Khi hoa mận, hoa đào lui dần theo mùa xuân cũng là lúc hoa ban lung linh bung mình khoe sắc. Những người phụ nữ Thái thường hái hoa đem bán ở chợ như một thứ rau sạch hay mang về nhà chế biến thành những món ăn độc đáo.
Thật không ngờ, những bông hoa ban trắng ngần hay phơn phớt tím hồng dịu dàng, e ấp ấy qua tay người phụ nữ dân tộc Thái lại trở thành những món ngon đến lạ kì. Sau khi hái hoa ban về, người ta nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa thật nhẹ nhàng sau đó trần qua nước nóng. Để cho thật ráo nước sau đó vò nát và chế biến thành các món xôi, nộm, xào, canh…
Xôi hoa ban
Với món xôi (thường được gọi là ban đồ) người ta thường chọn những bông hoa mới nở, rửa sạch, sau đó cho vào chõ đồ xôi đã chín. Ban đồ khi ăn chấm kèm với chẩm chéo (một gia vị truyền thống của dân tộc Thái). Lá và hoa ban có vị bùi, ngọt, thoang thoảng mùi thơm dịu, hòa quyện vào mùi nếp thơm quả là một trải nghiệm cực kì thú vị.
Hoa ban trở thành những món ăn ngon qua bàn tay của người phụ nữ dân tộc Thái.
Hoa ban nộm giềng
Và đây cũng là nguyên liệu chính để làm nên món nộm giềng độc đáo. Nộm giềng hoa ban không giống nộm vùng miền khác thường có lạc, chanh và vị chua mà gia vị trộn nộm hoa ban nhất thiết phải có một loại tương ủ lên men của dân tộc Thái và giềng giã nhỏ.
Hoa ban sau khi luộc kĩ cho hết chát, để nguội sẽ trộn với tương, giềng, các gia vị và thịt cá suối nướng, nêm cho vừa miệng. Với cách chế biến cầu kì nộm hoa ban thường được làm khi nhà có khách quý.
Sơ chế hoa ban
Còn đây là sản phẩm
Măng nộm hoa ban
Đây là một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi. Măng đắng sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo. Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt.
Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi.
Canh măng - hoa ban
Ngoài nộm với măng đắng thì hoa ban còn được dùng để nấu canh. Sau khi nấu, cánh hoa ban mềm mà không hề bị nát, có vị ngọt thanh. Món ăn vừa có vị đắng của măng lại xen lẫn vị ngọt của hoa ban. Ngoài ra hoa ban còn có thể vò nát trộn thịt băm, nhồi cá, gà nướng, xào…
Bát canh măng hoa ban cùng với nhiều loại rau rừng khác
Qua những món ăn thấm đẫm hương vị núi rừng từ hoa ban đã phần nào thể hiện được tinh hoa ẩm thực của dân tộc Thái trên mảnh đất xinh đẹp này và yêu thêm loài hoa được mệnh danh là linh hồn của núi rừng Tây Bắc.
Thành Đạo - ihay.thanhnien
Ý kiến bạn đọc