá. Hang được phát hiện từ năm 1952, tại đây các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số hiện vật, dấu tích của người Việt cổ. Tháng 9-1992, Bảo tàng Sơn La kết hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thám sát tại Sơn Mộc Hương. Ở khoảng đất rộng trước cửa động, hố thám sát đã phát hiện có tầng văn hoá dày 0,5m, hiện vật thu có mảnh tước, rìu mài lưỡi, bi đá, mảnh gốm... dấu hiệu chứng minh tại đây đã có người Việt cổ sinh sống cách nay khoảng 3.000-3.500 năm về trước.

Ngày 24-1-1998, hang Dơi đã được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Du khách có thể xuất phát từ Hà Nội ngược quốc lộ 6 khoảng gần 200 km là đến thị trấn Mộc Châu. Tại đây, khách sẽ tham gia các loại hình du lịch sinh thái: đi bộ trong rừng, ăn nghỉ tại các bản văn hóa. Tham dự các lễ hội của đồng bào dân tộc và tới hang Dơi ./.

Mạnh Cường

 

Tác giả: admin

Nguồn tin: báo điện tử Sơn La

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây