Nhưng sau khi có thông tin về việc phát hiện một thuyền ở Thanh Hoá, rồi lại rộ lên thông tin"Động ma"ở Mộc Châu - Sơn La khiến nhiều kẻ nổi máu tham, lần mò về đây để truy tìm cổ vật trong các quan tài bằng gỗ treo trên các vách đá.
"Động ma"kỳ bí chính là các hang mộ ở xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, Sơn La. Chính quyền nơi đây cho biết đã phát hiện được một số di tích hang mộ trên vách núi Đá Chồng thuộc bản Rưa Tra, cách trung tâm xã 4 km. Hang mộ còn tìm thấy ở các vách núi thuộc bản Nà Lồi, bản Bó, bản Khoang Tuống, núi Lang Chánh, núi Tạng Háo.
Theo chân đoàn khảo sát của huyện Mộc Châu lên vách núi Lang Chánh thuộc bản Khoang Tuống và núi Tạng Háo nên không mấy khó khăn, tôi đã được tận mắt chứng kiến các mộ thuyền với nhiều kích cỡ khác nhau. Quan tài lớn có chiều dài khoảng 1,65 mét, chiều rộng 45cm, quan tài nhỏ chiều dài từ 1,5mét đến 1,2 mét. Các quan tài đều có cốt khoá nắp. Hai đầu quan tài được chạm trỗ hình đuôi chim én. Đa số các quan tài được tìm thấy đều bị bật nắp, bên trong có hộp xương sọ và một số mẩu xương chân, tay.
Người dân nơi cho biết, quan tài bị bật nắp có thể là do bị đá lở rơi xuống khiến nắp quan tài bị vỡ. Tuy nhiên, vẫn có những quan tài còn nguyên vẹn.
Truyền thuyết mộ thuyền
Theo cụ Mùi Văn Khương, năm nay đã hơn 70 tuổi, ở bản Khoang Tuống, xã Suối Bàng, thì truyền thuyết kể rằng: Người Xá (dân tộc Khơ Mú ngày nay) và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Người Xá bắn tên rất giỏi đã thách người Thái bắn tên lên vách đá để xác định chủ quyền vùng đất. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này.
Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lên vách đá. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi.
Giữ đúng lời giao đấu là không được sinh sống hay săn bắn, trồng trọt nơi đây nữa nên khi chết, người Xá không được chôn cất trên mảnh đất này mà lấy thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi treo lên các vách đá.
Ông Phạm Việt Hùng, Phó phòng Văn hoá thông tin huyện Mộc Châu, cho biết các mộ thuyền trong hang mộ có niên đại ít nhất khoảng 600 năm, quan tài được làm bằng loại gỗ Đinh thối. Nhiều khả năng người ta chọn loại gỗ này vì mùi khó chịu của gỗ sẽ làm thú rừng không lại gần.
Hiện nay, sau khi một số bài báo đăng tải về mộ thuyền với tính chất huyền bí, nhiều kẻ từ nơi khác đã mò đến, mong tìm thấy cổ vật. Việc này đã xâm phạm, phá hoại di tích hang mộ, làm đau đầu các cơ quan có quản lý ở địa phương.
Phòng Văn hoá thông tin đã cử cán bộ điều tra, thống kê các hang mộ có trên địa bàn và báo cáo lên cấp trên. Đồng thời, có công văn yêu cầu các xã dọc Sông Đà cảnh giác với kẻ xấu đi truy tìm cổ vật và phá hoại hang mộ và gửi văn bản tới các xã yêu cầu bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn khảo sát hang mộ với mục đích gì phải thông qua chính quyền xã.
Ông Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng Phòng Văn hoá thông tin huyện Mộc Châu cho biết, hiện nay, các xã báo cáo là đã phát hiện thêm 11 điểm có mộ thuyền trong hang động, trong đó có nhiều mộ thuyền còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ di tích hang mộ hiện nay vẫn chỉ dựa vào sức dân với lực lượng nòng cốt là Ban công an xã và vấn đề này mới chỉ dừng lại ở chỗ khảo sát chứ chưa có chương trình nghiên cứu cụ thể và biện pháp bảo vệ mộ thuyền.