Nói đến Mộc Châu không mấy ai không nhắc tới chè. Ngày xưa có câu “Chè Tô Múa, lúa Tú Nang”. Trên cao nguyên này, đi đến đâu cũng bắt gặt chè, chè phủ kín trên những đồi bát úp, chè trải rộng đến sát biên giới Việt- Lào, chè gắn bó với đời sống của trên vạn người dân các dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao, diện tích chè hiện nay trên cao nguyên này lên tới trên 3.000 ha, chiếm khoảng 17% diện tích tự nhiên của toàn huyện. Không chỉ lớn mạnh về diện tích mà họ hàng nhà chè hội tụ về đây khá đông đúc với nhiều loại giống: Ô long, Kim tuyên, Nhật Bản, Shan tuyết. Riêng giống chè Shan tuyết chiếm đa số và có tuổi đời trên 50 năm ở vùng đất này. Chính từ sự lớn mạnh ấy mà họ hàng nhà chè đã mang danh về cho vùng đất cao nguyên này thông qua các hội chợ trong nước và quốc tế sản phẩm chè Mộc Châu đã dành được nhiều huy chương vàng, bạc, đồng và những danh tiếng như Cành chè vàng, sản phẩm chất lượng cao, Sao vàng đất Việt, sản phẩm nông nghiệp, được Nhà nước bảo hộ độc quyền. Sản lượng thu hoạch hằng năm đến ngót 21 nghìn tấn chè búp tươi. Thông qua những bàn tay tài hoa của những người công nhân một đời gắn bó với cây chè và thêm vào đó là sự hỗ trợ đắc lực của dây chuyền chế biến hiện đại đã tạo ra hàng chục loại sản phẩm chè có hương vị đậm đà, mang tính đặc trưng của vùng cao nguyên Mộc Châu mà khó có loại chè nào sánh được. Chính sản phẩm chè đã đi tới khắp mọi miền của Tổ quốc và vượt đại dương đến với bạn bè Năm châu như mách bảo, mời gọi du khách đến vùng cao nguyên trù phú thơ mộng, đầy nắng, gió và lòng người mến khách.
Đến với Mộc Châu, khách du lịch không chỉ được thưởng thức hương vị của chè mà còn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ của những vùng chè cổ thụ hơn 50 tuổi trải rộng như tấm thảm xanh phủ kín những quả đồi bát úp và ngắm nhìn những đôi bàn tay của thiếu nữ dân tộc Mông, Dao, Thái, Mường thoăn thoắt hái chè. Vào những ngày thu hoạch chè, du khách thỏa thích đưa ống kính ghi lại những hình ảnh của hàng trăm con người với những bộ quần áo đủ sắc màu trải khắp đồi chè nom như những nốt nhạc hiện nên trên khuông nhạc. Nhất là khi bình minh thức dậy, những đám mây trắng vờn bay ngang chừng núi như muốn sà xuống ôm lấy những đồi chè... Và khi ánh chiều buông, du khách thanh thản sánh vai cùng bạn dạo chơi trên những con đường chạy dọc ngang theo từng lô chè ngắm nhìn những luống chè chạy dài khuất dần trong sương…Tất cả như mời gọi du khách đến với cao nguyên Mộc Châu, đến với những đồi chè xanh thẫm, trải khắp cao nguyên hùng vĩ của vùng Tây Bắc.
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp “Không khói” những nhà hoạch định chiến lược kinh tế vùng đã lấy hình ảnh của chè làm điểm nhấn của du lich sinh thái vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng, bởi chính cây chè nơi đây không chỉ thể hiện rõ tiềm năng, thế mạnh của cao nguyên Mộc Châu mà còn là đặc sản của vùng núi Sơn La, là hình ảnh đẹp về miền hoa ban trắng của Tây Bắc. Về kinh tế cây chè được ví là nguồn “vàng xanh” trên cao nguyên. Chính vì vậy, tỉnh ta luôn xác định Mộc Châu là vùng kinh tế động lực và điểm du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trước sự phát triển hiện nay, trên mảnh đất này đang mời gọi các nhà đầu tư đến với cây chè xanh trên cao nguyên Mộc Châu xanh.
Nguyễn Tuấn
Tác giả: admin
Nguồn tin: Báo Sơn La
Ý kiến bạn đọc