Cột trụ trong nhà được làm bằng gỗ tròn hay vuông, đường kính khoảng từ 5-7 cm, khi gia chủ làm xong nhà mới thì cột này mới được dựng lên ngay giữa nhà và nếu cột bị hỏng phải thay cột khác thì khi lợp lại nhà mới được thay. Khi dựng cột trụ hoặc thay cột trụ thì gia chủ phải bắt một con lợn sống buộc vào chân cột và mời thầy cúng về cúng (thầy cúng phải là người trong dòng họ), nội dung cúng: cầu mong tổ tiên phù hộ gia đình, con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, chăn nuôi nhiều trâu, bò mà không bị dịch chết… Sau khi cúng xong, con lợn cúng được mổ ra làm cơm, còn xương đầu con lợn được làm sạch treo vào cột trụ, khi nào thay cột trụ khác lại phải làm lễ cúng như lần đầu. Do đó, xương đầu con lợn treo trong nhà có khi tới 10 đến 20 năm. Trong ngày dựng cột trụ trong nhà, gia chủ phải mời người thân trong dòng tộc về dự bữa cơm.
Trong gia đình khi có công to, việc lớn như ngày tết, ăn mừng cơm mới, cưới vợ, gả chồng cho con; gia chủ thắp hương trên bàn thờ và phải thắp hương ở chân cột trụ để báo cáo với thổ công biết gia đình có việc. Ngay trong ngày tết, cột trụ trong nhà được trang trí bằng giấy bản với nhiều màu sắc khác nhau. Chính vì sự “linh thiêng” của cột trụ trong nhà mà điều kiêng kị là cấm mọi người cầm dao chặt, đẽo vào cột hoặc đi lại trong nhà vịn tay vào cột làm bẩn cột, không được đốt bất cứ vật gì gần cột trụ nhà. Nguyễn Tuấn |
Ý kiến bạn đọc