Mặc dù đợt dịch thứ tư bùng phát diện rộng, gây thiệt hại nặng nề tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thế nhưng Sài Gòn năng động đã sớm khôi phục lại du lịch nội địa. Từ sự thành công trong việc tổ chức thí điểm tour Cần Giờ và Củ Chi, tới đây, các đơn vị lữ hành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng tần suất, mở rộng sản phẩm tới các vùng xanh.
Chẳng hạn, trước dịch, mỗi tháng Công ty Fiditour đã tổ chức trung bình 3-4 đoàn khách tham quan tuyến Cần Giờ. Ngày 19/9, công ty cũng khai thác trở lại tour này, phục vụ 60 khách là lực lượng tuyến đầu chống dịch. DN cũng sẵn sàng bước vào giai đoạn kích hoạt các tuyến du lịch, tới đây sẽ mở tour thí điểm đi Phú Quốc, Côn Đảo.
TST Tourist cũng xây dựng 8 sản phẩm du lịch TP.HCM, gồm cả tour nội đô và ngoại ô. Saigontourist, Vietravel,... cũng lên kịch bản chi tiết phục hồi du lịch, phối hợp với các địa phương mở rộng tour tuyến khi điều kiện cho phép.
Để đảm bảo du lịch an toàn, khách sẽ đi theo tour với dịch vụ khép kín |
Trong khi đó, tại Hà Nội và các địa phương phía Bắc, việc khôi phục du lịch nội địa có phần thận trọng hơn. Ngoại trừ Quảng Ninh kiểm soát tốt dịch bệnh, cho phép du lịch nội tỉnh hoạt động, hay Hòa Bình đồng ý đón khách tới một số điểm đến có xét nghiệm âm tỉnh,... thì Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang Nguyễn Hồng Hải vừa cho hay địa phương này dự kiến đón khách nội địa từ tháng 10, với điều kiện ở vùng xanh, tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Tại Hội thảo trực tuyến Xanh - Xanh do Hiệp hội Du lịch Hà Nội (VISTA) tổ chức ngày 24/9, bà Lê Thanh Thảo, Giám đốc Công ty du lịch Asia Sun Travel, Phó Chủ tịch VISTA, nhận xét, khi khởi động lại du lịch nội địa lần này, các DN có vẻ thờ ơ hơn vì sức cùng lực cạn. Đơn vị nào còn lương thực thì “ngủ đông” tiếp, chờ “núi băng” tự tan, còn DN nào quyết định đi tiếp thì phải chọn đi đường vòng.
Chưa kể, khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các đối tượng làm trong ngành du lịch bị xếp vào diện tiêm vắc xin sau nên cũng ảnh hưởng tới kế hoạch khôi phục.
Bà Thảo cho rằng, trong tháng 10, cần tổ chức thí điểm ngay một tour cụ thể, có sự phối hợp giữa các địa phương theo chương trình “bong bóng du lịch” để vừa làm trực tiếp, vừa rút kinh nghiệm thực tế, nhất là việc di chuyển của khách.
Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành công ty Vietrantour, để khởi động lại ngành du lịch, cần có giải pháp tâm lý cho cả DN và du khách. Với các DN lữ hành, lo ngại nhất là vấn đề nhân sự. Ngoài ra, cần lựa chọn điểm đến một cách chọn lọc, không ham quá nhiều sản phẩm mà tập trung vào các tour trọng điểm; công khai cơ sở dịch vụ, khách sạn tham gia và các đơn vị này phải ký cam kết, từ đó DN lữ hành yên tâm xây dựng tuyến điểm.
Với du khách, cần trấn an họ rằng đi du lịch sẽ được đảm bảo an toàn, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sản phẩm du lịch và quy trình, cách xử lý khi xảy ra rủi ro, bà Huyền nói.
Để kích hoạt du lịch nội địa, ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Giám đốc công ty Hanoitourist, cho hay, đơn vị này đã xây dựng 5 nhóm sản phẩm, dự kiến triển khai từ tháng 10. Đó là sản phẩm homestay an toàn (chọn 20/200 homestay an toàn gần Hà Nội như Ba Vì, Sóc Sơn); khách sạn an toàn; caravan an toàn (về Ninh Bình, Phú Thọ, Đông Tây Bắc); du lịch mùa thu an toàn (tour ngắn ngày, từ Hà Nội đi Bình Liêu, du lịch Mù Cang Chải, du lịch Mộc Châu,...); dịch vụ MICE an toàn.
Trong đó, đưa khách đến Đường Lâm là chương trình du lịch an toàn mẫu sau thí điểm sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định triển khai sớm.
Du lịch mùa thu an toàn là một trong những sản phẩm được triển khai tới đây tại phía Bắc |
Tiến tới khôi phục du lịch nội địa toàn quốc
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch VISTA, Giám đốc công ty Hanoitourist, cho rằng, trong khi chờ thí điểm đón khách đến Phú Quốc, du lịch nội địa vẫn là cứu cánh cho các địa phương, doanh nghiệp vì nhiều đối tượng được tham gia hơn.
Với tiêu chí an toàn là trên hết, VISTA đưa ra Chương trình hành động “Du lịch xanh - xanh” nhằm xây dựng sản phẩm du lịch cũng như quy trình đón khách từ Hà Nội đến các tỉnh, thành và ngược lại. Trong đó, quy định rõ những đối tượng tham gia như hành khách, cơ sở lưu trú, điểm đến, DN lữ hành,... phải đáp ứng những điều kiện cụ thể.
Ví như, tour và dịch vụ cần khép kín, có kế hoạch giám sát, điểm tra, đánh giá về an toàn; xây dựng các tuyến, điểm tham quan, điểm dừng cụ thể, không linh hoạt như trước; chỉ lựa chọn các đơn vị cung ứng an toàn, được địa phương xác nhận; có phương án điều hành, kiểm soát tour an toàn,... Ngoài ra, cần tham khảo cơ quan Y tế để có quy trình phù hợp nhất trong phòng chống dịch.
Hưởng ứng chương trình này, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thông tin, Hà Nội đang hoàn chỉnh kịch bản khôi phục hoạt động kinh tế theo diễn biến dịch Covid-19, trong đó có du lịch. Cơ quan này vừa qua đã xây dựng điểm "lưu trú xanh" cho khách cách ly tại các khách sạn. Tới đây, Sở sẽ triển khai việc kết nối các "điểm du lịch xanh" với những "doanh nghiệp lữ hành xanh" để thực hiện "hành trình du lịch xanh" cho du khách đủ điều kiện.
Trên bình diện toàn quốc, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, cuối tháng 9 sẽ công bố Chương trình khôi phục Du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 đợt 4, với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”.
Ông Bình chia sẻ, để chuẩn bị cho buổi công bố, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra dự thảo chương trình và xin ý kiến của lãnh đạo, Hiệp hội Du lịch các địa phương; trao đổi về các tiêu chí an toàn; lựa chọn các điểm tham quan, cơ sở du lịch đủ tiêu chuẩn để đón khách du lịch nội địa đợt 1 và đề xuất thời gian mở cửa cụ thể.
Ngọc Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn