Nhiệt kế đo xúc cảm của người trẻ
Với vé xe khách giường nằm có giá 140.000 đồng từ bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, chúng tôi bắt đầu hành trình 200 km theo hướng Tây Bắc để đến Mộc Châu.Những “phượt thủ” thì sẽ chọn xe máy phân khối lớn để rong ruổi cung đường mùa Xuân này, để dễ dàng dừng chân trên những đoạn đèo có hoa trạng nguyên đỏ thắm, mai rừng trắng muốt và những bản làng nhỏ yên bình.
Nếu bạn nói rằng, giới trẻ Việt đang sống vô cảm và tẻ nhạt thì bạn thực sự nhầm lẫn. Nguyễn Lê Hải Duyên (nhân viên ngân hàng, một “phượt thủ”) chia sẻ: "Những người trẻ như mình đang rong ruổi trên các cung đường để thấy yêu thêm đất nước và biết trân trọng cuộc sống này".
Và số lượng “phượt thủ” ngày càng đông đảo. Anh Trịnh Văn Đô, trạm trưởng Trạm kiểm soát cửa khẩu Loóng Sập nói: "Có những ngày, xe máy của các bạn trẻ, các bạn sinh viên xếp ở sân cửa trạm lên đến 40, 50 xe.
Những cung đường đèo từ thị trấn Mộc Châu lên cửa khẩu Loóng Sập rất đẹp. Tháng 2, tháng 3, hoa ban trắng bắt đầu nở rộ. Và nhiều bạn muốn lên Loóng Sập chụp ảnh ở cột mốc để chinh phục một điểm biên giới trong hành trình khám phá mọi miền đất nước của mình".
Đôi khi, bằng một cách rất dung dị, họ không gọi khoảnh khắc Mộc Châu theo mùa xuân, hạ, thu, đông mà lại gọi tên thời gian bằng mỗi mùa hoa nở. Cải và dã quỳ thường đẹp nhất vào mùa Đông.
Hoa dại và trạng nguyên ở những cung đường này cũng hấp dẫn cả những tay máy chuyên nghiệp. Chiềng Sơn, Mường Sang những ngày Xuân mơ nở trắng rừng.
Và họ gọi những chuyến đi của mình là "đi săn mây", "đi đón nắng trên đỉnh núi" và săn ảnh bạt ngàn của trắng muốt mận, mai, hay xanh thẳm đồi chè.
“Phượt thủ” có nick là denmuon đã chia sẻ những dòng thế này trên diễn đàn: "Tôi cũng đã được đến Mộc Châu vào một ngày cuối Đông, khi mà hoa mận, hoa đào thi nhau khoe sắc…
Đứng trên đường quốc lộ (quán 64) nhìn ra thảo nguyên rộng lớn thấy mình thật nhỏ bé. Mang một chút màu xanh của Mộc Châu (bó cải Mèo) về Hà Nội rồi mà vẫn còn vấn vương câu hát tiếng Hmông trên đài truyền thanh xã Loóng Luông.
Quay lại Mộc Châu một ngày Hạ chí, vẫn đồi ấy, đất ấy nhưng lại được khoác tấm áo xanh mới, làm cho lòng vơi đi bao nhiêu sóng gió.
Đến cửa khẩu Loóng Sập nhìn những bông hoa chuông mà liên tưởng đến những chiếc váy H’mông đang chăm chỉ gieo những mầm ngô trên nương đất đỏ đậm. Hẹn đến ngày Tết Độc lập sẽ quay lại Mộc Châu uống rượu và đi chợ tình…".
Sống chậm lại và sâu lắng hơn
Mộc Châu là nơi ghi dấu ấn tình yêu của nhiều đôi lứa. Mỗi mùa cải trắng, mỗi mùa đào nở, những người trẻ lại kéo nhau lên chụp ảnh cưới, ảnh kỷ niệm ngày yêu nhau. Có ngày cuối tuần, khách đông đến nỗi ở thảm cải trắng bản Ba Phách, người quen gặp nhau chào cười tíu tít.
Cô Nga, nhà ở đầu bản Ba Phách kể rằng: "Rất nhiều cuối tuần Mộc Châu bỗng nhiên đông đảo hơn bởi khách phương xa. Có lần, 6 sinh viên Hà Nội gõ cửa nhà mình: "Cháu biết nhà cô không kinh doanh, nhưng thú thực là chúng cháu không tìm được nhà thuê, mọi nơi đã kín chỗ rồi…".
Mình mời cả 6 cô cậu vào nhà ở và không nhận tiền. Cái cách bọn trẻ vui đùa, chụp ảnh làm cho cuộc sống đôi vợ chồng già của mình trẻ lại".
Ở đồi chè Nông trường Mộc Châu còn có một vườn chè rất đặc biệt. Dường như chủ của vườn chè này là một anh chàng trẻ tuổi và lãng mạn đến mức thiết kế luống chè thành những hình trái tim.
Có đến 5 hình trái tim khá lớn lồng vào nhau xanh mướt mát màu chè. Chỉ cần ngồi ở một góc đồi chè nghe gió thênh thang, nhìn Mặt Trời đang xuống núi, nhìn màu xanh hun hút tầm mắt là đã đủ để những lo toan bộn bề lùi lại sau lưng.
Chúng tôi chọn một nhà bất kỳ ở bản Áng để vào làm quen. Cuộc sống ở đây bình yên đến mức chỉ một tiếng gà gáy cũng đủ rộn ràng. Anh chủ nhà Lường A Trường, một tay bế con, một tay dắt ngựa cho vợ chuẩn bị lên đồi thu hoạch hạt cải.
Chị sẽ chuẩn bị đi bộ một quãng đường chừng 3 km để lên đồi cải của gia đình mình. Anh Lường A Trường trồng cải đã nhiều năm nhưng chính anh cũng không biết người ta mua hạt cải của anh để làm gì. Anh bảo, có thể người ta lấy hạt cải để làm tinh dầu hay gì đó.
Cuộc sống ở đây giản đơn đến mức người ta có thể đổ công sức cả nửa năm để chăm sóc nhiều ha vườn cải để bán hạt, nhưng hạt để làm gì thì cũng không quan trọng lắm.
Nhưng có điều quan trọng với anh Lường A Trường là vài năm gần đây, có nhiều người thích đến vườn cải của anh chụp ảnh, thích vào nhà anh để nói chuyện và anh còn được tặng lại chính những bức chân dung của mình.
Bản Áng 1 thanh bình của anh Lường A Trường có hơn 100 hộ dân. Cuộc sống ở đây quanh năm vui vầy với 2 vụ: Vụ ngô và vụ cải. Nhà anh năm nào cũng gieo chừng 20 kg hạt cải. Vậy là đủ để mùa thu hoạch có chừng 4 đến 5 tạ hạt. Mỗi kilogam hạt cải bây giờ cũng có giá đến 40.000 đồng.
Anh thích nhất là thỉnh thoảng lại có vài cậu đi xe máy từ Hà Nội xin vào nhà anh ngủ nhờ. Họ mua rượu, mua thịt trâu, làm bê chao rồi cùng anh nhâm nhi trò chuyện.
Anh được nghe những câu chuyện mới không có ở bản làng mình. Còn những người trẻ thì được yên ả, nghỉ ngơi khi bỏ lại sau lưng phố phường và lo toan thường nhật.
Tác giả: admin
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn