Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Nghề làm giấy của người Mông

Thứ hai - 03/01/2011 15:31

Nghề làm giấy của người Mông

Xuân này, ai đến bản Nà Kiến, Pa Phách (xã Đông Sang, Mộc Châu) sẽ thấy vang vang tiếng chầy đập giấy xuất phát từ các gia đình người Mông. Nghề làm giấy cũng giống như nghề se lanh dệt vải, nghề rèn, sản phẩm của nó không thế thiếu được trong cuộc sống của đồng bào.

 

Những tờ giấy người Mông làm ra không dùng để viết chữ, in sách, nó được dùng vào những nghi lễ thờ cúng mang tính chất tâm linh, tín ngưỡng, tờ giấy cùng những lễ vật gửi gắm sự thành kính của đồng bào với tổ tiên mình. Công việc làm giấy thường do người phụ nữ đảm nhiệm bởi nó khá đơn giản. Họ thường làm vào thời gian rỗi khi tiết trời khô ráo, nắng nhiều, nhất là dịp tết để cúng mừng năm mới. Vật liệu làm giấy thường lấy từ cây tre non, giang non.

Bà con ở bản Nà Kiến thường làm giấy bằng cây giang non chưa ra lá. Vào thăm một gia đình người Mông có bà cụ đang đập giấy trước cửa nhà để tìm hiểu. Anh Vàng A Lư, con trai bà cụ xởi lởi giới thiệu các bước để làm một tờ giấy như sau: trước hết phải chặt cây giang non thành từng ống, sau đó đem bỏ cả vào luộc với vôi, càng nhiều vôi giang càng nhừ và giấy càng trắng. Sau khi đun một ngày, bỏ ra và cho các ống giang vào bao ủ khoảng 1 tuần, đến khi thấy giang mềm rũ ra là được. Lúc này giang sẽ được đem ra đập như bà mẹ anh Lư đang làm. Chỉ cần một tấm ván kê, một chiếc chày bẹt, những ống giang mềm như sợi bún, có màu vàng sậm được đập nát ra. Thớ giang tan ra hết thành những sợi li ti, chúng bết lại như bông gặp nước. Bấy giờ một chiếc khuôn tráng giấy được mang ra. Khuôn căng bằng vải màn, có chiều dài khoảng 2 m. Chỗ bột giấy vừa giã được cho cả vào một thùng nước và đảo đều lên,  bàn tay bà cụ khéo léo khoắng, vớt ra những bột giấy quá to. Chỗ nước sánh sánh còn lại được tỉ mỉ tưới đều lên khuôn. Lúc này, giấy dày hay mỏng, có đều hay không lại rất cần bàn tay người phụ nữ. Khuôn được phơi ngoài nắng khoảng một buổi, nước sẽ thoát qua vải màn, hoặc bay hơi, còn lại trên mặt khuôn là tờ giấy thành phẩm: dai, xốp và rất trắng. Cũng tương tự như giấy dó làm tranh Đông Hồ, mặt trên tờ giấy của người Mông cũng không mịn, nó nổi rõ những vết sần của sợi giang. Tấm giấy sẽ được dán lên bàn thờ, được dùng làm đồ cho thầy cúng sử dụng…

Có thể trong cuộc sống hiện đại, nhiều thứ người Mông có thể ra chợ mua được. Nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về hầu hết bà con vẫn tự làm giấy như một thói quen thể hiện lòng thành kính. Vì vậy, bảo tồn nghề làm giấy thủ công cũng chính là bảo tồn một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Mông: văn hóa thờ cúng tổ tiên.

 

Tác giả: admin

Nguồn tin: dulichmocchau.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây