Nhà hàng xuân bắc 181

Chợ phiên kỳ lạ ven sông

Thứ tư - 21/01/2015 21:09
Giao thông khó khăn, sống cách xa đường bộ, người dân hai bên sông Đà từ khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình ngược lên huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La) rơi vào cảnh ngăn sông cách chợ. Tuy nhiên, đoàn thuyền chợ dài ngày đều đặn đi qua những nơi này mỗi tháng 3 lần, tạo nên phiên chợ duy nhất để người dân nơi đây mua bán những hàng hóa thiết yếu.
Toàn cảnh các thuyền cập bến chợ phiên Sào Việt, Bắc Yên, Sơn La

Thuyền dừng ở đâu, chợ phiên ở đó

Thuyền chợ và dân ven sông Đà đã trở thành mối quan hệ cộng sinh mà đôi bên đều trân trọng giá trị của nhau trong hơn 20 năm qua. Sau khi đập Thủy Điện Hòa Bình hình thành và Tổ máy số 1 hòa vào lưới điện quốc gia năm 1988, những con thuyền gỗ đã đi ngược sông Đà, neo lại vùng ven sông để bán hàng, lâu dần những nơi đó thành phiên chợ. Anh Thìn, một chủ thuyền hàng gắn bó với tuyến sông này 20 năm, cũng từng là cựu công nhân xây dựng Thủy điện Sông Đà cho biết, lúc ấy, những vùng ven sông Đà chưa có điện lưới, người dân không có phương tiện đi lại, họ phải đi bộ hàng chục kilômét để tới mua hàng hóa. Có khi chỉ là gói muối, viên pin hay nhu yếu phẩm khác nhưng đồng bào dân tộc chỉ trông mong thuyền chợ mang đến. Thuyền chợ dừng ở đâu, ở đó lâu dần thành phiên chợ. 

Tới nay, hầu hết các chủ thuyền chợ đều là thế hệ thứ hai, tiếp nghề của gia đình. Anh Thìn nhớ lại, hồi đó anh chạy thuyền gỗ nhỏ, đồng bào dân tộc còn lạ lẫm, đôi khi trai bản còn xuống quậy phá thuyền hàng. Nhưng lâu dần, người dân thấy ý nghĩa của chợ, chính quyền các xã tạo điều kiện lập lán, xây chợ ven sông, cử người gác thuyền... "Đến giờ tính riêng ở Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên - Sơn La có 11 chợ phiên", anh Cường, một chủ thuyền chợ cho biết. 

Đi thuyền nhiều năm, nhà thuyền phát hiện những nơi giao thông khó khăn rồi đề nghị chính quyền bản, xã nơi đó lập chợ, chọn một ngày làm phiên giao dịch, và dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, bất kể mưa - nắng thì thuyền chợ không bao giờ bỏ bến. 

Tại chợ Mường Khoa, Bắc Yên, Sơn La trong chuyến chợ cuối năm, mưa, bùn lầy ngập chân, người dân không thể xuống núi mua hàng, phiên chợ vẫn được duy trì. Mặc cho kẻ mua lác đác, người bán vẫn ngồi trọn một phiên chợ giữa trời mưa.

Không bỏ chợ, đó là nguyên tắc bất di bất dịch, một phần là vì cam kết với chính quyền xã, nhưng“thực sự mình bỏ chợ thì thấy mắc lỗi với dân bản”, anh Thìn nói. Anh Thìn kể có lần một cụ bà người Mông tới trách móc nhà thuyền vì đã bỏ một phiên chợ. Do không biết chữ, để tính ngày, tháng, mỗi ngày sau phiên chợ bà bỏ một hạt ngô vào lọ, đủ 10 hạt ngô là có phiên chợ. Lần đó bà xuống đến nơi không thấy chợ họp, anh Thìn sau đó giải thích cho bà là có những tháng có 31 ngày, bà phải thả 11 hạt ngô thì mới tới phiên. "Đấy, mỗi lần đi chợ là người dân phải lặn lội tới đây, vì thế mình không thể bỏ được", anh Thìn nói.

Dù mưa, lầy lội, thuyền không bao giờ bỏ chợ 
(Cảnh dọn hàng tại chợ Đá Đỏ, Phù Yên, Sơn La)


Buồn vui, no đói cùng chợ phiên

Tại 11 chợ mà đoàn thuyền cập bến, đồng bào dân tộc chủ yếu là người Mông, Mường, Thái, Dao. Dọc theo sông Đà, hai bên núi đồi hiểm trở, đường bộ cách xa. Những hôm trời mưa, người dân phải quấn xích vào lốp xe máy để dắt bộ nhích từng đoạn trên đường mòn, có khi mất cả nửa ngày đường. 

Thu nhập của người dân nơi đây chỉ trông vào thu hoạch ngô, sắn vào tháng 10, tháng 11 hằng năm. Sinh khí của một phiên chợ phản ánh sức mua cũng như sản lượng thu hoạch ngô, sắn của người dân nơi đó. Tại chợ bản Pơ Nang 2 (xã Tân Hợp, Mộc Châu, Sơn La), anh Giàng A Chừ, 26 tuổi dẫn tôi về ngôi nhà gỗ khang trang của anh cách chợ 2 km sau khi mua giàn karaoke ở thuyền chợ. Anh cho biết, vụ vừa rồi gia đình thu hoạch 20 tấn ngô, ước tính khoảng 90 triệu đồng. “Cả năm chỉ có tiền bán ngô, nên mình phải tiêu ít một thôi, mua nhiều thì cuối năm đói mất”, anh Chừ nói.  "Người bản mình xuống chơi chợ còn để gặp nhau, uống chén rượu với nhau", anh Chừ tâm sự. Phụ nữ, trẻ em trong bản đều đổ ra chợ, có tiền thì mua, không có thì đi chơi, xem chợ. "Không có chợ thì khổ lắm, phải đi xe máy 60km tới Thị trấn 70, Mộc Châu mua hàng cơ”, anh Chừ kể. Đúng như lời anh Chừ nói, 11 chợ phiên thuộc địa phận Sơn La đều cách chợ dân sinh đường bộ từ 40 đến 70km.

Tại một phiên chợ khác ở khu vực Suối Vải, Phù Yên, Sơn La, anh Hà Văn Sơn (25 tuổi, dân tộc Thái) cùng vợ và hai con gái cùng đi. Tôi theo chân tới nhà anh chị kế bên chợ Suối Vải. Gian nhà tuềnh toàng trải đầy sắn trên sàn vì chạy mưa, còn lại không có mấy đồ đạc ngoài manh chiếu, đôi cốc nhựa cùng cái điếu cày nằm giữa nhà. Vụ ngô năm nay vợ chồng anh thu được 1,7 tấn, tính ra chưa tới 10 triệu đồng, chi tiêu trong vài tháng là cạn tiền. Những tháng đói ấy, anh chị phải mua gạo chịu từ các thương lái, cuối năm thu hoạch ngô thì trả nợ. Bản Lưm Hạ nơi anh chị sinh sống mới có điện lưới, gia đình anh và nhiều hộ cũng không có tiền mua dây kéo điện về nhà. "Cũng may, thỉnh thoảng em trồng được tí rau, đem ra phiên chợ bán cũng được 100 nghìn để mua đồ ăn thêm trong nhà", chị Nguyệt - vợ anh Sơn nói thêm.

Đến chiều tối, người dân vẫn xuống thuyền anh Thìn (trái) mua hàng điện tử


Xuất bến tại Cảng Bích Hạ, Hòa Bình, đoàn thuyền gồm 7 thuyền đi đường dài, gần 10 thuyền nội tỉnh, đi 11 chợ qua Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La (Sơn La). Thuyền đi vào ngày 8, 18, 28, về ngày 13, 23, 3. Cứ 10 ngày có 1 chuyến. Sau 7 ngày trên sông nước, nhà thuyền có 3 ngày để nghỉ ngơi, chuẩn bị hàng hóa cho chuyến tiếp theo.
Theo ANTĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây