Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “Pé” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Theo quan niệm của người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, ngoài ra bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài.
Bánh dày của người Mông được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nếp nương thơm và dẻo. Khi đã chọn được gạo ưng ý, gạo mang vo cho sạch rồi ngâm bằng nước ấm khoảng 12 giờ rồi vớt ra để ráo nước mới cho vào chõ để đồ xôi. Chõ xôi được làm bằng gỗ để khi xôi chín không bị mất hương thơm của nếp nương, dẻo lại không bị nát.
Khi xôi chín được đổ cả vào cối giã thật nhuyễn. Cối giã bánh dày của người Mông được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột; chầy giã bánh cũng được làn bằng cá loại gỗ cứng và nặng. Khi giã bánh chầy được ngâm vào nước chống dính. Giã bánh giầy là một công việc nặng nhọc và đòi hỏi nhiều sức lực và kỹ thuật. Bởi vậy những người tham gia giã bánh thường là những người đàn ông, thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng. Mỗi lần 2 người, khi đã thấm mệt thì lại chuyển cho 2 người khác thay nhau giã. Giã càng kỹ thì bánh càng dẻo, ngon và để được lâu. Xôi đem giã đến khi dẻo và mịn thì mới hoàn thành.
Khi xôi được giã xong là lúc các bà, các chị khéo léo nặn bánh, tròn trịa như mặt trăng, mặt trời. Để bột khỏi dính tay và tăng độ thơm ngon của bánh, người ta xoa lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay lúc nặn bánh. Lá gói bánh là lá chuối đã hơ qua lửa cho khỏi rách.
Đến Mộc Châu trong mùa đông xuân này, bạn không nên bỏ lỡ các chương trình văn nghệ, trò chơi đặc sắc của bà con dân tộc Mông Mộc Châu. Ngoài ngắm hoa cải trắng bạn sẽ được trải nghiệm và tham gia trực tiếp giã bánh dày cùng bà con người Mông Mộc Châu vô cùng hấp dẫn.
Khi tham gia chương trình giã bánh dày du khách sẽ được hướng dẫn và làm mẫu, sau đó chia làm hai đội thi giã bánh với nhau.
Một số hình ảnh của các đoàn đã tham gia tour: