Năm 2019 này, người Hmong ở các bạn đã rục rích đón tết (Ngày 1.12 âm lịch chính là ngày Tết của người Hmong: nghĩa là người Hmong ăn tết cổ truyền trước 1 tháng so với người Kinh). Nhưng năm nay mận chưa nở, có lẽ phải 3 tuần nữa mận mới tung cánh trắng. Mời quý độc giả xem lại những tấm ảnh hoa mận và tết người Hmong của năm trước 2018:
Trong tiết trời lạnh giá và đón gió xuân về ở vùng cao, những vườn mận của người dân tộc Mông bung nở hoa trắng trời như níu chân người lữ khách.
Du khách có thể ghé các địa điểm có nhiều vườn hoa đặc trưng của Mộc Châu như bản Phiêng Cành, Nà Ka (xã Tân Lập), bản Áng (xã Đông Sang), bản Vặt (xã Mường Sang)...
Hoa mận thường nở đẹp rực rỡ trong khoảng tuần cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2, tuy nhiên có thể sớm hay muộn hơn một chút tùy theo thời tiết từng năm.
Bản Nà Ka bừng sáng khi vườn mận nở trắng muốt - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Những trẻ em Mông chơi Tết trong vườn mận trắng - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Bản Phiêng Cành, Nà Ka là những nơi còn vườn mận hoang sơ, giữ được vẻ đẹp tinh khôi của đất trời Mộc Châu. Đất và người nơi đây tạo nên một vẻ đẹp giản dị, thanh bình và ngập tràn hương sắc của hoa mận, hoa đào hay cải vàng.
Đến với bản Phiêng Cành, du khách có thể thấy những ngôi nhà trình tường mang nét kiến trúc nhà cổ của người Mông ẩn hiện mờ ảo trong sương, xa xa là những thảm hoa mận nở trắng bạt ngàn sườn đồi tạo nên khung cảnh đẹp mê hồn như chốn bồng lai tiên cảnh.
Xuân về trên bản Phiêng Cành - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Bé gái Mông trên lối nhỏ - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Khoảnh khắc bé gái mắc cỡ trước ống kính nhiếp ảnh gia - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Những váy xòe nhiều sắc màu làm bừng sáng vùng cao nguyên Mộc Châu - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Nhiếp ảnh gia Cao Kỳ Nhân (Phú Yên) cho biết hoa mận nở rộ trong khoảng 7-10 ngày, tàn cũng rất nhanh, do đó du khách nên "canh" thời điểm hoa bắt đầu nở để có thể đến ngắm hoa được đẹp nhất. Cần lưu ý dự báo thời tiết vì nếu đi vào ngày mưa sẽ không được đẹp bằng những ngày nắng nhẹ với gió đông se dịu.
Hiện tại, vườn mận đã bắt đầu hé nụ, những cánh hoa mỏng manh như e ấp cùng với tiếng chim ríu rít giữa vườn mận chắc chắn sẽ làm du khách mải mê ngẩn ngơ quên cả lối về.
Du khách nếu đến với Mộc Châu trong thời điểm này có thể trải nghiệm Tết cổ truyền của người Mông, thường được diễn ra trong 3 ngày đầu của tháng Chạp.
Bé trai Mông hồn nhiên ăn kem - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Cậu bé đu trên nhành cây mận nở trắng tinh khôi - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Đám trẻ chơi trò đánh cù - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Trẻ em Mông rộn rã chơi các trò chơi truyền thống - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Trước và trong khoảng thời gian này, người Mông nôn nao đón Tết, phụ nữ miệt mài thêu thùa áo mới, đàn ông mua sắm lợn gà làm mâm cơm Tết, trong khi đó những đứa trẻ diện những bộ váy, áo đẹp nhất rong chơi khắp các bản làng.
Văn hóa ngày Tết của người Mông thêm rộn rã qua điệu múa xòe ô và tiếng khèn réo rắt.
"Tôi từng đến với Mộc Châu nên vẫn luôn nhớ mãi những khoảnh khắc thân thương và hồn nhiên của bọn trẻ, nhớ mùa mận nở trắng sườn đồi, để rồi lại muốn thêm một lần quay về miền sơn cước, được ngồi bên chén rượu, mâm cỗ, bếp lửa cùng tình người ấm áp của người Mông, xua tan cái giá lạnh nơi vùng cao", anh Nhân chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Một cậu bé đánh đu trên cành mận - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Đám trẻ lí lắc trèo cao trên cây - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Hoa mận trắng báo hiệu mùa xuân - Ảnh: CAO KỲ NHÂN
Đối với các bạn trẻ thích phượt, đi xe máy trên những cung đường Mộc Châu là phương tiện hợp lý để chủ động trong việc dừng xe bên đường đến ngắm hoa.
Tuy nhiên, chuyến đi như thế phụ thuộc nhiều vào thời tiết khi vào tháng 1, tháng 2 là thời điểm Mộc Châu giá rét. Lúc này nhiệt độ xuống thấp, có sương mù và hạn chế tầm nhìn khi lái xe. Du khách đừng quên mặc áo ấm dày để tránh cảm lạnh.
Bản đồ hướng dẫn đường đi từ Hà Nội đến xã Tân Lập, nơi có các vườn mận trắng đẹp ở bản Phiêng Cành, Nà Ka - Ảnh chụp màn hình
Xem thêm: Ngẩn ngơ ngắm Mộc CHâu mùa hoa mận
Ý kiến bạn đọc