Nhà hàng xuân bắc 181

Tìm hiểu về ẩm thực mộc châu

Thứ tư - 12/09/2012 10:47

Bê chao- đặc sản MC

Bê chao- đặc sản MC
Đến với mộc châu, Quý khách không những được hòa mình trong không gian tươi đẹp đầy sắc màu của hoa lá, cây cỏ, của những trang phục rực rỡ mà những cô gái nơi đây mang trên mình. Mà Quý khách còn có cơ hội thưởng thức và hiểu thêm về nhiều nét văn hóa ẩm thực độc đáo.

 
1. Sữa Mộc Châu.
Những trang trại bò sữa Mộc Châu từ lâu đã nổi tiếng với giống bò trắng lang đen của Hà Lan và các sản phẩm sữa ở đây. Từ sữa tươi nguyên chất vừa vắt ra cho đến các sản phẩm sữa khác như sữa chua, sữa đặc, sữa bánh…đều mang một hương vị đặc trưng riêng mà không giống bất kì một sản phẩm sữa ở các nơi khác.  Đến với Mộc Châu không thể không uống sữa và các sản phẩm từ sữa tươi nguyên chất ở đây. Không nói ai cũng biết sữa có lợi cho sức khỏe như thế nào vậy thì còn gì bằng khi được thưởng thức sữa tươi 100% nguyên chất này.
 
2. Chè Mộc Châu.
Hiện nay, huyện Mộc Châu có khoảng 3.000 ha chè các loại khác nhau. Những đồi chè mơn man, bát ngát đã biến Mộc Châu trở thành một viên ngọc xanh thơ mộng. Và cây chè cũng ngày càng gắn bó với cuộc sống của các dân tộc nơi đây. Đến nay, loại cây này là một trong những biểu tượng của cao nguyên Mộc Châu. 
Bên cạnh đó, khách du lịch còn được thưởng thức hương vị các loại trà nổi tiếng nhất của cao nguyên Mộc Châu. Đó là San Tuyết - loại trà được chế biến từ cây chè vài trăm tuổi ở đây. Ngoài ra còn có trà Ô Long, trà Kim Tuyên… mỗi loại đều  vị khác nhau nhưng không thể lẫn với các loại chè khác trong cả nước
 
3. Thịt bê chao.
Như các bạn đã biết Mộc Châu chăn nuôi rất nhiều bò sữa vì vậy những chú bò non (bê) ở đây khi mới sinh ra sẽ được xác định giới tính. Nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa. Còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Bê con bị loại được dùng làm nguyên liệu cho một món ăn thơm ngon, độc đáo của vùng đất cao nguyên: bê chao.
Đã từ lâu, bê chao là một món ăn không thể bỏ qua khi bạn đến với vùng đất cao nguyên này. Bê chao Mộc Châu nổi tiếng đến mức mọi người thưởng rỉ tai nhau rằng: “Đến Mộc Châu mà chưa ăn bê chao thì không gọi là đến Mộc Châu”. Nếu sữa tươi Mộc Châu nổi tiếng xa gần vì vị thơm ngậy tự nhiên hiếm có thì thịt bê nơi đây cũng thơm ngon, bổ dưỡng khác thường.
Bê con được nuôi dưỡng trong môi trường lý tưởng nên có hương vị vô cùng độc đáo. Tuy nhiên thịt bê chao ngon nhất phải làm từ thịt của những chú bê con chỉ vừa sinh ra được 7 ngày tuổi, chỉ bú sữa bò mẹ mà chưa ăn bất cứ loại cỏ nào trên thảo nguyên. Có như vậy, món bê chao mới thơm ngon tuyệt hảo với từng miếng thịt bê giòn bì, chắc thịt, nhưng không hề khô cứng mà trái lại, rất mềm và ngọt.
 
4.  Cá Hồi Mộc châu.
Là giống cá vốn chỉ sống ở vùng lạnh như châu Mỹ, châu Âu mới được nhập về nuôi thành công duy nhất nhất ở Mộc châu. Với vị ngon đậm đà, thịt có màu hồng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao, cá hồi đang là món ăn sang trọng của du khách khi đến với Mộc châu. Món cá hồi ngon đôi khi không chỉ bởi hương vị của nó, người ta tìm đến thưởng thức nhiều bởi chính sự hiếu kỳ muốn một lần nếm thử. Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh, cá hồi Mộc châu có thịt chắc, thớ săn, không có mỡ rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nổi bật nhất là các món như lẩu cá hồi, gỏi cá hồi, cá hồi nướng...
Trong cái lạnh của Mộc châu, bên chén rượu ngô mà được thưởng thức nồi lẩu cá hồi bốc hơi nghi ngút và những loại rau rừng còn đọng sương mai chắc hẳn thực khác sẽ có được ấn tượng khó quên.

5. Cá suối Mộc châu
Cá suối có nhiều loại: Cá trắng thân dẹt như cá mương, cá hoa, cá bống, lại có loài cá có màu đen lẫn với màu rêu đá.
Cá suối Mộc châu thường không lớn, chỉ bằng ngón tay, to lắm cũng chỉ như cán dao. Điều đặc biệt là cá suối không hề có vị tanh. Cá bắt được, nhóm lửa nướng sơ ngay bên bờ suối để có thể để dành ăn lâu dài hoặc đem lên bán cho các nhà hàng trên thị trấn.

6. Cải mèo Mộc châu
Rau cải Mèo của Mộc Châu được người dân địa phương nấu bằng nhiều cách: xào, nấu,  luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu. Kỳ công hơn, rau có thể nấu cùng với thịt gà băm rối, không quên bỏ gia vị gừng, nêm vừa mắm, muối, người thưởng thức sẽ cảm nhận được một hương vị thật độc đáo. Chất ngọt của thịt gà quện với cái ngọt mát, ngăm ngăm đắng của rau cải làm cho người ăn cảm thấy không bị ngán.
Rau cải Mèo còn hấp dẫn nếu được xào với thịt bò, đặc biệt là thịt hun khói. Những sợi rau giòn, dai hơi nhặng đắng kết hợp với món thịt hun có vị đậm đà rất riêng tạo nên nét đặc sắc cho ẩm thực vùng cao. Nhiều người còn dùng cải Mèo trong danh sách các loại rau để ăn lẩu. Để dễ ăn, dùng những cây nhỏ, mới nhú được vài lá non, nhúng qua nồi lẩu nóng nghi ngút, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt mát, tươi mởn của rau. Nên nhớ, dù nấu món gì thì người nội trợ vặn rau thành từng đoạn chứ không thái, như thế mới giữ được vị đậm đà của rau.

7.  Cơm Lam
Lam không phải là danh từ mà là một động từ, chỉ việc nướng chín thức ăn trong ống nứa tươi. Vì vậy không chỉ có cơm lam mà còn có thịt chim lam, cá lam, bầu bí lam...
Ống nứa hoặc ống một loại cây họ nhà tre nứa được chọn để "lam" phải là ống có lóng dài, còn tươi ở phần ngoài và nước ngọt của cây ngấm vào thức ăn.

8.  Đồ nướng Mộc châu
Trong rất nhiều cái thú được nhâm nhi, hưởng thụ ẩm thực của du khách trong những ngày du lịch dài ngày tại đây, thì đồ nướng Mộc Châu đang trở thành một "thương hiệu" rất riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác. Nhiều khách du lịch nói rằng: Nếu đến Mộc Châu mà không thưởng thức đồ nướng thì quả thật chưa thực sự khám phá được hết sự độc đáo, phong phú và thi vị của văn hoá ẩm thực Mộc Châu.

9. Lợn cắp nách
Mộc Châu nổi tiếng với món thịt “ lợn cắp nách ” - giống lợn bản địa thả rông, mỗi khi cần tiền đồng bào tóm một con kẹp vào... nách, đem ra chợ bán.
Tự dũi đất kiếm ăn trên những sườn dốc dựng đứng và quanh năm suốt tháng gồng mình chống chọi với cái rét làm cho giống lợn này săn quắt lại. Một chú “lợn cắp nách” trưởng thành cũng chỉ nặng dưới chục ký (có thế mới... cắp được vào nách). Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì ròn tan, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm; và trong cùng là xương, thường là cũng rất nhỏ và mềm, ăn được luôn nếu không phải là xương ống. Thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu ngô Mộc Châu, nhậu xuyên đêm chưa chán.

10. Măng chua Mộc châu
Măng chua của bà con vùng cao Mộc Châucũng là một trong những sản phẩm được nhiều người vùng xuôi ưa chuộng.
Măng chua được làm khá tỉ mỉ: người ta chọn những đọt măng mới nhú được 25 - 30cm, mang về rửa sạch rồi xắt lát mỏng, không cho dính nước. Ủ măng vào chum và đậy kín trong khoảng 20 đến 30 ngày. Khi thành phẩm, măng có vị chua thanh, dùng để nấu với cá hay thịt, ăn hoài không ngán.


 

11. Mận, Đào Mộc Châu.
Đên với Mộc Châu đúng vào mùa mận (tháng 4-5)  hay mùa đào (tháng 6-7) hàng năm các bạn sẽ được thưởng thức loại quả tuyệt vời này.
Mận ở Mộc Châu chủ yếu là giống cây Mận hậu cho trái to, ngon, giòn mầu sắc đẹp nhất là đối với các chị em thích đồ chua thì đây hẳn là một loại quả không thể bỏ qua.
Đào mèo ở đây là một giống đào địa phương ngon đặc biệt.  Đào mèo phân biệt với các loại đào khác như đào mơ, đào Pháp… đào mèo ăn giòn, ngon, thơm quả to đặc biệt đào khi ăn bên trong hột đào dóc không dính vào phần thịt quả khi lên Mộc Châu vào mùa này các bạn sẽ được thưởng thức và cảm nhận hương vị khác biệt của loại quả này.
12.  Rượu ngô
Rượu ngô của người Mông phải được nấu từ giống ngô bản địa. Có tìm hiểu về các công đoạn để làm ra thức uống đặc biệt này mới cảm nhận được những giá trị tinh thần và sức sống mãnh liệt của cuộc sống khắc nghiệt nơi núi rừng Tây Bắc. Muốn có rượu ngon, phải chọn những hạt ngô không quá già, cũng không quá non. Sau khi nghiền vỡ hạt ngô thành 3-4 mảnh, đem nấu chín tới, không khô, không nát. Rồi phải biết ủ men sao cho vừa phải, nhiều thì rượu bị đắng, ít quá ngô lại không lên men được. Được làm từ thứ ngô bản địa với men lá truyền thống nên khi uống vào rượu ngô có vị ngọt, thơm, độ cồn không quá cao nên nếu chẳng may quá chén, hôm sau người uống vẫn thấy khỏe khoắn.

13.    Thịt trâu gác bếp
Món “thịt trâu gác bếp” đã trở thành món ngon rất nổi tiếng ở vùng cao này. Thịt trâu được thái miếng lớn và ko làm chin bằng các phương pháp thông thường như luộc, xào hay nấu mà nó được hun khói trên gác bếp trong nhiều ngày để cho thịt trâu se lại cho các chất ngọt tụ vào trong thịt.
Khi muốn ăn món thịt trâu gác bếp thì sẽ không nướng trực tiếp trên lửa mà sẽ gói thịt trâu vào trong lá dong sau đó vùi vào trong tro bếp nóng, khi thưởng thức các bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt của món thịt trâu gác bếp với các món khác.
Thịt  trâu gác bếp .nướng vùi trong tro bếp là một trong những món “nhắm” lý tưởng của cánh mày râu.
Riêng thịt trâu, bò đã sấy kho cho vào tro bếp để nướng (không có than), sau đó đem ra đập hết tro và bụi để uống rượu. Thịt thường có vị bùi, thơm. Nếu uống rượu mà có đĩa thịt trâu gác bếp này thì quả là không còn gì bằng.

14.    Xôi ngũ sắc Người Dao.
Ở Mộc Châu, mỗi dân tộc đều có vốn văn hóa truyền thống đặc trưng tạo nên vườn hoa đầy hương sắc. Trong đó, văn hóa ẩm thực truyền thống của người Dao được thể hiện rõ nét qua hương vị của xôi ngũ sắc.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng (co khảu, khảu đen) để nhuộm màu, tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau, tạo ra sản phẩm xôi thơm ngon, hấp dẫn.

(http://phaluongmocchau.com)

Tác giả: admin

Nguồn tin: sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây