Người Thái Đen chủ yếu sống ở vùng núi cao Tây Bắc, nơi có những dãy núi và cao nguyên rộng lớn đồ sộ bậc nhất nước ta chạy dọc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam từ thung lũng Sông Hồng đến phía bắc thung lũng Sông Cả.
Nhắc đến văn hóa của dân tộc Thái Đen, không thể không nhắc đến “chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng” độc đáo và đặc sắc của người phụ nữ Thái. Người phụ nữ Thái đã tự sáng tạo hoa văn để làm ra những chiếc khăn Piêu đẹp và lạ mắt.
Đồng bào Thái làm khăn Piêu từ loại vải bông tự dệt. Trước khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là màu nền để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da cam....) ở hai đầu khăn.
Ban đầu, người ta chọn 1 sải vải trắng nguyên khổ dệt từ bông, tấm vải có sợi nhỏ đều, mặt vải mịn màng.
Mẫu khăn Piêu không có quy định chặt chẽ mà ngắn dài tùy ý thích của các cô gái nhưng thường dài từ1.50m đến 1.60m. Chiều rộng từ 30cm đến 40cm. Sau đó, tấm vải được đem đi nhuộm chàm tới khi có màu xanh đen ngả tím than là màu lí tưởng.
Cách trang trí khăn Piêu
Khăn Piêu của dân tộc Thái không trang trí ở toàn bộ mà chỉ tập trung trang trí ở hai đầu khăn. Khi thêu những hoa văn đa dạng lên hai đầu khăn, người phụ nữ nhìn theo mẫu song không dập khuôn một cách máy móc.
Diềm của khăn Piêu được trang trí bằng những cặp “tín xáo” thêu theo kiểu vắt chỉ thành từng nhóm hai, ba, hoặc bốn đường song song. Giữa các nhóm “tín xáo” còn được trang trí thêm những hình “tô pu”(con cua) hay “tô nhện” (con nhện) hoặc hình ngôi sao 5 cánh theo lối cách điệu.
Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo ý muốn chủ quan. Điều đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu piêu ở mặt phải như lối thêu thông thường mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc phức tạp sẽ hiện lên ở phía mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình.
Cách đội khăn Piêu lên đầu
Khi đội, một đầu khăn piêu vắt chéo trên đỉnh đầu rồi bẻ vuông góc với mép khăn phủ xuống trán và một đầu khăn vắt ra sau lưng để lộ hoa văn ra phía trước và đằng sau.
Cô gái Thái Đen dùng khăn Piêu để đội đầu
Đội khăn Piêu cũng là một nghệ thuật, có nhiều cách đổi khăn có thể xếp khăn thành hình quả tim, hình mái nhà, hình quả trám…
Ý nghĩa từ chiếc khăn Piêu
Đối với các cô gái Thái thì ngay từ lúc nhỏ đã được mẹ hướng dẫn cho từng đường kim, mũi chỉ và cách pha màu sao cho hài hòa để thêu được chiếc khăn Piêu như ý.
Chiếc khăn Piêu còn biểu hiện cho tình yêu nam nữ. Trai gái yêu nhau còn nhờ chiếc khăn Piêu nói hộ lòng mình. Lúc xa nhau, các cô gái thường tặng chàng trai mình yêu mến chiếc khăn Piêu đẹp nhất.
Theo quan niệm của người Thái thì qua chiếc khăn Piêu có thể đánh giá được người thiếu nữ đó đã trưởng thành hay chưa, có đảm đang, chăm chỉ hay không… và đó cũng chính là một trong những tiêu chuẩn để chọn nàng dâu.
“Em xe sợi thành vóc hoa dâu
Em dệt cửi thành gấm vân chéo
Em dệt tơ thành đoá hoa vàng
Người các bản các phường muốn khóc
Đều ước ao được em thêu khăn”.
Khăn Piêu là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời do bàn tay khéo léo của người con gái Thái tạo nên. Piêu là một sản phẩm văn hoá và tinh thần in đậm bản sắc dân tộc Thái. Không những thế nó còn là vật kỷ niệm đầy ý nghĩa của những du khách có dịp đến với Tây Bắc.
An Nguyên- giadinhonline.vn (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc