Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến điểm trường Phiêng Cành là một khu đất rộng thênh thang và lồng lộng gió, lọt thỏm đôi căn nhà cấp 4 tường gạch cũ sờn, đến cái bảng tên “Điểm trường Phiêng Cành” cũng không còn nguyên hình chữ.
Cô Đỗ Thị Thu – Hiệu trưởng trường mầm non điểm trường Phiêng Cành cho biết: “Toàn bản có tới 100 cháu nhỏ, nhưng phòng học tạm diện tích chưa đầy 30m2 nên chúng tôi cũng chỉ nhận được tối đa 60 cháu thôi, còn tới 40 cháu chưa được đi học. Chưa kể trường lớp cũng cũ dột, vách tường có nhiều lỗ hổng gió lùa không đảm bảo sức khoẻ cho các cháu mà hiện nay lại có hiện tượng mưa đá nữa.”
Chỉ xung quanh lớp học, cô lại tiếp: “Bàn ghế sách vở các cô giáo cũng vất vả đi huy động, nhưng không có chỗ để nên phải xếp gọn vào một góc.“
Cô giáo Mến – giáo viên lớp mầm non cũng cho biết: “Kêu gọi được trẻ con đi học ở đây không dễ đâu. Các cô giáo phải vượt ruộng đi từng nhà, động viên từng ông bố bà mẹ đấy. Chưa kể nhiều em nhà xa đến 2-3 quả đồi mà vẫn phải ngày 2 lượt đi đi về về vì trường không có bếp nấu ăn. Ngày nào cũng có khoảng gần 10 em về nhà buổi trưa rồi không quay lại học nữa.
Các mầm non Phiêng Cành bên căn phòng học
Lớp học rộng 30m2 nhưng lại là nơi học của 60 em
Giáo dục mầm non là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nhận thức của trẻ em, và càng quan trọng hơn đối với trẻ em bản Phiêng Cành vì các em phải được học nói, học nghe hiểu tiếng Kinh trước khi được theo học các chương trình giáo dục phổ thông – vốn chỉ được giảng dạy bằng tiếng Kinh. Được học tiếng Kinh từ cấp mẫu giáo sẽ giúp các em học tập tốt hơn, và hạn chế nhiều trường hợp bỏ học vì không theo được chương trình.
Ông Tráng A Cơ – trưởng bản Phiêng Cành, người có 1 cháu trai và 1 cháu gái đang trong độ tuổi đi học mầm non, nhìn 2 đứa cháu đang nghịch đất ngoài sân, trầm ngâm: “Có học tiếng Kinh thì mới được lên lớp 1 học chữ. Học chữ mới không khổ, không nghèo. Cháu tôi thích đi học lắm. Tôi cũng mong trường sớm được xây để các cháu đi học đỡ khổ.”
Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ cho 40 mầm non còn lại của bản được đi học, và xa hơn nữa là nâng cao chất lượng học tiếng Kinh của các em, nhóm thiện nguyện "Xây Trường Cho Em" quyết định thiết kế, xây dựng một mái trường mẫu giáo mộc mạc thôi nhưng vững chắc dành tặng cho các em bé Phiêng Cành. Hình ảnh logo đại diện cho nhóm cũng thể hiện tinh thần “xây đắp tình thương” để mang lại ngôi trường mới cho các trẻ em vùng khó khăn.
Nhóm “Xây Trường Cho Em” được khởi xướng bởi Nguyễn Hồng Thư – cô nhân viên phòng Nhân sư Công ty Bảo hiểm UIC Việt Nam. Nhóm quy tụ các công chức văn phòng trẻ từ các lĩnh vực khác nhau như tài chính (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam ) và các kiến trúc sư từ Công ty kiến trúc Pháp Việt và Công ty kiến trúc PACE.
Với sự hỗ trợ của ban giám hiệu trường và trưởng bản Phiêng Cành, nhóm “Xây Trường Cho Em” đã làm việc với Uỷ ban nhân dân xã Tân Lập, huyện Mộc Châu và được Uỷ ban nhân dân xã cấp giấy phép số 01/GPXD/2013 ngày 8/7/2013 cho việc xây dựng 2 phòng học (35m2/phòng) và 1 bếp ăn (10m2).
Thời gian khởi công xây dựng dự kiến là cuối tháng 9/2013 và hoàn thành trước năm 2014, với tổng chi phí xây dựng là 260.000.000 đồng.
Bắt đầu phát động phong trào từ giữa tháng 7/2013, đến nay nhóm dự án “Xây Trường Cho Em” đã huy động được gần 200 triệu từ cộng đồng để tiến hành khởi công vào ngày 8/9/2013 cho kịp tiến độ, tránh mùa mưa ẩm để việc xây dựng được thuận lợi, và các bé sớm có trường hợp mới.
Tham dự lễ khởi công có sự tham gia của ông Mình – Chủ tịch UBND xã Tân Lập, ông Quý – bí thư xã Tân Lập, ông Tráng A Cơ – trưởng bản Phiêng Cành và cả già làng (theo tập tục người H’Mông tại đây).
Tới nay dự án đã thi công xong phần móng và chuẩn bị cho việc xây dựng phòng học và dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu tháng 11/2013 (tiến độ dự án được cập nhật liên tục qua FB: www.facebook.com/xaytruongchoem).
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm cũng rất may mắn khi được nhiều người tốt hỗ trợ. Thậm chí có người tình nguyện xuống sinh sống tận bản trong thời gian thi công để liên tục cập nhật và báo cáo tình hình thi công cho nhóm dự án, đồng thời nhóm quản lý cũng thường xuyên đi công tác thị sát hiện trường thi công để đảm bảo chất lượng công trình. Người dân bản cũng hào hứng tham gia xây dựng trường để con em của họ sớm có được mái trường kiên cố, vững chãi.
Vật liệu được chuyển vào bản ngày 21/9
Hiện nay dự án vẫn đang kêu gọi đóng góp từ các nhà hảo tâm cộng đồng để hoàn thành chi phí xây dựng công trình trước thời điểm khánh thành vào cuối tháng 10/2013. Nhóm dự án đã cam kết nghiêm túc trong việc rà soát và công bố thông tin nguồn thu – chi hàng tuần để các nhà hảo tâm có thể theo dõi và đối chiếu với nhóm dự án.
Tiến độ dự án đến ngày 29/9
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn