NHỮNG CÂU CHUYỆN KỲ BÍ
Chúng tôi có chuyến đi táo bạo vào núi Thạm, Suối Bàng (Mộc Châu, Sơn La) này từ một anh bạn làm báo. Vốn là người ưa mạo hiểm, thích khám phá, học xong đại học anh đã lên Tây Bắc. Cá tính này đã tạo cho anh một trưởng thành, ngoài một chức danh không đến nỗi nào ở cơ quan, nhà cửa anh cũng đã đề huề. Anh bảo, ở Tây Bắc gần 30 năm nhà cửa đã có, con cái đã trưởng thành có chết (người dân đồn thổi ai dám đặt chân vào núi Thạm sẽ phải chết) anh cũng phải một lần vào “hang âm hồn” ở núi Thạm xem thế nào. Thấy anh “hung” quá, cũng thêm tò mò chúng tôi đã nhận lời đi cùng anh.
Đêm Tây Bắc, mặc cho vợ can ngăn anh vẫn sắp xếp hành trình chinh phục những “hang âm hồn” ở núi Thạm. Do để tâm nên những lần vào đây lấy số liệu anh cũng đã kết thân được với nhiều người. Thế nhưng khi thấy anh đề xuất ý định vào Suối Bàng ai cũng co rúm người. Toàn vùng Tây Bắc, do những lời đồn thổi về những cái chết phải đánh đổi nên núi Thạm có lẽ còn là nơi còn rừng nguyên sinh. Đêm đầu, chúng tôi ngủ lại nhà ông Bùi Văn Khương một người già nhất ở bản Khoang Tuống. Vùng đất này chủ yếu là người Mường sinh sống, bao quanh núi Thạm có các bản khác nữa là Nà Lời, Pưa Ta.
Đêm, bên mâm rượu, chúng tôi đã nghe đầy rẫy những chuyện kinh hoàng về “âm hồn” núi Thạm. Ông Khương bảo, trong các hang đá ở đó xếp rất nhiều quan tài, không biết từ bao giờ. Nào là, có những người, không nghe lời người già trong bản, vào núi Thạm chặt củi. Vào đó rồi không thấy ra nữa, đêm đêm cứ gầm rú, được vài bữa như vậy rồi bặt tin. Rồi chuyện một chàng trai yêu một hoa khôi của bản, vì không yêu anh ta nên cô gái kia đã ra lời thách đố, nếu anh ta dám tìm vào núi Thạm, trở về an toàn thì cô ta sẽ lấy. Vì yêu cô gái, bất chấp tất cả, vì sự si mê nên chàng trai kia đã tìm vào đó. Sáng mờ sương anh ta tìm vào, trưa trời đứng bóng, cả bản thấy vang dội tiếng hú hét. Một lúc sau chàng trai ấy xuất hiện, mắt mũi đảo ngược, mồm cứ thế ồng ộc trào máu. Thấy người dân bảo anh ta nôn ra nhiều máu lắm, cỡ phải 3 chảo máu rồi lăn đùng ra chết. Mắt cứ mở trừng trừng nhìn về núi Thạm, vuốt cũng không tài nào nhắm được.
Rồi lại chuyện một phụ nữ đánh sổng trâu, con trâu ấy chạy vào núi Thạm. Mặc sự khuyên can, do tiếc của, người phụ nữ ấy đã tìm đường vào núi Thạm. Thế người phụ nữ ấy cũng không trở về, lại thấy tiếng hú hét kéo dài sau vài ngày rồi tắt lịm… Người dân ở đây còn bảo, những ngày dở trời, mây thâm u kéo đến, người ta còn thấy những buổi khóc tập thể, ai oán và não nề vọng ra từ núi Thạm.
ĐƯỜNG LÊN “HANG ÂM HỒN”
Thân quen lắm nhưng khi chúng tôi đề xuất chuyện đưa đường vào “hang âm hồn” ở núi Thạm thì không ai dám đi cả. Nhờ vả mãi chúng tôi mới tìm được một anh thanh niên người bản xứ, anh này có tên là Đứng “tít”. Sở dĩ anh có tên như vậy là hồi trẻ anh bị sét đánh một lần không chết nhưng sau đợt ấy tóc, lông mi, lông mày của anh tự dưng soăn tít. Trong bản anh được mệnh danh là “trời đánh không chết”, anh chả sợ gì nên đã nhận lời đưa đường cho tụi tôi cùng một khoản lệ phí dẫn đường đi kèm.
5 giờ sáng chúng tôi xuất phát, hối hả đi, đường vào “hang âm hồn” càng ngày càng hiu quạnh và hãi hùng. Do ít người dám bén mảng vào nên đường ngày một rậm rạp, cây cối dây leo đổ lòa xòa, vừa đi vừa phát, vừa cảnh giới cho nhau. Trời nắng nóng thế nhưng càng vào “hang âm hồn” càng lạnh lẽo. Nhiệt độ cứ giảm dần, sương mù cứ hối hả tuồn ra từ các hốc cây, ngách đá. Từ Khoang Tuống trông vào núi Thạm thấy rất gần cùng những miệng “hang âm hồn” rõ mồn một. Ấy thế mà mất gần 4 giờ đi bộ chúng tôi mới vào đến chân núi.
Một trong năm chiếc hang tông hốc, đen ngòm có chứa những chiếc quan tài gỗ kỳ bí gần nhất đã được chúng tôi chọn. Thú thực, nhìn những chiếc hang ấy, cách mặt đất gần 1000m, dốc đá thẳng đứng tôi không hiểu tại sao người ta lại đưa được những chiếc quan tài lên trên đó được. Tôi ước lượng, với công nghệ nâng kéo như hiện nay, việc đưa lên đó một khối lượng, nặng tựa như những chiếc quan tài ấy không phải là dễ.
Bằng bản năng của người vùng núi, anh Đứng “tít” lên trước, sau đó dây thừng được cột vào một thân cây trên miệng hang, chúng tôi hỗ trợ cùng nhau leo lên. Thú thật do sợ, phần nữa không có chuyên môn, chúng tôi chỉ lên để xác định là có quan tài hay không, chụp vài kiểu ảnh rồi tìm đường rút lui. Các quan tài ở đây đều là những thân gỗ nguyên bản, được người ta bổ đôi, khoét lõi rồi táng xác vào đó và xếp không theo thứ tự nào. Thời gian, mưa nắng đã làm cho nhiều chiếc trong số đó mục rữa, lộ ra những phần cốt của người quá cố.
Hang có mùi thối rất khó chịu, theo anh Đứng “tít” thì mùi thối này là do gỗ đinh
thối phát tán. Cũng theo anh, người vùng núi, ngày xưa rừng còn nhiều loại gỗ này nên họ hay dùng nó làm quan tài. Mùi thối của gỗ không để cho các loài mối mọt xâm nhập hơn nữa nó còn đuổi một số loài thú dữ khác khi muốn đến tìm cách ăn thây người quá cố.
CẦN LỜI GIẢI MÃ
“Hang âm hồn” ở núi Thạm và việc có các quan tài gỗ được táng ở đây là có thật. Việc cần giải mã là nên làm, ngoài góc độ nghiên cứu thì nó còn là sự cởi trói về tinh thần, xóa bỏ đi những sợ hãi ám ảnh với nhiều người dân nơi đây trong nhiều thập kỷ nay.
Lý giải hiện tượng này, người Mường ở đây cũng đã có truyền thuyết. Truyền thuyết cho rằng sở dĩ có những quan tài táng trên các hang đá ở núi Thạm là trước đây Suối Bàng là nơi cư trú của người Xá (hay còn gọi là người Khơ Mú) và người Thái. Do đất chật, người đông nên một trong hai bộ phận dân tộc ấy phải đi tìm đất khác. Ai đi, ai ở đã tạo ra những giao tranh hỗn loạn. Cuối cùng, để có giải pháp, người Thái và người Khơ Mú đã thi bắn tên vào vách đá núi Thạm. Họ giao ước nếu tên của dân tộc nào cắm được vào vách đá núi Thạm thì dân tộc đó được ở lại. Trong cuộc tỷ thí này, người Thái đã khôn hơn, họ đã lấy sáp ong gắn vào đầu mũi tên nên tên của họ đã cắm được vào vách đá núi Thạm và họ được ở lại. Vì chưa tìm được đất nên trong thời gian ở lại, những người quá cố của người Khơ Mú chết không có chỗ chôn nên họ đã phải đem vào các hang đá trong núi Thạm “gửi tạm”.
Về vấn đề này, tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đợt chúng tôi vào, vì nghe những huyền thoại đầy rùng rợn ở núi Thạm nên Trung tâm nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á đã cử cán bộ lên. Trong 5 hang được người dân xác định họ đã tiến hành khảo sát ở 1 hang. Tại hang này họ đã tìm thấy 6 chiếc quan tài, chia làm 2 loại to và nhỏ với các hình thù kích cỡ khác nhau. Loại to là một thân gỗ bổ đôi khoét lòng có đường kính 75cm, dài 290cm. Loại nhỏ có đường kính 60cm, dài 277cm. Điều đặc biệt là các quan tài này có 2 hoặc 3 mấu chốt hình mũi thuyền. Từ chi tiết này cho thấy chủ nhân của những chiếc quan tài này phải gắn liền với sông suối và một cuộc sống lúa nước. Theo nhận xét ban đầu thì kỹ thuật khoét gỗ và cách táng rất giống với các mộ thuyền chúng ta đã tìm được ở Việt Khê (Hải Phòng) và Châu Can (Hà Tây cũ). Ước chừng các quan tài được táng theo kiểu này đã có cách đây 600 năm.
Theo ông Mùi Văn Chiến, trưởng bản Nà Lời thì không phải là bộ phận người dân tộc Mường. Người Mường định cư ở đây khá lâu, ước chừng đã vài trăm năm. Và ông khẳng định các quan tài trên phải là của một bộ tộc nào đó vì theo ông lý giải nếu là của người Mường thì chắc chắn đã có người trong bản các ông thờ tự các quan tài đó. Hiện tại, đến thời gian này, theo người dân ở đây họ ước chừng phải có 11 hang đá trong địa bàn có táng các quan tài như trên. Thế nhưng chủ nhân của nó là ai, dân tộc nào, người ta làm cách nào để đưa các quan tài đó lên các hang đá cao vút và những cái chết bất đắc kỳ tử như những câu chuyện huyền thoại kia là thế nào đang cần lời giải đáp.
Được biết, trong thời gian gần đây đã có một số người săn tìm cổ vật tìm lên các hang này. Không biết họ có lấy được cổ vật hay không nhưng hiện tại rất nhiều quan tài trong các hang đã bị bật nắp. Và như vậy, đồng nghĩa với hành vi này thì các xương cốt rất cần cho công tác nghiên cứu sau này trong các quan tài trên hang đá sâu thẳm ở núi Thạm đang bị phá hủy.
Tác giả: admin
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc