Nhà Hàng Đông Hải - số 1 Mộc Châu

Hẹn nhau về mùa yêu - chuyện về sự tích hoa ban

Thứ tư - 16/03/2011 12:04

Hoa ban Mộc Châu

Hoa ban Mộc Châu
Tháng 3, tháng 4 khi hoa mận, hoa đào đã phai tàn, những trận mưa xuân lây rây còn rơi rớt lại, khắp núi rừng Tây Bắc lại bừng trắng hoa ban. Vào thời điểm ấy, những mầm măng cũng cựa mình nhú lên khỏi mặt đất. Như vợ chồng ngâu, một năm chỉ đoàn tụ một ngày, hoa ban- măng đắng cũng chỉ có một mùa để gặp gỡ, yêu thương.

Đã là người Tây Bắc, đặc biệt là người Thái, không ai không biết sự tích măng đắng- hoa ban, hay là câu chuyện tình cảm động về chàng Khum (Khôm)- nàng Bun (Ban), hoặc Bok. Tất nhiên có nhiều dị bản, nhưng đại ý, người già vẫn kể cho con cháu rằng: ngày xưa, ở một bản Thái có một chàng trai rất tài giỏi việc phát rẫy, trồng lúa, săn bắn, thổi pí, khèn tên là Khôm - tức là đắng. Nàng Bok – tức là hoa đẹp người, đẹp nết ở cùng bản, con nhà tạo rất giàu có, được nhiều chàng trai đều thầm yêu trộm nhớ. Nàng đem lòng yêu chàng Khôm tài ba. Nhưng cha nàng lại gả nàng cho một nhà giàu khác. Hôm trước ngày cưới, nàng Bók và chàng Khôm đã cùng nhau trốn vào rừng sâu để được sống với nhau. Tạo bản vô cùng tức giận cho người nhà đuổi theo. Hai người chạy mãi đến lúc đói, kiệt sức, ôm nhau mà chết như lời nguyện thề mãi mãi không rời.

Rừng ban khoe sắc
Từ nấm mồ của 2 người mọc lên một cây vầu cho những mầm măng có vị đắng, và một cây hoa trắng ngần, lá hình trái tim xanh mướt. Dân bản đặt tên loài hoa này là Bók Ban (hoa đẹp), gọi cây măng là Nó Khôm (măng đắng) và truyền nhau rằng vào những đêm trăng yên tĩnh, vẫn nghe thấy tiếng rầm rì trên núi, đấy là lúc nàng Ban và chàng Bun đang trò chuyện. Mọi người nhắc đến 2 loài cây như là biểu tượng về tình yêu chung thủy.


Ngày trước, mới chỉ thấy hoa ban tây bắc trong những dòng viết mê hồn của Nguyễn Tuân: “Ban ở sau lưng anh, ban ở trước mặt, ban ở bên trái, ban ở bên phải, ban ở dưới chân ở trong lòng lũng. Ban ở ngang ngang tầm người anh nhưng lại ở bên kia mép vực đá. Nếu không sợ sa xuống vực, cứ vừa bước vừa ngước lên, thấy mây trời cứ vờn vào nhị, vào cánh ban trong suốt, ánh sáng như lọt qua một thứ giấy thông thảo hồng hồng. Nếu không sợ vấp, vừa bước vừa nhìn xuống vực sâu, thấy rừng hoa trắng như đang loãng ra trên dòng suối thăm thẳm xanh ve dưới lũng sâu. Trắng trời trắng núi một thế giới ban.”

hoa ban mộc châu
Đến Tây Bắc giờ, không còn thấy ban ngập trời dọc quốc lộ 6 như cách đây vài chục năm, nhưng nhiều đoạn đường vẫn thấy đẹp như tranh vẽ. Trên bức vẽ ấy, nhà họa sỹ đã phết những mảng mầu vàng óng của tre, trúc, cỏ khô, rồi lại điểm thêm những chấm trắng muốt nổi bật.  Cả 2 mảng màu ấy nằm bao quanh bởi màu xanh, xanh biếc của dòng suối long lanh dưới chân đồi, xanh thẳm của bầu trời cao lồng lộng.


Đến gần thêm 1 chút, thấy những chấm trắng ban nãy thực ra là những chùm hoa ban đang đong đưa trên nền xanh của những chiếc lá hình trái tim, của những nụ ban thon thon như búp tay người con gái đẹp thuở xa xưa. Những chấm trắng ta thấy lúc này vẫn trắng muốt nhưng lại phơn phớt hồng ở cuống, cánh xòe ra như cánh bướm, và nhị hoa là những chiếc râu xinh xắn. Màu trắng tinh khôi ấy đẹp là thế, nhưng cứ thử ngắt xuống mà xem. Chỉ một lát là héo rũ, ủ ê ngay. Ta nhận ra rằng, hoa chỉ đẹp khi còn trên cành.


Hoa ban gắn với người Thái cũng từa tựa như hoa đào ăn đời ở kiếp với người Mông vậy, nhắc đến chủ thể là liên tưởng đến loài hoa đại diện. Bởi thế, đi rừng cứ thấy hoa ban là y rằng chỉ bước thêm một đoạn nữa sẽ thấy một thung lũng có những nếp nhà sàn xinh xinh, mùi khói bếp quyện mùi xôi thơm lừng.

Món ăn từ hoa ban


Trong gian bếp ấy, thể nào cũng có một vài món ăn được làm từ hoa Ban. Nào là đồ xôi, nộm, nào xào... Bạn tôi, một người Thái chính gốc mơ màng nhắc về món canh xương hầm măng đắng, hoa ban cha mình vẫn hay nấu. Ấy là món canh người ta cho xương hầm thật nhừ, nước thật trong, cho măng đắng vào trước, khi chín rồi mới thả những cánh hoa ban tinh khôi vào, rắc chút mùi tàu và bắc ra ngay. Nồi canh bốc khói nghi ngút có mùi thơm của xương hầm, rau mùi, có những bông ban còn nguyên sắc trắng, có vị bùi thơm và ngọt mát của hoa ban, hơi đắng của măng. Bạn bảo: chẳng hiểu sao, măng đắng là thế, nấu với hoa ban lại ngọt hơn, lại rất đậm đà. Ngâm măng đắng với nước hoa ban cũng thế.

 

hoa ban mộc châu


Ngồi bên bát canh măng đắng - hoa ban, mơ hồ nhìn ra những cánh ban, bên tai bỗng vọng về câu hát “Nàng Ban xinh đẹp/ Yêu chàng trai Khun/ Tình duyên không thành/Chết hóa thành ban. Chợt nghĩ: sức mạnh của tình yêu lớn quá, chẳng gì có thể cản nổi khát vọng đến với nhau của con người. Và, thế là trong đầu nảy ra chủ đề câu chuyện: măng đắng, hoa ban hẹn nhau về cùng mùa xuân, để được hòa quyện với nhau, để đắng cay tan hết, chỉ còn ngọt bùi, yêu thương. 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây